Monday, September 9, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTại sao trận vòng cung Kursk khiến phát xít Đức thất bại...

Tại sao trận vòng cung Kursk khiến phát xít Đức thất bại ở Mặt trận phía Đông?

Trận vòng cung Kursk xét về quy mô, kết quả và ảnh hưởng quân sự – chính trị được đánh giá là một trong những trận đánh then chốt của Thế chiến thứ 2.

Các mũi tấn công của quân Đức nhằm vào phòng tuyến của Hồng quân Liên Xô ở Kursk.


Ngày 5/7/1943, một trong những chiến dịch quan trọng nhất trong Thế chiến thứ 2 bắt đầu gần thị trấn Kursk. Đây là trận chiến quyết định liệu phát xít Đức có thể giành lại thế chủ động chiến lược ở Mặt trận phía Đông trước Hồng quân Liên Xô, sau thất bại ở thành phố Stalingrad hay không?

Tại sao Đức chọn thị trấn Kursk?

Mùa xuân năm 1943, trước viễn cảnh không thể thay đổi cục diện chiến trường sau trận Stalingrad, phát xít Đức buộc phải thực hiện một kế hoạch tấn công với quy mô chưa từng có nhằm lấy lại danh dự cũng như chọc thủng phòng tuyến của Hồng quân Liên Xô ở Kursk.

Trong khi đó phòng tuyến của Hồng quân ở Kursk cũng tạo ra sự đe dọa thường trực hai bên sườn và hậu phương của Cụm tập đoàn quân Trung tâm và Cụm tập đoàn quân phía Nam của phát xít Đức. Nếu bao vây, tiêu diệt thành công cánh quân của Liên Xô, phát xít Đức có thể vô hiệu hóa đáng kể lực lượng chủ lực của Moskva.

Trong mệnh lệnh ngày 15/4/1943, Bộ chỉ huy tối cao phát xít yêu cầu: “Chiến dịch này được đặt ở mức ưu tiên cao nhất. Nó phải thành công nhanh chóng và mang tính quyết định… Nên sử dụng các trung đoàn tốt nhất trong các mũi tấn công chủ yếu, vũ khí tốt nhất, chỉ huy giỏi nhất và đạn dược. Chiến thắng ở Kursk phải trở thành tín hiệu cho toàn thế giới”.

Trùm phát xít Đức Adolf Hitler cho rằng chiến thắng ở Kursk sẽ khẳng định sức mạnh của Đức, nâng cao uy tín với các đồng minh đang muốn rút khỏi cuộc chiến.

Để phục vụ cho trận đánh chiến lược quyết định này, quân đội Đức quốc xã đã huy động 22 sư đoàn bộ binh với tổng quân số hơn 900.000 quân, 17 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới với tổng số hơn 2.700xe tăng các loại trong đó có 800 chiếc Tiger – loại xe tăng chiến đấu chủ lực lừng danh của Đức, 10.000 khẩu pháo các loại và hơn 2.000 máy bay chiến đấu.

Lực lượng chiếm đến 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên Mặt trận phía Đông.

Hitler thậm chí còn đặt mật danh cho chiến dịch này là Citadel (Thành trì) như một cách khẳng định tầm quan trọng của chiến dịch này.

Tuy nhiên không may cho phát xít Đức là tình báo quân sự Liên Xô đã kịp thời phát hiện ra sự chuẩn bị cho chiến dịch ở Kursk. Sau khi phân tích tình hình, Bộ tư lệnh Tối cao Liên Xô (Stavka) đã quyết định tạm thời chuyển sang phòng thủ chiều sâu ở Kursk mặc dù áp đảo hơn đối phương về quân số.

Hồng quân Liên Xô đã xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc ở Vòng cung Kursk, bao gồm 8 tuyến phòng thủ với chiều sâu tác chiến từ 250 – 300km. Mật độ hỏa lực tại các tuyến phòng thủ đạt con số kỷ lục chưa từng có trong cuộc chiến.

Trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử

Sự thành công trong chiến dịch Citadel của phát xít Đức phần lớn phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ, lợi thế này đã không còn. Trong sáng sớm ngày 5/7, ngay trước khi quân đội phát xít tấn công, pháo binh Liên Xô đã thực hiện một cuộc tấn công khủng khiếp nhằm vào vị trí chuẩn bị của đối phương.

Khi chiến dịch Vòng cung Kursk diễn ra, Hồng quân Liên Xô cũng tập trung được lực lượng đáng kể với 1,3 triệu binh sĩ (hơn 600.000 quân dự bị), hơn 26.500 pháo và súng cối, hơn 4.900 xe tăng, pháo tự hành và khoảng 2.900 máy bay.

Bắt đầu trận chiến, hai nhóm chiến đấu phát xít Đức tiến hành tổng tấn công vào mặt phía Bắc và phía Nam của Vòng cung Kursk. Đức đặt ra mục tiêu xuyên thủng hàng phòng ngự của Hồng quân và hội quân tại thị trấn Kursk. Nếu điều này thành công, toàn bộ lực lượng Hồng quân sẽ bị hợp vây hoàn toàn.

Gặp phải sự kháng cự kiên cường của Hồng quân ở hướng tiến công phía Bắc, phát xít Đức chỉ tiến sâu được 6-8km vào tuyến phòng thủ. Đến ngày 12/7, mũi tấn công của Đức đã cạn lực lượng dự bị và phải chuyển sang thế phòng thủ.

Ở hướng tấn công phía Nam, mọi chuyện diễn ra thuận lợi hơn đối với quân phát xít.

Bị tổn thất nặng nề, phát xít Đức cuối cùng không thể xuyên thủng hàng phòng ngự của Liên Xô. Thay vì tiến tới thị trấn Kursk qua thành phố Oboyan, quân phát xít buộc phải tấn công vòng qua làng Prokhorovka.

Làng Prokhorovka cũng là nơi diễn ra trận chiến xe tăng lớn nhất Thế chiến thứ 2. Hơn 1.000 đơn vị thiết giáp của cả hai bên tham chiến.

“Bạn không thể diễn tả nó bằng lời, mọi thứ xung quanh đều chìm trong biển lửa: Máy móc, Trái đất, con người. Lửa bùng lên ở khắp mọi nơi. Sau mỗi chuyến bay, thợ máy phải vá hàng chục lỗ hổng trên máy bay. Prokhorovka là thứ đáng sợ nhất tôi từng thấy trong chiến tranh”, phi công Hồng quân Ykov Scheinkman nhớ lại.

Đến cuối ngày 12/7, khoảng 400 xe tăng của cả hai bên đã bị phá hủy, nhưng không ai giành được lợi thế trong cuộc chiến. Tuy nhiên, đây chính là dấu chấm hết cho Chiến dịch Citadel khi quân phát xít không thể phát động thêm bất kỳ đợt tấn công nào khác. Đổi lại, Hồng quân Liên Xô tổ chức phản công trên toàn mặt trận.

Với ưu thế khi tung lực lượng dự bị tham chiến, Hồng quân đã tiến được hơn 150 km về phía Tây, giải phóng các thành phố Orel, Belgorod và Kharkov.

Trước thông tin quân đội đồng minh đã đổ bộ lên đảo Sicily (Italia) đánh chiếm Syracuse, quân Đức cần xây dựng lực lượng dự bị bảo vệ sườn phía nam châu Âu. Chiến dịch Citadel phải dừng lại và kết thúc vào ngày 16/7/1943.

Kể từ khi bắt đầu vào ngày 5/7 và kết thúc ngày 23/8, trận vòng cung Kursk đã làm Hồng quân thiệt hại hơn 600.000 binh sĩ, trong đó có 255.000 người thiệt mạng hoặc mất tích khi chiến đấu.

Phát xít Đức cũng chịu tổn thất không kém với 400.000 đến 500.000 quân thương vong, chưa kể tới 1.500 xe tăng và pháo tự hành, hơn 3.700 máy bay và 3.000 khẩu pháo bị phá hủy. Đây chính là những đơn vị dự bị tinh nhuệ nhất của Đức quốc xã từ khắp các mặt trận dành cho chiến dịch.

Các nhà sử học Liên Xô đánh giá, thất bại ở Vòng cung Kursk đã rút cạn nguồn lực còn lại của quân phát xít. Quân Đức sau đó không thể tổ chức bất kỳ đợt tấn công quy lớn nào nữa và buộc phải chuyển sang thế phòng thủ ở Mặt trận phía Đông. Trái ngược lại, Hồng quân đã có thể chủ động trên chiến trường để mở các chiến dịch lớn đẩy Đệ tam đế chế tới con đường sụp đổ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới