Monday, September 9, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhìn lại Khởi nghĩa Bắc Sơn

Nhìn lại Khởi nghĩa Bắc Sơn

Khởi nghĩa Bắc Sơn là một trong những cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật, diễn ra tại Bắc Sơn, Lạng Sơn vào tháng 9 năm 1940.

Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940

Dẫu cuộc khởi nghĩa cuối cùng đã bị đàn áp, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bắc Sơn, nhân dân ta đã lần đầu tiên thành lập được chính quyền Cách mạng của riêng mình. Đây chính là tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi vang dội vào năm 1945. Nhân dịp kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập (năm 1945), Tạp chí Phương Đông kính mời quý độc giả cùng ôn lại những chặng đường oanh liệt của cuộc khởi nghĩa ấy qua đoạn trích Khởi nghĩa Bắc Sơn, trích từ cuốn sách cùng tên do Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1946.

Cuộc đấu tranh võ trang ở Bắc Sơn xảy ra thiếu chuẩn bị nên không có tính chất thống nhất. Tuy vậy, cũng có thể phân ra từng thời kỳ, từng cảnh để nhận xét.

  1. Lột khí giới bại binh

Như trên đã nói, quân Pháp thua ở Lạng Sơn, sợ chạy tán loạn vào dân chúng hoặc theo con đường qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Những lính đó phần nhiều là sĩ quan và lính Tây. Khi chúng chạy thường đem súng đạn đổi lấy cơm áo. Chạy như vậy mà có bọn vào nhà chức dịch bắt phu, đòi gạo hạch sách ra oai. Thấy thế, một số thanh niên trong đoàn Cách mạng liền kéo nhau đi lùng bắt lính Tây có súng để ra cướp lấy súng đạn. Những hành động ấy được đàn bà, trẻ con, ông già ủng hộ. Có nhiều tên lính Tây chống cự lại, bị dân chúng giết rồi hất xác xuống khe. Từ đấy, phong trào giết bại binh nổi dậy. Nhân dân nhất định trút nỗi căm hờn mà những người lính Tây kia đã phải trả nợ đậy[1] cho Đế quốc chủ nghĩa Pháp một cách oan uổng. Những dốc núi đá cao chất ngất, bọn lính mang giày săng đá chạy ngã lổng chổng. Từng loạt súng kép vang nổ là những xác thịt nặng nề rơi xuống như sung rụng; cũng có bọn lính sau khi đã giao súng nộp đạn được dân chúng cho ăn uống tử tế và chỉ đường cho.

  1. Phá châu và cướp trại lính

Hành động để giết lính Tây có thể nói là hành động chung của dân Thổ, Nùng miền Lạng Sơn trong lúc ấy. Nhưng tiến lên một bước cao hơn là tiêu diệt chính quyền của Đế quốc Pháp thì chỉ có dân chúng Bắc Sơn đã biết và đã dám làm. Quân Nhật vào Lạng Sơn được 1 ngày thì bùng ra 2 cuộc bạo động: cuộc thứ nhất ở Mỏ Nhai, nơi châu lỵ Bắc Sơn đóng. Viên tri châu thấy tình hình trong tỉnh biến động liền hết sức bố trí canh phòng. Một mặt đốc sức lính cơ, một mặt lấy thêm lính dõng ở các làng lên giữ châu.

Sáng sớm hôm 23/9/1940, dân cày ở những làng lân cận, người súng tay, kẻ súng kép kéo đến gần châu lỵ bắn một loạt súng thị oai. Ở trong thầy trò viên tri châu cũng bắn ít phát súng chống cự, nhưng được vài phút thì tự bỏ chạy. Viên tri châu xé hàng rào trốn thoát. Dân chúng rầm rộ kéo vào châu. Nơi đây, xưa kia là chỗ oai nghiêm, dân cày đi qua không dám liếc mắt nhìn, có việc gì phải vào thì ai nấy phải khúm núm bẩm báo, phải vâng dạ. Hôm nay, trái hẳn, dân cày Bắc Sơn chân đất đầu trần áo vá, vai đeo súng, tay cầm dao xồng xộc kéo vào công đường, vào tư thất của “cụ lớn”. Công việc trước tiên của họ là lục lọi khám xét bao nhiêu giấy má, án từ, đơn kiện chồng lên thành đống trước công đường, châm lửa đốt. Ấn son của “cụ lớn” bị vất vào đống tro hồng. Máy đánh chữ, khí giới bỏ lại, tài sản trong châu lỵ đều bị tịch thu, thứ gì không lấy đều bị phá phách tan tành.

Trong ngót một tiếng đồng hồ, châu Bắc Sơn đã thành một nơi hoang phế, đổ nát. Phá châu xong, dân chúng hội họp một lúc rất lâu rồi dần dần lại đâu về đấy. Có nhiều người Cách mạng trong tình thế ấy, tự cảm thấy phải có những hành động cao hơn, ráo riết hơn. Nhưng vì trình độ chính trị thấp nên không biết xoay xở ra sao, đành chịu họp nhau lại bàn tán phí mất cả ngày giờ.

Cuộc thứ hai ở Bình Gia. Bình Gia là một nơi có trại lính, có một viên đại lý người Pháp, cách Mỏ Nhai chừng hơn chục cây số. Khi lính bại trận chạy qua bỏ khí giới lại đó rất nhiều. Viên đại lý thấy tình hình nguy ngập, than khóc suốt ngày. Thấy lính từng toán mang khí giới kéo đi, lệnh nào cũng không giữ lại được, nó cũng tìm đường đào tẩu nốt. Hàng trăm dân chúng gần đấy kéo nhau vào chiếm đồn. Cai, đội, lính, còn ít người ở trong đồn thì một phần theo quân khởi nghĩa, một phần bỏ chạy không dám chống cự. Dân chúng kéo vào đồn. Sau khi bắt người canh gác, họ lục soát, tịch thu được ngót 30 khẩu súng trận hạng tốt và 12 hòm đạn. Sau khi phá phách ít nơi và giữ đồn mấy tiếng đồng hồ, dân chúng hò reo kéo về các làng, mang theo cả súng đạn lấy được. Đàn bà, trẻ con vui mừng vì đều cho rằng từ đây thoát khỏi ách Tây, nghĩa là thoát ách sưu cao thuế nặng, ách phu phen cực khổ. Cũng như ở Mỏ Nhai, ngoài việc cướp trại lấy khí giới rồi đi, không có hành động gì hơn nữa.

  1. Giặc Pháp khủng bố

Thành Lạng Sơn đã vào tay Nhật, giặc Pháp vội vã kéo cờ hàng. Đờ-cu[2] quỳ xin ký một Hiệp ước nhục nhã. Theo Hiệp ước, Nhật chiếm đóng nhiều căn cứ quân sự ở Bắc Kỳ và Pháp phải đình chỉ việc thông thương với Tàu… Rồi quân Nhật vẫn đóng ở Lạng Sơn, những châu phủ vẫn thuộc quyền của giặc Pháp. Sau đó ít ngày vùng Lạng Sơn cũng như nhiều địa phương khác, lộn xộn, vô chính phủ, không ai cai trị.

Tuy vậy, ở Bắc Sơn không hề xảy ra chuyện trộm cướp, hãm hiếp, trả thù riêng như nhiều nơi khác. Dần dần, giặc Pháp dựng lại chính quyền ở những nơi đã mất. Chúng lại thu nhặt những lính bại trận và mộ thêm ít lính mới kéo về đóng ở Bình Gia và Mỏ Nhai. Vì muốn che sự xấu hổ và muốn trả thù, giặc Pháp bắt đầu khủng bố rất tàn nhẫn. Chúng chĩa súng vào làng bắn như mưa và doạ nếu không mang súng đạn trả “Nhà nước” thì sẽ giết hết. Trước sự khủng bố ghê gớm, dân chúng hãy còn ít giác ngộ và dày dạn, phải khiêng những hòm đạn chiếm được trước kia ra trả. Chưa thôi, giặc Pháp còn vào làng lôi nhiều người ra chợ Mỏ Nhai, Bình Gia để bắn. Trong số người bị bắn có vài đồng chí Cộng sản. Chúng nghi những người đó cầm đầu phong trào. Chưa hết, chúng vào các nhà cướp lợn, gà, lúa gạo của dân để ăn. Chúng phóng hỏa đốt nhà của những người vô tội. Dân chúng nháo nhác chạy trốn, đem thóc lúa vào hang hốc. Giặc Pháp gây nên một tình trạng rất thê thảm, hỗn độn. Đấy là động lực chính thức dậy dân chúng Bắc Sơn phải tranh đấu quyết liệt hơn để bảo vệ lấy tính mạng, tài sản của mình.

Thời kỳ thứ hai

  1. Tranh đấu chống khủng bố

Dân chúng Bình Gia và Mỏ Nhai bị khủng bố trực tiếp và dữ dội ngay lúc đầu, thành ra tinh thần bị giảm sút và một cớ nữa là những đoàn thể ở đó quá yếu ớt, không giữ gìn nổi tinh thần tranh đấu của nhân dân, cho nên không sao ngóc dậy đối đầu với khủng bố được. Song ở mấy nơi trong tổng Nhất Thể như Vũ Lăng, Phe Khao, Nam Nhi, Mỏ Suốt, Nà Ruông… thì khá hơn. Có một số đồng chí địa phương thấy tình hình khủng bố ngày một lên cao, bèn cổ động mọi người trong vùng tụ tập lại, tập trung khí giới, chia thành từng bọn đi chặn các ngả đường, ngăn không cho quân Tây kéo vào giết người, cướp của, đốt nhà. Giặc Pháp đồng thời khủng bố vùng Mỏ Nhai, Bình Gia, lại phái lính về Vũ Lăng, Nhất Thể để thi hành chính sách tàn bạo. Chúng đến đâu dân chạy trốn đến đấy. Khi vào sâu vùng Nam Nhi, Phe Khao bị dân chúng mai phục những nơi hiểm yếu, chặn đánh mấy lần, nên từ đấy chúng cũng gờm, không dám tự do, xông xáo như trước nữa. Nhờ những hành động can đảm của một số anh em nên dân chúng các nơi lại hăng hái nổi lên hưởng ứng chống khủng bố và duy trì được cuộc đấu tranh võ trang dai dẳng như sau này.

  1. Giết chó săn phản động

Trước lúc chính quyền Pháp chưa suy yếu, ở Bắc Sơn cũng như ở nhiều nơi trong nước, có nhiều kẻ mặt người dạ thú đi rình mò Cách mạng, báo với Tây kiếm miếng cơm thừa. Đến lúc chúng thấy thế lực Pháp bại hoại thì im thin thít. Dân chúng Bắc Sơn ít kinh nghiệm chính trị thấy chúng hàng phục, bèn thả lỏng cho chúng, không tiêu diệt chúng đi. Đến khi Đế quốc trở lại khôi phục chính quyền và thi hành khủng bố trắng thì bọn chó săn đẻ ra như nhặng. Lũ vô lương bán nước ấy hăng hái hơn lúc nào hết. Chúng tưởng dân chúng chịu ép một bề không dám tranh đấu nữa, nên nào chỉ từng nhà cho Tây đốt, chỉ từng người cho Tây giết. Chúng khiêu khích, hãm hại bao gia đình. Sự đau đớn, phẫn uất như cắt ruột băm gan dân chúng. Vì vậy, những nhóm người có khí giới phải một mặt chống cự với quân Tây, một mặt kéo những tên chó săn phản động ra trước mặt dân chúng kể tội bán nước hại dân rồi giết đi. Những hành động quyết liệt ấy làm cho tình thế nghiêm trọng. Dân Bắc Sơn chỉ một ngày một tiến sát tới quân thù chứ không thể nào lùi được nữa – lùi là chết.

  1. Lập căn cứ quân sự Cách mạng

Sau khi tổ chức đội quân Cách mạng chính thức và cơ quan chỉ huy quân sự, ban chỉ huy quân sự liền bố trí nơi căn cứ. Những đội quân được lệnh canh gác các ngả đường, ngăn quân địch và theo lệnh giới nghiêm khám xét những người ra vào nơi căn cứ để ngăn ngừa mật thám của Tây. Khắp trong căn cứ và các vùng lân cận thường trực ngày đêm có đội quân đi tuần tiễu và kiêm việc tuyên truyền chính sách Cách mạng. Tuyên bố trong phạm vi Cách mạng không có ai có quyền đeo súng nếu chưa được ban chỉ huy quân sự cho phép. Nhờ đó, những súng rải rác mọi nơi dần dần tập trung vào trong tay quân Cách mạng, chuẩn bị nơi tích trữ lương thực và nơi chứa khí giới. Thiết lập những cơ quan quân sự và cơ quan chính trị liên lạc với nhau đặng cùng chỉ huy trong vùng căn cứ. Dân chúng trong vùng căn cứ hết sức nhộn nhịp tưng bừng. Những cảnh tượng âm thầm than thở lúc này không có nữa. Ai nấy đều hăm hở giữ gìn quyền tự do, độc lập trong một vùng.

  1. Giải tán chính quyền Đế quốc trong hương thôn

Đồng thời với mọi công việc khác, việc giải tán chính quyền Đế quốc trong hương thôn là cần. Ban chỉ huy quân sự phái từng tiểu đội hợp sức với các Uỷ viên chính trị địa phương vào các nhà tổng lý tịch thu bằng, triện, giấy má. Các tổng lý cũng vui lòng không chống cự. Có nhiều anh em chức dịch tự đem sổ sách đến cơ quan chỉ huy nộp và tình nguyện giúp công việc Cách mạng là khác. Đã tịch thu mọi giấy tờ quan hệ về sự cai trị của Đế quốc, các người phụ trách liền họp các cuộc mít tinh lớn đứng trước dân chúng tuyên bố. Những cánh phó tổng lý dịch, những châu xã đoàn trước kia làm đầy tớ công không cho Tây bây giờ còn có quyền hành gì nữa. Nếu kẻ nào ngấm ngầm hay ra mặt dựa vào quyền thế cũ hà hiếp dân chúng, lập tức sẽ bị trừng trị bởi toà án quân sự Cách mạng. Mọi công việc đều xếp đặt trị an trong khu vực, tạm do cơ quan quân sự hiệp lực với đại biểu các làng quản trị lấy để đi tới một Chính phủ Cách mạng lâm thời.

  1. Tịch thu tài sản của bọn Việt gian phản động

Lúc đầu dân chúng chỉ đi lùng giết bọn chó săn, không hề động chạm tới tài sản của chúng. Nhưng sau đó, Uỷ ban quân sự ra lệnh tịch thu tài sản của bọn phản động chia cho dân nghèo (nhất là những người bị Tây đốt nhà) và một phần để cấp cho quân đội Cách mạng. Bởi vậy, những quần áo, chăn mền, tiền bạc, lúa gạo, ruộng đất của bọn phản động tịch thu được khá nhiều. Tên chánh Hương, một tên chó săn giàu nhất vùng, đã giúp Đế quốc đốt nhà dân, bị quân Cách mạng tịch thu hết tài sản. Hành động ấy được dân chúng hoan nghênh hết sức và làm cho tinh thần quân đội phấn khởi thêm.

  1. Những cuộc tấn công của quân Cách mạng

Muốn củng cố được nơi căn cứ, phải tấn công quân thù luôn luôn không ngớt. Vì vậy, sau mấy ngày chỉnh bị quân đội và bố trí căn cứ, quân Cách mạng liền bắt đầu tích cực hành động. Đầu tiên đánh đuổi một toán lính dõng ra khỏi nơi căn cứ, cuộc thứ hai đánh úp đuổi lính gác ở làng tên chánh Hương phản động, cuộc thứ ba đánh trường Vũ Lăng là nơi lâu nay Đế quốc vẫn lấy làm trại để tấn công Cách mạng. Ngày 25/10/1940, quân Cách mạng bao vây đánh chiếm được trại đó. Sau khi chiếm được trường Vũ Lăng, ảnh hưởng vang dội. Quần chúng Thổ, Mán các nơi xa kéo đến mang theo khí giới, lương thực giúp đỡ và hoan hô quân Cách mạng rầm rộ. Chiếm xong Vũ Lăng, liền chuẩn bị tập kích đồn Bắc Sơn. Đội tiên phong của quân Cách mạng đã tiến tới địa giới Bắc Sơn, chỉ cách 2km là đến châu lỵ. Những đội quân khác đã lục tục ở nhiều ngả đường kéo tới. Nhưng vì quân đội ô hợp, khí giới kém quân thù, cách bố trí chiến thuật không khéo, nên cuộc tấn công đó trở thành thất bại.

  1. Thoái thủ

Cuối tháng 10/1940, thế lực của giặc Pháp ở Lạng Sơn tương đối khôi phục lại. Chúng đã đủ thì giờ để tập trung quân đội đối phó với quân Cách mạng. Một mặt trong địa phương, quân Cách mạng vẫn có bọn chó săn tay sai của Đế quốc đeo mặt nạ Cách mạng trà trộn vào do thám tình hình. Bọn chó săn ấy đã gieo những tin tức làm cho hoảng hốt tinh thần quân đội, đã chỉ lối cho Đế quốc vào nội địa căn cứ Cách mạng. Chính vì vậy nên buổi chiều ngày 28/10/1940, được bọn phản Cách mạng đưa đường, quân lính đế quốc Pháp kéo vào đánh úp đội quân Cách mạng ở Vũ Lăng. Quân Cách mạng vì ít kinh nghiệm chiến đấu nên chỉ cầm cự được một cách yếu ớt rồi bị tan vỡ.

Quân thù nhân đấy tràn sâu vào nơi căn cứ đàn áp dân chúng. Những đội quân Cách mạng đóng ở một nơi khác thiếu người duy trì lãnh đạo nên dần dần tự giải tán. Tuy vậy, một số người còn tinh thần tìm kiếm nhau họp thành từng tiểu đội, rút vào rừng thế thủ. Đội quân ấy ngày một to ra, hợp với nhân dân Cách mạng ở vùng Đình Cả, Tràng Xa (Thái Nguyên) thành đội quân du kích chiến đấu chống Pháp – Nhật trong 8 tháng (từ tháng 9/1941 đến tháng 4/1942) sau này. Cách mạng đã thoái thủ, Đế quốc Pháp đã lan tràn. Dân chúng bồng bế con cái, dắt trâu bò chạy trốn. Thế là căn cứ quân sự lại về tay quân giặc. Tuy vậy, ròng rã hàng tháng, dân chúng Bắc Sơn được hưởng độc lập, tự do, nhất là đã nêu cao tấm gương chiến đấu oanh liệt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới