Wednesday, October 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiẤn Độ, thế giới và TQ

Ấn Độ, thế giới và TQ

Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là láng giềng mà còn là hai nền văn minh cổ xưa gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao đối với thế giới. Tôi sẽ bàn về ba vấn đề từ góc độ vĩ mô của quan hệ quốc tế.

Công cuộc hiện đại hóa của Ấn Độ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài

Sau khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, công cuộc hiện đại hóa của Ấn Độ đã trải qua những thay đổi lớn lao. Sau cuộc bầu cử này, truyền thông phương Tây đã có thái độ tương đối tiêu cực đối với Ấn Độ, mà chủ yếu là chỉ trích ông Modi từ góc độ dân chủ và tự do, cho rằng ông độc tài, chuyên quyền và phản dân chủ.

Ngược lại, quan điểm của tôi khá tích cực. Ấn Độ đang cùng lúc tiến hành công cuộc kiến thiết nền kinh tế và kiến thiết đất nước. Sau khi giành được độc lập, chế độ chính trị của Ấn Độ về cơ bản kế thừa hệ thống của Anh, nhưng việc xây dựng thể chế nhà nước cơ bản thì vẫn chưa đạt đến độ hoàn thiện. Nếu tham khảo kinh nghiệm hiện đại hóa của các quốc gia châu Âu như Pháp hay Đức, việc xây dựng thể chế nhà nước cơ bản phải trải qua một thời gian tập trung quyền lực tương đối dài. Tôi chia thể chế nhà nước thành ba phần. Phần lớn thể chế nhà nước phải được thiết lập trước khi dân chủ hóa. Nếu không thể thiết lập được trước khi dân chủ hóa thì sẽ khó thiết lập được sau khi dân chủ hóa. Chế độ an sinh xã hội đầu tiên của Đức được thiết lập dưới sự cai trị chuyên quyền của Otto von Bismarck. Tuy nhiên, cũng có nhiều chế độ phải được thiết lập sau khi dân chủ hóa, ví dụ như chế độ đa đảng, xã hội dân sự, chế độ bầu cử… Có nhiều chế độ được thành lập trước khi dân chủ hóa sẽ trải qua những thay đổi đáng kể sau khi dân chủ hóa, ví dụ như hệ thống phúc lợi. Từ góc độ này, nếu Ấn Độ muốn trở thành một quốc gia hiện đại hóa, nước này vẫn cần một thời gian tập trung quyền lực tương đối dài, nhưng sự tập trung quyền lực này không nhất định là điều mà phương Tây gọi là “chuyên chế”. Kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền đến nay, những biến đổi chính trị ở Ấn Độ thậm chí còn quan trọng hơn những thay đổi về kinh tế, đặc biệt là những thay đổi trong hệ thống đảng phái.

Tôi từng hỏi S.R. Nathan, vị Tổng thống gốc Ấn Độ của Singapore, câu hỏi rằng: Đâu là khác biệt lớn lao giữa Trung Quốc và Ấn Độ? Ông đã nói hoàn toàn chuẩn xác về một điểm. Hệ thống chính trị của Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, điều này được xây dựng qua hơn một trăm năm cách mạng và chiến tranh, qua đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển thành hạt nhân chính trị của nước này. Tuy nhiên trên thực tế, Ấn Độ chưa từng thực sự thiết lập được một hạt nhân chính trị tương tự. Về cơ bản, Đảng Quốc đại Ấn Độ (Indian National Congress) là một đảng phái gia tộc. Thủ tướng Modi có đóng góp to lớn là đã đưa Đảng Bharatiya Janata từ một đảng khu vực thành một đảng quốc gia, điều này đem lại tác động lớn lao cho sự phát triển của Ấn Độ. Ngày nay, Đảng Bharatiya Janata đã nắm quyền lần thứ ba, điều này ngược lại cũng mang đến sự thúc đẩy đáng kể cho sự phát triển của Đảng Quốc đại. Những thay đổi trong hệ thống đảng phái chính trị của Ấn Độ sẽ đem đến tác động rất tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này. Từ góc độ này, Ấn Độ tiếp theo đây sẽ có ​​sự tập trung quyền lực trong một thời gian tương đối dài. Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế thì kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đều cần xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ấn Độ tiến hành vấn đề này như thế nào? Nếu không sở hữu thể chế có quyền lực tương đối tập trung thì sẽ rất khó thực hiện. Việc công nghiệp hóa cơ sở hạ tầng thực sự đòi hỏi những thay đổi trong thể chế chính trị. Công cuộc kiến thiết đất nước của Ấn Độ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài.

Ấn Độ sẽ không hoàn toàn trở thành đồng minh của phương Tây

Ngoại giao là sự mở rộng của các vấn đề đối nội và những thay đổi trong các vấn đề đối nội của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với phương Tây.

Thứ nhất, Ấn Độ sẽ không hoàn toàn trở thành đồng minh của Mỹ. Mặc dù phương Tây muốn sử dụng Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc vì những cân nhắc về địa chính trị nhưng Ấn Độ vẫn sẽ tuân theo chính sách đối ngoại độc lập tự chủ. Nếu Ấn Độ trở thành đồng minh với Mỹ, điều đó sẽ hạn chế không gian ngoại giao của nước này. Đối với Mỹ, Nga và Trung Quốc, Ấn Độ đều có lợi ích quốc gia của riêng mình. Ấn Độ đã làm rất tốt trong việc xử lý cuộc chiến Nga-Ukraine lần này. Nước này vừa lên án Nga, lại vừa lên án việc NATO siết chặt không gian an ninh của Nga. Đừng đánh giá thấp sức mạnh ngoại giao của Ấn Độ. Thậm chí, tôi nghĩ họ có một số điều mà Trung Quốc có thể học hỏi.

Thứ hai, quan hệ kinh tế và thương mại của Ấn Độ với các nước phương Tây còn hạn chế. Trước hết, Ấn Độ vẫn chưa đạt đến giai đoạn mở cửa toàn diện và sâu sắc, việc miễn thuế quan không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ. Ấn Độ sẽ vẫn thực hiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở một mức độ nhất định trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước trở nên mạnh mẽ hơn, nước này sẽ dần mở cửa. Thứ hai, Ấn Độ có thể thu hút một số ngành sản xuất của phương Tây, nhưng sẽ khó đạt được trình độ phát triển như ngành sản xuất của Trung Quốc. Ngày nay đã không còn tồn tại những điều kiện tương tự như những điều kiện từng cho phép Trung Quốc tiếp nhận một lượng lớn các ngành sản xuất của phương Tây trong những năm 1980 và 1990. Các nước phương Tây nhận thức được những hạn chế của quá trình phi công nghiệp hóa và giờ đây sẽ cố gắng giữ cho ngành sản xuất, ngành công nghiệp ở lại trong nước. Đồng thời, một nền công nghiệp sản xuất có quy mô lớn như Trung Quốc đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. So sánh với điều đó, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Sở hữu tư nhân, pháp quyền… cũng hạn chế quyền lực nhà nước ở Ấn Độ. Ấn Độ khó thực hiện được việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ làm hạn chế sự phát triển của ngành sản xuất ở nước này. Cuối cùng, do sự bất mãn với Trung Quốc nên Mỹ đang nghiêng về Ấn Độ, nhưng xu hướng này có thể không bền vững. Mỹ đã từng kiềm chế Nhật Bản, Đức và Pháp, khi lợi ích kinh tế thực tế của mình bị tổn hại, nước này cũng sẽ kiềm chế Ấn Độ.

Thứ ba, có những hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ từ phương Tây sang Ấn Độ. Cho đến nay, Trung Quốc đã trải qua hai giai đoạn. Thời kỳ đầu là ứng dụng công nghệ phương Tây nhưng hiện nay Trung Quốc đã tìm ra những ngành có lợi thế so sánh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mới và kinh tế số. Mỹ chắc chắn sẽ không từ bỏ việc kìm hãm những ngành đại diện cho hướng đi của các ngành công nghiệp trong tương lai như Internet, trí tuệ nhân tạo hay năng lượng mới. Sự phát triển trong tương lai của Ấn Độ, ngoài việc tiếp quản các ngành công nghiệp gia công, sản xuất của phương Tây, còn phụ thuộc vào việc nước này có thể phát triển các ngành công nghiệp mới trong nước hay không.

Thứ tư, sự chỉ trích và mâu thuẫn của phương Tây đối với Ấn Độ sẽ ngày càng lớn hơn. GDP của Mỹ vượt xa Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, điều tồi tệ là khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ bị nới rộng, còn điều tốt là Mỹ sẽ không tỏ ra quá đáng sợ trước Trung Quốc. Ấn Độ trỗi dậy với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và có tiềm năng lớn về lợi tức dân số. Với sự trỗi dậy nhanh chóng của Ấn Độ, Mỹ sẽ dành cho Ấn Độ ngày càng nhiều lời chỉ trích trên nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại, khí hậu và bảo vệ môi trường, sự chuyên chế, vấn đề chủng tộc, vấn đề dân chủ… Ấn Độ cần phải chuẩn bị đầy đủ về những vấn đề này.

Trung Quốc và Ấn Độ cần tăng cường trao đổi

Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ là một mối quan hệ rất phức tạp. Những thay đổi trong quan hệ giữa Ấn Độ và phương Tây, giữa Trung Quốc và phương Tây đều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Ấn. Hai nước là những quốc gia độc lập và việc xử lý mối quan hệ hai bên đòi hỏi sự sáng suốt của lãnh đạo hai nước. Đối với Ấn Độ, dù có thể lợi dụng quan hệ Trung-Mỹ để đối phó với Trung Quốc nhưng phần mà nước này có thể sử dụng vẫn còn hạn chế. Mục tiêu duy nhất của Mỹ là trở thành kẻ đứng đầu thế giới, phải ngăn cản những kẻ thách thức “bên ngoài hệ thống” như Liên Xô cũ, Nga và Trung Quốc hiện tại; cũng như ngăn chặn những kẻ thách thức “bên trong hệ thống”. Nga từng muốn gia nhập châu Âu và phương Tây vào những năm 1990, nhưng Mỹ đã từ chối. Điều này là bởi nếu Nga trở thành một phần của hệ thống liên minh, nước này sẽ có khả năng thách thức sự lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống. Vì vậy, theo logic quyền lực, Ấn Độ không thể trở thành đồng minh của Mỹ. Mối quan hệ đồng minh của Mỹ không phải là mối quan hệ bình đẳng, mà cần “sự vâng lời”.

Đối với Trung Quốc, nghiên cứu của chúng ta về Ấn Độ vẫn chưa đủ. Về mặt địa chính trị, Trung Quốc và Ấn Độ tuy là láng giềng nhưng lại không có tính cạnh tranh cao. Trung Quốc không có tầm nhìn địa chính trị như cách Mỹ và Liên Xô muốn xây dựng một đế chế bành trướng, mối quan tâm địa chính trị của Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong không gian riêng của họ. Cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962 không bắt nguồn từ nguyên nhân địa chính trị như lời của một số học giả phương Tây, mà do một vài nguyên nhân cụ thể khác. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang phát triển mối quan hệ với ASEAN. Ngoài ra, bản thân Trung Quốc và Ấn Độ đều là một phần của “phương Nam toàn cầu”. Trong “phương Nam toàn cầu” cũng có sự cạnh tranh nhưng thiên về mối quan hệ hợp tác hơn, cạnh tranh cũng có thể là cạnh tranh lành mạnh.

“Phương Nam toàn cầu” rất đa nguyên và phong phú. Trung Quốc và Ấn Độ nên tận dụng lợi thế so sánh của mình ra sao để thúc đẩy sự phát triển của “phương Nam toàn cầu”? Câu hỏi này vô cùng quan trọng. Về kinh tế và thương mại, Trung Quốc và Ấn Độ rất có tính bổ sung cho nhau. Các ngành sử dụng nhiều lao động của Trung Quốc đang dần mất đi lợi thế, một lượng lớn các ngành sản xuất cấp trung và cấp thấp đang chuyển sang Đông Nam Á, Nam Á và các nước khác, trong đó có Ấn Độ. Ngày nay, Trung Quốc đề xuất lực lượng sản xuất mới với mục tiêu nâng từ mức phát triển trung bình lên mức phát triển, trong khi nền kinh tế Ấn Độ ở mức phát triển trung bình thấp và có thị trường rộng lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Cả hai nước đều có mối liên hệ rất tốt với “phương Nam toàn cầu” và hai nền kinh tế rất có tính bổ sung cho nhau trong mối quan hệ với “phương Nam toàn cầu”. Về mặt văn hóa, phần lớn người Trung Quốc đều rất thân thiện với Ấn Độ. Chúng ta nên cố gắng hết sức để tăng cường giao lưu nhân dân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới