Sunday, September 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng mơ Mỹ bảo vệ Việt Nam ở biển Đông

Đừng mơ Mỹ bảo vệ Việt Nam ở biển Đông

Trước thông tin vụ UAV Trung Quốc bay gần bờ biển Việt Nam. Dư luận bắt đầu lái sang việc phải bắt tay với Mỹ, liên minh với Mỹ để Mỹ bảo vệ Việt Nam. Nói lại bao nhiêu lần rồi, nhưng ngay bây giờ sẽ là một ví dụ về việc tàu chiến Trung Quốc có hành động cực kỳ căng thẳng, tỏ rõ thái độ khiêu khích với đồng minh thân cận số 1 Đông Nam Á của người Mỹ, mà tàu chiến Mỹ đứng cạnh mà không dám làm gì.

Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống trong bức ảnh chụp ngày 6.7

Nó cho thấy rằng đồng minh là một chuyện, còn bảo vệ hay không là chuyện khác. Các nước lớn họ cũng rất kiềm chế, chứ không có chuyện thấy tàu lạ là nhảy vào tẩn ngay cho chúng nó biết mặt.

Theo báo chí quốc tế, ngày 7/8, Hải quân Mỹ, Australia, Canada và Philippines đã lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận chung phô trương sức mạnh nhằm thúc đẩy thực thi luật pháp trên Biển Đông, nơi đang chứng kiến Trung Quốc gia tăng các yêu sách chủ quyền phi lý. Như thường lệ, trong một phản ứng thường thấy trong vài năm trở lại đây, các chiến hạm Trung Quốc lập tức theo đuôi cuộc tập trận của 4 quốc gia ngoài khơi bờ biển Philippines.

Nói là thường thấy trong vài năm trở lại đây, bởi lẽ trước đây mỗi khi Mỹ và đồng minh tập trận ở Biển Đông thì sau đó ít ngày mới tới lượt Trung Quốc tiến hành tập trận. Nhưng bây giờ, họ tập trận cùng thời điểm, cũng như tăng cường các chiến hạm thực hiện các hành vi giống như là do thám, theo dõi cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh. Không những thế, trong lần tập trận này, 3 chiến hạm Trung Quốc đã hoạt động cách nhóm tàu chiến Mỹ và đồng minh chỉ 1 – 2 hải lý.

Tường thuật lại tình hình tập trận, cổng thông tin Viện Hải quân Mỹ (USNI) cho hay, khi trực thăng CH-148 trên tàu HMCS Montreal chuẩn bị cất cánh, tàu chiến Trung Quốc đã bất thình lình xuất hiện ở mạn phải của chiến hạm Hải quân Hoàng gia Canada. Tàu hộ tống tên lửa kiểu 056 mang tên Ngô Châu, số hiệu 626, đã ở gần khu vực tập trận suốt thời gian còn lại trong ngày, khi các chiến hạm của Mỹ và đồng minh tổ chức tập trận ngoài khơi bờ biển Philippines vào ngày 7/8.

Khi tuần dương hạm tên lửa Lake Erie (CG-70) của Hải quân Mỹ gặp tàu hộ vệ Montreal của Hải quân Canada và 2 tàu của Hải quân Philippines vào sáng ngày 7/8, tàu Ngô Châu đang hoạt động bên mạn phải tàu Canada.

Các cuộc trao đổi trên tàu vào sáng hôm đó cho thấy thủy thủ đoàn biết rằng tàu Trung Quốc đang bám đuôi, và các thủy thủ được khuyên rằng không nên mang điện thoại cá nhân lên boong. Montreal đã triển khai trực thăng CH-148 để có thể chụp ảnh toàn cảnh 4 tàu Montreal, Lake Erie, BRP Jose Rizal và BRP Ramon Alcaraz. Tàu Ngô Châu tiếp tục hoạt động ở mạn phải của Montreal trong suốt chuyến bay. Thậm chí, một trong các tàu của Trung Quốc cũng phóng trực thăng.

Phi hành đoàn chiếc CH-148 đã thận trọng điều động để giữ khoảng cách với tàu Trung Quốc, nhưng các tàu chiến Trung Quốc vẫn nằm trong tầm nhìn của họ trong suốt cuộc hành trình. Các hình ảnh chụp lại tại hiện trường cho thấy, nhiều thời điểm các chiến hạm của Trung Quốc đã áp sát 4 tàu chiến của Mỹ và đồng minh trên khu vực Biển Đông với cự ly không tới 1 hải lý (khoảng 1,8 km).

Theo quan sát của USNI từ một trực thăng thuộc Không quân Hoàng gia Canada bay treo trong cuộc tập trận, 3 tàu chiến Trung Quốc bao gồm 2 tàu hộ tống kiểu 056, 1 tàu hộ vệ 4.000 tấn kiểu 054A đã bao vây các tàu của Mỹ và đồng minh khi họ tìm cách hoàn thành bài diễn tập bằng một cuộc diễu hành thị uy sức mạnh theo đội hình kim cương.

Điều đáng nói, nhóm tàu chiến của Mỹ và Philippines đang thực hiện cuộc tập trận ở khu vực nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines với bề rộng khoảng 200 hải lý tính từ bờ biển.

Sau khi kết thúc cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, Australia, Philippines cùng Đô đốc Sam Paparo, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã ra tuyên bố chung: “Australia, Canada, Philippines và Mỹ bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động sử dụng hợp pháp trên biển và không phận quốc tế, cũng như tôn trọng các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế đã được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Nhắc lại một cách vắn tắt để rõ diễn biến, ít nhất 3 tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Philippines tiến hành theo dõi, có lúc như bao vây 4 tàu chiến của Mỹ, Australia, Canada và Philippines.

Phản ứng của Mỹ và các nước đồng minh Philippines là gì? Họ đơn giản là im lặng, làm công việc của mình, tiếp tục hoàn thành cuộc diễn tập mà thôi. Đến cả Hải quân Mỹ, họ tham gia cuộc tập trận với Hải quân Philippines nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, nhưng khi gặp tàu chiến Trung Quốc theo đuôi bám sát, họ vẫn giữ thái độ bình tĩnh, làm việc của mình, chứ không như cư dân mạng Việt Nam hiếu chiến, kêu gọi là phải bắn ngay kể cả UAV nhà nó đang bay trên không phận quốc tế.

Nếu đây là tàu chiến Trung Quốc hoạt động ngay cạnh đội hình tập trận của Hải quân Việt Nam, chắc là nhiều người sẽ nhảy dựng lên. Nhưng tình hình Biển Đông bây giờ phải tập làm quen với cái chuyện khiêu khích nhau thẳng thừng như thế này. Đừng hơi tí là nhảy dựng lên đòi chiến tranh ngay tức thì. Chiến tranh không phải trò chơi để cứ mở miệng là đòi đánh nhau.

Thực ra, nói theo kiểu dân dã thôi, còn chiếu theo công ước quốc tế về luật biển của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam, Philippines, Trung Quốc đều là thành viên thì nghe còn khó chịu hơn nữa.

Tập trung sâu thêm về quy định hoạt động của tàu quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế, Điều 56 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 quy định, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán mang tính chất độc quyền trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và phi sinh vật, và các hoạt động thăm dò, khai thác kinh tế khác, như tạo năng lượng từ nước, dòng chảy và gió.

Quyền chủ quyền không chỉ bao gồm quyền được trực tiếp thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, mà bao gồm tất cả các quyền cần thiết cho hay liên quan đến các hoạt động đó. Quyền tài phán của quốc gia ven biển liên quan đến ba lĩnh vực: (i) xây dựng và sử dụng đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc nhân tạo, (ii) nghiên cứu khoa học biển, và (iii) bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Trong các lĩnh vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, mọi hoạt động đều cần phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển đó.

Đó là các quyền của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Nhưng phải hiểu rằng vùng EEZ không thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển và do đó các quốc gia khác có nhiều quyền rộng rãi hơn so với trong lãnh hải. Theo UNCLOS 1982, trong lãnh hải 12 hải lý, các quốc gia khác chỉ có quyền qua lại vô hại (bên cạnh quyền miễn trừ dành cho tàu chiến), nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các quốc gia khác có các quyền tự do về hàng hải, hàng không và lắp đặt cáp và ống ngầm. Nói cách khác, không có hạn chế nào đối với tàu thuyền quân sự áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế. Nếu hiểu theo nghĩa thông thường, “không có hạn chế nào” ở đây có nghĩa là tàu thuyền quân sự nước ngoài khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế không chỉ thực hiện quyền đi lại không gây hại mà còn có thể bắn vài quả đạn, thực hiện diễn tập.

Điều này từng đặt ra vô số tranh cãi. Ví dụ như hoạt động tập trận của tàu thuyền quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế thì sẽ ra sao? Do đó, nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam, đã đặt ra thêm các chế tài hạn chế đối với hoạt động của tàu quân sự, máy bay nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế.

Ví dụ, Điều 37 Luật Biển Việt Nam 2012 tuyên bố, các hoạt động bị cấm trong vùng đặc quyền kinh tế đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không bao gồm cả đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh Việt Nam.

Nhưng hành động như thế nào gọi là đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh Việt Nam thì không tài liệu nào nói rõ. Có lẽ sẽ xếp dựa trên sự linh hoạt trong các tình huống cụ thể. Ví dụ như nếu máy bay, tàu chiến nước ngoài chỉ đi qua không gây hại, đi một mạch, không bật radar, không quay tháp pháo thì bỏ qua. Nhưng một khi họ tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì có chuyện để nói. Nhưng nói như thế nào thì lại là chuyện khác. Không có nghĩa là sẽ sử dụng hành động quân sự.

Do đó, với vụ UAV Trung Quốc bay vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nó cứ bay dọc như vậy, Việt Nam cũng rất khó để có thể làm gì ngoài việc theo dõi. Việt Nam không thiếu công cụ để theo dõi đường bay của đối phương.

Một số người còn cố nhào nặn ra việc WZ-10 là UAV tàng hình. Xin thưa, Trung Quốc họ còn chẳng dám gọi là UAV tàng hình thì mọi người cứ cố nhào nặn vào làm gì. Mà đó là nó bay cách bờ biển 100 km. Ở đây, tàu chiến Trung Quốc đeo bám nhóm tàu chiến của đại ca Mỹ quốc không tới 1 hải lý, thấy rõ ông nào đang ăn bánh bao, ông nào ăn mì, mà còn không thể làm gì hơn ngoài việc thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, kệ xừ chúng mày. Trong khi chiến hạm Mỹ thì to gấp đôi tàu chiến Trung Quốc.

Lake Erie CG-70 là tuần dương hạm tên lửa thuộc lớp Ticonderoga, dài 173 m, lượng giãn nước 9800 tấn, so với tàu hộ tống Ngô Châu 1500 tấn, dài 90 m. Vũ khí tàu Mỹ thì mang theo tới 122 tên lửa các loại, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk thần thánh. Số lượng tên lửa còn nhiều hơn cả tàu chiến lớn nhất Trung Quốc hiện nay, kiểu 055 mang 112 ống phóng.

Nhưng mà biết làm gì hơn, nếu chiếu theo luật quốc tế thì tàu Trung Quốc nó chỉ chạy trong vùng đặc quyền kinh tế mà thôi, chẳng làm gì cả. Và ngược lại, tàu Mỹ và Philippines dù có khó chịu đến mấy cũng bó tay.com. Làm gì có chuyện tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ là được quyền bắn bỏ luôn không tha? Làm gì có chuyện mạnh hơn về kinh tế, quân sự là sẽ ép cho lòi kèn ra? Nào ai có muốn nổ súng trước đâu, ông này nhìn ông kia cả thôi.

Một số quốc gia ven biển cho rằng các quốc gia khác không thể thực hiện các cuộc tập trận quân sự hoặc các hoạt động khác trong hoặc trên vùng đặc quyền kinh tế của họ mà không có sự đồng ý của họ. Nhưng một số khác thì lại không. Thậm chí, nước Mỹ, quốc gia mà các bạn hy vọng rằng sẽ bảo vệ Việt Nam trước Trung Quốc, còn chẳng thèm ký Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Đơn giản, Mỹ cho rằng, hiệp ước này không có lợi cho kinh tế và an ninh của nước Mỹ.

Vì không tham gia, nên Mỹ tuyên bố là sẽ duy trì, đảm bảo quyền tự do hàng hải cho các tàu của Việt Nam, kể cả tàu quân sự, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước khác. Một tuyên bố rất mơ hồ mà hiểu theo kiểu nào thì cũng là vùng biển nước nào cũng là vùng biển nhà tôi có thể tự do hoạt động, không đếm xỉa bất cứ luật pháp quốc tế nào ở đây.

Tháng 4/2021, Ấn Độ đã lên tiếng phản đối Mỹ đem tàu chiến đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đáp lại, Hạm đội 7 tuyên bố tàu khu trục John Paul Jones đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ phù hợp với luật pháp quốc tế, bằng cách đi khoảng 130 hải lý (tương đương 241 km) về phía Tây các đảo Lakshadweep của Ấn Độ.

Cho nên, đừng có ai xui dại Việt Nam bắn hạ UAV Trung Quốc bay trên vùng đặc quyền kinh tế nhé. Làm thế thì đến Mỹ cũng không bênh nổi, vì Mỹ có thèm tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế các nước đâu. Họ còn chẳng thèm ký tá gì rất. Đấy mới gọi là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Đừng ngồi đó mà mơ Mỹ bảo vệ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới