Sunday, September 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHải quân Việt Nam tăng cường huấn luyện cho bộ đội ở...

Hải quân Việt Nam tăng cường huấn luyện cho bộ đội ở Trường Sa

Theo báo Hải quân, từ 25/6 – 30/6, Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã ra kiểm tra quần đảo Trường Sa. Tham gia đoàn có thủ trưởng Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Vùng 4, lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp, phục vụ tư lệnh kiểm tra các đảo bằng thủy phi cơ DHC-6 và trực thăng K-32 thuộc Lữ đoàn Không quân Hải quân 954.

Đồng chí Tư lệnh Hải quân và đại biểu đoàn công tác thăm hỏi, động viên quân dân đảo Song Tử Tây.

Đáng chú ý, tham gia hộ tống chuyến thăm còn có sự góp mặt của tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo, thuộc biên chế Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân, đặc trách vùng biển Trường Sa nói riêng. Hình ảnh báo Hải quân cung cấp cho thấy, tàu hộ vệ 015 cùng một tàu vận tải đang neo ngay cạnh đảo Trường Sa lớn. Đây là một trong số ít các lần chiến hạm hiện đại hàng đầu của Hải quân Việt Nam hiện diện tại Trường Sa được phép lên sóng truyền thông công khai.

Tàu 015 Trần Hưng Đạo là một trong bốn tàu chiến tên lửa lớn và hiện đại nhất của Hải quân, thuộc Đề án 11661E Gepard 3.9 nói chung và thuộc lớp tàu Gepard cải tiến loạt 2 nói riêng. So với cặp tàu 011 và 012, tàu 015 và 016 có kích thước lớn hơn một chút, trong khi thủy thủ đoàn rút gọn từ 103 xuống 84 người. Trang bị đầy đủ vũ khí chống ngầm với sonar thủy âm và ngư lôi hạng nặng 533 li, giá cặp sau tăng lên 350 triệu USD/ chiếc so với 175 triệu USD của cặp đầu tiên.

Nhiều khả năng một phần đoàn công tác của Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm đã đi trên tàu hộ vệ 015 ra Trường Sa rồi từ đó được trực thăng K-32 trên tàu đưa đi thăm các điểm đảo. Một phần còn lại đáp thủy phi cơ DHC-6 ra hạ cánh tại Trường Sa lớn. Thủy phi cơ DHC-6 có thể hạ cánh ở Trường Sa cả trên mặt đất và mặt biển nhưng phải tùy vào điều kiện bãi đỗ. Hiện Trường Sa chỉ có sân bay đảo Trường Sa lớn là đủ tiêu chuẩn tiếp nhận, trong khi các điểm đảo khác chưa có sân bay đủ dài, chủ yếu là các sân đỗ nhỏ cho trực thăng.

Mặc dù mẫu thủy phi cơ đáng tin cậy do Canada sản xuất có khả năng hạ cánh trên mặt nước, nhưng địa hình mỗi điểm đảo lại khác nhau, có đảo lại chưa có âu tàu nên khó cập bờ. Vì vậy, đi trực thăng tiện hơn nhiều. Do đó, chiến hạm 015 có lẽ là làm nhiệm vụ chở đoàn công tác cấp cao của Hải quân ra đảo hơn là tham gia hoạt động diễn tập. K-32 tuy không phải là trực thăng chiến đấu như K-28, nhưng nó được tạo ra trên cơ sở loại K-28 với chức năng vận tải. Được giữ nguyên cơ cấu cánh quạt đồng trục độc đáo, do đó nó phù hợp hoàn toàn với hangar và sân đỗ tiêu chuẩn trên tàu hộ vệ Gepard 3.9. K-32 có thể chở tới 13 người hoặc 5 tấn hàng, tầm bay 800 km, tốc độ bay tối đa 240 km/h với hai động cơ tua bin trục TV3-117 VMA. Việt Nam từng có hai chiếc K-32 nhưng hiện nay chỉ còn một chiếc.

Về lịch trình hoạt động, Tư lệnh Hải quân đã dành nhiều thời gian kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra các đảo bắn đạn thật và các mặt đảm bảo hậu cần kỹ thuật, đời sống sinh hoạt, những khó khăn cần hỗ trợ của quân dân huyện đảo. Chủ trì các buổi chào cờ ở đảo Trường Sa, Phan Vinh, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, dâng hương tại các chùa trên quần đảo.

Như vậy, trong lịch trình năm ngày tại Trường Sa, Tư lệnh Hải quân đã trực tiếp theo dõi kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của đơn vị phòng thủ đảo, tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại nhiều điểm đảo. Ít nhất báo Hải quân đã công bố khoảnh khắc cán bộ chiến sĩ đảo Đá Đông A khai hỏa súng không giật SPG-9 trong nhiệm vụ phòng thủ đảo. Ngoài ra còn có hình ảnh Tư lệnh Hải quân chúc mừng cán bộ chiến sĩ đảo Thuyền Chài bắn giỏi. Hay nói một cách khác, Thuyền Chài cũng tiến hành diễn tập chiến đấu bắn đạn thật.

Điều lý thú từ hình ảnh của báo Hải quân có thể thấy nhóm cán bộ chiến sĩ tại Thuyền Chài đang đứng trên phần được mẹ thiên nhiên ủng hộ mà thành với bãi cát trắng muốt dài tít tắp. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ, đảo Thuyền Chài có tốc độ mở rộng nhanh nhất ở Trường Sa, chỉ trong vòng 6 tháng đã tăng gần gấp đôi diện tích từ 238 lên 412 mẫu Anh. Trước đây đảo Thuyền Chài là một đảo chìm, khi thủy triều lên thì các bãi cát nhỏ đều ngập sâu 1 mét. Việt Nam trước đây chỉ có các nhà sáu cạnh kiên cố tại ba điểm trên đá Thuyền Chài với điều kiện sinh hoạt hạn chế. Tại mỗi điểm có hai nhà được nối với nhau bằng cầu. Kể từ tháng 11/2021, biến đổi khí hậu bắt đầu xảy ra tại bãi Thuyền Chài và tính tới nay, đảo đã mở rộng với diện tích nổi dài 4.318 m. Được đánh giá là thừa sức xây dựng một sân bay dài 3.000 m. Mặc dù các hình ảnh vệ tinh cho thấy tốc độ mở rộng chóng mặt của Thuyền Chài, tuy nhiên đây là hình ảnh trên thực địa đầu tiên của Thuyền Chài xuất phát từ các kênh truyền thông chính thống của nhà nước.

Trở lại với hoạt động bắn đạn thật, với việc hoạt động diễn tập được tổ chức trên đảo Đá Đông A và Thuyền Chài, thì hoàn toàn có thể nghĩ tới khả năng vừa rồi Hải quân đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở 21 điểm đảo mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Nếu điều này được xác nhận thì đây là phản ứng rõ ràng nhất về quyết tâm của Việt Nam đối với chủ quyền Trường Sa, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines va chạm dữ dội tại bãi cạn Quạ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như các hoạt động xâm phạm chủ quyền hết sức ngang ngược của Trung Quốc trong những tuần trở lại đây. Như tin đã đưa, vào ngày 30/6, Trung Quốc đã triển khai tàu Hải cảnh dài 135 m xâm phạm bãi cạn Tư Chính của Việt Nam nằm trên thềm lục địa phía Nam. Ngoài ra, tàu chở khách tiếp tế dân sự Tam Sa 2 đang thực hiện một cuộc hành trình dài ngày, vòng vèo qua nhiều điểm đảo, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, cũng như đi vào vùng đặc quyền kinh tế các bãi cạn của Malaysia, Philippines trên Biển Đông.

Điều đáng nói là hoạt động của phó đô đốc, tư lệnh hải quân Trần Thanh Nghiêm, diễn ra trùng với thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc. Trong các ngày từ 25 – 27/6, Thủ tướng còn hội kiến với hàng loạt giới chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mặt khác, không vì các lợi ích kinh tế mà đánh đổi chủ quyền biển đảo, cái nào ra cái đó. Việt Nam cần Trung Quốc về kinh tế, nhưng Trung Quốc cũng cần Việt Nam về chính trị và nhiều mặt khác. Nó thể hiện một cái tầm trong chính sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc. Không cần đao to búa lớn, tuyên bố ồn ào trên sóng truyền thông, báo chí khiến dư luận nức lòng. Cái mà Việt Nam hướng tới là đảm bảo mục tiêu răn đe chiến lược, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia nhưng vẫn giữ được lợi ích kinh tế vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân.

Gần đây, tờ BBC News, một tờ báo thường có quan điểm tiêu cực với Việt Nam, đã có một vài góc nhìn so sánh cách tiếp cận vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines. Đáng ngạc nhiên, giới chức quốc tế đã có vài bình luận mang tính đồng cảm, đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Nêu quan điểm về câu hỏi liệu Việt Nam có nên làm theo chiến lược minh bạch của Philippines hay không, tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết: “Dựa theo những gì tôi biết về thông tin tình báo nguồn mở, tôi hiểu rằng Hải cảnh Trung Quốc đã thường xuyên hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giống như trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Chắc chắn Hà Nội không cần phải bắt chước điều mà Manila thực hiện với chiến lược minh bạch của mình”. Tuy nhiên, ông cho rằng chiến lược công khai minh bạch này mang lại bài học cần thiết cho Việt Nam, gợi ý về cách nên thực hiện để đáp trả hành động của Trung Quốc. “Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Việt Nam vẫn cần lên tiếng công khai phản đối hành động xâm phạm của Bắc Kinh và Việt Nam cần duy trì việc tuần tra thường xuyên để đảm bảo các lợi ích về năng lượng và khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Vào ngày 16/5, trả lời BBC về việc liệu Việt Nam có thể cứng rắn như Philippines hay không, Đại tá Ray Powell từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ, người thường xuyên theo dõi hoạt động tàu của Trung Quốc trên Biển Đông, đánh giá: “Philippines tiếp tục cho thấy chiến lược vùng xám của Trung Quốc đang dễ bị tổn thương trước sự soi xét của chính phủ các nước. Khi các nước này dũng cảm công khai trước quốc tế, chiến dịch minh bạch ngày càng mạnh mẽ của Manila nhắm đến hành động cưỡng ép trên Biển Đông của Trung Quốc rõ ràng đã khiến Bắc Kinh rơi vào thế bất lợi và các quốc gia khác cũng nên cẩn trọng nghiên cứu tính hiệu quả và xem có thể sao chép ở lĩnh vực và khu vực nào khác hay không”.

Liệu Việt Nam có thể làm giống Philippines trong vấn đề Biển Đông hay không? Nhà nghiên cứu Song Fan từ Úc nhận định hôm 16/5 với BBC rằng: “Có lẽ không chỉ Việt Nam mà các bên liên quan đồng lòng đối phó với Trung Quốc kiểu Philippines sẽ là điều rất tốt. Tuy nhiên, do điều kiện và tính toán riêng của mỗi nước nên khó làm được như vậy. Việt Nam phụ thuộc nặng nề về kinh tế, nhất là về chính trị lại tiếp giáp với Trung Quốc trên đất liền. Malaysia chính quyền hiện nay đang ve vuốt Trung Quốc, Indonesia chỉ có tranh chấp một phần về vùng đặc quyền kinh tế, không có tranh chấp đảo đá. Cái cách mà chuyên gia BBC nói về Việt Nam vẫn hơi có phần khó nghe nhưng nhìn chung họ cho rằng việc Việt Nam chọn việc giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc bằng các biện pháp trong bóng tối vẫn là điều tốt nhất.”

Thật vậy, nếu như Việt Nam ở vị trí của Philippines, không có biên giới trên đất liền với Trung Quốc, có thể Việt Nam sẽ giải quyết bằng một phương án khác. Nhưng nếu có chung đường biên giới, thì đó lại là chuyện khác. Hai nước có chung biên giới với nhau, gân cổ lên chỉ thẳng mặt trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, quốc phòng Việt Nam đều kém hơn Trung Quốc thì sẽ như thế nào? Một là sẽ gây sức ép về kinh tế, hai là quấy rối về an ninh quốc phòng. Cả hai thứ này Việt Nam đã có trải nghiệm rõ nét từ năm 1979 tới tận đầu thập niên 90. Ông bà, bố mẹ nhiều bạn hiện nay từng sống thời đó, hãy hỏi họ xem cuộc sống khi đó như thế nào. Mà lúc đó Việt Nam còn có Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đứng sau hậu thuẫn về quân sự, quốc phòng, kinh tế. Bây giờ Việt Nam đứng một mình, nhiều người bảo bắt tay với Mỹ để Mỹ bảo vệ Việt Nam, nhưng nước xa nào có cứu được lửa gần. Cứ hy vọng Mỹ, nhưng nhìn cách Mỹ phản ứng với vấn đề Philippines là rõ. Kể cả là có hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 đi chăng nữa, Mỹ thực tế cũng chỉ dám nói quan ngại, chứ biết làm gì hơn. Ngay chính giới Mỹ còn chả dám tin Washington sẽ gây chiến vì đồng minh Philippines, mà còn mơ hão. Nên nhớ, chính nước Mỹ cũng có lợi ích kinh tế khổng lồ với Trung Quốc, làm gì thì làm, Mỹ cũng phải tính.

Với lịch sử Việt Nam, chính các nhà lãnh đạo của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa từng nói rằng bị nước Mỹ bỏ rơi. Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 khi Việt Nam Cộng hòa định đem 120 tiêm kích F5 ra đánh lại, ai đã can thiệp để chính quyền Thiệu hủy kế hoạch? Trong trang 641 cuốn sách “The Fall of Vietnam” của Walt Isac đã trích dẫn nguyên văn câu nói của Henry Kissinger, cố vấn Nhà Trắng, khi nói về tình hình miền Nam Việt Nam trong cơn hấp hối cuối tháng 4/1975 như thế này: “Tại sao những người ấy không chết cho nhanh, điều tệ hại nhất có thể xảy ra là họ cứ sống kéo dài mãi”.

Nói chung, lợi ích quốc gia của mình phải do chính mình giành lấy, bảo vệ, trân trọng, giữ gìn, chứ nhờ người ta phó mặc số phận cho người ngoài là hỏng. Vì khi không còn lợi ích hoặc có lợi ích lớn hơn, họ sẵn sàng đi đêm với nhau để vứt bỏ mình. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là từ bỏ quan hệ với Mỹ, đứng một mình. Nói như trên đó là, Việt Nam không kết đồng minh mà là tiếp tục quan hệ hợp tác với quan điểm đôi bên cùng có lợi, tranh thủ những mặt tốt của họ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, chứ không phải là nhờ họ giúp Việt Nam chống một ai đó. Thế nên Việt Nam mới sinh ra chính sách “4 không” là vì vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới