Monday, September 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ hoàn tất dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất...

Mỹ hoàn tất dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất trong lịch sử

Việc phá dỡ 4 con đập thủy điện trên sông Klamath ở Mỹ được xem là niềm vui lớn đối với các bộ tộc bản địa và phục hồi dòng chảy tự nhiên giúp cá hồi sinh sản.

Những người bản địa nhìn xuống nơi từng có con đập Iron Gate trên sông Klamath

Đài CNN ngày 2.9 đưa tin dự án tháo dỡ đập thủy điện lớn nhất lịch sử Mỹ vừa hoàn tất sau khi lực lượng thi công phá hủy đập nước cuối trong 4 con đập, trả lại dòng chảy tự nhiên cho sông Klamath, niềm vui lớn cho các bộ tộc bản địa tại vùng biên giới bang California và Oregon.

Việc dỡ bỏ 4 đập thủy điện, gồm đập Iron Gate, đập Copco 1 và 2, và đập JC Boyle, giúp quần thể cá hồi có thể bơi tự do ở sông Klamath và phụ lưu, sau khi bị cản trở trong hơn một thế kỷ kể từ khi các con đập được xây dựng.

“Bộ tộc cá hồi”
Các đập nhân tạo, nước ấm và hạn hán kéo dài đã làm thay đổi dòng sông và các hệ sinh thái phụ thuộc vào nó, quan trọng nhất là quần thể cá hồi.

Khởi đầu cuộc sống của chúng trong môi trường nước ngọt như sông Klamath, sau đó di chuyển ra đại dương và quay trở lại nơi sinh sản của chúng, cá hồi chinook và cá hồi coho phải đối diện nhiều mối nguy hiểm.

Bộ tộc Yurok ở Bắc California vốn được gọi là “dân tộc cá hồi”. Với họ, cá hồi là loài linh thiêng, đóng vai trò trung tâm trong văn hóa, chế độ ăn uống và nghi lễ của họ. Theo họ, đấng tạo ra cá hồi cũng tạo ra con người và nếu không có cá, con người sẽ không còn tồn tại.

PacifiCorps, công ty con của Berkshire Hathaway Energy thuộc sở hữu của tỉ phú Warren Buffet, đã xây dựng các con đập vào đầu đến giữa thế kỷ 20 để phát điện cho một số vùng miền tây đang phát triển. Việc xây dựng không có sự đồng ý của các bộ tộc, phá vỡ nghiêm trọng vòng đời của cá hồi, ngăn cản cá tiếp cận khu vực sinh sản.

Sau đó là cuộc khủng hoảng khí hậu. Nước ấm và tình trạng thiếu nước do hạn hán ở sông Klamath đã giết chết trứng cá hồi và cá con do thiếu ô xy và thức ăn, đồng thời tạo điều kiện cho virus lây lan.

Năm 2002, một đợt bùng phát virus do nhiệt độ ấm và mực nước thấp khiến cá chết hàng loạt, chủ yếu là cá hồi chinook trên sông Klamath. Đây là bước ngoặt đối với người Yurok và các bộ tộc khác trong lưu vực, những người xem cá hồi là loài có ý nghĩa về mặt văn hóa và tinh thần, để thúc đẩy việc dỡ bỏ các con đập.

Nhà nghiên cứu cấp cao Julie Alexander tại Đại học bang Oregon cho biết ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, việc xây đập vẫn làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông, từ đó làm thay đổi nhiệt độ của nước vì các hồ chứa ấm lên vào mùa hè.

“Chữa lành” cho dòng sông
Ông Mark Bransom, CEO Tập đoàn Cải tạo sông Klamath, một công ty phi lợi nhuận được thành lập để giám sát dự án, cho biết đây là “khoảnh khắc đáng ăn mừng” khi các nhân viên, nhà bảo tồn, quan chức chính phủ và thành viên bộ lạc của ông tụ tập và reo hò trên bờ sông gần nơi từng có con đập lớn nhất, Iron Gate.

Các cơ quan quản lý liên bang Mỹ đã phê duyệt kế hoạch phá dỡ các con đập vào năm 2022. Một năm sau đó, con đập nhỏ nhất trong 4 con đập là Copco 2 được dỡ bỏ. Sau đó, các đội bắt đầu xả nước từ các hồ chứa của những con đập vào đầu năm nay, điều cần thiết trước khi tháo dỡ.

Hệ thống đập trên sông đã gây nhiều tranh cãi. Đợt hạn hán lịch sử gần đây đã làm khô cạn lưu vực sông Klamath, dẫn đến “cuộc chiến” tranh giành nước giữa những người nông dân địa phương với các bộ lạc bản địa, các cơ quan chính phủ và các nhà bảo tồn.

Nhưng nỗi lo lắng đã chuyển thành niềm vui cho những người bản địa đã sống trong nhiều thế kỷ trong khu vực.

“Tất cả chúng tôi đã đến cùng nhau vào khoảnh khắc đó với cảm giác từ niềm vui thuần khiết đến sự mong đợi và phấn khích. Lần đầu tiên sau hơn 100 năm, dòng sông đã khôi phục dòng chảy lịch sử. Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc vô cùng sâu sắc đối với mọi người khi thực sự chứng kiến sự kết nối trở lại của một dòng sông”, theo ông Bransom.

Bà Amy Bowers-Cordalis, thành viên và cố vấn chung của bộ tộc Yurok, cho biết việc chứng kiến những con đập này bị phá bỏ có nghĩa là “tự do” và là sự khởi đầu cho “quá trình chữa lành” của dòng sông.

“Dòng sông đối với người Yurok luôn là mạch sống. Vì vậy, việc khôi phục dòng sông cho phép các thế hệ tương lai có cơ hội tiếp tục lối sống đánh cá của người Yurok”, bà cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới