Monday, September 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng của Lào khi xây nhiều đặc khu kinh tế

Tham vọng của Lào khi xây nhiều đặc khu kinh tế

Đặc khu kinh tế là một khu vực có luật kinh doanh và thương mại khác với phần còn lại của đất nước. Nó thường được thành lập để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo ra nhiều việc làm.

Đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo (Bắc Lào)

Vào năm 1986, mới chỉ có khoảng 176 đặc khu kinh tế hoạt động trên thế giới, Hiện nay con số này đã tăng lên hơn 5000. Đó là vì nhiều quốc gia thực sự lột xác và phát triển thần tốc nhờ vào việc thành lập các đặc khu kinh tế, mà điển hình là Trung Quốc. Thế nên nhiều nước cũng muốn học hỏi chính sách này, trong đó có CHDC ND Lào.

Làn sóng xây dựng đặc khu kinh tế tại Lào

Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Lào đã phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa và duy trì một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, quốc gia này sau đó đã nhanh chóng chìm vào khó khăn, đời sống lạc hậu, nghèo đói, lương thực thiếu thốn, tỉ lệ đầu tư thấp và nguồn vốn chủ yếu dựa vào viện trợ từ bên ngoài. Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 1986 được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đất nước Triệu voi trong đổi mới tư duy và nhận thức về kinh tế thị trường. Qua đó, dần phi tập trung hóa sự kiểm soát của chính phủ và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ngoài ra, việc định hình nền kinh tế mở cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các đặc khu kinh tế ngày càng trở nên phổ biến tại quốc gia này. Tính đến năm 2023, Lào có 14 đặc khu kinh tế đang hoạt động và dự kiến trong tương lai con số này có thể tăng nhiều hơn nữa. Trong đó, đặc khu kinh tế Savan-Seno nằm ở tỉnh Savannakhet là đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước triệu voi, có diện tích khoảng 9,54 km². Nó được thành lập vào năm 2003, do chính phủ Lào trực tiếp quản lý với chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu là 74 triệu USD.

Tới năm 2006, cây cầu Hữu nghị Lào – Thái số 2 bắc qua sông Mê Kông đi vào hoạt động. Nó không chỉ là cửa ngõ giao thương quan trọng của hai nước mà còn tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển mạnh mẽ của đặc khu kinh tế Savan-Seno. Một trong các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tại đây là được miễn thuế từ 2 – 10 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 8 – 10%, thuế thu nhập cá nhân 5%, trong khi không áp dụng thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng. Hiện đã có hơn 60 công ty trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực này. Điển hình như Toyota Boshoku đã thành lập một công ty tại đây vào năm 2014 để sản xuất vỏ bọc ghế ngồi cho xe và một số nội thất khác. Với những thành công bước đầu, Lào đã thành lập thêm nhiều đặc khu kinh tế và hiện nay con số đã lên tới 14 đặc khu, trong đó có khoảng một nửa hiện do các công ty Trung Quốc điều hành.

Năm 2010, thủ tướng Lào đã ký sắc lệnh thành lập nên đặc khu kinh tế “Tam Giác Vàng” ở tỉnh Bokeo cho tập đoàn Kings Romans thuê 30 km² đất trong vòng 99 năm. Ước tính tổng vốn đầu tư kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2007 – 2020 là khoảng 2 tỷ USD. Còn đặc khu kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha rộng 16,4 km² có số vốn đầu tư khổng lồ lên đến 10 tỷ USD. Nó bắt đầu được xây dựng vào cuối năm 2016, nơi đây đã thu hút 369 công ty đầu tư, trong đó có tới 360 công ty đến từ Trung Quốc.

Dự án đặc khu có diện tích lớn nhất là đặc khu kinh tế đảo Siphandone nằm tại tỉnh Champasak. Đây vốn là một trong các địa danh du lịch nổi tiếng tại miền Nam Lào, bao gồm quần thể các thác nước và cảnh quan đặc thù của lưu vực sông Mê Kông. Dự án này được triển khai trên một khu vực rộng 98,46 km² và chính phủ Lào đã trao cho công ty Phát triển Chung Siphandone có trụ sở tại Hồng Kông quyền sở hữu đặc khu này trong 99 năm. Phía đầu tư cam kết tổng số vốn là 9 tỷ USD, được triển khai thành 6 giai đoạn kéo dài từ năm 2018 – 2050.

Với siêu dự án này, Lào có tham vọng biến nơi đây thành một trong những địa điểm du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á, quy hoạch xây dựng theo mô hình thành phố “5 trong 1” bao gồm khu du lịch nghỉ dưỡng, khu tài chính, khu giao dịch thương mại quốc tế, khu công nghệ thông minh và khu dân cư. Dự án hứa hẹn sẽ thu hút 10 triệu du khách vào năm 2050, đồng thời đem lại nguồn doanh thu từ thuế hàng năm khoảng 107 triệu USD, có thể tạo ra hơn 100.000 việc làm cho người dân địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, phía công ty Hồng Kông đã xây dựng một số công trình nổi bật tại đây, điển hình như tuyến đường bê tông dài 43,5 km quanh đảo Khong và một nhà máy cấp nước sạch.

Cùng với Trung Quốc, Việt Nam cũng đã xây dựng một đặc khu kinh tế nằm ở thủ đô của Lào. Theo đó, Đặc khu kinh tế Long Thành – Vientiane được thành lập vào năm 2008 với việc nâng cấp từ dự án sân golf và bất động sản do công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đầu tư, với tổng diện tích 5,58 km² và tổng đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Khu vực này bao gồm khách sạn 5 sao, sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp, trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại và khu nghỉ dưỡng. Đặc khu kinh tế Long Thành – Vientiane có thời gian hoạt động lên đến 99 năm, thay vì dự định ban đầu chỉ kéo dài 50 năm.

Ngoài ra, thủ đô của Lào còn là nơi tọa lạc của đặc khu kinh tế Dongphosy có 100% vốn đầu tư của công ty Universal Pacific của Malaysia là 50 triệu USD. Khu vực này có diện tích khoảng 0,54 km² và được xây dựng theo hợp đồng thuê đất 50 năm, với mục đích phát triển thành một trong những trung tâm thương mại và hậu cần tại Lào.

Ưu điểm của các đặc khu kinh tế ở Lào

Các đặc khu này có 5 ưu điểm lớn, có thể thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các đặc khu kinh tế tại quốc gia này:

Thứ nhất là vị trí địa lý. Tuy không giáp biển nhưng Lào được bao quanh bởi bốn quốc gia Đông Nam Á là Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng có đường biên giới dài 505 km với Trung Quốc. Nhìn trên bản đồ, nếu bỏ qua khu vực Myanmar bất ổn thì cả Thái Lan và Campuchia, dù tham gia vào Vành đai và Con đường, nhưng lại không có biên giới chung với đất nước tỷ dân. Còn Việt Nam cho đến nay vẫn hạn chế tham gia vào sáng kiến này. Vì vậy, Lào không chỉ được xem là cầu nối giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á lục địa, mà xứ triệu voi còn là bàn đạp cho các công ty nước ngoài muốn xuất khẩu hàng hóa sang đất nước tỷ dân.

Lào còn sở hữu vị trí đắc địa trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, vốn là khu vực địa kinh tế, địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á và là điểm giao thoa lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới. Hiện nay, có 3 hành lang kinh tế nổi bật trong khu vực này, đó là: Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Hành lang kinh tế Đông – Tây và Hành lang kinh tế phía Nam. Có thể nói, việc các đặc khu kinh tế của Lào nằm dọc theo các hành lang huyết mạch này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển và thúc đẩy thêm nhiều hoạt động kinh tế.

Thứ hai, tài nguyên đa dạng. Vốn là một nước nội lục nên ngành công nghiệp của đất nước triệu voi gặp khá nhiều hạn chế. Tuy nhiên, do sở hữu nhiều loại khoáng sản như than, vàng, thiếc, đồng và các kim loại khác nên khai thác mỏ và luyện kim đang trở thành hai ngành công nghiệp quan trọng của nước Lào. Hiện nay, chính phủ Viêng Chăn cũng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nên trên khắp đất nước có khoảng 540 mỏ khoáng sản đã được xác định, thăm dò và khai thác. Ngoài ra, do có đến 88% diện tích nằm trong lưu vực sông Mê Kông nên quốc gia này có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện. Trong nhiều năm gần đây, Lào cũng đang định hướng trở thành “cục pin của Đông Nam Á” để xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.

Thứ ba, tiềm năng con người. So với các nước láng giềng, chi phí nhân công tại xứ triệu voi khá thấp. Theo dự báo, tháp cơ cấu dân số của họ trong thập niên này sẽ có sự thay đổi đáng kể, trong đó dân số đang ở độ tuổi lao động sẽ tăng từ 64% trong năm 2020 lên thành 69% trong năm 2030. Có thể nói, với hơn 2/3 dân số Lào đang trong độ tuổi lao động, Lào đang đứng trước cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi sản xuất.

Thứ tư, những ưu đãi hấp dẫn. Chính phủ Lào đã đưa ra một số ưu đãi phi thuế quan nhằm thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào xứ triệu voi. Điển hình như cho phép các nhà đầu tư đưa công dân nước ngoài vào Lào để nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của dự án mà họ muốn đầu tư, hay thậm chí là làm việc và sinh sống. Bên cạnh đó, chính phủ Lào còn cho phép các doanh nghiệp có quyền quản lý và sở hữu hoàn toàn các cấu trúc trên mảnh đất mà họ thuê trong nhiều năm.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất và nhập cảnh, Lào cũng sẽ cấp visa và giấy phép làm việc cho các công nhân người nước ngoài để giúp nhà đầu tư cảm thấy tự tin và an tâm khi làm việc tại đất nước triệu voi. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của chính phủ, giấy phép đầu tư vào đặc khu cũng được xem xét phê duyệt trong thời gian ngắn, thông thường chỉ khoảng 5 ngày làm việc.

Thứ năm, tham gia nhiều hiệp định thương mại. Với nền kinh tế mở, Lào là nước tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Cùng với đó các hiệp định thương mại với các nước láng giềng như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Điều này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Lào có thể kết nối với nhiều thị trường tiềm năng, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh nhờ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Ngoài hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định này còn góp phần bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp, chẳng hạn như quyền sở hữu trí tuệ.

Sự thay da đổi thịt của Lào

Sự hiện diện của các đặc khu kinh tế đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt của đất nước triệu voi, giúp họ nhanh chóng thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu.

Một là, mở rộng quy mô kinh tế. Vào năm 2000, GDP của Lào là khoảng 1,72 tỷ USD với dân số khi đó là 5,43 triệu người. GDP bình quân đầu người chỉ vỏn vẹn là 316 USD. Sau hơn hai thập niên phát triển, những con số này đã tăng lên rất nhiều. Năm 2023, GDP được ghi nhận là 15,2 tỷ USD, còn GDP bình quân đầu người là 2,005 USD, gấp đến 6,3 lần so với số liệu 23 năm về trước. Điều này cũng bắt nguồn từ việc Viêng Chăn mở cửa đất nước và nhận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các đặc khu kinh tế. Hiện nay tăng trưởng GDP năm 2023 của Lào đang giữ nguyên ở mức 4%, với hai động lực chính là xuất khẩu và du lịch, cao hơn mức tăng trưởng bình quân trên toàn cầu là 3%.

Hai là, cơ sở hạ tầng. Một trong những dự án nổi bật nhất tại xứ sở triệu voi là tuyến đường sắt Lào – Trung, được khởi công xây dựng vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2021. Nó có chiều dài toàn tuyến là 1.035 km, nối thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam với thủ đô Viêng Chăn của Lào. Riêng phần trên lãnh thổ Lào có chiều dài là 422 km, nối thủ đô nước này đến đặc khu kinh tế Boten. Dự án được ký kết theo dạng hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hay còn gọi là BOT. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư sẽ khai thác tuyến đường sắt Lào – Trung trong vòng 50 năm, sau đó sẽ được bàn giao cho chính phủ Viêng Chăn…

Ba là, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Boten là một thị trấn biên giới nghèo nằm ở phía Bắc của Lào. Thế nhưng vào năm 2016, công ty Vân Nam Thông Hải Chí Thành đã giành được quyền xây dựng và phát triển Boten với hợp đồng trị giá 10 tỷ USD. Được chính quyền Lào cho thuê trong 99 năm, công ty này cũng thể hiện tham vọng muốn đưa Boten trở thành trung tâm hậu cần, thương mại, du lịch, đồng thời là một khu công nghiệp hiện đại hàng đầu tại Đông Nam Á.

Có thể nói, sự xuất hiện của các đặc khu kinh tế đã kích thích nền kinh tế địa phương trở nên khởi sắc hơn, đặc biệt là ở những khu vực biên giới như Boten hay Bokeo. Qua đó, phần nào thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Ngoài ra, tỷ lệ dân thành thị tại Lào chỉ là 37,59%. Điều này có nghĩa là phần lớn người dân vẫn cư trú ở vùng nông thôn, nơi họ sinh sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Sự có mặt của những đặc khu kinh tế nằm rải rác khắp cả nước với nhiều lĩnh vực như thương mại, hậu cần và du lịch sẽ góp phần làm đa dạng ngành nghề lao động, qua đó cải thiện thu nhập và đời sống của người dân.

Bất chấp bẫy nợ, Lào dùng đất đổi tiền từ Trung Quốc

Nợ công tăng cao. Sự phổ biến của hàng nghìn đặc khu kinh tế trên thế giới dường như đã khiến chính phủ Lào tin rằng mô hình này là giải pháp dễ làm và dễ thành công. Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng như vậy. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là nó sẽ khiến nợ công tăng cao. Hiện nay, Lào không phải là quốc gia duy nhất mà các công ty Trung Quốc đổ vốn xây dựng các đặc khu. Tuy nhiên, hiếm có nơi nào ghi nhận các tín hiệu khả quan. Hầu như các đặc khu kinh tế tại châu Phi vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng của các nước sở tại.

Thực tế cho thấy, đa số các công trình hạ tầng đang xây dựng tại Lào hiện nay đều theo dạng hợp đồng BOT. Vì bản chất của các dự án này được hình thành từ những khoản vay của Trung Quốc, do đó việc quản lý và vận hành khi hoàn thiện cũng sẽ do phía các công ty của Đại lục nắm giữ. Phải đến 50 năm sau mới bàn giao lại quyền sở hữu cho chính phủ Viêng Chăn. Tuy nhiên, khi đó không rõ là chúng còn khai thác được không hay Lào phải bỏ thêm hàng tỷ đô la để sửa chữa một công trình cũ kỹ.

Chắc chắn rằng, việc này chỉ làm tăng thêm gánh nặng nợ cho đất nước triệu voi. Trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng nợ công của Lào được ghi nhận là cao trên mức kỷ lục. Cùng với việc đồng tiền mất giá, lạm phát ở Lào tăng vọt đã đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế với nguy cơ vỡ nợ cao cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

Chính sách lỏng lẻo gây bất ổn trong xã hội. Mặc dù cờ bạc là hành vi bất hợp pháp tại Lào, nhưng chính phủ nước này vẫn thoải mái cho phép một số sòng bạc hoạt động hợp pháp. Trong đó, phải kể đến đặc khu Tam Giác Vàng với tâm điểm là Casino Kings Romans khổng lồ. Không sớm lụi tàn như ở một số khu vực, đế chế cờ bạc này thậm chí còn phát triển rầm rộ hơn rất nhiều. Nơi đây phục vụ phần lớn du khách đến từ đại lục. Ngoài ra, một số du khách nước ngoài như Myanmar hay Thái Lan cũng thường tìm đến đây.

Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đặc khu Tam Giác Vàng đã có nhiều đóng góp vào nền kinh tế của địa phương. Nó góp phần biến khu vực biên giới phía Tây Bắc đất nước trở nên nhộn nhịp và sầm uất hơn trước rất nhiều. Thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nơi đây thậm chí còn thu hút được hơn 500.000 du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, đặc khu Tam Giác Vàng lại không hoàn toàn phát triển theo chiều hướng tích cực. Báo chí quốc tế thường mô tả các tòa nhà và cơ sở bên trong được xây dựng lòe loẹt, giống như một khu phố Tàu thu nhỏ, bởi đồng hồ và thời gian sinh hoạt tại đây được điều chỉnh theo giờ Bắc Kinh. Thậm chí, hầu hết cửa hàng và dịch vụ đều từ chối thanh toán bằng tiền Kíp của Lào.

Ô nhiễm môi trường. Lào là một trong những quốc gia có độ che phủ rừng cao ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở một số khu vực, rừng đã bị chặt phá và san bằng để nhường chỗ cho các đặc khu kinh tế. Ngoài ra, việc mở rộng cơ sở hạ tầng còn gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng xung quanh, khi nó làm gia tăng một lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng bị xả thẳng ra sông hồ, từ đó làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đe dọa đến sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Mô hình đặc khu kinh tế có phù hợp với Lào hay không?

Lợi ích mà các đặc khu kinh tế mang lại cho xứ Triệu voi trong nhiều năm qua là điều không thể bàn cãi. Với một quốc gia nội lục không có quá nhiều điều kiện để phát triển, nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư đã góp phần mang lại cho họ nhiều sự thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng được mở rộng, việc làm cũng trở nên đa dạng là những gì mà các đặc khu kinh tế đem đến cho Lào. Chúng càng trở nên quan trọng hơn với nước này khi thế giới đang trải qua nhiều biến động.

Thực tế cho thấy, Lào vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á hiện nay. Chính phủ nước này mong đợi những đặc khu sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế và thu hút nguồn vốn của nước ngoài. Do đó, họ thường ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi chỉ để chèo kéo và thu hút nhà đầu tư, nhưng cũng chính sự dễ dãi đó đã làm phát sinh nhiều vấn đề bất ổn trong xã hội. Trong một động thái gần đây nhất nhằm tăng cường quản lý đặc khu kinh tế, chính phủ Lào đã chỉ thị việc sử dụng đồng Kíp trong các giao dịch diễn ra tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng thay cho đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và Bath của Thái Lan vốn được sử dụng phổ biến trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp mang tính cầm chân và không thay đổi được nhiều, bởi điều quan trọng là giới chức Viêng Chăn vẫn không được quyền can thiệp quá nhiều vào công việc nội bộ của đặc khu này.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, trong quá trình phát triển đặc khu, sự can thiệp từ chính quyền trung ương sẽ làm giảm cơ hội thử nghiệm những ý tưởng táo bạo. Nhưng nếu trao quyền lực quá lớn thì có thể dẫn đến việc thiết lập các nhà nước bên trong nhà nước. Đáng quan ngại hơn là các khoản đầu tư ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sẽ kéo theo sự phát triển lệch lạc. Nhìn chung, đặc khu kinh tế là một ưu tiên về chính trị nhưng cũng là canh bạc về kinh tế. Vì vậy, Lào cần phải có nhiều chính sách phát triển hợp lý các khu vực này hơn nữa thì mới có thể tránh được những trường hợp rủi ro đe dọa đến đất nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới