Saturday, October 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Lá bài chống TQ” của ứng cử viên Tổng thống Mỹ

“Lá bài chống TQ” của ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Cái ngày chờ đợi của cử tri Mỹ 5/11/2024 đang đến gần. Đồng hồ đếm ngược nhích từng giây trong sự tính toán sít sao của hai ứng cử viên và cũng là của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Có một điểm chung là cả hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris đều dương “lá bài chống Trung Quốc” làm vũ khí.

“Lá bài” này không khó để nhận biết khi gần đây có tới 171 quảng cáo vận động tranh cử của các ứng cử viên quốc hội hoặc tổng thống nhắm vào việc chống Trung Quốc. Cụ thể, nội dung quảng cáo của từng người đều lưu ý cử tri và người dân Mỹ hãy nêu cao cảnh giác đối với chính quyền Bắc Kinh. Hãy tìm mọi cách nâng cao cơ hội chiến thắng của họ bằng cách vạch tội đối thủ của họ là “thân Trung Quốc”.

Hiện tại, ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump và Đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Kamala Harris đều tích cực liên kết đối thủ của họ với Trung Quốc. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, cuộc tranh luận gay gắt giữa các ứng cử viên đi thẳng vào vấn đề ai có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, ai thề không đợi trời chung với đất nước hơn 1,4 tỉ dân?

Liên hệ với cuộc tổng tuyển cử năm 2020 để so sánh, thấy rằng, bốn năm trước có đến 82% quảng cáo liên quan đến Trung Quốc trong các chiến dịch tranh cử Thượng viện được tài trợ bởi đảng Cộng hòa hoặc các nhóm được đảng Cộng hoà hậu thuẫn. Thế nhưng lần này thì ngược lại, tài trợ chủ yếu đến từ Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa chỉ chiếm 36%.

Vì sao hai đảng đều phải quảng cáo? Lý do cơ bản là các quảng cáo sẽ khuấy động mối lo ngại của cử tri Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều quảng cáo nêu rõ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh cũng bị cáo buộc vi phạm luật môi trường và thương mại quốc tế, cũng như bán phá giá các sản phẩm giá rẻ. Họ đi đến kết luận: Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với lối sống của người Mỹ.

Ông Trump và bà Kamala đều nghi ngờ đối thủ của mình có mối quan hệ “không thể chấp nhận được” với Trung Quốc. Chẳng hạn, trong một quảng cáo, một ứng cử viên đảng Dân chủ đã chỉ trích đối thủ đảng Cộng hòa đã giúp Huawei của Trung Quốc thâm nhập vào Mỹ.

Thái độ “bài Trung” của người Mỹ đối với Trung Quốc gia tăng vào khoảng năm 2017. Trong một cuộc thăm dò của Gallup hồi đầu năm 2024, khoảng 60% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Còn tại một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, số liệu cho thấy 60% cử tri Đảng Cộng hòa mô tả Trung Quốc là “kẻ thù” của Mỹ, (cử tri đảng Dân chủ thì có 30% coi Trung Quốc là kẻ thù).

Theo phân tích của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, số lượng dự luật liên quan đến Trung Quốc được Quốc hội Mỹ đề xuất vào năm 2021 gấp sáu lần so với năm 2013. Đã có hàng tỷ USD được phân bổ để tạo ra lợi thế quân sự của Mỹ, hạn chế việc Trung Quốc mua lại thiết bị và công nghệ bán dẫn, và tăng cường hơn nữa các chính sách như thành lập một liên minh toàn cầu chống Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, mối quan tâm chính của chính quyền Bắc Kinh là “hành động phá rối” của Tổng thống Mỹ Biden nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực. Trung Quốc đã liên tục chỉ trích các nhóm như Quad (bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Aukus) – một Hiệp ước quốc phòng giữa Úc, Anh và Mỹ là “hành động diều hâu” nhằm kiềm chế Bắc Kinh”. Phải chăng Washington đang cố gắng xây dựng một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á? Và mục đích chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là “bao vây Trung Quốc”.

Vì lẽ đó, bất kể ai chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tháng 11, thì Washington và Bắc Kinh đều đang chuẩn bị kịch bản cho những giai đoạn, những tình huống căng thẳng hơn. Dù là Trump hay Kamala thắng cử, Trung Nam Hải đều ứng xử với họ như hiện tại, thay vì hy vọng “tuyết rơi giữa mùa hè”.

Mặc dù rất cay cú, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần phát đi thông điệp: Không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, đó là nguyên tắc cơ bản trong ngoại giao của Trung Quốc. Theo đó, bầu cử tổng thống Mỹ là chuyện nội bộ của Mỹ. Trung Quốc chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ lợi ích nào ở đây; không can thiệp vào cuộc bầu cử này dưới bất kỳ hình thức nào.

Nói sách lược thế, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố rắn: Mỹ cần chấm dứt chứng hoang tưởng và chấm dứt việc “ném bùn vào Trung Quốc” để chuyển hướng sự chú ý và chuyển hướng đổ lỗi. Trước, trong và sau bầu cử phải có trách nhiệm đóng góp vào mối quan hệ Trung – Mỹ ổn định, phát triển. Thế mới là… người trưởng thành (!).

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới