Saturday, October 12, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDu lịch Việt Nam: từ suy thoái tới phục hồi

Du lịch Việt Nam: từ suy thoái tới phục hồi

Giai đoạn Covid-19 chứng kiến sự suy thoái chưa từng thấy của ngành du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nỗ lực tăng trưởng ngành trong nhiều năm đã bị xoá bỏ hoàn toàn bởi những nỗ lực cách ly phong toả nhằm ngăn chặn đại dịch.

Tuy vậy, sức mạnh nội tại của du lịch Việt Nam đã thể hiện rõ ngay sau khi đại dịch qua đi. Vào Quý I năm 2024, lượng khách quốc tế đã gần như phục hồi hoàn toàn và thậm chí tăng so với Quý I năm 2019, thời điểm trước đại dịch, trong đó khách từ châu Á đạt mức 104% so với trước dịch, châu Mỹ đạt mức 103% và châu Âu cũng gần như phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%.

Theo số liệu chính thức của Tổng cục Du lịch, tổng số khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, cho tới giữa năm 2024, có thể nói du lịch Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn và lấy lại đà tăng vững chắc trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Phân tích sâu hơn vào bức tranh khách quốc tế tới Việt Nam cho thấy các nước láng giềng châu Á góp phần quan trọng. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường du khách lớn nhất đến Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%). Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần một nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Đài Loan ở vị trí thứ ba với 732 nghìn lượt, Mỹ ở vị trí thứ tư với 478 nghìn lượt, Nhật Bản ở vị trí thứ năm với 380 nghìn lượt. Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia và Úc (281 nghìn lượt), Ấn Độ (272 nghìn lượt), Campuchia (260 nghìn lượt), và Thái Lan (248 nghìn lượt).

Gộp chung lại, trong 7 tháng đầu năm nay, châu Á tăng 57% với động lực chính như đã nói từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc (tăng tới 190%), Hàn Quốc (tăng 37%), Nhật Bản (tăng 34%), Đài Loan (tăng 76%). Các thị trường khu vực châu Âu cũng tiếp tục phát triển tốt với mức tăng 47%, trong đó có các thị trường chính như Anh (+25%), Pháp (+33%), Đức (+27%), Nga (+75%). Dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách từ các thị trường châu Âu trong tháng 7 vẫn gia tăng so với tháng trước. Đây là tín hiệu rất tích cực đến từ một khu vực quan trọng của du lịch Việt Nam.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng thu từ khách du lịch trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 513.300 tỷ đồng.

Thành quả trên đến từ nỗ lực của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt từ chính sách thị thực thông thoáng từ tháng 8 năm 2023 và hàng loạt hoạt động xúc tiến quảng bá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thời gian qua tại các thị trường như Pháp, Đức, Ý, Nga. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam vào nửa cuối năm 2024 ở các thị trường phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, Mỹ. Những nỗ lực này kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả tốt hơn nữa.

Trong hội nghị quốc gia mới nhất để vực dậy ngành du lịch cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế của người dân, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, cũng là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực. Chính phủ đặt mục tiêu rất cao, đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa.

Để đạt được kỳ vọng lớn này, du lịch Việt Nam không thể tiếp cận theo cách chậm rãi mà cần thực sự quyết liệt, có những cách làm mới, tư duy mới.

Thứ nhất, phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa xúc tiến du lịch, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới du khách quốc tế. Việt Nam phải chủ động tham gia và có sáng kiến hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cơ quan du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong nước phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các các kênh ngoại giao trong nỗ lực nhằm quảng bá, phát triển du lịch.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác công – tư, huy động mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Hiện nay, nhiều điểm du lịch tiềm năng nhưng cơ sở vật chất còn yếu kém, điều kiện ăn ở chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch cao cấp. Nhà nước mở cửa và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khai thác những khu vực có tiềm năng là giải pháp cần thiết để nâng du lịch lên về chất lượng so với hiện nay.

Thứ ba, chính quyền địa phương nên đóng vai trò chủ động hơn nữa, tận dụng thế mạnh là sự hiểu biết về quê hương để tiến hành các hoạt động, sự kiện du lịch sôi động nhằm thu hút khách. Nhận thức về tác động lan tỏa của ngành du lịch tới kinh tế địa phương phải được quán triệt trong tư duy của các cấp. Sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của nhiều địa phương, và nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch mới tạo ra nội lực tăng trưởng của ngành. Sự phối hợp này sẽ hình thành liên kết giữa du lịch với các ngành khác, cùng sáng tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… Tư duy về du lịch theo hướng coi đây như một cơ hội để xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của Việt Nam sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho ngành du lịch cũng như cho tổng thể nền kinh tế.

Thứ tư, nỗ lực tạo môi trường xuất nhập cảnh thông thoáng trong nhiều năm qua đã được làm tốt nhưng vẫn có thể phát huy hơn nữa, trong các lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương… Chính phủ vẫn đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó có vấn đề visa.

Thứ năm, Việt Nam phải làm mới nhiều hơn nữa các sản phẩm, địa điểm du lịch hiện có để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới cần được đầu tư về cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng. Du lịch không thể đứng yên với những lợi thế sẵn có mà liên tục phải được làm mới. Du khách ít muốn quay lại những điểm cũ nếu không có những yếu tố mới. Đây là thách thức của ngành du lịch trong tương lai.

Thứ sáu, công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh cho du khách, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khuyết điểm, phải được chú trọng hơn nữa để tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, tiện nghi, mến khách. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam bắt nguồn từ những yếu tổ nhỏ nhất này. Cơ sở vật chất, an ninh và logistics không làm tốt sẽ rất khó cho du lịch Việt Nam đi xa trên tương quan với các nước láng giềng. Vấn đề bảo hiểm du lịch cho du khách cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Lợi thế không chỉ đến từ tiềm năng khác biệt, và lợi thế văn hoá mà còn là giá cả và chất lượng dịch vụ.

Thứ bảy, một giải pháp quan trọng khác là tạo điều kiện hơn nữa cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm. Đây là cầu nối để nhiều du khách hơn tới Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế…”. Đây là quan điểm chỉ đạo mang tính nền tảng để đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP. Tin tưởng với những nỗ lực của Chính phủ và ngành du lịch, mục tiêu này sẽ đạt được cùng với mục tiêu trước mắt là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới