Saturday, October 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThương chiến Mỹ - Trung ngày càng gay gắt

Thương chiến Mỹ – Trung ngày càng gay gắt

Mỹ tiếp tục có thêm động thái trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ.

Tờ South China Morning Post hôm qua (13.9) đưa tin ông Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, vừa có bài phát biểu nhân dịp 45 năm hai nước bình thường hóa quan hệ. Phát biểu qua video tại một hội nghị của Hiệp hội Châu Á (ở New York, Mỹ) vào ngày 12.9 (theo giờ địa phương), sau những lời xã giao, ông Tạ đã vạch ra 4 lằn ranh đỏ với Mỹ là: Đài Loan, dân chủ, nhân quyền và sự tự do phát triển của Trung Quốc.
Động thái mới của Mỹ

Cùng ngày 13.9, truyền thông quốc tế đưa tin Hạ viện Mỹ vừa thông qua loạt dự luật để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo Mỹ vượt lên trong cuộc cạnh tranh giữa hai nước.

Cũng nằm trong các dự luật trên, Hạ viện Mỹ đã thông qua việc cấm các dòng UAV mới của DJI (Trung Quốc) hoạt động trên các mạng lưới kết nối tại Mỹ, vì đây được xem là “rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ”. Dự luật này được thông qua với lý do bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng quan trọng của người Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik, người giới thiệu dự luật, nhấn mạnh quốc hội Mỹ phải sử dụng mọi công cụ để “ngăn chặn sự kiểm soát độc quyền của Trung Quốc đối với thị trường UAV”.

Còn DJI lập luận rằng người dùng được quyền chọn hay không chọn chia sẻ dữ liệu như nhật ký chuyến bay, ảnh và video với DJI. Nếu người dùng không chia sẻ thì DJI cũng “không có dữ liệu để chia sẻ” theo yêu cầu của chính phủ nào.

Phát biểu trên một chương trình của Bloomberg phát ngày 12.9, chuyên gia Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận xét Trung Quốc sẽ thiệt hại dù cho ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Theo vị chuyên gia này, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể tiếp tục chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, trong khi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì ông có thể cũng thúc đẩy thương chiến với Trung Quốc.
Nhiều mối lo lớn từ UAV của DJI

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra 3 nguyên nhân khiến Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm các dòng UAV mới của DJI không được hoạt động tại Mỹ.

Thứ nhất là về thương mại. DJI có ảnh hưởng lớn trên thị trường UAV khi chiếm 79% thị phần toàn cầu và 54% thị phần tại Mỹ trong năm 2023. Vì thế, quy định mới khiến DJI không thể bán UAV tại Mỹ, mở đường cho các công ty khác thay thế DJI.

Thứ hai là về an ninh. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã thông qua “Luật Tình báo quốc gia”, buộc các công ty nước này có hoạt động ở nước ngoài phải giao nộp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Do đó, có khả năng thông tin do UAV của DJI thu thập sẽ được chia sẻ với chính quyền Trung Quốc.

Thứ ba là về quân sự khi các cuộc xung đột gần đây cho thấy UAV có vai trò quân sự không nhỏ. Điển hình trong cuộc xung đột vừa qua với Armenia, Azerbaijan đã giành ưu thế và gần như chiến thắng nhờ UAV. Trong cuộc xung đột Ukraine, cả Nga và Ukraine đều sử dụng UAV. Trên chiến trường, nhiều loại UAV, từ nhỏ đến lớn, cũng như loại tầm ngắn đến tầm xa đều được sử dụng đa dạng để thu thập thông tin, thậm chí tấn công. Vì thế, nếu UAV Trung Quốc bành trướng trên thị trường Mỹ thì có thể làm hạn chế sự phát triển của UAV Mỹ trên thị trường nội địa, tác động đến sức mạnh quân sự. Từ nguyên nhân này, Mỹ cần loại trừ các công ty lớn của Trung Quốc và tái lập ngành công nghiệp UAV càng sớm càng tốt.

Nhiều khả năng, động thái tương tự đối với UAV của DJI cũng sẽ sớm diễn ra ở các quốc gia khác có cùng quan điểm với Mỹ.
Hà Lan siết chặt ASML về cung cấp vật tư cho Trung Quốc

Theo Reuters, chính phủ Hà Lan mới đây yêu cầu Công ty ASML phải được cấp phép khi cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cập nhật phần mềm cho thiết bị sản xuất chip máy tính từng bán cho Trung Quốc. ASML là nhà cung cấp số 1 thế giới về máy quang khắc – thiết bị then chốt dùng cho sản xuất chip. Vừa qua, ASML đã bị cấm cung cấp máy quang khắc thế hệ mới cho Trung Quốc.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới