“Bán đảo Triều Tiên căng thẳng” – điều ấy ai cũng biết! Nhưng những động thái mới nhất vừa qua cho thấy, sức nóng tại khu vực này như đã đến đỉnh điểm.
Động thái mới nhất đó là thông báo của Quân đội Triều Tiên. Họ cho biết: đã cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt kết nối với Hàn Quốc kể từ 9/10, và củng cố các khu vực ở phía bên biên giới của Triều Tiên.
“Củng cố…” trong trường hợp này là gì? Là gài mìn và dựng rào chắn; là tạo ra khu vực đất trống dọc theo biên giới đã quân sự hóa ở mức độ cao.
Thực ra, Bình Nhưỡng đã ráo riết triển khai điều gọi là “củng cố” từ nhiều tháng qua. Điều đó cho thấy, nút thắt của câu chuyện dường như đã được “bờ Bắc” lên kịch bản từ trước, một cách chủ động. Nếu điều đó đúng, đồng nghĩa cú “tuyệt giao” đường sá này sớm muộn gì cũng xảy ra.
Một người quyết đoán như nhà lãnh đạo Kim Jong-un chẳng cần quá để ý đến phản ứng của dư luận. (Nếu thế, ông đã chẳng làm những chuyện kinh thiên động địa cả thế giới). Nhưng suy cho cùng, ai khôn mà chẳng vậy: làm một điều gì đó mà dư luận không chỉ trích vẫn là tốt hơn.
Thời điểm này, trong tư duy của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên, quyết định cắt giao thông với “bờ Nam” là phù hợp. Bởi nó cần để đáp trả lại việc làm ví như “không biết điều” của Bình Nhưỡng và Washington: tổ chức liên tiếp các cuộc tập trận từ trung tuần tháng 8 và cả tháng 9 vừa qua (chưa kể các cuộc tập trận bắn đạn thật trước đó, cũng trong tháng 8).
Trước hết, là cuộc tập trận mang tên Lá chắn Tự do Ulchi diễn ra từ ngày 19 đến 29/8. Lá chắn Tự do Ulchi bao gồm hơn 40 khoa mục trên thực địa, trong đó có diễn tập bắn đạn thật và các buổi mô phỏng tác chiến trên máy tính. Kết quả của nó được coi là sự phản ánh kinh nghiệm thu được từ những cuộc xung đột vũ trang gần đây.
Có lẽ, để kinh nghiệm được phản ảnh đầy đủ, Seoul đã cử tới 19 nghìn binh sĩ tham gia. Washington không tiết lộ, nhưng trong con mắt Bình Nhưỡng, số binh sĩ Mỹ nếu có ít hơn, cũng không thể quá chênh lệch so với đồng minh Bắc Á.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn chưa dứt lời nhận định Lá chắn Tự do Ulchi “là cuộc tập trận khiêu khích phục vụ mục đích xâm lược” vào ngày ngày 19/8, thì một ngày sau mở màn một cuộc tập trận mới Mỹ – Hàn, từ ngày 20 đến 25/8, có quy mô lớn nhằm tăng cường hoạt động không quân và năng lực ứng phó trong những tình huống khẩn cấp trên không, trên bộ và trên biển. Tham gia, có tới 200 máy bay, gồm các chiến đấu cơ F-15K, FA-50 and KF-16 của Hàn Quốc cùng các máy bay chiến đấu F-16 và A-10 của Mỹ.
Tiếp đó, là cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn tại thành phố Pohang ở phía Đông Nam và bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên, với tên Ssangyong (Rồng đôi), từ ngày 26/8 kéo dài đến ngày 7/9. Thông báo phát đi, Seoul và Washington cho biết, sự kiện Ssangyong huy động lực lượng đổ bộ cấp sư đoàn và khoảng 40 tàu, trong đó có 2 tàu tấn công đổ bộ của Hàn Quốc là ROKS Dokdo và ROKS Marado, cùng tàu đổ bộ tấn công USS Boxer của Hải quân Mỹ. Sự kiện cũng có sự tham gia của khoảng 40 máy bay, trong đó có máy bay phản lực tàng hình F-35B và khoảng 40 xe tấn công đổ bộ…, với mục đích để xây dựng năng lực sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác của các đồng minh.
Có lẽ vì mục đích đó, điểm mới của Ssangyong là bắt đầu từ năm nay, lực lượng Thủy quân Lục chiến của Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức một nhóm tham mưu chung, cùng chỉ huy cuộc tập trận đổ bộ trên tàu ROKS Marado. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy quân sự chung giám sát các hoạt động máy bay không người lái, được thành lập vào tháng 9/2023 giữa hai đồng minh cũng sẽ tham gia Ssangyong lần đầu tiên, tiến hành các hoạt động giám sát triển khai máy bay không người lái…
Khi cuộc tập trận Ssangyong còn chưa dứt, thì ngay trong những ngày đầu tháng 9, hải quân và thủy quân lục chiến của Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ đường biển, tại khui vực thành phố Pohang thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc – cách Seoul 273 km về phía Đông Nam. Mục đích là nhằm kiểm tra khả năng bảo vệ các khu vực mục tiêu…
Quy mô ngày càng lớn; mục tiêu rõ, không úp mở: tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với “các mối đe dọa khác nhau từ Triều Tiên”…đã khiến khiến Bình Nhưỡng giận dữ. Chính thế, Bình Nhưỡng gần như buộc phải có động thái tương xứng, là “cắt đường” nhằm đáp trả những hành động khiêu khích từ một “quốc gia thù địch chính và kẻ thù không thay đổi” – như tuyên bố ngày 9/10 vừa qua.
Nếu tính thêm tuyên bố lần thứ 2 trong vòng 1 tuần của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, trong đó, nhấn mạnh Triều Tiên “sẽ không ngần ngại dùng đến mọi lực lượng hiện có. Điều này không loại trừ vũ khí hạt nhân”, cộng đồng thế giới càng thêm có lý do để lo lắng, nhiệt lượng mới đang gia tăng sẽ phá hủy kết quả của những gắng gượng kiềm chế gần như cuối cùng hiện nay giữa Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và đồng minh.
T.V