Trong khi dư luận đang tập trung sự chú ý đến những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông và nghĩ rằng Bắc Kinh đang nhẹ tay hơn với Việt Nam khi chưa thấy những va chạm lớn xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam thì xảy ra một vụ việc những người chức trách Trung Quốc có hành động man rợ đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, gây thương tích cho 10 ngư dân Việt Nam.

Vụ việc được ông Nguyễn Thanh Biên (40 tuổi), thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS kể lại. Theo đó, lúc khoảng 6 giờ sáng ngày 29/9, ông Biên phát hiện con tàu mang số hiệu 301 trên máy định vị trên tàu. Khoảng một tiếng sau, tàu 301 tiếp cận và rượt đuổi tàu cá. Khi đến gần, tàu 301 thả hai chiếc ca nô xuống và chạy hai bên kẹp tàu cá ở giữa để cho người lên tàu nhưng không được. Các ngư dân trên tàu QNg 95739 TS tìm cách không cho lực lượng Trung Quốc đu lên, leo lên boong tàu.
Một lúc sau có thêm một tàu sắt khác mang số hiệu 101 tiếp cận, thả thêm một ca nô nữa, bao vây kẹp tàu cá vào giữa. Tàu 101 tiếp tục áp sát rồi quăng móc lên tàu cá QNg 95739 TS để cho người đu lên. Ông Biên thuật lại: “Lúc đó mấy anh em ở dưới tàu la lên là bọn Trung Quốc leo lên được rồi. Tôi cũng hoảng nên cho tàu chạy nhanh về phía trước”. Lúc bấy giờ là khoảng 9 giờ sáng.
Sau khi cho ba chiếc ca nô cặp vào tàu cá QNg 95739 TS, khoảng 40 người Trung Quốc leo lên tàu cá QNg 95739 TS, mỗi người cầm một cái dùi cui. Ông Biên kể lại “Chúng tôi vừa chạy thì chúng đánh từ đằng sau đánh tới, gặp đâu đánh đó. Chúng nhằm vào tôi là thuyền trưởng, hai thằng đánh vô lưng và vai làm tôi bất tỉnh. Trong khi tôi bất tỉnh nó đánh mấy anh em khác, một anh bị gãy tay là Huỳnh Tiến Công”.
Em của ông Biên là ngư dân Nguyễn Thương (34 tuổi) cùng đi trên tàu cá QNg 95739 TS bị đánh tới mức hở khớp tay kể rằng ông đã bị đánh bằng tuýp sắt dài cỡ một mét. Ông Biên cho biết: “Trên tàu có bốn người bị thương nặng, một người bị gãy tay. Bị thương mà không biết bị thương luôn. Người bị nặng nhất là anh Huỳnh Tiến Công, bị gãy cổ tay”. Ông Biên kể lại: “Tụi nó đánh dã man quá, tôi đưa tay lên đỡ. Biết không thể kháng cự nên anh em phải để cho chúng đánh đập. Sau khi tấn công xong, họ dồn tất cả ngư dân trên mũi tàu và dùng tấm bạt trùm kín mọi người lại”. “Lúc ông Biên bất tỉnh, một số ngư dân xin đưa ông Biên vô ca bin để làm hô hấp nhân tạo nhưng lực lượng Trung Quốc thoạt tiên không cho, sau một lúc mới cho”.
Tới khoảng 13 giờ thì “lực lượng mặc đồ rằn ri” rời tàu chỉ để lại năm người và một thông dịch viên. Ông Thương kể: “Lúc này thông dịch viên nói cho tàu chạy về Việt Nam. Khi anh em kiểm tra thì ngư lưới cụ, máy móc trên tàu và “mấy tấn cá” đã bị lấy đi hết, chỉ để lại một máy định vị để quay về bờ”. Lúc bấy giờ tàu 101 của Trung Quốc vẫn bám theo. Tàu cá QNg 95739 TS chạy về hướng đảo Lý Sơn và dùng máy liên lạc gọi về tổng đài duyên hải để thuật lại sự việc. Ông Biên kể: “Khi tàu vô cách bờ tầm 40, 50 hải lý thì gặp tàu 6001 của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc đó mới băng bó cho anh Huỳnh Tiến Công rồi tiếp tục chạy về đất liền”.
Ngư dân Huỳnh Tiến Công, 47 tuổi, trú xã Tịnh Hòa, Quảng Ngãi, là người bị đánh nặng nhất. Ông bị gãy tay, chân bị đánh sưng vù và bị thương nhiều nơi khác trên cơ thể. Ông Công cho biết chiếc tàu đã thả ca nô tiếp cận tàu cá rồi cho người leo lên và “đánh anh em tới tấp, đánh phủ đầu”. Dù bị đánh và bị cướp hết cá, ngư cụ nhưng các ngư dân nói rằng họ sẽ vẫn tiếp tục đánh cá “trên vùng biển của Việt Nam”. Ông Công khẳng định: “Vùng biển của mình thì mình cứ đi bình thường chứ mình không có sợ. Biển của mình thì mình đi chứ”.
Theo các nhà quan sát, hai tàu Trung Quốc tấn công các ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 29/9 là tàu Tam Sa Chấp Pháp 101 (Sansha Zhifa 101) và Tam Sa Chấp Pháp 301 (Sansha Zhifa 301). Đây là các tàu thuộc Cục chấp pháp hành chính tổng hợp và quản lý tình trạng khẩn cấp của cái gọi là thành phố Tam Sa. Tàu Sansha Zhifa 101 có chiều dài 102 mét, lượng giãn nước 1.000 tấn, được biên chế vào tháng 7/2022; tàu Sansha Zhifa 301 lớn hơn, dài 133 mét, có lượng giãn nước 3.000 tấn, mới được biên chế trong năm 2024.
Ngoài ra, còn một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam bị tàu Trung Quốc hành hung. Tàu cá mang số hiệu QNg 90659TSđang neo đậu tại tọa độ 16 độ 11 phút vĩ độ Bắc, 112 độ 23 phút kinh độ Đông (ngay khu vực quần đảo Hoàng Sa) vào ba giờ chiều ngày 29/9, thì bị một tàu Trung Quốc áp sát, khống chế, hành hung thuyền trưởng và uy hiếp các thuyền viên, sau đó lấy hết trang thiết bị và hải sản gồm bảy bành dây hơi, bảy đôi chân vịt, bảy bộ độ lặn, khoảng 10 ngư dân Việt Nam bị tấn công gây thương tích ở quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó 1 tháng (vào cuối tháng 8/2024), tàu cá QNg 90495TS của ông Huỳnh Văn Hoanh (43 tuổi, trú xã Bình Châu), Quảng Ngãi cũng đã bị tàu Trung Quốc tấn công ở quần đảo Hoàng Sa. Theo tường trình của ông Hoanh, khoảng 5 giờ sáng 28/8, tàu cá QNg 90495TS trên đường di chuyển từ đảo Phú Lâm về bãi Xà Cừ (thuộc quần đảo Hoàng Sa), ông cùng 9 ngư dân bị tàu số hiệu 4201 truy đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực lớn. Vụ việc khiến ông Hoanh bị gãy tay phải, còn thuyền trưởng Huỳnh Văn Tiến (26 tuổi) bị thương ở vùng đầu, mặt; nhiều thiết bị điện tử trên tàu bị hư hỏng. Ông Hoanh kể “Tôi vừa bật dậy nhìn ra ngoài thì bị vòi rồng xịt tới tấp. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, sau khi tàu 4201 rời đi thì xuất hiện 1 tàu sắt khác mang số hiệu 4104 tiến lại gần, yêu cầu được lên tàu cá của tôi để cứu chữa các thuyền viên bị thương. Tuy nhiên, do lo sợ bị bắt giữ nên tôi từ chối và quyết định cho tàu chạy về đất liền”.
Như vậy, trong thời gian qua không chỉ các tàu công vụ của Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công mà lực lượng chấp pháp Trung Quốc còn liên tiếp tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phương thức tấn công của các tàu Trung Quốc cũng là bắn vòi rồng cực mạnh hoặc lực lượng chức năng Trung Quốc leo lên các tàu của Việt Nam sử dụng những gậy gộc, roi sắt đánh đập dã man ngư dân. Điều này tạo ra
Nhà nghiên cứu Raymond Powell, cựu đại tá không lực Mỹ ở California – người sáng lập và giám đốc của SeaLight (một dự án về minh bạch hàng hải giám sát và báo cáo các hoạt động ở Nam Trung Quốc), nhận định: “Việc khẳng định các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ngày càng trở nên bạo lực. Các tàu chấp pháp của họ thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng”. Ông Raymond Powell cảnh báo: “Việc sẽ có người thiệt mạng trong một trong những cuộc chạm trán như vậy dường như chỉ là vấn đề thời gian”.
Ngày 2/10 Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối hành vi “thô bạo” gây thương tích của lực lượng chấp pháp Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã “trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản” của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS của tỉnh Quảng Ngãi khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29/9. Người phát ngôn Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam”.
Theo Người phát ngôn Việt Nam, “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/10 ngang ngược nói rằng các tàu đánh cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển liên quan của quần đảo Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Bắc Kinh, do đó chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn”. Bắc Kinh chối cãi việc gây thương tích cho ngư dân Việt Nam khi nói: “Các hoạt động tại chỗ rất chuyên nghiệp và có chừng mực, và không có ghi nhận gì về thương tích”.
Qua vụ việc những người thực thi pháp luật Trung Quốc hành động dã man với những người ngư dân Việt Nam nghèo khó, giới chuyên gia nêu một số ý kiến sau:
Thứ nhất, việc giới chức thực thi pháp luật Trung Quốc hành hung dã man đối với ngư dân Việt Nam càng thể hiện rõ “bộ mặt” cường quyền của Bắc Kinh. Phải chăng nhà cầm quyền Bắc Kinh đang áp dụng luật rừng của riêng họ (Luật hải cảnh mới ban hành đầu năm 2023 và Quy định thủ tục về thực thi hành chính ban hành hôm 15/5/2024) để chấn áp những người ngư dân nghèo. Hành động của họ không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn bị dư luận quốc tế và khu vực lên án mạnh mẽ. Một số chuyên gia đã gọi hành động dã man của những người thực thi pháp luật Trung Quốc là những “hành vi của kẻ côn đồ”. Những hành vi man rợ này chỉ càng khiến Trung Quốc mất đi niềm tin của người dân các nước ven Biển Đông.
Thứ hai, cách hành xử thô bạo của Bắc Kinh chỉ reo rắc thêm lòng phẫn nộ của những người dân nghèo. Một số học giả chỉ ra rằng ngay cả với những người dân Trung Quốc (nhất là người ở Tân Cương, Tây Tạng) giới chức Trung Quốc còn có những hành động dã man thì đối với người dân các nước láng giềng nhỏ bé họ hành xử man rợ như vậy là điều dễ hiểu. Một số người đặt vấn đề ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc gần đây đưa ra cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh”, phải chăng chung vận mệnh là cách hành xử man rợ với người dân thường vô tội? Việc Bắc Kinh chối cãi gây thương tích đối với ngư dân là cách chối tội mà Trung Quốc thường làm để tránh sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, cách hành xử của người thực thi pháp luật Trung Quốc hôm 29/9/2024 với ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chẳng khác gì những hành đông mà hải cảnh Trung Quốc đã làm với những thuỷ thủ của tàu công vụ Philipines ở khu vực Bãi Cỏ Mây hôm 17/6/2024, thậm chí còn dã man hơn nhiều khi đánh gẫy tay và khiến 4 ngư dân Việt Nam phải nhập viện. Phải chăng cả Manila và Hà Nội đã nhận thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh nên đã tăng cường hợp tác với nhau trong các hoạt động trên biển thời gian gần đây. Do vậy, dù Bắc Kinh có trăm phương nghìn kế với chiến thuật “chia để trị cũng không thê chia rẽ, ly tán được Hà Nội và Manila. Các hành động man rợ của giới chức thực thi pháp luật Trung Quốc chính là chất xúc tác để kết dính Philippines với Việt Nam trong cuộc đối đầu với sự bành trướng của Bắc Kinh. Giới chuyên gia về Biển Đông phân tích, qua những hành động man rợ của Bắc Kinh đối với ngư dân Việt Nam hay đối với các tàu công vụ của Philippines thời gian qua cho thấy rõ hơn mưu đó độc chiếm Biển Đông đang được thực hiện theo phương thức ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines…ra khỏi các vùng biển của các nước này, rồi biến thành điều gọi là “bình thường mới”, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Các nước ven Biển Đông cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước thủ đoạn này của Bắc Kinh ở Biển Đông.