Wednesday, March 19, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông lặng sóng, đừng có mơ!

Biển Đông lặng sóng, đừng có mơ!

Sau cú mất mặt khi tuyên bố Mỹ sẽ kiểm soát Dải Gaza, đẩy hơn 2 triệu dân nơi đây “tạm di cư” một thời gian, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có những tuyên bố gây sốc, khi ông gặp Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm qua 7/2 tại Washington.

Nói “gây sốc” là bởi vì ông Trump đã thẳng thừng lên án những “hành vi khiêu khích” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi đó gần đây Trung Quốc luôn nói rằng tình hình Biển Đông khá ổn định. Nếu có điều gì ồn ào, bất an là do Washington gây ra.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ mọi hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông bằng sức mạnh hay các biện pháp hù dọa. Tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shigeru Ishiba “khẳng định lại” rằng Washington và Tokyo “mạnh mẽ chống đối mọi đòi hỏi bất hợp pháp về chủ quyền biển đảo từ phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; phản đối các “chương trình quân sự” và những hoạt động mang tính “hù dọa và khiêu khích” trong khu vực.

Thoáng nghe qua tưởng rằng, “hù dọa” là một từ mang tính khái quát chung chung, chỉ những kẻ ỷ vào thế mạnh để dọa dẫm, ăn hiếp người khác. Thực ra Bắc Kinh có hẳn một chiến lược rất bài bản và họ sẽ theo đuổi tới cùng để đạt mục tiêu xâm lấn, tiến tới chiếm trọn Biển Đông.

Ông Sheila A. Smith, một nhà nghiên cứu thuộc viện Council on Foreign Relations cho rằng: Cụm từ này ít nhất bao hàm các hành vi hù dọa về mặt kinh tế; về các biện pháp cấm vận; về các vụ tấn công tin học; cũng như những hành động đe dọa về phương diện quân sự.

Dịp này, nhắc đến tình hình ở Eo biển Đài Loan, thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh “tầm mức quan trọng của việc duy trì ổn định và hòa bình” tại khu vực này. Lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản xem đây là “một yếu tố then chốt đối với an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”. Ông Trump và ông Ishiba bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Hai ông cũng thẳng thắn trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên, bày tỏ quan ngại sâu sắc về những chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng ngày càng tỏ ra hung hăng. Phải coi việc tìm các giải pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều thiết yếu, Mỹ và Nhật Bản có trách nhiệm lớn trong vấn đề này. Đồng thời tìm cách ngăn chặn các hoạt động hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Liên bang Nga.

Tân Tổng thống Mỹ tuyên bố “Mỹ cam kết hoàn toàn đứng về phía Nhật Bản”, bảo đảm an ninh cho xứ sở Hoa anh đào. Mỹ sẽ “triển khai 100 % các khả năng răn đe, các phương tiện phòng thủ để bảo vệ Nhật Bản cũng như các đồng minh trong tương lai”. Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc về quần đảo Senkaku đang bị tranh chấp, duy trì cam kết đối với sự ổn định ở eo biển Đài Loan.

Như vậy, cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2.0, Trump đã giáng đòn đau vào Trung Quốc, không một chút kiêng dè. Không chỉ là chuyện cạnh tranh địa-chính trị, cạnh tranh ngôi thứ bá chủ mà thật sự Trump đã nhận rõ hơn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là không bao giờ lùi một bước. Biển Đông vẫn là điểm nóng, với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và khác biệt về yêu sách biển, cùng với tình hình quân sự hoá do Trung Quốc khơi mào. Mặc cho có nhà ngoại giao Việt Nam nói một cách mềm mại, giống như quá trình mài giũa đá, những bước tiến trong ngoại giao đòi hỏi phải có thời gian, phải kiên nhẫn và lạc quan, thì Biển Đông mới lặng sóng, ông Trump quả quyết: đừng có mơ!

Mỹ và Nhật Bản thống nhất cho rằng, ngày nay thế giới đang đứng trước bước ngoặt lớn, quá trình chuyển dịch sang cục diện đa cực, đa trung tâm có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu không được kiểm soát tốt, sẽ chuốc lấy những thảm hoạ. Không nên tin vào những thiết chế và quy tắc hiện hành mang tính hình thức, vuốt ve, lừa miếng nhau.

Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày nay không chỉ đơn thuần nhằm tranh giành lãnh thổ, lãnh hải, giành giật tài nguyên, nhằm kiểm soát thương mại, công nghệ và năng lực quân sự, mà điều quan trọng nhất là chiếm ngôi bá chủ thế giới. Trung Quốc với “Giấc mơ Trung Hoa”, với “Vành đai và Con đường” đã không che giấu ý đồ đó. Vì vậy, việc tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi là nền tảng bảo đảm hoà bình và ổn định quốc tế; là khuôn khổ chung cho các quốc gia giải quyết tranh chấp hoà bình và hợp tác.

Cần tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, bởi đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, là cơ sở cho các hành động và hợp tác trên biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Cứ soi vào tấm gương này thì Trung Quốc không thể “hóa trang” thành sứ giả hòa bình được.

Theo các nhà bình luận, sau khi mất điểm bởi các tuyên bố hồ đồ về ý định giải phóng, kiến thiết Gaza, ông Trump đã lấy lại thăng bằng khi bàn tới Biển Đông với Thủ tướng Nhật Bản. Đó là những quan điểm, chủ trương toàn diện, lâu dài và quan trọng nhất là nó khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới