Wednesday, March 19, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuyết định mới của TT Trump: 'Việt Nam chịu ảnh hưởng trực...

Quyết định mới của TT Trump: ‘Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp, lợi nhuận DN giảm

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump Áp thuế 25% lên nhôm, thép vào Mỹ sẽ khiến các sản sẩm nhôm thép của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp và biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế mới 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 10/2.


Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ công bố mức thuế mới 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 10/2. Đây là động thái mới nhất trong chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam – một trong những nhà xuất khẩu thép và nhôm lớn vào Mỹ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam với 1,11 triệu tấn, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Bùi Lê Minh – Giảng viên Khoa Tài chính tại Đại học FPT, nhận định: “Việc Mỹ tăng thuế nhằm bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán. Việt Nam, cùng với Canada, Brazil, Mexico, và Hàn Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.”

Các doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), và Nam Kim (NKG) cũng sẽ đối mặt với thách thức. Theo đánh giá của Chứng khoán ACB (ACBS), Hòa Phát chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp do tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu, trong đó thị trường Mỹ đóng góp 5-10% doanh thu xuất khẩu.

Tuy nhiên, Nam Kim và Hoa Sen có thể gặp khó khăn hơn. Xuất khẩu chiếm 40 – 60% doanh thu của Nam Kim, với Mỹ là thị trường lớn thứ ba. Trong khi đó, Hoa Sen có 40 – 50% doanh thu từ xuất khẩu, với thị trường Mỹ đóng góp 15 – 20%.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam, Bộ Công Thương tại Mỹ cho biết, hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.

Không những vậy, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, việc áp dụng bổ sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ.

Biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống
Theo ông HƯng, từ sau năm 2018, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thay thế vị trí của Trung Quốc trong xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ, như Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil. Do đó, Mỹ hiện nay phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép chiếm 12 – 15% và nhôm chiếm tới 40 – 45%.

Ông Hưng cho rằng, nếu Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu tốt khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Cùng với đó, khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

“Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam”, ông Hưng nói.

Còn theo ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACB lo ngại rằng, hiện, thép, tôn mạ đều đang có mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ khá cao nhưng hầu hết các mặt hàng này hiện tại đều chưa bị áp thuế chống bán phá giá.

Do đó, nếu sự tăng lên đồng loạt của cả thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá có thể triệt tiêu những lợi ích dự kiến tăng thêm từ việc tái phân bổ thương mại.

Bên cạnh đó, việc điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác, nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Vì vậy, các chiến dịch điều tra và giải trình có thể trở nên phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Minh nêu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới