Cải cách hành chính không chỉ là bước đi tất yếu mà còn là “đòn bẩy” giúp Trung Quốc bứt phá trong cuộc đua hiện đại hóa. Đặc biệt, dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ, cuộc cải cách này diễn ra quyết liệt, làm thay đổi sâu sắc bộ máy nhà nước và diện mạo kinh tế đất nước.

“Tinh gọn bộ máy chính phủ là một cuộc cách mạng”
Tháng 1/1982, trước Bộ Chính trị, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tinh gọn bộ máy chính phủ là một cuộc cách mạng”. Bài phát biểu này được ví như “sấm động trời quang” về cải cách hành chính.
“Hiện tượng các cơ quan tổ chức chồng chéo, định nghĩa công việc không rõ ràng, một số lượng lớn công chức viên chức vô trách nhiệm và thiếu năng lực, thiếu nhiệt huyết, kiến thức và hiệu quả công việc, nhân dân không thể chấp nhận, đảng cũng không thể chấp nhận”, trích bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau này được đăng trong cuốn “Tuyển tập Đặng Tiểu Bình”.
Kể từ khi cải cách Đặng Tiểu Bình được đưa ra vào đầu những năm 1980, bộ máy nhà nước ở Trung Quốc đã trải qua 4 lần tái cấu trúc lớn, mỗi lần đều đòi hỏi phải phân bổ lại quyền lực chính trị.
Quá trình tái cấu trúc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có thể được chia thành 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên (1982 – 1997), ông Đặng Tiểu Bình cùng hai nhà lãnh đạo khác Triệu Tử Dương và Lý Bằng đã tái cấu trúc một phần bộ máy hành chính của chính phủ nhằm đưa các lực lượng thị trường vào hệ thống kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, quá trình hội nhập không diễn ra suôn sẻ vì những mâu thuẫn giữa những người ủng hộ cải cách và những người bảo thủ, vì vậy quá trình tái cấu trúc đã gặp phải phản ứng dữ dội và chững lại.
Trong giai đoạn đầu, cải cách hành chính ở Trung Quốc (diễn ra chủ yếu trong năm 1982 và 1988) tập trung vào việc tinh giản biên chế và chưa làm rõ mục tiêu cuối cùng của cải cách kinh tế Trung Quốc. Nhưng điều này đã thay đổi cơ bản kể từ năm 1993 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố mục tiêu cuối cùng của cải cách kinh tế là phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi cấp bách một chính phủ mới để vận hành.
Sau Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 9 vào tháng 3/1998, quá trình tái cấu trúc đã bước vào giai đoạn thứ hai, đặc trưng bởi sự cắt giảm triệt để các tổ chức chính phủ và nhân viên ở cả cấp trung ương và địa phương. Khi thực hiện điều này, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Dung Cơ có ý định từ bỏ mối liên hệ giữa chính phủ với các doanh nghiệp, do đó thúc đẩy “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” tiến xa hơn nữa.
“Cuộc đại phẫu” dưới thời ông Chu Dung Cơ
Có thể nói, lần tái cấu trúc đậm nét nhất tại Trung Quốc là cuộc cải cách năm 1998 dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ. Đây được xem là một cuộc “đại phẫu” giúp tinh gọn hệ thống hành chính và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Chu Dung Cơ, một nguyên nhân quan trọng sinh ra thâm hụt tài chính là chi phí hành chính tăng quá mạnh. Dữ liệu thống kê cho thấy chi phí cho bộ máy chính quyền và nhân viên hành chính lên tới 30% tổng chi phí tài chính. Việc duy trì một bộ máy cồng kềnh và tốn kém làm giảm nguồn lực đầu tư cho kinh tế xã hội.
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc vụ viện, ông Chu Dung Cơ đã yêu cầu giảm một nửa số lượng người trong Quốc vụ viện, trong đó số phó thủ tướng giảm từ 6 xuống 4, số ủy viên quốc vụ viện giảm từ 8 xuống 5, số phó tổng thư ký giảm một nửa từ 10 xuống 5. Tổng số biên chế của Hội đồng Nhà nước cũng bị cắt giảm một nửa.
Mục tiêu của cải cách năm 1998 là tổ chức một hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả cao, phối hợp nhịp nhàng và được vận hành bởi một bộ quy tắc ứng xử chuẩn hóa. Cải cách cũng nhằm mục đích cải thiện dịch vụ công để tạo ra một đội ngũ hành chính chất lượng và chuyên nghiệp, hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại.
Để đạt được các mục tiêu này, 5 nguyên tắc đã được đưa ra. Thứ nhất, xác định lại chức năng của chính phủ và tách chính phủ khỏi doanh nghiệp; đặt nhiệm vụ của chính phủ vào quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế quốc dân và cung cấp dịch vụ công. Thứ hai, tái cấu trúc các tổ chức chính phủ bằng cách tối ưu hóa cấu trúc hành chính, tinh giản biên chế công chức và cải thiện hiệu quả hành chính.
Thứ ba, hợp lý hóa trách nhiệm hành chính và giảm sự chồng chéo theo các điều khoản về trách nhiệm giải trình. Thứ tư, hướng dẫn cải cách hành chính của các tổ chức chính quyền địa phương theo tình hình phát triển kinh tế và xã hội của từng địa phương. Thứ năm, thiết lập khuôn khổ pháp lý, thủ tục và chuẩn hóa cho hành chính, trong đó việc thành lập tổ chức và lập ngân sách là liên ngành.
Cuộc cải cách này được thực hiện từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương và kéo dài trong 4 năm. Đến cuối năm 1998, tổng số biên chế của Hội đồng Nhà nước đã giảm từ 33.000 xuống còn hơn 16.000. Đến tháng 6/2002, các tổ chức đảng, chính quyền và quần chúng các cấp trên toàn quốc đã cắt giảm 1,15 triệu biên chế hành chính. Chính quyền thành phố, quận và thị trấn đã sa thải khoảng 430.000 nhân viên thừa biên chế.
Trung Quốc khi đó đã giải thể 15 bộ, lập thêm 4 bộ và đổi tên 3 bộ. Các bộ và Ủy ban của Quốc vụ viện từ 40 giảm xuống còn 29; tinh giản 25% cơ cấu trong các bộ. Tổng cộng từ trung ương đến các cấp địa phương giảm 47% nhân viên. Quy mô tổng số ủy ban và bộ đã giảm 27,5%, trong khi những người trong lĩnh vực kinh tế đã bị cắt giảm 50%.
Để đạt được những thành tựu này, không có quá trình nào là dễ dàng. Trong một cuộc trò chuyện vào cuối năm 1997, ông Chu Dung Cơ nói rằng ông phụ trách cải cách thể chế của Quốc vụ viện và đã nói chuyện với hàng chục bộ trưởng, không ai trong số họ sẵn sàng cho việc bộ của mình bị giải thể. Nhưng ông Chu Dung Cơ, nổi tiếng với “nắm đấm sắt”, đã “quyết tâm làm điều này ngay cả khi phải chết” và ông đã thành công.
Mặc dù về mặt thực hiện cải cách tinh gọn biên chế, ông Chu Dung Cơ đã thành công, nhưng theo các chuyên gia, quá trình cải cách này cũng gây xáo trộn không nhỏ, dẫn đến tình trạng thừa nhân sự nghiêm trọng. Tình trạng này, đi kèm với cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước diễn ra cùng thời kỳ, đã khiến Trung Quốc ngập tràn những viên chức và công nhân thất nghiệp.
Tại đây, một bài toán không dễ giải quyết đã được đặt ra: làm thế nào để cân bằng giữa tinh gọn bộ máy và đảm bảo an sinh cho hàng triệu lao động bị ảnh hưởng? Chính phủ Trung Quốc sau đó đã phải phát triển hàng loạt các chính sách hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ cung cấp thất nghiệp, đào tạo lại lao động và khuyến khích khu vực tư nhân hấp thụ nguồn nhân lực dôi dư. Những biện pháp này, dù bị nhiều người nói là có tính “đối phó”, nhưng nhìn chung ít nhiều có thể giải quyết được thách thức đã đặt ra sau quá trình cải cách.
Dù còn nhiều điều bàn cãi, cuộc cải cách dưới thời ông Chu Dung Cơ vẫn được xem là một dấu ấn quan trọng, đặt nền tảng cho một bộ máy hành chính hiệu quả hơn và tạo đà cho sự phát triển của Trung Quốc trong những thập kỷ tiếp theo. Tinh thần quyết định và tầm nhìn cải cách của ông vẫn để lại dấu ấn sâu sắc, trở thành bài học cho các quốc gia đang tìm kiếm con đường đổi mới hành chính.
T.P