Cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu vào ngày 10/3. Từ hàng chục năm nay, năm nào cũng lặp lại như thế. Có điều Mỹ-Hàn thì nói đây là hoạt động thường niên, nhằm mục đích phòng thủ, còn Bình Nhưỡng thì lên án, coi đây là hành động khiêu khích nguy hiểm.

Theo thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc có tên là “Freedom Shield 2025” (Lá chắn tự do), sẽ kéo dài 10 ngày, từ 10/3 đến ngày 20/3, nhằm tăng cường năng lực ứng phó trước các mối đe dọa từ Triều Tiên và đồng minh. Đây là một trong những cuộc tập trận chung thường niên có quy mô lớn nhất, bao gồm các nội dung huấn luyện thực tế, mô phỏng và dã chiến.
Hẳn không phải chuyện ngẫu nhiên khi đúng ngày Mỹ và Hàn Quốc động binh, Triều Tiên cũng khai hỏa. Các tên lửa đạn đạo đã được phóng từ tỉnh Hwanghae của Triều Tiên vào khoảng 13h50 (giờ địa phương). Điểm đáng chú ý, đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Cùng với hành động “cảnh cáo” bằng vũ khí hạt nhân, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn là “hành động khiêu khích nguy hiểm”. Bình Nhưỡng tuyên bố: Seoul và Washington sẽ phải trả giá cho hành động của họ, vì nó sẽ dẫn đến “cuộc khủng hoảng an ninh trầm trọng hơn”. Rằng những hành động này sẽ đẩy tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao đến mức có thể “châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên chỉ bằng một phát súng vô tình”!
Những diễn biến trả đũa nhau không còn quá bất ngờ, bởi vì Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận của Mỹ – Hàn là hành động khiêu khích. Lần này Bình Nhưỡng dùng ngôn từ mạnh mẽ hơn. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, những tuyên bố này được phát ra khi Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm, trong chương trình tiếp tục nâng cấp năng lực quân sự, đặc biệt là công nghệ tên lửa.
Triều Tiên nhận định, tên lửa đạn đạo được phóng lên là một phản ứng kịp thời, bởi từ lâu chính quyền của ông Kim Jong-un đã coi các cuộc tập trận quân sự chung này là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Triều Tiên, không chấp nhận những “lời thanh minh khó lọt tai” của Seoul và Washington.
Hơn nữa, việc Triều Tiên lựa chọn thời điểm phóng tên lửa ngay trong ngày đầu của cuộc tập trận được xem là một thông điệp cứng rắn gửi đến Mỹ và Hàn Quốc.
Đương nhiên, Hàn Quốc và Mỹ đã tính đến sự phản ứng của Triều Tiên và có thể sẽ đáp trả bằng cách tăng cường giám sát quân sự, hoặc tiếp tục các cuộc tập trận, tạo ra một vòng xoáy leo thang căng thẳng. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột ngoài ý muốn, đặc biệt khi Bình Nhưỡng tuyên bố rắn: “Sẽ bùng nổ chiến tranh bắt đầu từ một phát súng vô tình”.
Trước sự kiện này Nga và Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng thân cận với Triều Tiên có động thái ra sao? Bênh Triều Tiên nhưng chớ để mất lòng Mỹ. Tuy chưa có thông tin chính thức về phản ứng của Moscow và Bắc Kinh, nhưng dựa trên các phản ứng trước đây, cả hai quốc gia này thường nói nước đôi rằng “quan ngại về các hành động leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Hai nước một mặt phản đối các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, mặt khác kêu gọi Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, đồng thời thúc giục các bên liên quan kiềm chế và giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Cụ thể thêm, họ kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán đa phương nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Âu cũng là bổn cũ chép lại. Ai cũng nói là “biết rồi, khổ lắm”, nhưng ai cũng lại biết cuộc chiến thông tin hiện nay phải song hành với vũ khí hiện đại. Và lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn giống như hành động của chàng vệ sĩ “nằm ngửa đấm với”. “Đấm với” và không thể “tới”, bởi vũ khí hạt nhân không chỉ là công cụ quân sự mà còn là lá bài chiến lược giúp các cường quốc duy trì vị thế của mình.
Bình Nhưỡng đã tìm thấy tử huyệt: Không nước nào muốn từ bỏ một lợi thế quan trọng như vậy khi kẻ khác vẫn còn nắm giữ vũ khí này.
H.Đ