Một khi ông Trump duy trì “lập trường mơ hồ” với Đài Loan, Trung Quốc chẳng dại gì mà không khai thác sự mập mờ đó để gia tăng sức ép, củng cố vị thế và thu hẹp không gian hoạt động của Đài Loan trên trường quốc tế.

Chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump luôn gây tranh cãi, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan. Dưới thời Trump, chính quyền Mỹ không công khai cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Thay vào đó, Washington duy trì “lập trường mơ hồ” – không khẳng định rõ ràng liệu Mỹ có can thiệp quân sự hay không.
Chính sách này không phải lần đầu tiên Mỹ áp dụng. Trước đây, các đời tổng thống Mỹ đều duy trì chiến lược “một Trung Quốc” nhưng thường không rõ ràng cam kết bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, với Trump, chiến lược này trở nên bất định hơn bao giờ hết, vì ông thường thay đổi lập trường dựa trên lợi ích đàm phán.
Trong khi trước đó, chính sách của chính quyền ông Biden rõ ràng hơn – tuyên bố “Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan” – thì chính quyền Trump 2.0 lại từ chối trả lời câu hỏi về việc Mỹ sẽ đối phó thế nào nếu Trung Quốc tấn công. Sự im lặng đó vô hình trung trao cho Bắc Kinh cơ hội tăng cường áp lực. Bằng chứng là, trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC ngày 7/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã tiết lộ rằng ông Trump tin tưởng Trung Quốc sẽ không có bất kỳ hành động nào với Đài Loan trong nhiệm kỳ của ông, dù nhiều quan chức Mỹ lo ngại điều đó sẽ diễn ra. Trước quan điểm này, giới quan sát bình luận rằng: ông Trump có phần chủ quan trước tham vọng của Bắc Kinh – điều đó không chỉ khiến Đài Loan lo lắng, mà tạo ra khoảng trống để Trung Quốc tận dụng nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tăng cường quân sự quanh Đài Loan.
Để chứng minh, các nhà phân tích quốc tế dẫn các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc liên tục được tổ chức với quy mô lớn hơn, số lượng chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan gia tăng đột biến. Năm 2020 – năm cuối nhiệm kỳ của Trump 1.0, Trung Quốc triển khai tới 380 lần xâm nhập ADIZ, gấp hơn 2 lần so với năm 2019. Hải quân Trung Quốc cũng triển khai nhiều tàu chiến và tàu sân bay đến khu vực này, phô trương sức mạnh và gửi đi thông điệp cứng rắn. Điều này không chỉ đe dọa trực tiếp Đài Loan mà còn gây lo ngại cho các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bên cạnh quân sự, Trung Quốc cũng gia tăng áp lực ngoại giao đối với Đài Loan. Dưới thời Trump nhiệm kỳ trước, Bắc Kinh đã bí mật “đi đêm” và thành công trong việc thuyết phục nhiều quốc gia ngảnh mặt với Đài Bắc. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2020, có ít nhất 4 quốc gia bao gồm: Panama, Cộng hòa Dominica, El Salvador, và Quần đảo Solomon từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh là sử dụng chiến lược “ngoại giao bẫy nợ”, tận dụng các khoản vay và đầu tư để ràng buộc các nước đang phát triển, khiến họ khó có thể duy trì quan hệ với Đài Bắc. Điều này khiến không gian ngoại giao của Đài Loan bị thu hẹp đáng kể.
Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội kích thích chủ nghĩa thống nhất. Thông qua các chiến dịch tuyên truyền, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng “thống nhất hòa bình” là xu hướng tất yếu. Đồng thời, Trung Nam Hải áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để thu hút doanh nghiệp Đài Loan dịch chuyển sang đại lục, tạo sự lệ thuộc về mặt kinh tế. Chiến dịch “Mặt trận thống nhất” cũng được mở rộng, lôi kéo các nhóm thân Bắc Kinh trong nội bộ Đài Loan, làm suy yếu sự ủng hộ đối với chính quyền Đài Bắc.
Một hệ quả khác từ “lập trường mơ hồ” của Trump là Trung Quốc có thêm không gian để củng cố vị thế khu vực. Khi Mỹ không có cam kết rõ ràng với Đài Loan, Bắc Kinh càng tự tin hơn trong việc thúc đẩy ảnh hưởng tại Biển Đông và khu vực Đông Á. Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, tăng cường sự phụ thuộc kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực, qua đó gián tiếp cô lập Đài Loan trên trường quốc tế. Đồng thời, nước này mở rộng hiện diện quân sự tại Biển Đông, xây dựng các cơ sở quân sự trên các thực thể cưỡng chiếm mà không gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ dưới thời Trump.
Việc thiếu một lập trường rõ ràng từ Mỹ không chỉ khiến Đài Loan bị đẩy vào thế khó mà còn khiến các đồng minh của Washington tại khu vực Đông Á lo ngại về cam kết an ninh của Mỹ. Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều theo dõi sát sao tình hình và có những bước đi riêng nhằm gia tăng năng lực phòng vệ trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Lập trường mơ hồ của ông Trump cho thấy việc thiếu đồng nhất và rõ ràng trong chính sách đối ngoại có thể dẫn đến những hệ quả khó lường, đặc biệt khi đối diện với một đối thủ có chiến lược dài hơi như Trung Quốc. Khi Mỹ không đưa ra tín hiệu rõ ràng về cam kết bảo vệ Đài Loan, Bắc Kinh càng có cơ hội để gia tăng các hoạt động gây sức ép mà không sợ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.
Nhiệm kỳ của ông Trump còn dài. Câu hỏi đặt ra là: liệu ông ta có tiếp tục duy trì lập trường mơ hồ này hay sẽ điều chỉnh chính sách để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc? Đó là một vấn đề mà không chỉ Đài Loan, mà cả thế giới, đang quan tâm và theo dõi sát sao.
T.V