Ánh sáng hòa bình cho Ukraine đã le lói sau những cuộc đàm phán, thương thảo tưởng đã rơi vào ngõ cụt. Ukraine đã chấp nhận thỏa thuận do chính quyền Trump đưa ra hôm 11/3 trong cuộc họp tại Ả Rập Saudi.

Trong tuần này Mỹ sẽ có cuộc làm việc tiếp với Nga. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh với Nga. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ đưa lời đề nghị này đến người Nga ngay bây giờ và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ đồng ý”.
Cụ thể, Kiev đã đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày, tùy thuộc vào việc Moscow chấp nhận các điều khoản đến đâu. “Chúng tôi hi vọng người Nga sẽ trả lời điều đó. Cử chỉ thiện chí tốt nhất mà người Nga có thể đưa ra là họ sẽ nói đồng ý”, ông Rubio cho biết.
Đáp lại thiện chí của Kiev, Tổng thống Donald Trump đã tán thành việc dỡ bỏ lệnh tạm dừng hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine “có hiệu lực ngay lập tức”. Mỹ cũng nối lại việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.
Vấn đề hòa bình cho Ukraine là sống còn, không chỉ cho nước này, cho Nga mà còn cho cả phương Tây. Không một người lính nào muốn chết trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm vô nghĩa này. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz nói, cuộc chiến “điên rồ” đã sang bước ngoặt mới mang tính quyết định. Ông nói: “Chúng ta đã chuyển từ việc liệu cuộc chiến này có kết thúc hay không sang cách thức cuộc chiến này sẽ kết thúc”.
Còn lại, các vấn đề liên quan đến việc trả lại trẻ em Ukraine đang ở Nga và trả lại tù nhân chiến tranh sẽ được giải quyết trong “giai đoạn thứ hai” của các cuộc đàm phán. Tại Ả Rập Saudi, chính quyền Trump và phái đoàn Ukraine đã thảo luận “các chi tiết quan trọng” về các đảm bảo an ninh để đảm bảo hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga.
Theo đó, cả hai phái đoàn đều nhất trí chỉ định nhóm đàm phán của mình và ngay lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới một nền hòa bình lâu dài, đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine. Mỹ cam kết thảo luận các đề xuất cụ thể này với đại diện từ Nga. Các đối tác châu Âu sẽ tham gia vào tiến trình hòa bình này. Giới phân tích bình luận rằng, Đàm phán Ả Rập Saudi đã “không quên ai trong cuộc chiến đấu này”.
Cố nhiên, Mỹ không quên khoản lợi kếch xù đó là khoáng sản. Ngoại trưởng Mỹ cho hay: “Thỏa thuận khoáng sản sẽ được thảo luận vào một ngày khác. Chúng tôi ở đây để theo đuổi hòa bình. Nhưng điều đó không có nghĩa là thỏa thuận khoáng sản không quan trọng”.
Tạm thở phào sau một cuộc leo dốc. Việc Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ lệnh tạm dừng hỗ trợ an ninh cho Ukraine có thể được xem là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện tại. Đây là một cam kết từ phía Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó với những thách thức an ninh mà họ đang phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột diễn ra ở khu vực này.
Việc Mỹ tiếp tục “cứu” Ukraine bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự, hỗ trợ an ninh có thể giúp nước này củng cố khả năng tự vệ và chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Nó cũng tác động không nhỏ đến quan hệ quốc tế, ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc đối phó với tình hình ở Ukraine.
Mặc dù đây là một bước đi tích cực, nhưng hiệu quả thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn quyết định của các bên liên quan và tình hình thực tế trên mặt đất. Liệu Nga có chấp nhận đàm phán với Mỹ và tiến tới ngừng bắn tạm thời với UKraine? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm:
Một là, tình hình chiến sự: Nếu tình hình trên chiến trường trở nên bất lợi cho Nga, họ có thể cân nhắc đến việc ngừng bắn tạm thời như một cách để củng cố vị thế của mình.
Hai là, Áp lực quốc tế: Sự can thiệp và áp lực từ các nước phương Tây, cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế, có thể khiến Nga phải xem xét lại chiến lược của mình và tìm kiếm những giải pháp ngoại giao.
Ba là, điều kiện đàm phán: Nga có thể đặt ra những điều kiện cụ thể cho việc ngừng bắn, bao gồm việc công nhận một số yếu tố liên quan đến quyền lợi của họ trong khu vực.
Bốn là, mối quan hệ với Ukraine: Sơ bộ, các cuộc đàm phán cũng cần sự tham gia của Ukraine, và việc Ukraine có chấp nhận đàm phán trong khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn cũng là một yếu tố quan trọng.
Điều dễ nhận thấy là, Nga chấp nhận đàm phán hay không, phụ thuộc vào sự cân nhắc của họ về lợi ích chiến lược của mình và phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Dù sao đây cũng là dấu hiệu của ánh sáng hòa bình, tưởng chừng đàm phán đã như hòn đá chìm sâu đáy hồ. Nếu Nga và Mỹ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán về ngừng bắn, thì khả năng tiến tới giải quyết hòa bình đã trở thành hiện thực.
Tín hiệu hòa bình đến từ khả năng đối thoại. Việc mở ra đàm phán cho thấy cả hai bên đều nhận thức được sự cần thiết phải tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, thay vì leo thang xung đột. Kế đến là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời có thể mang lại thời gian để giảm bớt căng thẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các cuộc thương thảo sau này.
Dẫu còn mong manh nhưng bất kỳ tín hiệu nào cho thấy có thể đạt được hòa bình đều mang lại hi vọng cho những người đang chịu ảnh hưởng của cuộc chiến kéo dài đã hơn ba năm.
Sau “cuộc gặp đầu bờ” đã thấy tín hiệu tích cực từ cộng đồng quốc tế. Sự tham gia của các bên thứ ba, như Mỹ, vào quá trình đàm phán cho thấy một sự đồng thuận rộng rãi hơn về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đường đến hòa bình là một tiến trình dài và phức tạp, động thái này có thể tạo ra cơ hội mới cho các bên tìm kiếm một giải pháp bền vững. Một sự thay đổi tích cực trong tương lai gần, rất gần đang đến. Hòa bình cho Ukraine, cũng như cho Dải Gaza, Trung Đông, cho thế giới không bao giờ là muộn.
H.Đ