Tuesday, April 29, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNgoại giao khôn khéo hay động thái nhạy cảm?

Ngoại giao khôn khéo hay động thái nhạy cảm?

Một quyết định đối ngoại không thể làm hài lòng tất cả, nhưng điều quan trọng là nó có phục vụ lợi ích chiến lược dài hạn của đất nước hay không.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến với tùy viên quốc phòng các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia tại Việt Nam

Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) được coi là sự kiện trọng đại của Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ quá khứ hào hùng, mà còn là cơ hội thể hiện tầm vóc quốc gia trong thời đại mới. Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa cho biết sẽ mời quân đội ba nước láng giềng: Trung Quốc, Lào và Campuchia cử đoàn tham gia diễu binh, diễu hành. “Sẽ” là thì tương lai, nhưng hẳn Hà Nội đã có lời trước và nhận được cái gật đầu hồ hởi của Bắc Kinh. Theo giới quan sát, sự tham gia của Lào và Campuchia không gây nhiều tranh cãi, nhưng việc mời quân đội Trung Quốc hẳn sẽ thành vấn đề gây phản ứng trái chiều trong dư luận.

Việt Nam và Trung Quốc, dù “chung một dòng sông” về địa lý và văn hóa, nhưng quan hệ hai bên từng trải qua nhiều thăng trầm. Chỉ tính trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc từng là đồng minh quan trọng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng cũng là quốc gia đã tiến hành chiến tranh biên giới năm 1979, và có những hành động gây hấn trên Biển Đông trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, bất kỳ động thái nào liên quan Bắc Kinh đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Mời quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh: những người có quan điểm cứng rắn về chủ quyền có thể cảm thấy điều đó không cần thiết, thậm chí là “yếm thế” trước một đối thủ từng gây chiến. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra trong bối cảnh phức tạp địa chính trị hiện nay, đây lại là một bước đi có tính toán khôn khéo của Hà Nội.

Những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cấp quan hệ với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc. Thành công đó của Hà Nội khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại về sự dịch chuyển chiến lược của Việt Nam. Việc mời quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh có thể được hiểu như một động thái nhạy cảm nhưng có chủ ý, nhằm “trấn an” Bắc Kinh rằng Việt Nam vẫn duy trì chính sách ngoại giao độc lập, không nghiêng hẳn về một bên nào.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng là cơ hội để thể hiện rằng, trên trường quốc tế, Việt Nam không bị cô lập, mà ngược lại, đủ sức điều phối các quan hệ phức tạp ngay cả với các siêu cương (như Trung Quốc) một cách linh hoạt và chủ động.

Dư luận Việt Nam có thể sẽ có phản ứng với quyết định này, nhất là khi những ký ức về các cuộc xung đột trong quá khứ vẫn còn in đậm. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, sự đồng thuận tuyệt đối trong các vấn đề đối ngoại là điều hiếm có, đặc biệt khi nó liên quan đến Trung Quốc.

Nếu để công chúng cảm thấy rằng đây là một sự nhượng bộ, thì phản ứng tiêu cực sẽ gia tăng. Nhưng nếu nhấn mạnh rằng đây là một phần trong chiến lược đối ngoại đa phương, nhằm duy trì hòa bình và ổn định, thì dư luận sẽ hiểu mời Trung Quốc tham gia diễu binh không có nghĩa là nhún nhường, mà chỉ đơn giản là một cách thể hiện vị thế ngoại giao độc lập và thông điệp hòa hiếu của Hà Nội với Bắc Kinh cũng như quốc tế.

Đồng thời, bước đi này cũng mang lại lợi ích chiến lược dài hạn cho Việt Nam. Thứ nhất, nó giúp duy trì kênh đối thoại quân sự với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý những vấn đề căng thẳng, đặc biệt là trên Biển Đông – điều mà ngay cả Washington cũng thấy cần thiết và từng phải nỗ lực mong có được với Bắc Kinh. Việc giữ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở mức ổn định giúp giảm nguy cơ va chạm không đáng có, tránh để tình hình bị đẩy lên mức đối đầu trực diện.

Thứ hai, mời Trung Quốc tham gia diễu binh cũng là cách để Việt Nam khẳng định chủ quyền theo một hướng tinh tế. Trong khi Bắc Kinh thường xuyên có những động thái đơn phương nhằm khẳng định ảnh hưởng của mình tại Biển Đông, thì Việt Nam có thể tận dụng các diễn đàn quốc tế và những sự kiện ngoại giao để thể hiện vị thế của mình mà không cần đến các biện pháp cứng rắn.

Thứ ba, đây cũng là một cách để Việt Nam thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm trong khu vực, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để duy trì hòa bình và ổn định. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức đa phương như ASEAN, Liên Hợp Quốc và các diễn đàn khu vực.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng lời mời này không làm thay đổi bản chất của chính sách đối ngoại Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn đề cao chủ quyền và độc lập dân tộc, giữ vững nguyên tắc, không để bất kỳ quốc gia nào áp đặt lên mình. Bằng việc mời Trung Quốc tham gia diễu binh, Việt Nam thể hiện sự tự tin và khả năng kiểm soát tình hình, thay vì để Trung Quốc hoặc một nước nào khác chi phối câu chuyện.

Dĩ nhiên, để quyết định này đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tổ chức cũng như truyền thông. Hình ảnh của lễ diễu binh cần được thể hiện một cách khéo léo, sao cho vừa phản ánh được tinh thần tự hào dân tộc, vừa không gây ra hiểu lầm như một sự nhượng bộ. Đồng thời, nó phải toát lên thông điệp về quan điểm ngoại giao Việt Nam hiện nay: giữ vững chủ quyền nhưng không đóng cửa với thế giới…

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới