Mặc dù Mỹ tham vọng tái cấu trúc hệ thống thương mại quốc tế và tạo áp lực để Việt Nam điều chỉnh các rào cản thương mại, từ đó gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào các tiêu chuẩn và quy định do Mỹ đề ra, nhưng Việt Nam không dễ rơi vào bẫy hiểm.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và nỗ lực tái cấu trúc cán cân thương mại, Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Tuyên bố từ nhà cầm quyền cho rằng, đây là biện pháp “đáp trả” nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại, song nhiều chuyên gia và nhà phân tích nhận định, đằng sau chính sách này là mục đích chiến lược của Mỹ trong việc tái định hướng các mối quan hệ thương mại và áp lực kinh tế đối với Việt Nam.
Thuế đối ứng (reciprocal tariffs) là một chính sách thương mại của Mỹ nhằm giải quyết thâm hụt thương mại song phương, tức là tình trạng Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu từ một quốc gia nào đó. Lý do là thâm hụt kéo dài thường đến từ các rào cản thuế quan và phi thuế quan khiến thương mại không tự cân bằng. Việc áp thuế đối ứng nhằm giảm nhập khẩu từ các quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ, qua đó đưa cán cân thương mại tiến gần hơn về mức cân bằng.
Ông Trump giải thích mộc mạc rằng: “Đối ứng, nghĩa là, họ làm vậy với chúng ta thì chúng ta cũng làm vậy với họ. Rất đơn giản, không thể đơn giản hơn được nữa!”
Theo cách nói đó, Việt Nam đang áp thuế trung bình lên tới 90% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. (Thực tế, thuế suất trung bình theo trọng số thương mại của Việt Nam chỉ khoảng 5,1%). Cách tính 90% của phía Mỹ có vẻ dựa trên tỷ lệ thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (khoảng 123,4 tỷ USD) chia cho tổng giá trị thương mại song phương (khoảng 136,5 tỷ USD), chứ không phải là thuế thực tế.
Phản ứng tức thì, Việt Nam đề nghị xóa bỏ hoàn toàn thuế đối với hàng Mỹ. Tuy nhiên cố vấn thương mại của Trump , ông Peter Navarro đã trả lời: Đề xuất đó là không đủ, vì vấn đề là các hành vi gian lận phi thuế quan. Ông cáo buộc rằng rất nhiều hàng Trung Quốc được chuyển khẩu qua Việt Nam, và thuế VAT cũng là một hình thức “gian lận”.
Còn chuyên gia Doug Irwin thì, cho rằng, việc Mỹ muốn có thương mại cân bằng hay thặng dư với Việt Nam là không thực tế, xét theo đặc điểm kinh tế của hai nước. Ông nói: “Việt Nam nhận rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Mỹ xuất khẩu linh kiện, còn Việt Nam lắp ráp thành phẩm rồi xuất lại. Tự nhiên điều đó đã tạo ra thâm hụt thương mại”.
Mức thuế “choáng váng” 46% sẽ đánh mạnh vào các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Thủy sản, nhựa, cao su, dệt may, giày dép, máy móc, linh kiện điện tử. Tuy nhiên, không đến mức như có người lo ngại, ngành xuất khẩu Việt Nam sẽ “chết hẳn” hay chí ít cũng “què quặt”. Vẫn có một số mặt hàng không bị ảnh hưởng, gồm: dược phẩm, chất bán dẫn, các sản phẩm đồng, kim loại quý hay một số khoáng sản không có tại Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm như thép, nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô đã bị áp thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Mỹ sẽ không bị áp thêm thuế đối ứng nữa. Cụ thể, từ năm 2018, thép bị áp thuế 25%, nhôm bị áp 10%.
Trước cơn bão thuế, phản ứng từ các doanh nghiệp hai bên như thế nào? Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã đề nghị “một giai đoạn chuyển tiếp” thay vì áp dụng đột ngột. Chủ tịch AmCham Mark Gillin rất có lý khi ông khẳng định, việc thay đổi đột ngột sẽ làm gián đoạn hoạt động và đi ngược với mục tiêu thương mại công bằng. Và ông kêu gọi hai bên tìm giải pháp cân bằng.
Phía bị “trừng phạt” Việt Nam cũng lên tiếng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra đề xuất áp mức thuế linh hoạt theo từng mặt hàng thay vì một mức đồng loạt 46%. Đồng thời đề nghị chính phủ đàm phán giảm thuế và điều chỉnh thuế suất cụ thể phù hợp với từng nhóm sản phẩm. Còn Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thì cho biết, ngành này bị tác động không đáng kể, vì thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu của họ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho đây là “đòn giáng mạnh”, nhưng kêu gọi các doanh nghiệp bình tĩnh và chờ đợi kết quả đàm phán.
Thuế suất 46%, trận bão lớn này không chỉ tàn phá kinh tế Việt Nam mà là mối đe dọa lớn đối với cả thế giới. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng, đa dạng hóa thị trường để không phải phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Cụ thể, có thể mở rộng các thị trường xuất khẩu sang các nước khác (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực ASEAN).
Đây là cơ hội để Hà Nội tăng cường đầu tư trong nước và cải cách kinh tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, cùng với việc thu hút FDI từ những quốc gia khác. Đồng thời, phát triển chuỗi cung ứng, dần trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực Đông Nam Á. Điều này không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các biện pháp đối ứng của Mỹ.Việc Mỹ áp lực đối ứng cao lên Việt Nam có thể tạo ra khó khăn cho nền kinh tế, nhưng với khả năng mở rộng thị trường, cải cách và phát triển chuỗi cung ứng, lại có nhiều cơ hội để thoát khỏi những thách thức này và duy trì sự ổn định cho nền kinh tế của mình.
Trong cái khó ló cái khôn. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng. Cuộc chiến tranh thương mại cũng chưa hình thành. Đây mới là một tình huống đang phát triển, đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.
Cho đến nay, sau chuyến đi Mỹ đàm phán trở về của Đoàn VIệt Nam, do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu, những lợi thế cốt lõi của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nền tảng kinh tế vững chắc; là khả năng tiếp cận khu vực và mạng lưới thương mại đang mở rộng, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù Mỹ tham vọng tái cấu trúc hệ thống thương mại quốc tế và tạo áp lực để Việt Nam điều chỉnh các rào cản thương mại, từ đó gia tăng sự phụ thuộc của nước này vào các tiêu chuẩn và quy định do Mỹ đề ra, nhưng Việt Nam không dễ rơi vào bẫy hiểm. Trong “nguy” có “cơ”. Với nền kinh tế năng động và khả năng đa dạng hóa thị trường có thể sử dụng cơ hội này để tái cân bằng hệ thống ngoại thương, đồng thời khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
H.Đ