Cuộc tập Rồng Vàng 2025 không chỉ hé lộ tham vọng quân sự của Trung Quốc mà còn là phép thử sức bền cho phản ứng của Mỹ–ASEAN và bài toán an ninh toàn diện cho Việt Nam.

Ngày 14/5/2025, cuộc tập trận chung Rồng Vàng giữa Trung Quốc và Campuchia chính thức khai màn, với quy mô lớn chưa từng có: hơn 2.000 binh sĩ, hàng loạt khí tài hiện đại, từ tàu đổ bộ, trực thăng, máy bay không người lái cho đến robot chiến đấu và hệ thống trí tuệ nhân tạo. Sự kiện diễn ra ở tỉnh Kampong Chhnang và đặc biệt là khu vực ven biển gần quân cảng Ream – một điểm nóng đang thu hút nhiều chú ý trong chiến lược an ninh khu vực Đông Nam Á.
Nằm ven Vịnh Thái Lan, cảng Ream từng là biểu tượng hợp tác quốc phòng giữa Campuchia và Mỹ khi được Washington hỗ trợ tu sửa. Tuy nhiên, từ năm 2019, Campuchia chuyển hướng, tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc để mở rộng và nâng cấp cảng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi rõ nét: đường băng mới, cầu cảng hiện đại, các cơ sở radar và hậu cần đồng bộ. Phnom Penh nhiều lần khẳng định không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện – theo đúng tinh thần Hiến pháp Campuchia, tuy nhiên, điều đó vẫn không ngắn được những xì xầm của dư luận về việc Trung Quốc được “biệt đãi” tại quân cảng này.
Theo các nhà phân tích, vị trí của Ream – chỉ cách Biển Đông chưa đầy 300 hải lý – cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng kiểm soát từ phía tây, kết hợp với trục Hải Nam–Trường Sa ở phía đông, tạo nên thế gọng kìm chiến lược. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn khu vực gần Ream làm nơi diễn tập hải quân trong Rồng Vàng 2025 được xem là bước đi mang tính phô diễn và thăm dò.
Dù được tuyên bố là “chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo”, cuộc tập trận năm nay mang đầy đủ dấu hiệu của một diễn tập quân sự chiến lược – như nhận định của giới quan sát. Việc điều động tàu đổ bộ Type 071 Trường Bạch Sơn – một trong những khí tài chủ lực của hải quân Trung Quốc trong các kịch bản tấn công đảo, càng củng cố thêm nhận định: mục tiêu thực sự của Trung Quốc là đánh giá khả năng triển khai nhanh, chiếm lĩnh và kiểm soát khu vực duyên hải.
Ngoài ra, việc kết hợp các thiết bị bay không người lái, chó robot chiến đấu và công nghệ AI cho thấy Trung Quốc đang sử dụng Campuchia như một nền tảng thử nghiệm công nghệ quân sự, có thể áp dụng trong những kịch bản phức tạp hơn – trong đó có Biển Đông.
Washington từ lâu đã nghi ngờ vai trò ngày càng sâu của Trung Quốc tại Ream. Việc Campuchia từ chối đề nghị tiếp cận cơ sở quân sự từ phía Mỹ và cắt đứt các hoạt động huấn luyện song phương khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái lạnh nhạt. Nỗ lực khôi phục ảnh hưởng qua các cơ chế như Đối thoại Mekong–Mỹ hay chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở vẫn chưa đủ để làm đối trọng với sức mạnh tài chính và hiện diện quân sự của Bắc Kinh tại Phnom Penh. Thực tế đó đặt ra bài toán cho chiến lược lâu dài của Mỹ tại Đông Nam Á, đồng thời khiến các quốc gia trong khu vực phải điều chỉnh kỳ vọng về thế cân bằng lực lượng.
Từ góc nhìn an ninh quốc gia, Việt Nam – nước láng giềng của Campuchia – không thể không lo ngại khi chứng kiến Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự từ phía tây Biển Đông. Trong khi các tiền đồn nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa giúp Trung Quốc kiểm soát phía đông và trung tâm Biển Đông, thì Ream – nếu được sử dụng như một căn cứ hậu cần – sẽ hỗ trợ triển khai lực lượng đường biển hoặc không quân sát vùng biển phía nam Việt Nam.
Phát ngôn ngày 15/5 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là lời nhắc nhở khéo léo nhưng rõ ràng: các hoạt động hợp tác quốc phòng cần minh bạch, không ảnh hưởng đến an ninh khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Dù không chỉ đích danh cuộc tập trận Rồng Vàng, tuyên bố này phản ánh quan điểm nhất quán của Hà Nội trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích chiến lược.
Dưới góc nhìn khu vực, sự kiện Rồng Vàng 2025 một lần nữa cho thấy thách thức trong việc giữ vững lập trường chung của ASEAN. Khi một quốc gia thành viên như Campuchia để Trung Quốc tiến hành tập trận sát Biển Đông, điều đó đặt ra nghi vấn về mức độ gắn bó và phối hợp nội khối, đặc biệt trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) – một văn kiện mà Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố “đã nằm trong tầm tay” (!). Việc không thể hiện lập trường rõ ràng hoặc thiếu tiếng nói chung có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực – vốn đang bị đặt dưới sức ép của các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, cuộc tập trận Rồng Vàng 2025 là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi cán cân chiến lược tại Đông Nam Á. Không chỉ là sự kiện quân sự đơn lẻ, đây là thông điệp nhiều tầng ý nghĩa: Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng; Campuchia đang định hình lại vị thế; Mỹ đối mặt với thách thức duy trì ảnh hưởng; và các nước như Việt Nam buộc phải tính toán thận trọng hơn trong thế trận mới.
T.V