Tuesday, June 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTạo điều kiện cho doanh nhân phạm tội được tại ngoại để...

Tạo điều kiện cho doanh nhân phạm tội được tại ngoại để điều hành doanh nghiệp?

Theo nhiều đại biểu quốc hội, việc này tạo điều kiện cho họ tiếp tục điều hành công việc, có cơ hội khắc phục thiệt hại nhưng cũng cần quy định giới hạn thời gian, tránh vụ việc kéo dài, gây nhiều hệ luỵ

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Tạo cơ hội cho doanh nhân khắc phục thiệt hại

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm không áp dụng hồi tố các quy định của pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung nội dung tăng cường áp dụng biện pháp cho tại ngoại trong tố tụng hình sự. Chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam.

Ông Đồng nêu trên thực tế, việc tạm giữ, tạm giam kéo dài đối với doanh nhân khiến cả một doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, mất sức cạnh tranh quốc tế, trong khi chỉ giải quyết được vụ án nhỏ.

“Nếu cho doanh nhân tại ngoại, tiếp tục điều hành công việc thì họ sẽ có cơ hội để khắc phục thiệt hại”, ông Đồng nói thêm.

Cùng quan điểm, tuy nhiên đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cũng lo ngại, quy định này có thể bỏ lọt các trường hợp vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn như gian lận, trốn thuế

Do đó, vị đại biểu này cho rằng, cũng cần phải có quy định giới hạn thời gian cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả để tránh vụ việc kéo dài.

“Việc ưu tiên khắc phục hậu quả cũng có thể làm giảm tính răn đe của pháp luật”, ông Nghĩa quan ngại.

Ngoài ra, liên quan đến quy định về tài sản hình thành hợp pháp với tài sản thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án, đại biểu Nghĩa đánh giá việc phân biệt hai loại tài sản này là phức tạp, đặc biệt trong các vụ án kinh tế lớn, liên đới đến nhiều bên liên quan.

Do vậy, cần có những quy định cụ thể, cơ chế giám sát tạm thời, đối với tài sản trong quá trình điều tra để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nếu không sẽ dẫn đến khả năng áp dụng không đồng nhất.

Ưu tiên hoà giải thương mại thay vì toà án

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, với quy định về giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn, ông đề xuất bổ sung thêm quy định về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại – nút thắt đối với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển.

Trong đó, bảo đảm tuân thủ đúng về thời hạn tố tụng khi thụ lý, xét xử và thi hành án các vụ việc kinh doanh thương mại. Việc chậm trễ, kéo dài thời gian xử lý vụ án, kéo dài thời gian thi hành án kinh doanh thương mại được xem là một căn cứ để đánh giá, xử lý trách nhiệm cán bộ.

“Đây là vấn đề doanh nghiệp rất bức xúc vì thời gian xử lý vụ án kinh doanh thương mại kéo quá dài, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cần đặt mục tiêu tăng tỷ lệ thi hành án dân sự thành công lên trên 80% đối với các vụ việc có điều kiện thi hành”, ông Đồng lưu ý.

Chia sẻ tại một hội nghị mới đây, TS Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế PACC cho biết, một thực trạng trên thế giới hiện nay, 80% doanh nghiệp giải quyết tranh chấp ở trọng tài thương mại, còn lại 20% ở toà án nhưng Việt Nam đang làm ngược lại.

Rất nhiều doanh nghiệp có thói quen tranh chấp là nghĩ ngay đến việc kiện ra toà, chưa tìm đến một cách giải quyết khác tương tự như toà án đó là trọng tài thương mại.

Theo ông Sơn, hơn 30 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, bởi họ hiểu ưu nhược điểm của giải pháp này ra sao.

“Ví dụ vừa rồi xảy ra tranh chấp nội bộ giữa chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình và Tổng giám đốc nếu như ra toà án, phải thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng của pháp luật, các cấp sơ thẩm đến phúc thẩm hoặc cao hơn nữa nếu nhanh nhất có thể mất 2-3 năm, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cho doanh nghiệp. Có những vụ việc kéo dài đến 20 năm như ở Thái Nguyên chẳng hạn”, ông Sơn dẫn chứng.

TS Trần Minh Sơn đánh giá, đối với doanh nghiệp, thời gian là vàng, là bạc, tranh chấp cần phải giải quyết nhanh, gọn trong một vài tháng, tiết kiệm thời gian.

Vì vậy, ông Sơn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn nữa đến Luật Trọng tài thương mại và sắp tới cần sửa nghiêm túc Luật định này bởi đây là điều các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm.

“Không chỉ sửa Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư…mà cần quan tâm sửa cơ chế bảo vệ doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại”, ông Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) nhận định trong quan hệ kinh tế thị trường, chắc chắn không tránh khỏi những tranh chấp. Cơ chế hoà giải thương mại, trọng tài thương mại, toà án thương mại giải quyết các tranh chấp cần phải được đưa vào dự thảo, có như vậy mới tạo được môi trường thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết.

“Khi phát sinh tranh chấp, hòa giải phải được đặt lên hàng đầu. Sau khi hoà giải không thành thì khởi kiện ra toà án hoặc trọng tài thương mại. Những cơ chế về trọng tài thương mại cũng nên được đưa vào dự thảo”, ông Thân kiến nghị.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới