Tuesday, June 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTT Trump tuyên bố sẵn sàng tới TQ để gặp ông Tập...

TT Trump tuyên bố sẵn sàng tới TQ để gặp ông Tập Cận Bình

Ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng tới Trung Quốc để hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chính sách đối ngoại và các vấn đề kinh tế song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng tới Trung Quốc để gặp ông Tập Cận Bình.

“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ rất quan trọng”
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News phát sóng ngày 16/5, khi được hỏi ông có muốn tới thăm ông Tập trong một chuyến công du nước ngoài hay không, Tổng thống Trump đã trả lời rằng: “Chắc chắn rồi”. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là “quan trọng”.

Tổng thống Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đầu tuần này, ông dự đoán hai bên có thể sớm tiến hành một cuộc điện đàm, sau khi các phái đoàn hai nước đạt được một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời trong cuộc chiến thương mại kéo dài tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thỏa thuận kéo dài 90 ngày này là kết quả của các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng sau khi ông Trump áp đặt mức thuế quan mạnh đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đã giảm mức thuế nhập khẩu từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế đối với hàng hóa Mỹ xuống còn 10%.

Dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm thuế và tiếp tục đàm phán, nhưng những động thái gần đây cho thấy mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn đầy căng thẳng và thiếu sự tin tưởng.

Một mặt thể hiện mong muốn đối thoại với Bắc Kinh, ông Trump cũng không giấu giếm chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực Trung Đông. Trong cuộc phỏng vấn, ông khẳng định chuyến công du gần đây tới Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nhằm ngăn các quốc gia này rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

“Họ đã định nghiêng về phía Trung Quốc. 3 quốc gia đó rất quan trọng và cần phải được giữ trong quỹ đạo của chúng ta”, ông Trump khẳng định.

Ở động thái liên quan, khi được CNBC hỏi liệu các cuộc đối thoại gần đây có mang tính xây dựng hay không, ông Lý Thành Cương – đặc phái viên thương mại Trung Quốc, người đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Jeju (Hàn Quốc) – chỉ trả lời ngắn gọn: “Chắc chắn”, mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về các cuộc họp kế tiếp.

Ông Lý cũng cho biết không có thông tin gì liên quan đến khả năng diễn ra cuộc gặp trực tiếp hoặc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, ông He Yongqian, cũng giữ giọng điệu thận trọng khi không đưa ra thêm thông tin mới nào về tiến trình đàm phán.

Vòng đàm phán đầu tiên tại Geneva đã được Bắc Kinh ca ngợi như một minh chứng cho lập trường cứng rắn của Trung Quốc trước sức ép thuế quan từ Washington. Theo thỏa thuận đạt được, cả hai bên đã đồng ý tạm thời giảm mức thuế để tạo điều kiện đàm phán một hiệp định lâu dài hơn. Đồng thời, một “cơ chế truyền thông” giữa hai nước về các vấn đề kinh tế – thương mại cũng được thiết lập.

Tuy nhiên, dù đã có bước lùi trong chiến tranh thương mại, hai bên vẫn tiếp tục có những lời lẽ và hành động cứng rắn ở nhiều mặt trận khác.

Ngày 13/5, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ không nên sử dụng chip AI Ascent của Huawei, hành động bị Bắc Kinh chỉ trích là “lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu”.

Đến ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ, cáo buộc Washington “lạm quyền” và khẳng định Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó”.

Một vấn đề nhạy cảm khác là khoáng sản đất hiếm – nguyên liệu chiến lược với nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trung Quốc vẫn đang kiểm soát nghiêm ngặt xuất khẩu nhóm khoáng sản này. Ngày 4/4, Bắc Kinh bắt đầu chặn xuất khẩu một số kim loại đất hiếm nhằm đáp trả mức thuế mà ông Trump tuyên bố trong “Ngày giải phóng”. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã kêu gọi các địa phương siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu đất hiếm.

Các công ty muốn xuất khẩu đất hiếm nay phải xin phép đặc biệt từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Theo Reuters, ít nhất 4 nhà sản xuất nam châm đất hiếm – bao gồm nhà cung cấp cho hãng xe Đức Volkswagen – đã nhận được giấy phép xuất khẩu.

Khi được hỏi về chính sách kiểm soát đất hiếm trong cuộc họp báo ngày 16/5, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn giữ im lặng, cho biết “không có thông tin nào để cung cấp”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới