Tuesday, June 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Đường vòng” thay vì “đường thẳng”

“Đường vòng” thay vì “đường thẳng”

Giữa chính sách thuế khốc liệt từ Nhà Trắng, việc Việt Nam “nói chuyện” với Google, SpaceX hay Lockheed Martin hàm chứa một phép suy luận chính trị rõ ràng: trực tiếp không hiệu quả, thì vòng vo có khi đến đích.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Excelerate Energy (Hoa Kỳ).

Nếu chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump là một thông điệp “nói là làm” thì hành động ngoại giao mới đây của Hà Nội – đề nghị các tập đoàn lớn như Google, SpaceX, Lockheed Martin chuyển tải quan điểm của Việt Nam lên chính quyền Mỹ – chính là một kiểu phản biện thầm lặng: “Nếu không thể gõ cửa chính diện, thì hãy thử bước qua ngách bên.”

Động thái này của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Mỹ ngày 20/5 vừa qua, thoạt nhìn, có vẻ như một cuộc vận động đầu tư thường thấy. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh chính quyền Trump đang triển khai chính sách thương mại mang màu sắc trừng phạt – cụ thể là kế hoạch đánh thuế tối thiểu 10% và tối đa tới 60% đối với hàng hóa từ các nước có thặng dư thương mại cao – thì giới quan sát có lý do để suy luận: đây không chỉ là một lời mời hợp tác, mà là một cách truyền đi thông điệp chính sách, bằng kênh phi truyền thống.

Không phải tình cờ mà các cái tên như Lockheed Martin, Excelerate Energy, Google hay SpaceX được lựa chọn. Không chỉ là các nhà đầu tư tiềm năng, họ còn là các chủ thể có khả năng “nói chuyện” trực tiếp với Nhà Trắng – theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong hệ thống chính trị – kinh tế Mỹ, nơi đồng tiền và ảnh hưởng luôn đi song song, các tập đoàn này có nhiều kênh để định hình dư luận, gây tác động lên Quốc hội và kể cả Tổng thống.

Lockheed Martin không xa lạ với Nhà Trắng – họ là nhà thầu quốc phòng số một, gắn với mọi gói ngân sách quân sự. Google là cánh tay nối dài của quyền lực công nghệ. SpaceX không chỉ là biểu tượng Elon Musk – mà còn là đại diện cho tham vọng vũ trụ quốc gia. Những cái tên đó có sức nặng trong hành lang chính trị Mỹ hơn cả một vài quốc gia đang phát triển.

Và vì thế, khi Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp này “chuyển tải thông điệp hợp tác kinh tế thương mại song phương tới chính quyền Tổng thống Trump” – đó không thể đơn giản chỉ là phép lịch sự ngoại giao, mà phản ánh một suy luận thực tế: đường đi chính sách tại Washington không chỉ chạy qua Bộ Ngoại giao hay Phòng Bầu dục – nó còn đi qua các tòa trụ sở lấp lánh ánh đèn của các tập đoàn khổng lồ.

Bởi vì có lẽ Việt Nam đã hiểu rằng, với ông Trump – một tổng thống theo chủ nghĩa giao dịch – thì những cuộc tiếp xúc ngoại giao truyền thống có thể không mang lại kết quả như mong đợi. Trump không giấu giếm quan điểm: nước nào xuất siêu vào Mỹ là nước đang “lợi dụng”, và phải bị trừng phạt. Việt Nam nằm trong danh sách đỏ với thặng dư thương mại đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội không có nhiều lựa chọn. Phản ứng đối đầu – như Trung Quốc – thì không có tiền đề, điều kiện, đồng nghĩa với tự sát. Phản ứng im lặng thì càng nguy hiểm hơn. Chỉ còn một hướng: tiếp cận “tầng ảnh hưởng thứ hai” – nơi các doanh nghiệp lớn có lợi ích tại Việt Nam sẽ trở thành bên trung gian, bên vận động, bên gửi thông điệp mà chính quyền Trump có thể chú ý tới.

Đó không phải sự ngẫu nhiên. Đó là sự tính toán. Hãy thử đảo ngược suy luận. Giả sử bạn là CEO một tập đoàn như Lockheed Martin, vừa ký hợp đồng xuất khẩu máy bay không người lái sang Đông Nam Á, và đang tìm mở rộng thị phần quốc phòng tại khu vực này, bạn có muốn chính phủ Mỹ áp thuế lên Việt Nam, khiến quan hệ song phương lạnh đi? Chắc chắn không.

Hay bạn là SpaceX – đang cần bãi phóng, nguồn cung vệ tinh, thậm chí hạ tầng AI tại Đông Nam Á. Việt Nam – quốc gia có độ mở kinh tế cao, dân số trẻ, hạ tầng đang cải thiện và chính sách ổn định – là một ứng viên lý tưởng. Tại sao bạn không vận động để chính quyền Mỹ mềm mỏng hơn với Việt Nam?

Lợi ích, xét đến cùng, là thứ khiến người Mỹ hành động. Và Hà Nội đang nói thứ ngôn ngữ đó – một cách tinh tế.

Triển vọng không dễ đo đếm ngay. Nhưng chắc chắn, nó tạo ra một “áp lực mềm” lên các quyết định sắp tới của Washington. Nếu các tập đoàn Mỹ có tiếng nói đủ mạnh; nếu họ bắt đầu gửi thư, vận động hành lang, hoặc đơn giản là thể hiện quan điểm trong các cuộc điều trần Quốc hội – thì đề xuất của Việt Nam không hề vô vọng.

Hơn nữa, chiến lược này còn giúp Việt Nam xây dựng thêm một “hàng rào an toàn” trong thương mại song phương: càng nhiều doanh nghiệp Mỹ có lợi ích tại Việt Nam, thì nguy cơ Mỹ áp dụng các biện pháp cứng rắn càng giảm. Vì sẽ có lực lượng phản đối từ trong lòng chính giới Mỹ.

Luật chơi của Trump là luật của “giao dịch đôi bên cùng có lợi, không thì đập bàn”. Và Việt Nam – không phải siêu cường, nhưng đủ khôn ngoan – đang học cách giao tiếp bằng chính thứ luật đó, thông qua những người nói được tiếng “Trump”: các tập đoàn, nhà đầu tư, ông chủ doanh nghiệp, những kẻ không ngần ngại gọi thẳng tới Phòng Bầu dục khi lợi ích của họ bị đe dọa.

Bởi vậy, đề nghị vừa qua không chỉ là một cử chỉ. Nó là một thông điệp chiến lược. Và nếu mọi thứ đi đúng hướng, thì tiếng nói của Hà Nội sẽ đến được Nhà Trắng – không bằng loa phát thanh, mà bằng tiếng thì thầm qua cổ phiếu và các hợp đồng tỷ đô.

Trong thế giới nơi tiền, chính trị và sức mạnh mềm đang hòa lẫn, Việt Nam đang đi đúng đường – dù đó là đường vòng. Đôi khi, chính đường vòng mới là đường ngắn, khả thi nhất đến mục tiêu.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới