Sunday, June 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới'Siêu cầu' ở TQ: Cuộc cách mạng lập nên những kỷ lục...

‘Siêu cầu’ ở TQ: Cuộc cách mạng lập nên những kỷ lục thế giới

Chỉ trong vòng một thế hệ, từ một nước phụ thuộc vào kĩ thuật xây cầu của nước ngoài, Trung Quốc giờ đây đã có thể dựng nên những “siêu cầu” thách thức giới hạn địa hình và xô đổ hàng loạt kỷ lục thế giới.

Các cây cầu do Trung Quốc xây dựng liên tục lập kỷ lục thế giới, bất chấp mọi loại địa hình từ các hẻm núi sâu thăm thẳm đến các eo biển sóng dữ.

Mới đây, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, dự án cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ sẽ có sự tham gia xây dựng của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đến từ Trung Quốc.

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là một trong những “ông lớn” của ngành xây dựng hạ tầng và cầu đường Trung Quốc, xếp thứ 19 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất nước này.

Đây là một trong hàng ngàn doanh nghiệp đang cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng cầu đường hết sức phát triển của Trung Quốc. Chỉ trong vòng một thế hệ, Trung Quốc đã chuyển mình từ một quốc gia phụ thuộc vào kĩ thuật xây cầu của nước ngoài, thành “tác giả” của những cây cầu hiện đại và ấn tượng nhất thế giới.

Cuộc cách mạng về kĩ thuật xây cầu
Theo Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Giao thông Trung Quốc, đến năm 2030, những nhịp cầu dài nhất và những cấu trúc dây văng giữ kỷ lục thế giới đều sẽ mang dấu ấn của kỹ sư Trung Quốc.

Từ Cầu Hẻm núi Hoa Giang cao 625m – dự kiến sẽ là cây cầu cao nhất thế giới, cho đến cầu Trương Tĩnh Cao với nhịp cầu chính dài tới 2.300m, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cách mạng về kĩ thuật xây cầu.

Theo đó, các phương pháp khảo sát chính xác, mô hình hóa hiện đại và đột phá về vật liệu đã giúp Trung Quốc xây dựng những “siêu cầu”. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị xây dựng tự động hóa cũng giúp quá trình thi công cầu an toàn và hiệu quả hơn, dù là ở các hẻm núi sâu thẳm hay eo biển sóng dữ.

Nhịp chính của một cây cầu, tức khoảng cách giữa 2 trụ chính, là một trong những cách phổ biến nhất để xác định độ phức tạp về mặt kỹ thuật của cây cầu.

“Những cây cầu có nhịp lớn (nhịp chính từ 100m trở lên) đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật xây cầu vì chúng bắc qua các địa hình phức tạp như sông lớn, vịnh hay hẻm núi. Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng các cầu nhịp lớn”, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghiệp Hợp Phì cho biết.

Những cây cầu phá vỡ kỷ lục thế giới
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về xây dựng cầu treo, cả về số lượng lẫn quy mô.

Một trong những dự án tiêu biểu đang thi công là cầu Trương Tĩnh Cao bắc qua sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tô. Dự kiến hoàn thành vào năm 2028, đây sẽ là cây cầu treo dài nhất thế giới với nhịp chính dài 2.300m. Bên cạnh đó, trụ cầu chính cao 350m – tương đương tòa nhà 125 tầng – sẽ là trụ cầu cao nhất từng được xây dựng.

Cầu Trương Tĩnh Cao cũng sẽ là cây cầu đầu tiên trên thế giới sử dụng cấu trúc kết hợp giữa thép hộp và ống thép đổ bê tông, giúp giảm trọng lượng trụ so với cầu bê tông truyền thống.

Tổng cộng, cây cầu mới này dự kiến sẽ lập 6 kỷ lục thế giới, theo China Daily.

Cũng tại tỉnh Giang Tô, trong năm nay cầu Trường Thái sẽ chính thức được thông xe sau 5 năm xây dựng. Với nhịp chính dài 1.208m, đây sẽ là cây cầu dây văng lớn nhất thế giới xét theo chiều dài nhịp chính.

Với tổng chiều dài hơn 10km, bao gồm đoạn đường bộ và đường sắt dài 5,3km, cầu cũng sẽ lập kỷ lục cầu dầm thép liên tục lớn nhất thế giới.

Theo trang South China Morning Post, đến năm 2026, 9 trong 10 cây cầu dây văng lớn nhất thế giới tính theo chiều dài nhịp chính sẽ thuộc về Trung Quốc.

Một cây cầu khác lập kỷ lục thế giới là cầu Long Than Thiên Nga ở tỉnh Quảng Tây. Với nhịp chính dài 600m, đây là cây cầu vòm dài nhất thế giới sau khi thông xe năm 2024. Cầu có cấu trúc đỡ hình vòm làm bằng bê tông cốt thép nằm dưới sàn cầu. Theo truyền thông nhà nước, các cải tiến được áp dụng trong quá trình xây dựng cầu sẽ mở đường cho những cây cầu vòm bê tông trong tương lai ở khu vực đồi núi.

Khi đi vào hoạt động vào cuối năm nay, cầu Hẻm núi Hoa Giang sẽ trở thành cây cầu cao nhất thế giới, tính theo khoảng cách từ mặt cầu đến mặt đất hoặc mặt nước bên dưới. Theo ước tính, cầu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển qua hẻm núi Hoa Giang từ 2 tiếng xuống chỉ còn vài phút.

Theo đó, cầu có chiều cao từ mặt cầu đến mặt nước là 625m – xấp xỉ chiều cao của Tháp Thượng Hải, toà nhà chọc trời cao nhất Trung Quốc.

Cầu Hẻm núi Hoa Giang cũng được dự kiến trở thành cây cầu vượt núi dài nhất thế giới, với tổng chiều dài 2.890m.

Tổng trọng lượng của cầu tương đương 3 tháp Eiffel cộng lại.

Không chỉ trên đất liền hay vách núi, các kĩ sư Trung Quốc cũng có trình độ xây cầu vượt biển tài tình. Cây cầu Hồng Kông – Châu Hải – Macau dài 55km là hệ thống vượt biển dài nhất thế giới, bao gồm 3 cầu dây văng, một đường hầm dưới biển và 4 hòn đảo nhân tạo.

Cầu được bắt đầu xây dựng từ năm 2009, hoàn thành vào năm 2018. Cây cầu này rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường bộ từ Hồng Kông đến 2 thành phố còn lại từ khoảng 4 tiếng xuống còn chỉ 45 phút.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới