Tuesday, June 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐối đầu Trump-Musk, cơ hội ít, rủi ro nhiều

Đối đầu Trump-Musk, cơ hội ít, rủi ro nhiều

Liên minh không tưởng giữa Trump và Musk tan vỡ một cách nhanh chóng và công khai. Câu chuyện bất ngờ này đã chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài gần một năm. Trong thời gian đó, ông Musk đã giúp đưa ông Trump vào Nhà Trắng. Còn Musk trở thành một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ.

Ai mới là người “vô ơn”?

Người Mỹ hỏi nhau: Đâu rồi mối quan hệ thân thiết giữa hai tỷ phú? Lời thề thốt của họ sẽ quyết đưa nước Mỹ đi theo một hướng mới, ai là người nuốt lời? Donald Trump có quyền lực chính trị. Elon Musk có tiền và phương tiện truyền thông xã hội mạnh mẽ. Giờ đây đường ai nấy đi.

Mối quan hệ của họ đã tan vỡ nhanh chóng, khi hai người công kích nhau từ những vấn đề quan trọng đến chuyện vặt vãnh. Mâu thuẫn nảy sinh bắt đầu từ vài ngày trước về dự luật chính sách trong nước mang chữ ký của Tổng thống, mà ông Musk đã chỉ trích là “một sự ghê tởm đáng ghét”.

Khi ông Trump lớn tiếng đe dọa sẽ cắt hàng tỷ đô la trong các hợp đồng của chính phủ liên bang với các công ty của ông Musk khiến cho nhà tỷ phú nóng gáy. Cuộc đấu khẩu nhanh chóng chuyển thành những lời đe dọa trên các nền tảng truyền thông xã hội của họ. Ông Musk đã tung ra một loạt các cuộc tấn công. Rằng, đã đến lúc phải thành lập một Đảng chính trị mới. Rằng, có những tài liệu chính phủ đề cập đến ông Trump liên quan đến nhà tài chính và tội phạm tình dục Jeffrey Epstein.

Vậy là “mối tình” kéo dài gần một năm, kể từ khi ông Musk giúp đưa ông Trump vào Nhà Trắng và trở thành một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống, đã tan rã. Cả hai ông hiện đều có rất nhiều rủi ro. Ông Musk, người đã chi khoảng 275 triệu đô la để giúp ông Trump ngồi vào ghế Tổng thống nhiệm kỳ 2.0 đã hứa sẽ trao 100 triệu đô la cho các nhóm do nhóm của Tổng thống kiểm soát trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Thế nhưng khoản tiền kếch xù này vẫn chưa được chuyển giao và có lẽ sẽ không bao giờ được chuyển.

Còn rủi ro của ông Musk là, các công ty của ông đã hưởng lợi hàng tỷ đô la từ các hợp đồng của chính phủ Mỹ, lại đang chuẩn bị nhận thêm hàng tỷ đô la nữa, nhưng giờ thì, xin chào! Ông Trump đe dọa sẽ cắt hết. Theo một nguồn tin rò rỉ, các cố vấn chính trị của ông Trump đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài có thể xảy ra với ông Musk, trong đó các đồng minh của cả hai ông trong lĩnh vực công nghệ và chính trị đều buộc phải chọn phe.

Hi vọng là sức sống. Một số người trong tầm ảnh hưởng của Musk bày tỏ, vị giám đốc điều hành công nghệ này sẽ vượt qua ông Trump về tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên sự lo lắng trong nhóm của ông Musk vẫn như mây đen che phủ bầu trời. Trong đó nỗi lo lớn nhất là, hệ sinh thái của các giám đốc điều hành Thung lũng Silicon đã ủng hộ chính quyền Trump.

Mối bất hòa lớn xảy ra không phải do hai ông thiếu kiềm chế. Trong nhiều ngày, ông Trump đã tỏ ra ngần ngại trong việc gây hấn với ông Musk. Đương kim Tổng thống đã cố gắng “uống nước đá lạnh” khi ông trùm công nghệ chỉ trích đạo luật mang dấu ấn của Tổng thống là biện pháp sẽ làm tăng thâm hụt, là “thậm vô lý và đầy rẫy các lợi ích nhóm”.

Đáp lại Musk vẫn khẳng định dứt khoát, biện pháp này sẽ phá hỏng mọi nỗ lực cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ mà ông đã thực hiện. Musk ám chỉ rằng ông sẽ nhắm vào những người Cộng hòa ủng hộ luật này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.

Khi được các nhà báo hỏi về lời chỉ trích của ông Musk, ông Trump đã phản pháo: “Tôi rất thất vọng về Elon. Tôi đã giúp ông ta rất nhiều.” Trump cũng đánh giá thấp sự ủng hộ tài chính của người đồng minh cũ của ông trong suốt chiến dịch tranh cử. Theo ông Trump, ông sẽ giành chiến thắng ở bang chiến trường quan trọng Pennsylvania dù không có ông Musk.

Ông Musk đáp trả: “Thật là vô ơn. Nếu không có tôi, Trump sẽ thua cuộc bầu cử, đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa sẽ có tỷ lệ 51-49 tại Thượng viện”, ông Musk viết trên X.

Khi rời xa công việc chính phủ trong những tuần gần đây, ông Musk dường như vẫn vui vẻ, nói với bạn bè rằng, ông muốn tiếp tục tham gia một số hoạt động cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc chặn tài trợ cho các chương trình mà ông tin rằng thúc đẩy tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Nhưng ông đã bỏ qua mọi sự thận trọng, hôm 5/6, ông đã chế giễu Tổng thống Mỹ theo cách quen thuộc mà nhiều cố vấn trước đây của Trump đã từng làm.

Buổi chiều hôm đó, Musk tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng hòa để thành lập một Đảng mới và công khai suy đoán rằng ông Trump, người từng phản đối việc tăng thâm hụt, đã bị thay thế bằng một “người đóng thế”.

Cuộc chiến giữa hai người hùng nổ ra, vào khoảng trưa thứ 5/6, cổ phiếu của Tesla đã giảm 14 %. Cổ phiếu của công ty mẹ của Truth Social, Trump Media & Technology Group, đã giảm 8 %. “Elon đã kiệt sức. Tôi yêu cầu ông ấy rời đi. Tôi đã bãi bỏ Lệnh cấm xe điện của ông ấy, lệnh này buộc mọi người phải mua xe điện mà không ai khác muốn. Và ông ấy đã phát điên”. – Ông Trump viết trên Truth Social.

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại. Ông Musk, đã trả lời trên X: “Một lời nói dối quá rõ ràng. Thật đáng buồn.”

Yếu tố cần thiết cho sự “quay lại”

Dư luận hết sức quan ngại đến sự đổ vỡ quan hệ giữa hai nhân vật quyền lực. Phải nhận rằng, mối quan hệ giữa Donald Trump và Elon Musk là một sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và ảnh hưởng công nghệ, từng được xem là một dạng “liên minh chiến lược” mang tính biểu tượng. Cả hai đều là những nhân vật gây tranh cãi nhưng có ảnh hưởng lớn, không chỉ trong nước Mỹ mà trên toàn cầu. Sự “tan vỡ” giữa họ, dù mang tính cá nhân hay chiến lược, có thể tạo ra một số tác động nhất định đến chính trị và kinh tế Mỹ.

Trước mắt có thể dẫn tới chia rẽ giới đầu tư và doanh nghiệp công nghệ. Elon Musk từng là biểu tượng của tinh thần đổi mới, và khi ông thể hiện sự gần gũi với Trump, một bộ phận doanh nhân bảo thủ đã cảm thấy được cổ vũ. Nhưng nếu hai người không hợp tác với nhau, Musk có thể mất đi sự hậu thuẫn từ phe bảo thủ, còn Trump sẽ mất một “bảo chứng công nghệ”. Một số nhà đầu tư có thể dè dặt hơn khi tiếp cận các dự án như xAI, Tesla, hay SpaceX nếu lo ngại Musk bị chính trị hóa hoặc “rớt đài” về quan hệ chính phủ.

Sự đổ vỡ “liên minh” cũng dẫn đến rủi ro thị trường tài chính. Những phát biểu tiêu cực từ một trong hai phía có thể gây biến động thị trường. Ví dụ: nếu Musk buông lời chỉ trích Trump hay ngược lại, cổ phiếu công nghệ có thể phản ứng tiêu cực ngắn hạn.

Tình hình sắp tới sẽ ra sao? Elon Musk là người thực dụng. Dù có bất mãn cá nhân, ông vẫn có xu hướng giữ kênh liên lạc mở. Còn Trump cũng là người thực dụng trong quan hệ với giới doanh nhân. Nếu ông thấy cần Musk để thu hút giới trẻ, giới đầu tư hoặc tăng độ phủ truyền thông, ông sẽ “quay lại”.

Hai bên muốn quay lại cần hội đủ các yếu tố: Trump cần Musk về mặt công nghệ và truyền thông. Musk cần Trump nếu muốn tiếp tục nhận các hợp đồng liên bang (NASA, Bộ Quốc phòng…). Tình hình chính trị buộc cả hai phải “hợp tác vì lợi ích quốc gia”, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang cạnh tranh công nghệ quyết liệt với Trung Quốc.

Có thể khẳng định, sự tan vỡ giữa Trump và Musk có thể gây ra một số hệ lụy truyền thông và tâm lý thị trường trong ngắn hạn, nhưng chưa đủ để làm chệch hướng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nếu không được hàn gắn hoặc chuyển hóa thành một hình thức liên minh mới, nó có thể làm suy yếu hình ảnh “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà Trump luôn hô hào. Trong nền chính trị Mỹ, không có gì là vĩnh viễn – cả xung đột lẫn hòa giải.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới