Tuesday, June 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTập trận liên hoàn và ván cờ chiến lược ở Biển Đông

Tập trận liên hoàn và ván cờ chiến lược ở Biển Đông

Các cuộc tập trận Mỹ–Philippines gần đây không còn là hoạt động quân sự đơn thuần mà là sự điều chỉnh chiến lược trước một Biển Đông đang ngày càng căng thẳng.

Tàu khu trục JS Noshiro của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tàu USS Shoup (DDG86) của Hải quân Hoa Kỳ và tàu BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines trong cuộc diễn tập trên Biển Đông ngày 28/3/2025

Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5/2025, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines diễn ra với quy mô mở rộng, từ nội dung huấn luyện phòng không thực chiến tại Zambales đến thao diễn hải–không quân gần Palawan và Occidental Mindoro. Theo giới quan sát, tần suất và tính chất của các cuộc tập trận này không còn phản ánh một lịch trình thường niên, mà gợi mở một sự thay đổi trong chiến lược răn đe khu vực, thể hiện rõ tính toán dài hạn của cả Manila lẫn Washington trong việc tái cấu trúc ảnh hưởng ở Biển Đông.

Địa điểm tổ chức không phải là ngẫu nhiên. Palawan án ngữ phía đông quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa trái phép nhiều thực thể. Occidental Mindoro, gần hành lang hàng hải chính, là điểm quan sát lý tưởng cho hoạt động tuần tra hàng hải khu vực. Còn Zambales nằm sát Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc từng chiếm đóng thực tế từ năm 2012. Thực tế đó kết hợp với sự tham gia của vũ khí hiện đại như P-8A Poseidon – máy bay trinh sát chuyên phục vụ chống ngầm và giám sát tầm xa – thì thông điệp không còn là ngụ ý. Đó là một tuyên bố chiến lược rõ ràng: Mỹ đang tăng cường hiện diện tiền phương, còn Philippines đang chủ động tạo thế răn đe phối hợp.

Chuỗi hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện dân quân biển, đẩy mạnh chiến thuật vùng xám và tiến hành các cuộc diễn tập mô phỏng đổ bộ, tiếp vận đảo. Giới quan sát phương Tây như chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, Biển Đông đang trở thành một không gian “tranh chấp giữa ba tầng quyền lực”: lực lượng thực địa, quyền kiểm soát vùng biển và quyền xác lập luật chơi. Trong cả ba tầng này, cục diện đang thay đổi nhanh chóng.

Điều đáng chú ý là Philippines không còn đơn độc. Chuỗi hợp tác quốc phòng Mỹ–Philippines hiện nay được lồng ghép vào khuôn khổ chiến lược rộng hơn – từ Bộ Tứ (QUAD) đến thỏa thuận tăng cường tiếp cận quân sự (EDCA). Việc Nhật Bản, Úc và thậm chí một số nước EU bày tỏ sẵn sàng tuần tra chung với Manila cho thấy sự dịch chuyển trong nhận thức: Biển Đông không còn là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và từng nước ASEAN, mà đã trở thành vấn đề an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, phản ứng từ các nước ASEAN trước sự thay đổi này lại rất khác biệt. Malaysia, với thực thể Luconia và khu vực khai thác dầu khí ở phía nam Biển Đông, vẫn giữ thái độ cẩn trọng. Kuala Lumpur tập trung vào các cuộc đàm phán song phương và tăng cường trang bị cho hải quân, song tránh đối đầu công khai. Indonesia – vốn không coi mình là bên tranh chấp ở Biển Đông – lại tăng cường khả năng phòng thủ quần đảo Natuna và tổ chức các cuộc diễn tập riêng biệt, thậm chí mời cả Nhật Bản và Ấn Độ tham gia. Cách tiếp cận của Jakarta mang tính chủ quyền phòng vệ hơn là răn đe phối hợp.

Trong khi đó, Brunei gần như giữ im lặng về mặt chiến lược, còn Thái Lan tiếp tục duy trì vai trò trung lập. Singapore – quốc gia không có yêu sách lãnh thổ – lại đóng vai trò quan trọng về mặt kỹ thuật: cung cấp cơ sở hậu cần, chia sẻ thông tin và đào tạo nhân lực. Sự đa dạng trong phản ứng của ASEAN cho thấy khó có thể trông đợi vào một lập trường chung về Biển Đông trong thời điểm hiện tại. Việt Nam, với vai trò là quốc gia kiểm soát phần lớn thực thể ở quần đảo Trường Sa và có vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, là bên liên quan trực tiếp và sâu sắc nhất đến cục diện Biển Đông. Trong bối cảnh các lực lượng quân sự đang tăng cường hiện diện quanh khu vực Trường Sa, Hà Nội ý thức rõ rằng: việc không định vị rõ vai trò và lập trường có thể khiến năng lực kiểm soát thực địa bị suy yếu…

Điều đáng lưu tâm là, nếu các cuộc tập trận tiếp tục mở rộng và lấn sâu về phía nam Biển Đông, thì không chỉ các thực thể do Philippines kiểm soát, mà cả các khu vực thuộc Việt Nam, Malaysia và thậm chí Brunei đều có thể nằm trong vùng ảnh hưởng quân sự gián tiếp. Khi các cường quốc vận dụng chiến lược “điểm tựa di động”, tạo ra khả năng cơ động chiến thuật quanh vùng biển tranh chấp, thì các quốc gia ven biển nếu không tự củng cố vị trí sẽ phải phụ thuộc vào luật chơi do bên khác áp đặt…

Dù vẫn khẳng định nguyên tắc không tham gia liên minh quân sự và duy trì chính sách đối ngoại độc lập, nhưng Hà Nội chắc chắn tự thấy cần có bước điều chỉnh phù hợp để không bị động trong không gian chiến lược đang chuyển động nhanh. Việc mở rộng hợp tác quốc phòng ở cấp độ kỹ thuật, tăng cường chia sẻ thông tin hàng hải, thiết lập các cơ chế cảnh báo sớm và tham gia các sáng kiến an ninh phi truyền thống là những lựa chọn khả thi mà không phá vỡ nguyên tắc trung lập. Bên cạnh đó, việc sử dụng luật pháp quốc tế để củng cố tính chính danh chủ quyền – tương tự như hành động của Philippines với phán quyết năm 2016 – vẫn là con đường hiệu quả, chỉ có điều, cần được sử dụng đúng thời điểm.

Đặc biệt, những nhân vật trong “nhà đỏ” ở Ba Bình, Hà Nội hẳn cũng thấy rõ rằng: trong khi các quốc gia khác đang chủ động tái định vị, thì việc duy trì thế tĩnh sẽ là bất lợi. Tình hình Biển Đông không cho phép bất kỳ bên nào duy trì thái độ quan sát thụ động lâu dài. Mỗi hành động hay không hành động đều góp phần định hình lại cấu trúc quyền lực khu vực. Trong khi những cuộc tập trận hôm nay được coi là phản ứng trước nguy cơ, thì ngày mai, chúng sẽ trở thành chuẩn mực của hiện diện và trật tự mới. Và, một khi luật chơi đang thay đổi, thì chỉ những ai có mặt trên bàn cờ mới có quyền lên tiếng. Sự vắng mặt – dù là vì dè dặt hay vì lo ngại – đều sẽ bị hiểu là sự chấp nhận trật tự do kẻ khác thiết lập.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới