Các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Los Angeles tiếp tục loang rộng. Đây là nơi thường xảy ra sự “hỗn loạn” bởi nguyên nhân chủ yếu là tình trạng nhập cư trái phép. Nhà Trắng đã đưa quân tới dẹp loạn, nhưng dường như họ đang “bọc lửa bằng giấy”.

Hôm 9/6, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh điều động thêm 2.000 lính vệ binh quốc gia đến Los Angeles để “dập lửa” khi bạo loạn gia tăng. Các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra bên ngoài trung tâm thành phố Los Angeles hôm 6/6, sau khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tiến hành các cuộc đột kích trên khắp thành phố.
Như vậy, tổng số lính vệ binh quốc gia bang California đã lên tới 4.000, tạo điều kiện để cảnh sát liên bang thực hiện nhiệm vụ một cách an toàn. Cảnh sát đã sử dụng lựu đạn gây choáng và các loại vũ khí không gây chết người khác để ngăn chặn hành vi quá khích của người biểu tình.
Từ thời điểm ký sắc lệnh, có thể mất một đến hai ngày để lực lượng này triển khai tới thành phố Los Angeles (bang California). Thống đốc California Gavin Newsom cho biết, ông đã được thông báo về quyết định này và chỉ trích động thái của chính quyền Trump là “liều lĩnh, vô nghĩa”.
Trước đó, hôm 7/6, quân đội Mỹ đã triển khai 2.000 lính vệ binh quốc gia để ứng phó biểu tình. Ngày 9-6, quân đội Mỹ tiếp tục triển khai 700 lính thủy đánh bộ đến Los Angeles.
Thống đốc bang California Gavin Newsom đã lên tiếng thách thức sau khi “ông trùm biên giới” Tom Homan đe dọa ông và Thị trưởng Los Angeles.
Tom Homan được mệnh danh là “ông trùm biên giới” (border czar hoặc border boss) vì vai trò nổi bật và cứng rắn của ông trong việc thực thi chính sách nhập cư và kiểm soát biên giới của Mỹ, đặc biệt là dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Biệt danh này vừa thể hiện vai trò quyền lực, vừa phản ánh hình ảnh “bàn tay sắt” của Tom trong vấn đề nhập cư.
Tom Homan ủng hộ mạnh mẽ trục xuất nhanh người nhập cư không giấy tờ. Ông bảo vệ và triển khai chính sách “Zero Tolerance” dẫn đến việc tách trẻ em khỏi cha mẹ tại biên giới, một chính sách gây tranh cãi lớn. Ông còn kêu gọi truy tố và bắt giữ các chính quyền “thành phố trú ẩn” (sanctuary cities), những nơi không hợp tác với ICE.
Khi được hỏi, liệu Trùm biên giới Homan có nên bắt thống đốc bang California hay không, Tổng thống Trump đã tuyên bố ủng hộ việc bắt giữ: “Nếu tôi là Tom, tôi sẽ làm điều đó. Gavin thích gây chú ý, nhưng tôi cho rằng đó sẽ là… một việc tuyệt vời. Tôi không muốn nội chiến, nhưng một cuộc nội chiến sẽ xảy ra nếu giao vào tay những người như Gavin”.
Phía tiểu bang California đã chính thức đâm đơn kiện chính quyền, nêu đích danh bị đơn là Tổng thống Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Bộ Quốc phòng Mỹ bị cáo buộc “lạm dụng quyền hạn của chính phủ liên bang, vi phạm Tu chính án thứ 10 cũng như luật liên bang”.
Biểu tình ở Los Angeles là chuyện không khiến người dân bất ngờ. Nơi đây từng xảy ra nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn lớn trong lịch sử nước Mỹ. Nổi bật nhất và có tính biểu tượng mạnh là cuộc bạo loạn Los Angeles năm 1992, còn gọi là L.A. Riots. Đây là một trong những vụ bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại.
Còn lần này, các cuộc biểu tình phản đối lệnh trục xuất người nhập cư trái phép của Tổng thống Mỹ Donald Trump bùng phát và leo thang thành bất ổn là do xuất phát từ thông tin sai lệch. Một số người nhập cư trái phép đã bị bắt. Theo cơ quan an ninh, đó là hành động của chính quyền các khu vực khác, không phải do các đặc vụ liên bang thuộc Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ đột kích chi nhánh của Home Depot ở Los Angeles.
Xin lưu ý, Home Depot là nơi nhiều người nhập cư không có giấy tờ trên khắp nước Mỹ tới để tìm việc làm. Tin đồn vô cùng nguy hiểm. Nó đã gây ra sự hoảng loạn tại Paramount, nơi có 82% dân số là người gốc Tây Ban Nha. Biểu tình đã nổ ra và nhanh chóng biến thành bạo lực khi người dân ném đá và bom xăng vào lực lượng hành pháp.
Khi Tổng thống Mỹ tăng cường quân số vệ binh quốc gia đến Los Angeless, đã dấy lên nhiều mối nghi ngại, rằng liệu ông có quá tả khuynh, dùng xe tăng để nghiến mấy con rắn? Và rằng làm như thế là vi phạm luật pháp quốc tế (!). Theo một số nhà nghiên cứu ủng hộ chính quyền Thống đốc California Gavin Newsom, việc chính quyền Trump sử dụng lực lượng để đàn áp người biểu tình chả khác nào “bọc lửa bằng giấy”, là “mang xăng dập lửa”. Hành động này có thể bị xem là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, nếu vượt quá giới hạn cần thiết, không phù hợp với nguyên tắc “tỷ lệ” (proportionality), hoặc nhắm vào quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp của người dân.
Tuy nhiên, ở quan điểm ngược lại thì cho rằng, luật pháp quốc tế không dễ áp dụng cho các nguyên thủ Mỹ. Xứ sở Cờ Hoa thường bảo lưu nhiều điều khoản trong các Công ước quốc tế. Mỹ không công nhận toàn bộ thẩm quyền của các tòa án quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Vì vậy, việc buộc tội hay kết luận vi phạm pháp luật quốc tế đối với một Tổng thống Mỹ là rất khó về mặt thực thi.
Còn nếu xem xét dưới góc độ luật pháp trong nước, liệu hành động đàn áp biểu tình có vi phạm luật của chính nước Mỹ hay không? Câu hỏi này vẫn đang gây tranh cãi. Dưới thời Trump, nhiều nhóm bảo vệ nhân quyền và các nhà lập pháp đã yêu cầu điều tra, nhưng kết quả là không có vụ kiện hình sự nào nhằm vào ông Trump riêng biệt liên quan đến hành vi đó.
Tuy nhiên, các hành động này bị lên án rộng rãi trên truyền thông, trong Quốc hội, và bởi các tổ chức như ACLU, Human Rights Watch… Do Mỹ có nhiều cơ chế pháp lý riêng và quyền lực Tổng thống rộng cho nên việc truy cứu trách nhiệm theo luật quốc tế là rất khó về mặt thực tế.
Hãy chờ xem giấy cháy hay lửa tắt?
H.Đ