Sự kiện Trung Quốc triển khai đồng thời hai tàu sân bay tại Thái Bình Dương không chỉ là một cuộc diễn tập quân sự – đó là lời tuyên bố địa chiến lược bằng thép và sóng.

Ngày 10/6/2025, Nhật Bản xác nhận lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đồng thời triển khai hai tàu sân bay – Liêu Ninh và Sơn Đông – hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Tàu Sơn Đông cùng nhóm tác chiến hộ tống xuất hiện gần đảo Okinotori (cách Tokyo khoảng 1.700 km về phía Nam) bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản; còn tàu Liêu Ninh xuất hiện gần đảo Minamitorishima (cách Tokyo khoảng 1.900 km). Diễn biến này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, không chỉ bởi quy mô quân sự mà còn vì thông điệp chính trị sâu xa: Trung Quốc không còn giấu giếm tham vọng trở thành một siêu cường đại dương, sánh vai – và thách thức – với Hoa Kỳ.
Nếu trong thế kỷ XX, nước Mỹ dùng hạm đội để “vẽ lại bản đồ ảnh hưởng toàn cầu”, thì giờ đây, Trung Quốc cũng đang dùng thép và radar để “viết lại ngôn ngữ sức mạnh” trên đại dương. Hai tàu sân bay không chỉ chở theo máy bay – chúng chở theo ý chí lịch sử, giấc mộng phục hưng và một thách thức hiện hữu đối với trật tự hiện tại.
Trong hơn ba thập niên, học thuyết quân sự của Trung Quốc gắn với khái niệm “phòng thủ cận duyên”, tức tập trung bảo vệ vùng biển ven bờ và Biển Đông. Nhưng cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế và tham vọng địa chính trị, Trung Quốc đã dần chuyển hướng sang khái niệm “hải quân biển xanh” – khả năng triển khai lực lượng tác chiến xa bờ, duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở các vùng biển xa Tổ quốc.
Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được cải hoán từ thiết kế Liên Xô cũ – là bước đi ban đầu còn dè dặt. Sơn Đông – con tàu thứ hai, tự đóng trong nước – là minh chứng Trung Quốc đã dần kiểm soát công nghệ lõi. Và khi cả hai cùng xuất hiện tại Tây Thái Bình Dương, đó không chỉ là việc “tung bài tẩy” mà là thông điệp chiến lược rõ ràng: Bắc Kinh muốn làm chủ sân khấu hàng hải khu vực.
Kể từ sau Thế chiến II, Thái Bình Dương là “ao nhà” của Hải quân Mỹ, nơi các nhóm tác chiến tàu sân bay di chuyển như những pháo đài nổi, duy trì cân bằng an ninh từ Tokyo đến Manila, từ Guam đến Darwin. Sự xuất hiện đồng thời của hai tàu sân bay Trung Quốc là điều chưa từng có, và nó lập tức làm rung chuyển những giả định vốn đã định hình trật tự an ninh khu vực suốt hơn 70 năm.
Dù Trung Quốc khẳng định rằng hành động triển khai này “tuân thủ luật pháp quốc tế” và mang tính “tự vệ hợp pháp”, thì không quốc gia nào trong khu vực – kể cả những nước có quan hệ kinh tế sâu sắc với Bắc Kinh – nhầm lẫn về mục đích thực sự. Đây rõ ràng là một màn phô diễn sức mạnh, một đợt thử nghiệm năng lực phối hợp thực chiến tàu sân bay quy mô lớn, và trên hết, là tín hiệu chính trị gửi thẳng tới Washington, Tokyo và Đài Bắc rằng cán cân hải quân trong khu vực đang bắt đầu thay đổi.
Hình ảnh hai tàu sân bay vươn ra biển sâu có thể được xem như ẩn dụ của “con rồng ngẩng đầu” – Trung Quốc không còn thỏa mãn với vị thế cường quốc lục địa. Họ muốn hiện diện ở nơi vốn là sân chơi của hải quân Mỹ, muốn phá vỡ thế độc quyền của Washington và tạo ra một không gian quyền lực song song.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị đưa vào hoạt động tàu sân bay thứ ba – Phúc Kiến – với thiết kế catapult (máy phóng điện từ) tương đương tàu sân bay Mỹ. Viễn cảnh Trung Quốc có thể duy trì 2 hoặc 3 nhóm tác chiến tàu sân bay trong một thời điểm, với tầm hoạt động vươn ra Ấn Độ Dương, biển Hoa Đông, và cả khu vực gần Hawaii, không còn là giả thuyết.
Khi Trung Quốc “vượt chuỗi đảo thứ nhất” và tiến ra vùng nước sâu hơn, họ cũng buộc các cường quốc khu vực phải điều chỉnh. Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục. Philippines khôi phục liên minh quân sự với Mỹ. Australia tăng tốc mua tàu ngầm hạt nhân. Đài Loan nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm và năng lực chống tiếp cận. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia thì thận trọng nhưng cũng bắt đầu âm thầm nâng cấp khí tài.
Đáng lưu ý, sự hiện diện đồng thời của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc cũng làm tăng rủi ro tính toán sai lầm. Chỉ cần một tín hiệu radar bị hiểu sai, một lần áp sát nguy hiểm trong không gian hẹp giữa vùng nhận diện phòng không, là có thể dẫn đến một chuỗi leo thang ngoài tầm kiểm soát. Đây không phải là nỗi lo lý thuyết – chính Mỹ đã từng nhiều lần cảnh báo và bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra “va chạm quân sự” với Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp.
Ngoài ra, việc một siêu cường mới đang âm thầm mở rộng vùng kiểm soát trên biển cũng đặt ra bài toán lâu dài cho an ninh hàng hải. Với hơn 90% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, bất kỳ động thái nào nhằm thao túng hoặc giám sát tuyến hải trình đều tác động trực tiếp đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ Biển Đông đến Thái Bình Dương, Trung Quốc đang từng bước xây dựng một mạng lưới ảnh hưởng, không chỉ qua tàu sân bay, mà còn qua cảng biển, hạm đội dân binh biển, hệ thống giám sát không gian và các hành lang hải quân “mềm” như dự án Vành đai – Con đường trên biển.
Việc hai tàu sân bay Trung Quốc xuất hiện cùng lúc ở Thái Bình Dương không phải là sự kiện đơn lẻ – nó là chương mở đầu của một chương trình chiến lược lớn hơn. Câu hỏi không còn là “liệu Trung Quốc có trở thành siêu cường đại dương”, mà là khi nào và bằng cách nào họ hiện thực hóa điều đó. Trong khi thế giới đang phân tán bởi nhiều khủng hoảng – Ukraine, Gaza, khủng hoảng năng lượng…, Trung Quốc chọn biển cả làm bàn cờ để âm thầm dịch chuyển những quân cờ chiến lược.
Châu Á – Thái Bình Dương từ lâu vốn là một vùng biển dữ, giờ đây càng thêm dậy sóng. Và mỗi quốc gia ven bờ, dù lớn hay nhỏ, đều sẽ phải điều chỉnh hướng đi của mình, khi “con rồng” đã thật sự ra đại dương.
T.V