Phỏng vấn Tiến sĩ Richard
Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Henry L.
Stimson ở thủ đô Washington, người tham gia cuộc điều trần tháng 2/2010 tại
Quốc hội Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có
vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng Hai vừa qua,
một cuộc điều trần về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó
có vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, đã diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ, với
sự tham gia của nhiều chuyên gia và các nhà ngoại giao cấp cao. Trong chuyên
mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của
Nguyễn Trung với một trong các diễn giả của buổi điều trần, Tiến sĩ Richard
Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Henry L.
Stimson ở thủ đô Washington.
VOA: Ông
từng cho rằng Bắc Kinh ‘đang ngày càng mạnh bạo’, thậm chí là ‘khiêu khích’,
khi khẳng định chủ quyền ở khu vực biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam
Trung Hoa). Lý do nào đưa ông tới quan điểm như vậy?
Tiến sĩ Richard Cronin:
Tôi nghĩ rằng các tuyên bố của Trung Quốc bấy lâu nay không được thừa nhận theo
Công ước Quốc tế về Luật Biển. Phần lớn khu vực biển Nam Trung Hoa là vùng lãnh
hải mang tính lịch sử. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở vùng
biển trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines và một số
nước khác.
Hơn nữa, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty dầu mỏ nước ngoài không khai
thác tại các lô mà Việt Nam đề nghị họ thăm dò. Bắc Kinh đã nói với các công ty
này rằng nếu họ khai thác ở các khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền,
họ sẽ không thể hoạt động kinh doanh ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Theo tôi biết, các công ty này còn được hứa rằng nếu họ không thăm dò ở vùng
biển tranh chấp, họ sẽ được cho phép khai thác thêm các lô thuộc lãnh hải Trung
Quốc trên vùng biển Nam Trung Hoa. Đó là một áp lực ảnh hưởng tới Việt Nam và
các nước khác vì họ không thể khai thác các mỏ dầu khí ở ngoài khơi nếu Trung
Quốc chưa cho phép.
Một vấn đề khác nổi lên gần đây là quyền tự do hoạt động trên vùng biển quốc tế
và qua các tuyến đường hàng hải thuộc khu vực EEZ hay vùng lãnh hải của các
nước khác. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã can dự vào một số vụ việc gây hấn
với tàu hải quân Hoa Kỳ đi qua khu vực gần đảo Hải Nam và một số khu vực khác.
Hoa Kỳ thực sự quan ngại về vấn đề này vì Washington ưu tiên bảo vệ quyền tự do
hoạt động trên vùng biển quốc tế cũng như hoạt động thương mại và di chuyển của
tàu chiến qua biển Nam Trung Hoa.
VOA: Có
quan ngại cho rằng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân là một mối đe dọa
tiềm tàng đối với các nước tranh chấp ở biển Đông. Ông có nghĩ như vậy không?
Tiến sĩ Richard Cronin:
Tôi cũng cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hải quân đe dọa tới hòa bình và ổn
định trong khu vực. Nhưng sẽ còn lâu khả năng của Trung Quốc mới có thể thách
thức hải quân Hoa Kỳ. Tôi thực sự không nghĩ rằng Washington sẽ từ bỏ ảnh hưởng
sức mạnh hải quân của mình ở châu Á – Thái Bình Dương vì đó là khu vực quan
trọng với Hoa Kỳ.
Nhưng rõ ràng Trung Quốc muốn thách thức bằng cách mua sắm các thiết bị mới như
các tàu tấn công có trang bị tên lửa. Dường như đó là một cuộc chạy đua vũ trang
âm thầm, dù phía Hoa Kỳ không làm vậy. Rõ ràng Bắc Kinh gia tăng việc từ chối
tiếp cận đối với các khu vực họ cho là quan trọng ở vùng biển Nam Trung Hoa, mà
theo luật quốc tế, có thể thuộc về Việt Nam và các quốc gia khác.
Washington quan ngại về việc
Bắc Kinh củng cố sức mạnh hải quân, không chỉ vì thách thức họ đối mặt mà vì an
ninh, hòa bình và ổn định của các đồng minh, các quốc gia bạn hữu của Hoa Kỳ
trong khu vực.
VOA: Bắc
Kinh luôn luôn tuyên bố rằng ‘tranh chấp lãnh hải là vấn đề song phương’ và
‘không thể được giải quyết thông qua cơ chế đa phương’. Quan điểm của ông như
thế nào?
Tiến sĩ Richard Cronin: Cá nhân tôi đang đề xuất với một tổ
chức nổi tiếng về việc tiến hành một cuộc hội thảo liên quan tới các quốc gia không
có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng hoạt động ở vùng biển Nam Trung
Hoa. Tôi tạm thời chưa muốn tiết lộ tên của tổ chức lớn này.
Quan điểm của tôi cùng một số chuyên gia khác ở Nhật Bản cho rằng không nên để
cho Trung Quốc đàm phán song phương với các quốc gia láng giềng, hay thậm chí
là giữa Bắc Kinh với tất cả các nước láng giềng có tranh chấp quanh khu vực
biển quốc tế có thuyền bè qua lại nhộn nhịp và có nguồn dầu, khí, hải sản phong
phú, có giá trị này. Trung Quốc không muốn đàm phán đa phương, mà chỉ muốn đàm
phán với mỗi quốc gia vào một thời điểm riêng rẽ trên cơ sở song phương mà
thôi. Ngoài ra, những gì xảy ra ở vùng biển Nam Trung Hoa có ảnh hưởng toàn cầu
cũng như quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ.
Tôi đang đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo tại Tokyo với sự tham gia của các
chuyên gia từ tất cả các quốc gia liên quan nhằm thảo luận vấn đề làm sao phối
hợp quản lý khu vực này mà không cần giải quyết vấn đề trọng tâm là tranh chấp
lãnh hải, vì theo tôi cuộc tranh chấp này sẽ không bao giờ có thể được giải
quyết rốt ráo được.
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về Luật Biển
cũng như tuyên bố của các nước khác, và chính bởi vậy gần như không có cơ hội
hóa giải được các tranh chấp đó, trừ khi chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh.
Câu hỏi đặt ra là, các quốc gia thường xuyên hoạt động trên khu vực biển Nam
Trung Hoa có thể đóng góp gì vào việc quản lý vùng lãnh hải và bảo vệ quyền lợi
của các bên liên quan.
VOA: Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ nên mạnh mẽ thể hiện hơn
nữa nhằm ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở biển Đông. Còn ông nghĩ sao,
thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Richard Cronin:
Tôi nghĩ rằng đối với Hoa Kỳ, có hai quan ngại chính. Một là vấn đề địa chính
trị và địa chiến lược. Hai là quyền tự do hoạt động trên vùng biển quốc tế và
khả năng hợp tác quản lý tài nguyên, không chỉ liên quan tới việc khai thác dầu
khí sâu dưới đáy biển, mà còn cả việc quản lý nguồn hải sản ở biển Nam Trung
Hoa.
Các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố không nghiêng
về phía nào liên quan tới cuộc tranh chấp, và mong muốn các giải pháp hòa bình
đối với vấn đề bất đồng và tranh chấp. Nhưng nay thì cả thế giới và khu vực đã
có nhiều thay đổi.
Những gì xảy ra ở biển Nam Trung Hoa liên quan tới quyền lợi quốc gia của Hoa
Kỳ. Vì thế, giờ không chỉ là sự đúng sai trong các tuyên bố chủ quyền, mà các
bên còn cần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như không được sử dụng vũ lực
để củng cố tuyên bố chủ quyền. Thậm chí, vấn đề này còn liên quan tới quyền lợi
toàn cầu trong việc hợp tác quản lý các nguồn tài nguyên ở đó.
Xin cám ơn tiến sĩ Richard Cronin.