Monday, September 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ muốn xâm lược Đài Loan nhưng thế và lực không đủ

TQ muốn xâm lược Đài Loan nhưng thế và lực không đủ

Liệu có xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan? Chuyên gia đã nhiều lần phân tích về tính ‘bất khả thi’ của việc này như: ĐCSTQ muốn xâm lược Đài Loan nhưng thế và lực không đủ. Trung Quốc còn ‘đói ăn’ và cúp điện triền miên làm sao bung sức ra bên ngoài, hay nếu xảy ra chiến tranh ở Đài Loan thì các quan chức ĐCSTQ sẽ di chuyển người và tài sản khỏi Hoa Kỳ trên quy mô lớn v.v.

Ở một góc nhìn khác, khi phân tích về quân đội Trung Quốc, thì ngày 11/10, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc – Báo Giải phóng quân – đăng một bài viết có tiêu đề: ‘Luôn giữ danh tiết không đoạ lạc’ khuyên mình đứng trung lập trong ‘chính biến cung đình’. Học giả nhìn nhận điều này nói lên rằng, tuy ông Tập là Chủ tịch Quân uỷ trung ương nhưng lại không nắm hết thực quyền trong quân đội. Nếu ông Tập tấn công Đài Loan, chỉ cần quân đội Mỹ tham gia thì quân đội ĐCSTQ không có cơ hội thắng.

Nhưng giả dụ rằng, nếu ông Tập giao quyền bính cho quân đội để tấn công Đài Loan, thì sẽ có kết quả: thắng hoặc thua.

 Dưới nhãn quang là nhà sử học, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã có hai nhận định rất thú vị trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 27/10 như sau. Một là, Tập Cận Bình cử ai đánh Đài Loan, nếu thất bại thì ông Tập sẽ bị người ấy phế truất, còn nếu thắng lợi thì ông Tập tương đương tạo ra một người có thể soán vị. Hai là, Đài Loan vẫn có thể ‘kê cao gối ngủ’ trước Đại hội 20 cho đến tận năm 2024, thậm chí đến năm 2027, 2028.

Tại sao lại như vậy? Giáo sư Chương đã phân tích một bài thơ thuộc lòng từ trung học phổ thông có tên ‘Vĩnh ngộ lạc’ của Tân Khứ Tật lấy bối cảnh cuối thời Đông Tấn đầu thời Nam Bắc triều, kết hợp với những am hiểu sâu sắc về lịch sử Trung Hoa và tình hình chính trị thế giới, từ đó chứng minh hai luận điểm của mình như sau.

Trước năm 2023, Đài Loan vẫn bình yên

Trước Đại hội 20 diễn ra vào năm 2022, Tập Cận Bình không thể thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Bởi vì mục tiêu lớn nhất bây giờ của ông Tập là tái đắc cử, ông không muốn xuất hiện bất kỳ biến số nào ở giữa, hơn vụ việc Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa cũng đủ khiến Tập Cận Bình không thể xử lý vấn đề chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Ngay cả Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, hay tham gia G20… ông Tập cũng không muốn đi, làm sao có thể xử lý vấn đề Đài Loan.

Đợi sau Đại hội 20, nếu ông Tập vẫn giữ chức Tổng bí thư, ông cần phải sắp xếp để tái đắc cử chức Chủ tịch nước vào năm 2023. Do đó Giáo sư Chương cho rằng, trước năm 2023, Đài Loan vẫn bình yên vô sự.

Dù Tập Cận Bình có cho rằng Tổng thống Biden khá mềm mỏng, nhưng đến tháng 9, tháng 10 năm 2022 khi ĐCSTQ tổ chức Đại hội 20, thì đến tháng 11 việc sắp xếp nhân sự sẽ xuất hiện vấn đề, rất nhiều sự tình sẽ không thể giải quyết được. Mà trùng hợp thay, khi ĐCSTQ tổ chức Đại hội 20, cũng là lúc diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, khả năng cao Đảng Dân chủ sẽ mất Lưỡng viện một cách thảm bại.

 Lúc đó nếu ĐCSTQ thật sự tấn công Đài Loan, Đảng Cộng hoà sẽ thông qua một dự luật dù không đi giúp Đài Loan và không trực tiếp chống lại ĐCSTQ, họ có thể cung cấp vũ khí.

Giáo sư Chương cho rằng nước Mỹ còn có một tuyệt chiêu đặc biệt tốt chính là: vì tự do hàng hải ở Biển Đông mà nước Mỹ cho nổ tung các đảo đá ngầm mà Trung Quốc khai hoang cải tạo. Như vậy vừa tránh xung đột trực tiếp với ĐCSTQ, lại khiến tổ chức này không có cách nào tập trung tinh lực tấn công Đài Loan. Đây giống như kế ‘vây Nguỵ cứu Triệu’ áp dụng thời Chiến Quốc.

Tướng lĩnh giành thắng lợi quân sự sẽ soán vị

Có một số tin tức ở Trung Quốc cho rằng, nếu không thể tái đắc cử ở Đại hội 20, Tập Cận Bình sẽ không tiếc hết thảy mà tấn công Đài Loan. Giáo sư Chương cho rằng điều này là không thể.

Bởi vì nếu Tập Cận Bình không thể tái đắc cử, điều này chứng minh một vấn đề: Tập Cận Bình chưa bình định được quân đội. Giáo sư Chương nói rằng trong ĐCSTQ thì ‘nòng súng chỉ huy đảng’ (như vậy đúng hơn ‘đảng chỉ huy nòng súng’ như người ta thường nói).

Nếu Tập Cận Bình không thể bình định được quân đội, làm sao ông ấy có thể giao súng cho quân đội để tấn công Đài Loan. Cho nên, nếu Tập Cận Bình không khống chế được cục diện ở Đại hội 20, ông càng không dám đưa súng cho quân đội, bởi vì ông không biết rõ quân đội có một lòng với mình không, hay là sau khi đưa súng thì họ sẽ tạo phản.

 Giáo sư Chương nhìn nhận, ở đây có một vấn đề rất lớn, nếu giả định rằng Tập Cận Bình nổ súng tấn công Đài Loan và giành chiến thắng, vậy thì ai chỉ huy quân đội sẽ là người ‘công cao át chủ’, Tập Cận Bình càng không thể kiểm soát được kẻ mạnh ấy trong quân đội.

Những người cỡ tuổi Giáo sư Chương đã từng học thuộc bài thơ ‘Vĩnh ngộ lạc – Kinh Khẩu Bắc Cố đình hoài cổ’ của Tân Khứ Tật. Kinh Khẩu là thành phố Trấn Giang tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày nay. Năm đó Tân Khứ Tật đến nơi này đề một bài thơ có tên ‘Vĩnh ngộ lạc’ (Vĩnh viễn gặp được vui vẻ), còn phần sau có nghĩa là ‘nhớ chuyện xưa ở đình Bắc Cố, Trấn Giang’.

Trong đó có mấy câu như sau:

Tà dương thảo thụ
Tầm thường hạng mạch
Nhân đạo Ký Nô tằng trú

Dịch nghĩa:
Cây cỏ dưới bóng chiều tà
Ngõ ngách tầm thường
Người ta kể đây từng là nơi Ký Nô ở

 Trong bài thơ, Tân Khứ Tật có đề cập đến một nhân vật là Ký Nô. Ký Nô là ai? Ký Nô tên là Lưu Dụ – đại tướng thời Đông Tấn.

Đông Tấn là thời kỳ mà Trung Quốc đang trong tình trạng phân chia, Giang Nam là Đông Tấn tương đối yên bình, còn phương bắc là ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’ (5 tộc thiểu số làm loạn Trung Hoa). Nhưng trong triều Đông Tấn luôn có một nhóm người muốn bắc phạt, khôi phục Trung Nguyên.

Nhân cơ hội nước Nam Yên ở phía bắc đang tranh giành nội bộ, Lưu Dụ khởi binh diệt nước này. Sau đó ông lại bình định chiến loạn nội bộ ở Đông Tấn là ‘Lư Tuần chi loạn’ (khởi nghĩa Lư Tuần), từ đó tiêu diệt những người bất đồng chính kiến.

Sau khi củng cố địa vị ở trong nước Đông Tấn, ông nhân cớ ‘Hậu Tần chi loạn’ mà xuất quân bắc phạt. Cuộc bắc phạt rất thành công, thu phục được Lạc Dương và địa khu Quan Trung. Địa khu Quan Trung là một vùng đất rộng lớn ở Thiểm Tây ngày nay, từng là nơi đóng đô của nước Tần thời Chiến Quốc, còn Lạc Dương là đô thành trước đây của Đông Hán.

Sau cuộc chinh phạt thắng lợi huy hoàng, Lưu Dụ được phong làm Tống Công, đạt được ‘cửu tích’ – một loại đãi ngộ tôn kính của Hoàng đế đối với công thần. Tiếp đó, Lưu Dụ được phong tước Tống Vương. Nhận được những phong thưởng cực cao sau khi giành thắng lợi trong cuộc bắc phạt, Lưu Dụ đã làm gì? Ông đã ép bức Hoàng đế Đông Tấn thoái vị, sau đó soán vị: từ chính quyền Đông Tấn lập thành chính quyền Lưu Tống. Thế là lịch sử Trung Quốc tiến nhập sang thời kỳ ‘Nam Bắc triều’.

Lưu Dụ sau khi bắc phạt thành công, thiết lập được danh vọng to lớn, động thái tiếp theo là soán vị. Lưu Dụ đầu tiên dọn dẹp chính trị trong nước, sau đó tiến đánh bên ngoài, giành được thành công rồi quay lại đoạt vị. Nếu Tập Cận Bình muốn đánh Đài Loan và thành công chính là tạo ra một người muốn soán vị như Lưu Dụ.

Tướng lĩnh thất bại trong quân sự sẽ phế truất ‘người đứng đầu’

Trước Lưu Dụ còn có một vị tướng thời Đông Tấn khác là Hoàn Ôn đã từng bắc phạt để khôi phục quốc thổ.

Hoàn Ôn bắc phạt vào năm Vĩnh Hoà thứ 10 vua Tấn Mục Đế nhưng thất bại. Ông cảm thấy quá mất mặt, mọi người đều coi thường, ông phải làm gì để lấy lại thể diện đây? Lưu Dụ thành công thì soán vị, còn Hoàn Ôn sau khi bắc phạt thất bại, ông phế bỏ Hoàng đế Đông Tấn là Tư Mã Dịch. Tư Mã Dịch có thuỵ hiệu là Tấn Phế Đế (phế trong phế truất, phế trừ).

Sau đó Hoàn Ôn lập Tư Mã Dục (Tấn Giản Văn Đế) làm Hoàng đế. Giản Văn Đế tại vị được 8 tháng thì mất. Trước đó Giản Văn Đế đã lập Tư Mã Diệu làm Thái tử, nên sau khi ông mất, Tư Mã Diệu làm Hoàng đế.

Hoàn Ôn cho rằng ngai vàng đó nên dành cho mình. Giáo sư Chương cho rằng những tướng quân bắc phạt đều có loại tâm thái như vậy: họ đánh thắng thì soán vị, còn đánh thua thì phế truất Hoàng đế để lập uy.

Hoàn Ôn phát hiện Giản Văn Đế không nhường ngai vàng cho mình nên đã đem đại binh từ Cô Tô đến Kiến Khang, khi đó ở kinh thành có tin đồn khắp nơi rằng: Hoàn Ôn muốn diệt hai gia tộc lớn bậc nhất thời đó là Vương – Tạ để mở đường cho việc đoạt vị.

Hoàn Ôn chuẩn bị tấn công hai nhà Vương – Tạ nhưng bị Tạ An ngăn chặn. Thời điểm ấy, sau bốn bức tường nhà họ Tạ đều nghe tiếng rút gươm đao sắc lạnh như là sắp xông vào. Tạ An thong dong đến gặp Hoàn Ôn hỏi: “Ta nghe nói chư hầu có đạo, bảo vệ bốn cõi, tại sao ông lại bố trí quân đội ở sau tường”. Hoàn Ôn mới cười chừ rồi nói: “Ài dà, ta không còn cách nào khác mới làm thế thôi”. Thế là ông lệnh binh sĩ rút lui, sau đó ngồi nói chuyện rất lâu với Tạ An rồi về.

Giáo sư Chương kể hai câu chuyện lịch sử kèm theo những phân tích của cá nhân để nói lên rằng, Tập Cận Bình cử ai đánh Đài Loan, nếu thất bại thì người ấy sẽ phế truất ‘người đứng đầu’, nếu chiến thắng thì ông Tập đã tạo ra một người có thể soán đoạt quyền lực của mình.

Do đó ông Tập không có động lực nào để đánh Đài Loan. Hơn nữa ĐCSTQ không có khái niệm tình cảm quê hương hay giang sơn xã tắc, họ chỉ quan tâm đến vinh hoa phú quý bản thân, cho nên Giáo sư Chương đã từng nhận định nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, thì các quan chức sẽ là người chạy trước.

Đến năm 2024, Đài Loan vẫn vô sự

Cứ cho là ông Tập tái đắc cử ở Đại hội 20 năm 2022, đến năm 2023 sắp xếp xong nhân sự, thì đến 2024 lại xuất hiện một vấn đề đó là: Tổng thống Mỹ khi đó, khả năng cao thuộc Đảng Cộng hoà, bởi vì hiện nay tỷ lệ ủng hộ Biden rất thấp, chỉ đạt tầm 30%. Cho nên đến năm 2024 Tập Cận Bình càng không có cơ hội để đánh Đài Loan.

Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc đang lao dốc một cách nghiêm trọng, nhìn vào tình trạng cúp điện có thể thấy được điều này. ĐCSTQ luôn tự hào rằng mình là ‘công xưởng thế giới’, dường như rời xa Trung Quốc thì thế giới không vận hành được.

Trong thời gian đại dịch, chúng ta thấy xuất khẩu nước ngoài của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải xem xét rằng: ĐCSTQ không thể xa rời thế giới. Không có than của Úc, dầu thô của Nga, thì ngay cả điện ĐCSTQ cũng không phát nổi, toàn quốc cúp điện, càng không nói đến khi có chiến tranh thì tiêu hao năng lượng còn lớn hơn thế.

Dự trữ dầu thô của Mỹ đủ nhiều để trong trường hợp tất cả các nhà máy lọc dầu của Mỹ dừng hoạt động, lượng dự trữ dầu này có thể hỗ trợ cho hoạt động chiến tranh trong vòng 6 tháng. Còn ĐCSTQ không có nhà máy điện và nhà máy dầu, trong một tháng họ đã chịu không nổi, chưa tính là khi xảy ra chiến tranh thì những nhà máy kia sẽ bị oanh tạc.

Giáo sư Chương nhìn nhận, nếu không có nguồn cung năng lượng từ quốc tế thì Trung Quốc không có điện nên không thể đánh trận; không có thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Canada, Trung Quốc sẽ đói ăn bởi hàng năm nó phải nhập khẩu 20% lương thực.

Giáo sư Chương cho rằng, nếu Tập Cận Bình thực sự muốn đánh Đài Loan, Mỹ nên ra đòn trước bằng cách cho nổ tung các đảo đá ngầm của của ĐCSTQ để bóp nghẹt sự hiện diện của tổ chức này ở Biển Đông. Điều này không có thương vong vì Mỹ chỉ cho nổ đảo đá ngầm để có được tự do hàng hải ở Biển Đông, như vậy ĐCSTQ sẽ không nói được lời nào. Bởi vì tàu Sơn Đông hay Liêu Ninh được xem là hiện đại nhất của Trung Quốc, nó chỉ được cung cấp bằng năng lượng thông thường nên không có khả năng tác chiến hải quân tầm xa.

ĐCSTQ bề ngoài cứ la hét ầm ĩ muốn thống nhất Đài Loan thế này thế kia, nhưng nếu Tập Cận Bình giao quyền bính trong vào tay quân đội, ông không biết liệu quân đội có quay mũi giáo vào mình hay không. Thêm vào đó tâm thái của những người chinh phạt là dù thắng hay thua cũng sẽ phế truất hoặc soán vị. Vậy nên đây là một góc độ chứng minh ông Tập không dám đánh Đài Loan, và hòn đảo này vẫn bình an vô sự ít nhất đến năm 2024.

RELATED ARTICLES

Tin mới