Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với đảo dựa trên vị trí lịch sử và trên nguyên tắc thềm lục địa. Các bản đồ địa lý cổ Việt Nam ghi chép Bãi Cát Vàng để chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. Trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục của học giả Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được định nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trong Đại Nam Thống Nhất Toàn Đồ, một cuốn bản đồ của Việt Nam được hoàn thành năm 1838, Trường Sa được vẽ thuộc lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa lý và tài nguyên trên quần đảo. Kết quả của các chuyến khảo sát đó đã được ghi chép trong văn học và lịch sử Việt Nam và được xuất bản kể từ thế kỷ 17. Hơn nữa, sau một hiệp ước ký kết với triều đại nhà Nguyễn, Pháp đại diện cho các quyền lợi của Việt Nam đối với các công việc quốc tế và đã thi hành chủ quyền trên quần đảo thay cho Việt Nam.
Ngày 7 tháng 7 năm 1951, Trần Văn Hữu, chủ tịch phái đoàn chính phủ Bảo Đại tới dự Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố này không bị bác bỏ hay bảo lưu ý kiến nào của 51 nước có mặt tại hội nghị. Sau khi Pháp rút đi, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thi hành chủ quyền trên quần đảo.
Hiện nay Việt Nam giữ 21 đảo. Chúng được gộp vào thành một huyện thuộc tỉnh Khánh Hoà.