Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT...

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA – NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Hoàn cảnh lịch sử bắt đầu từ năm 1909, Chính quyền
tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa cho rằng Hoàng Sa của Việt Nam là đất vô chủ, nên đã
có hành động khảo sát, chiếm hữu theo cung cách của Phương Tây, đã không gặp
bất cứ phản ứng nào của Việt Nam vì Việt Nam bị mất chủ quyền ngoại giao vào
tay người Pháp, trong khi Pháp vốn biết trước ý đồ của chính quyền Quảng Đông,
song vẫn không can thiệp ngay vì sợ chủ nghĩa dân tộc “Chauvin” bùng dậy ở
Trung Hoa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa. Tùy theo từng thời
kỳ lịch sử từ giai đoạn 1 (1909-1930), giai đọan 2 (1930-1945), giai đoạn 3
(1945-1954), giai đoạn 4 (1954-1975), giai đoạn hiện nay (1975 đến nay), có
những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dẫn đến những nguyên nhân tranh chấp khác
nhau, tính chất tranh chấp khác nhau, liên tiếp không ngừng cho đến tận ngay
nay.

Chính đầu thế kỷ XX Việt Nam bị Pháp
thuộc, mất hết chủ quyền
, trong khi các thế lực bành trướng
mới như Nhật sau chiến thắng Trung Nhật (1894-1895) và chiến thắng Nga
Nhật (1904-1905) phát triển Chủ nghĩa Đại Đông Á đã dẫn đến
chính quyền Quảng Đông e ngại lại lặp lại sự kiện như người Nhật chiếm giữ
đảo Pratas
mà Trung Hoa đã đặt tên là Đông Sa, bắt đầu hành
động chủ động khảo sát Hoàng Sa vì cho Hoàng Sa là đất vô chủ vào năm
1909 là hoàn cảnh cụ thể cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự tranh chấp lẽ ra
không đáng có, nếu Việt Nam độc lập , không mất chủ quyền
vào tay
người Pháp. Sau đó vào năm 1921, Chính quyền Nam Trung Hoa đã quyết định sát
nhập trái phép Hoàng Sa tức Tây Sa vào tỉnh Quảng Đông. Chính quyền
thực dân Pháp vì nhiều lý do trong đó có quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa, đã
tiếp tục phản ứng quá chậm chạp, mãi sau vài thập niên, đến năm 1930 mới
hết do dự. Song khi ấy, Pháp nhân danh nước bảo hộ Annam hay đất thuộc
địa đã thực thi chủ quyền chủ yếu bằng sức mạnh quân sự tại quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, đã không đủ tính thuyết phục chấm dứt sự tranh chấp
của Trung Hoa, bởi Pháp cũng chỉ là kẻ đi xâm lược mà thôi.

Sau đó năm 1938, 1939, Nhật đã chiếm Hoàng Sa
& Trường Sa làm bàn đạp chiếm Đông Dương trước khi bùng nổ thế
chiến thứ 2. Sau khi Nhật bại trận ở thế chiến thứ 2 (1945) phải từ
bỏ sự chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa.

Với những biến động sau Cách Mạng Tháng 8 thành
công, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bận lo kháng chiến chống Pháp đô hộ
trở lại, Trung Hoa Dân Quốc đã lợi dụng thời cơ tiếp quản nơi Nhật
chiếm đóng, vào cuối năm 1946, đã chiếm đóng Hoàng Sa,
song đến
năm 1950 đã phải rút hết khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi hải quân
Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, và xây dựng chính quyền bù nhìn, quốc gia Việt
Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng, thực thi chủ quyền nhân danh Việt Nam tại
Hoàng Sa và Trường Sa. Nguyên nhân tranh chấp vẫn không thay đổi, song về
chính trị ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc thay đổi, động cơ tranh chấp có
khác, nhất là còn vai trò người Pháp ở thế kẻ đi xâm lược, không có khả năng
thuyết phục chấm dút sự tranh chấp.

Khi Thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam vào
tháng 4/1956 để lại khoảng trống lực lượng bố phòng rồi đến thời
chiến tranh chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe: phe Tư bản chủ nghĩa
và phe Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam bị chia cắt và chiến tranh lạnh
cũng như nóng, phải đối đầu, không thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền vốn có
của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi thế giới có nhiều biến
động, khiến các nước Trung Quốc, Đài Loan, Philippines trong bối cảnh chiến
tranh lạnh ấy đã vội vã chiếm cứ một số đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa, tranh
chấp với Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam dưới vĩ tuyến 17, được Mỹ bảo trợ. Khi Mỹ
ký Thông cáo chung Thượng Hải với Trung Quốc năm 1972 và ký Hiệp Định Paris năm
1973, rút quân ra khỏi Việt Nam, không can thiệp để Trung Quốc chiếm toàn thể
Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Nguyên nhân tranh chấp đã thay đổi về chất, sự
đối đầu trong chiến tranh lạnh, và nhất là trong chiến tranh nóng hai chính
quyền Nam Bắc có những đồng minh, đồng chí anh em ủng hộ lẫn nhau trong tranh
chấp mang tính quốc tế này.

Sau năm 1975, Việt Nam đã thống nhất, thế lực chính
trị quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có việc tranh
chấp về Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp tục, không những vì vị trí chiến
lược vốn có tầm quan trọng lớn lao cũng như tài nguyên nhất là trữ
lượng dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cho là có
khả năng cao cùng tiềm năng kinh tế cũng là yếu tố dẫn đến những
tranh chấp khác nhau không ngừng tại quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường
Sa mà từ lâu người Việt cũng như Phương Tây vẫn cho là một dải san hô
dài hàng vạn dặm.

Từ những hoàn cảnh lịch sử từng thời kỳ trên đã
dẫn đến những nguyên nhân, nguyên nhân xa hay nguyên nhân gần; nguyên nhân
trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp; nguyên nhân chủ quan, hay nguyên nhân
khách quan, phần nào đã nói ở trên, dẫn đến tranh chấp từng thời kỳ.

Sự thực lịch sử ra sao và giải pháp?

Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam mất chủ quyền vào tay
người Pháp để xảy ra sự tranh chấp rất đáng tiếc và rồi chiến tranh lạnh, chiến
tranh nóng, các thế lực quốc tế ảnh hưởng đến sự tranh chấp triền miên.

Bây giờ Việt Nam đã được độc lập, thống nhất và
làm bạn với tất cả các nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga… Các nguyên nhân tranh
chấp ngoài kinh tế dầu mỏ không còn nữa, thì cái gì của César phải trả
lại cho César
. Đã đến lúc các sử gia, các nhà nghiên cứu các nước phải
nghiêm túc nhìn vào sự thực lịch sử.

Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất
hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang
thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30
tư liệu các loại, chủ yếu là tài liệu công trong đó có đặc biệt cả châu bản,
hội điển chép lệ hàng năm những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ
quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ (Hoàng Sa tự), trồng cây,
đào giếng… của thủy quân triều Nguyễn chứ không còn ít ỏi như thư của
Toàn Quyền Pasquier gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa ngày 18-10-1930, mà
người Pháp lúc ấy cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

– Về những tư liệu của Trung Quốc minh chứng chủ quyền
Việt Nam
tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy:

+ Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán (người
Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn
Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ
các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

+ Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc
vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về
Trung Quốc.

Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909
trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc
vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy
đều xác định đảo Hải Nam
là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa
tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và
gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn
đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái
lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo
Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập
chủ quyền của Việt Nam.

– Về những tư liệu Phương Tây cũng xác nhận chủ
quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng có rất
nhiều như: Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là
một quần đảo thuộc về nước An Nam, “Le Mémoire sur la Cochinchine” của
Jean Baptiste Chaigneau (1769 – 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long
(hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ
quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels, “Univers, histoire et description de
tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes” của giám mục
Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng
định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Đặc biệt An Nam Đại
Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn
từ điển La tinh- Annam, ghi rõ « Paracels seu Cát Vàng » với tọa độ rõ
ràng như hiện nay chứ không phải như Trung Quốc cho là ven bờ biển. («
Seu » tiếng Latinh có nghĩa « hay là », Cát Vàng: chữ Nôm, Hoàng Sa:
chữ Hán). Cũng như “The Journal of the Geographycal Society of London” (năm 1849)
GutzLaff cũng ghi rõ tọa độ và ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những
trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels…

Sự thực chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa
đã rõ ràng như trên.

Vì thế một chính quyền nào cũng như bất cứ
người Việt Nam nào dù khác nhau chính kiến đều coi trọng việc đòi
lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. Lịch
sử cho biết dù có hàng ngàn năm bị lệ thuộc rồi cũng có ngày với
sự kiên cường, bất khuất, sẽ có ngày, khi có thời cơ, sẽ đấu tranh
thành công.

Đối với các nước ASEAN trên cơ sở Công ước 1982
về luật biển sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành
viên trong khối càng ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi.

Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền
sông, đã có những bài học lịch sử quí giá. Việt Nam với truyền
thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của
mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Trung Quốc, luôn theo truyền
thống làm “phên dậu của Trung Quốc”, không bao giờ làm hại đến quyền
lợi Trung Quốc.

Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như
người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939
hoặc thực dân Pháp suốt thập niên 20 đến thập niên 50 thế kỷ XX dựa
vào ưu thế quân sự của mình cũng như Trung Quốc dùng võ lực năm 1974
chỉ mang tính nhất thời. Có đế quốc nào mạnh như đế quốc Lã Mã
thời Cổ đại hay đế quốc Mông Cổ thời Trung đại hay đế quốc Anh, Pháp
thời cận đại, rồi có ngày cũng suy yếu, phải bỏ những lãnh thổ
chiếm giữ bằng võ lực.

Bất cứ giải pháp nào muốn vững bền phải dựa
trên sự thực lịch sử nhà nước Việt Nam trực tiếp hay được nhân danh
đã chiếm hữu thật sự trước tiên, chưa có ai tranh chấp và phải dựa
vào trật tự thế giới hiện hành khi có Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm
1945 và những Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau đó và Công ước quốc
tế về luật biển năm 1982.

Mọi người kể cả người Trung Quốc phải thấy rõ
sự thật lịch sử trên!

Khi nội lực Việt Nam
chưa đủ mạnh thì dứt khoát không ký kết bất cứ một hiệp định nào
gây sự thiệt thòi cho Việt Nam.

Việc cần làm ngay là làm rõ, quảng bá lịch
sử nhà nước Việt Nam đã từ lâu chiếm hữu thật sự Hoàng Sa &
Trưởng Sa và xây dựng nội lực Việt Nam vững mạnh, đoàn kết hùng
cường.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới