Thursday, November 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA KỲ I

Kỳ I:

Tháng 7 năm 1988, Trung Quốc xuất bản cuốn sách nhan đề “Ngã quốc Nam Hải
chư đảo sử liệu hội biên”, được dịch là “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước
ta” (sau đây gọi tắt là cuốn Tổng hợp sử
liệu
), do Hàn Chấn Hoa chủ biên, Nhà xuất bản Phương Đông (Bắc Kinh) xuất bản
nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với “các đảo Hải Nam” đã tồn tại từ
thời “cổ đại”. Các tài liệu trong cuốn sách trên đưa ra nhiều tài liệu cổ để
chứng minh rằng Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai phá và
kinh doanh sớm nhất, quản hạt và thực hiện chủ quyền sớm nhất đối với các đảo
Nam Hải mà các tác giả giải thích là quần đảo Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa của Việt nam). Bài viết này sẽ phân tích một số tài liệu và sách
cổ nêu trong cuốn Tổng hợp sử liệu
trong giai đoạn từ cổ đại đến năm 1909 để tìm hiểu xem có phải người Trung Quốc
đã phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất cho hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa và
quản hạt và thực thi chủ quyền sớm nhất đối với hai quần đảo này hay không.

PHẦN A. CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG
QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM
SA (HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA)

I. LUẬN CỨ VỀ TRUNG QUỐC PHÁT HIỆN SỚM NHẤT HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA :

Liên quan đến luận cứ nhân dân Trung Quốc phát hiện sớm nhất hai quần đảo
Tây Sa và Nam Sa, các tác giả cuốn Tổng
hợp sử liệu
trích dẫn một số sách cổ. Phù
Nam truyện
của Khang Thái đời Tam quốc có đoạn nói về việc ông đi sứ Chân
Lạp chép : “Trong Trướng hải có bãi san hô, dưới bãi là đá tảng, san hô mọc lên
được”. Nam Châu di vật chí của Vạn
Chấn đời Tam Quốc được trích đoạn nói về những điều lạ của các xứ phương Nam ở
nước ngoài ghi : “Kỳ đầu Trướng hải nước nông có nhiều từ thạch, thuyền lớn
nước ngoài đóng đai sắt, đi lại dựa trên la bàn, không qua được.”

Từ các ghi chép trên, các tác giả cho rằng “các bãi san hô” là chỉ các quần
đảo Tây Sa và Nam Sa”; còn “Trướng hải” là biển Nam Hải (biển Đông). Rõ ràng là
các đoạn trích nói trên chỉ đơn thuần nhắc đến các bãi san hô, các đá ngầm và
biển; không chỉ rõ biển là biển nào, toàn bộ biển hay là một vùng nào đó của
biển; cũng không chỉ rõ vị trí của các bãi san hô và các đá ngầm. Với mấy đoạn
trích như vậy mà kết luận rằng Trướng hải (biển) là Nam Hải (biển Đông); các
bãi san hô là quần đảo Tây Sa và Nam Sa; và các đá ngầm là các đá ngầm của các
đảo Nam Hải thì thực sự chỉ là sự suy diễn không có căn cứ khoa học. Việc dựa
trên sự suy diễn không căn cứ nói trên để kết luận là Trung Quốc đã phát hiện
sớm nhất hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa và đã xác lập chủ quyền đối với hai quần
đảo này từ thời cổ đại lại càng hết sức vô lý, không dựa trên một chuẩn mực nào
của lịch sử, luật pháp quốc tế hoặc suy luận lô-gich.

II. LUẬN CỨ VỀ VIỆC TRUNG QUỐC ĐẶT TÊN SỚM NHẤT CHO CÁC QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ
NAM SA :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu cho rằng Trung Quốc đã đặt tên sớm nhất
cho các quần đảo Tây Sa và Nam Sa, thậm chí còn đặt tên cho từng đảo,  đá của hai quần đảo này. Vậy ta hãy xem xét
các tư liệu từ đời Đông Hán đến đầu thế kỷ 20 được trích trong cuốn sách trên nói
gì về vấn đề này :

– Thứ nhất, trong tất cả các tư liệu có từ đời Đông Hán đến đầu thế kỷ 20,
không có tư liệu nào nhắc đến tên của hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.  Hai cái tên này được các học giả Trung Quốc
suy diễn từ các tên cổ như Cửu Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương, Thất Châu Sơn, Trường
Sa, Thiên lý Trường Sa, Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Vạn lý Thạch Đường …
Các học giả Trung Quốc cho rằng Cửu Nhũ
Loa Châu, Thất Châu Sơn, Thất Châu Dương là quần đảo Tây Sa, còn các địa danh
khác là Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa.

– Thứ hai, các tư
liệu cổ được trích dẫn cho thấy rằng Cổ Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương và Thất
Châu Sơn là chỉ các đảo ven bờ, không phải là Tây Sa (Hoàng Sa) như các tác giả
cuốn Tổng hợp sử liệu giải thích.

Địa danh “Cửu Nhũ
Loa Châu” chép trong Vũ kinh tổng yếu
(toát yếu về binh thư) do Tăng Công Lượng đời Tống soạn có ghi lộ trình đường
biển từ Đồn Môn Sơn đến Ấn Độ Dương như sau : “Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi
về phía Tây Nam 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn …”.
Đồn Môn Sơn là Tây Bắc Hồng Kông. Như thế là Cửu Nhũ Loa Châu nằm trên đường đi
Bất Lao Sơn (Cù lao Ré của Việt Nam) và từ Đồn Môn Sơn đến Bất Lao Sơn mất mười
ngày.

Trong Cổ kim đồ thư biên của Chương Hoàng đời
Minh cũng nói đường từ Hương Sơn Quảng Đông sang Chiêm Thành, Xiêm, qua Thất
Châu Dương đến biển Việt Nam
(Ngoại La Sơn) mất 10 ngày.

Trong Hoàng Hoa Tứ đạt chí, Giả Thẩm (730-805)
đời Đường viết : “Từ Quảng Châu đi đường biển 200 dặm về phía Đông Nam đến Đồn
Môn Sơn, dong buồm đi về phía Tây hai ngày đến Cửu Loa Thạch, đi hai ngày nữa
đến Tượng Thạch, đi ba ngày nữa về phía Tây Nam đến Chiêm Bất Lao Sơn …”. Tức
là, từ Quảng Châu đến Bất Lao Sơn mất chín ngày. Cửu Loa Thạch là nhóm đảo Thất
Châu ở Đông Bắc đảo Hải Nam.  Cửu Nhũ Loa Châu cách Chiêm Bất Lao Sơn ba
ngày thì phải là một điểm nằm giữa đảo Đại Châu và Chiêm Bất Lao Sơn. Điều đó
cho thấy rằng Tượng Thạch không thể là Tây Sa như các học giả Trung Quốc suy
diễn mà phải là  đảo Đại Châu, ngoài khơi
huyện Lăng Thủy ở phía Đông Nam đảo Hải Nam. Bởi vì, các phương tiện đi biển
thời cổ xưa không thể đi từ Đồn Môn Sơn đến Tây Sa trong ba ngày.

Trên “Quảng Đông dương
đồ” trong Dương phòng tập yếu (Tập hợp
về phòng vệ biển (1838), địa danh “Cửu Nhũ Loa Châu” được vẽ nằm giữa địa danh
“Lê Đầu Sơn” và “Nam Bành” với ký hiệu núi hình chóp nón mà trên bản đồ phòng
thủ biển Quảng Đông trong Quảng Đông thông
chí
(Địa dư tỉnh Quảng Đông) do Nguyễn Nguyên soạn năm 1822 thì “Lê Đầu Sơn”
và “Nam Bành” là những đảo ven bờ tỉnh Quảng Đông, đoạn phía Đông bán đảo Lôi
Châu. Phân tích trên cho thấy rằng “Cửu Nhũ Loa Châu” là đảo ven bờ, không phải
là quần đảo Tây Sa. Địa danh Thất Châu Dương được “Đông Tây Dương khảo” mô tả
là vùng biển có 7 hòn đảo cách huyện Văn Xương 100 dặm (tương đương 50 km). Như
vậy, Thất Châu Dương không thể là vùng biển Tây Sa (nằm cách nơi đó hàng mấy
trăm km).

– Thứ ba, các địa
danh “Trường Sa”, “Thạch Đường”, “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” đều
là những tên gọi mà người Trung Quốc xưa dùng để chỉ các đảo san hô ở biển Nam Hải.
Song, có một điều cần làm rõ là : những địa danh mà sách cổ Trung Quốc nhắc đến
là các vùng đất  thuộc về các nước vùng Đông
Nam Á, ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Địa danh “Trường
Sa” (cát dài), “Thạch Đường” (bờ đá) thấy được chép lần đầu tiên trong Lĩnh ngoại đại đáp (giải đáp về vùng đất
phía Nam Ngũ Lĩnh) do Chu Khứ Phi đời Tống soạn năm 1178. Hai địa danh này được
chép ở đoạn nói về Tam Hợp Lưu như sau : “Phía Tây Nam bốn quận Hải Nam, vùng
biển ở đây gọi là biển Giao Chỉ. Trong biển có Tam Hợp Lưu sóng rất dữ, chia làm
ba dòng. Một dòng chảy về phía Nam, thông với biển các nước Phiên; một dòng chảy
về phía Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang ở phía Bắc; một dòng chảy về phía Đông
thông với vùng biển không bờ bến gọi là Đông Đại Dương. Tàu thuyền đi xuống phía
Nam phải vượt qua Tam Hợp Lưu. Gặp gió chốc lát là qua. Không có gió đi vào đây
không ra được và bị tan vỡ trong ba dòng nước. Nghe nói rằng, Đông Đại dương có
Trường Sa, Thạch Đường mấy vạn dặm…” (quyển 1, Địa lý môn) (Phụ lục 1).

Qua đoạn văn trên,
người ta thấy : “Tam Hợp Lưu” là vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam mà
tác giả gọi là “Biển Giao Chỉ”.

Trong Đảo Di chí lược (lược chép về các nước Di trên đảo) do Uông Đại Uyên
soạn năm Chí Chính thứ 9 đời Nguyên (1349), “Vạn Lý Thạch Đường” được chép
trong mục chép về các nước. Sau khi mô tả “Vạn Lý Thạch Đường” kéo dài từ bờ biển
Quảng Đông (Triều Châu) xuống phía Nam, tác giả mô tả sự nguy hiểm nơi này :
“Biển cả mêng mông không bờ bến, bên trong ẩn náu Thạch Đường, cần hiểu rõ về nó,
tránh được thì lành, đụng phải thì dữ. Cho nên kim tý Ngọ quan hệ đến mạng người
vậy. Người cầm lái nếu không tinh tường không bị lật cũng bị chìm. Ôi ! Nơi đắc
địa đó xin đừng trở lại …” (Vạn Lý Thạch Đường, tờ 26a (Phụ lục 2). Theo Uông Đại Uyên, “Vạn Lý Thạch Đường” bao gồm các
quần đảo san hô ở Biển Đông, song nó thuộc về nước ngoài mà ông gọi là “Đảo
Di”.

Hải ngữ (nói
về biển) do Hoàng Trung soạn năm Gia Tĩnh thứ 15 đời Minh (1536) viết :

“Vạn Lý Thạch Đường:
Vạn lý Thạch Đường ở phía Đông hai biển Ô Chư, Độc Chư, gió âm làm mờ cảnh vật,
không giống chốn trần gian. Sản vật, nhiều (ốc) xà cừ. Chim, nhiều (chim) quỷ
xa, chín đầu, ba bốn đầu, lướt trên mặt biển, tiếng kêu thảm thiết qua, qua
vang vài dặm, … Người cầm lái lỡ đà, lầm đâm vào bãi đá, vài trăm mạng đều toi.

Vạn Lý Trường Sa :
Vạn Lý Trường Sa ở Đông Nam Vạn Lý Thạch Đường, tức dải cát trôi của Tây Nam
Di. Nhược thuỷ ở phía Nam.
Gió cát vù vù. Trời nắng trông như tuyết phủ. Thuyền lầm đâm vào liền bị dính
không ra được. Cơ may gặp gió Đông Nam, cố sức mới thoát khỏi đắm, mắc
cạn” (quyển hạ, tờ 1b-2a) (Phụ lục 3).

Theo Hoàng Trung,
“Vạn Lý Thạch Đường” ở phía Đông đảo Hải Nam;
“Vạn Lý Trường Sa” ở phía Đông Nam
“Vạn Lý Thạch Đường”. Tuy không thật chuẩn xác về vị trí, nhưng điều mô tả đó của
các tác giả có thể là để chỉ hai quần đảo ở biển Đông ngày nay. Trong Hải ngữ của Hoàng Trung, “Vạn Lý Trường
Sa” là “dải cát trôi của Tây Nam Di”, tức là của các nước Đông Nam Á ngày nay.

Qua các ví dụ trên,
người ta thấy “Trường Sa”, “Thạch Đường” … là những địa danh người Trung Quốc xưa
dùng để chỉ các bãi cát và đá ngầm ở biển Đông, cực kỳ nguy hiểm đối với thuyền
đi biển, thuộc khu vực Đông Nam Á, ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Địa danh “Trường
Sa”, “Thạch Đường” còn được ghi trên “Đông Nam Hải Di đồ”, bản đồ thể hiện các
nước vùng Đông Á và Đông Nam Á ngày nay trong các sách Quảng dư đồ của La Hồng Tiên (1562), Hoàng Minh chức phương địa đồ của Trần Tổ Thụ (1635), Cổ kim đồ thư biên của Chương Hoàng
(1585), Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi
(1625), Địa đồ tổng yếu của Ngô Học
Nghiêm (1643) đời Minh, Độc sử phương dư
kỷ yếu
của Cố Tổ Vũ (1678), Dương
phòng tập yếu
của Nghiêm Như Dục (1847) đời Thanh. Các bản đồ nói trên về cơ
bản là giống nhau, có thể chúng bắt nguồn từ “Đông Nam hải Di tổng đồ” trong Quảng dư đồ (Bản đồ nhiều loại) của La Hồng
Tiên đời Minh (Phụ lục 4).

Hải quốc đồ chí
(Bản đồ và địa chí nước ngoài) do Nguỵ Nguyên soạn năm 1842 (đời Thanh) có một
bản đồ mang tên “Đông Nam Dương các quốc duyên cách đồ”, tức là bản đồ hình thể
các nước Đông Nam Á ngày nay. Trên bản đồ này, địa danh “Vạn Lý Trường Sa” và
“Thiên Lý Thạch Đường” được ghi bên cạnh ký hiệu bãi cát ở vị trí tương ứng với
hai quần đảo ở biển Đông ngày nay (Phụ
lục 5
).

Hai bản đồ nói trên
chứng minh rằng “Trường Sa”, “Thạch Đường”, “Vạn Lý Trường Sa”, “Thiên lý Thạch
Đường” thuộc khu vực Đông Nam Á, nằm ngoài cương vực Trung Quốc. Việc “Vạn Lý
Trường Sa”, “Thiên Lý Thạch Đường” nằm ngoài cương vực Trung Quốc còn được chép
trong sách địa chí Trung Quốc viết về tỉnh Quảng Đông và Phủ Quỳnh Châu.

Quảng Đông thông chí do Hách Ngọc Lân soạn năm 1731 viết “Phủ Quỳnh Châu đến tỉnh thành 1700
dặm. Đất nằm trong biển, rộng 970 dặm, dài 975 dặm. Từ Lôi Châu (một huyện ở Cực
Nam
bán đảo Lôi Châu) qua biển một ngày thì đến. Quỳnh Sơn là nơi đô hội, ở Bắc đảo.
Đảm (Châu) ở biên thuỳ phía Tây, Nhai (Châu) ở biên thuỳ phía Nam. Vạn (Châu) ở biên thuỳ phía Đông.
Giữa là Lê Động. Muôn núi chập trùng. Bên ngoài biển cả bao quanh. Nơi xa tiếp
giáp các đảo quốc. Quỳnh Quản nói rằng : Ngoài là biển cả, tiếp giáp châu Urisumijiliang;
Nam là Chiêm Thành; Tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; Đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn
Lý Thạch Đường; Bắc đến huyện Từ Văn phủ Lôi Châu (quyển 4, Phụ lục 6).

Quỳnh Châu phủ chí
(Địa chí phủ Quỳnh Châu) do Minh Nghi soạn năm 1841 cũng chép về cương vực phủ
này tương tự Quảng Đông thông chí, cụ thể là : “Quỳnh Châu ở trong biển. Đông Tây
cách nhau 970 dặm, Nam Bắc cách nhau 975 dặm. Từ Từ Văn (một huyện ở Cực Nam bán
đảo Lôi Châu) qua biển một nửa ngày có thể đến. Quỳnh là nơi đô hội, ở phía Bắc
đảo. Đảm (châu) ở biên thuỳ phía Tây, Nhai (Châu) ở biên thuỳ phía Nam. Vạn
(châu) ở biên thuỳ phía Đông. Đông Lê bao bọc bên trong.  Muôn núi chập trùng. Bên ngoài biển cả bao
quanh. Nơi xa tiếp giáp các đảo Di. Sách cổ Quỳnh Quản nói rằng : Ngoài là biển
cả, giáp châu Urisumijiliang; Nam là Chiêm Thành; Tây là Chân Lạp, Giao chỉ; Đông
là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; phía Bắc giáp huyện Từ Văn Phủ Lôi
Châu (quyển 3, Phụ lục 7).

“Cương vực” phủ Quảng
Châu được mô tả như trên rõ ràng chỉ bao gồm bản thân đảo Hải Nam mà Đảm Châu, Nhai Châu, Vạn Châu
đều là “biên thuỳ” của phủ này. “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” cũng
như Chiêm Thành, Chân Lạp, Giao Chỉ đều là những nơi được sử dụng làm phương vị
để định rõ vị trí địa lý Phủ Quỳnh Châu, không nằm trong cương giới của phủ này,
nghĩa là không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Qua phân tích các
tài liệu được các tác giả cuốn Tổng hợp
sử liệu
trích dẫn nói trên, người ta có thể rút ra một số nhận xét sau đây
:

– Thứ nhất, việc
các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu cho
rằng nhân dân Trung Quốc đã đặt tên sớm nhất cho các quần đảo Tây Sa và Nam Sa
(và coi đây là chứng cứ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần
đảo này) là không có cơ sở.

– Thứ hai, các tư
liệu, sách vở được trích dẫn trong cuốn Tổng
hợp sử liệu
đều là do các tư nhân biên soạn. Các tác giả cuốn sách này
không trích dẫn được một tư liệu chính sử nào nhắc đến việc nhân dân Trung Quốc
đã đặt tên sớm nhất cho hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

– Thứ ba, những
cái tên mà các nhà hàng hải, các dân chài Trung Quốc dùng để chỉ các đảo san hô
ở biển Đông là xuất phát từ nhu cầu an toàn hàng hải hoặc hoạt động đánh cá,
không liên quan gì đến chủ quyền đối với các đảo ở Nam Hải. Cũng tương tự như
việc người Bồ Đào Nha và người Anh đặt tên “Paracels” và “Spratly” cho hai quần
đảo ở biển Đông, nhưng hai quần đảo này không vì thế mà thuộc chủ quyền cảu Bồ
Đào Nha hoặc Anh.  Như trên đã chỉ rõ các
quần đảo với tên gọi “Thiên Lý Trường Sa”, “Vạn Lý Thạch Đường” … đều được chép
khi nói về các nước Đông Nam Á, vẽ trên khu vực bản đồ khu vực Đông Nam Á, và
được các tác giả khẳng định là không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

– Thứ tư, có lẽ
ngay các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu
nhiều khi cũng không rõ những tên cổ là chỉ các địa danh nào. Khi chú giải cuốnĐảo Di Chí lược của Vương Đại Uyên,
các tác giả trên cho rằng Vạn Lý Thạch Đường là chỉ cả bốn quần đảo Đông, Tây,
Trung và Nam Sa. Nhưng khi chú giải cuốn Tổng
Hội Yếu
đời Tống họ lại cho rằng Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Trung Sa.

(còn nữa)

X.T.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới