Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVề sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông của Hoa Kỳ

Về sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông của Hoa Kỳ

Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary
Clinton công bố chính thức lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng
7/2009 tại Phuket, Thái Lan. Mục đích của sáng kiến là đẩy mạnh hợp tác, trợ
giúp về môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ đối với các nước
thuộc khu vực hạ nguồn sông Mê Kông (gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam).
Mục tiêu địa chính trị của sáng kiến này, đồng thời là một trong những trọng
tâm trong chính sách “trở lại  Đông Nam Á”
của Hoa Kỳ, là nhằm cân bằng ảnh hưởng chiến lược bên ngoài đối với khu vực
Đông Nam Á.

Những dự án triển khai

Kể từ đó đến nay, LMI nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quốc gia
trong khu vực và Hoa Kỳ đã triển khai, mở rộng nhiều dự án giúp các nước thuộc hạ
nguồn sông Mê Kông nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn tài
nguyên thiên nhiên do sông Mê Kông mang lại, nhất là nâng cao khả năng quản lý
nguồn nước, bảo vệ rừng, xây dựng quan hệ đối tác khoa học và thúc đẩy sử dụng
năng lượng sạch. Cụ thể:

Tháng 12/2009, Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước quốc gia, thuộc Cơ quan Nghiên
cứu Địa lý Hoa Kỳ (USGS), đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ của Việt Nam
triển khai Mạng lưới Quan trắc toàn cầu và Nghiên cứu đồng bằng (DRAGON) để
chia sẻ kiến thức về kỹ thuật và các công cụ giúp vùng đồng bằng sông Mê Kông đối
phó với các thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra. USGS cũng đã phát triển một
công cụ đa truyền thông mới với tên gọi “Dự báo Mê Kông” để mô phỏng những tác
động có thể đối với sông Mê Kông và vùng đồng bằng do hiện tượng biến đổi khí
hậu và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là việc xây dựng đập thủy điện gây ra.

Tháng 5/2010, Ủy hội sông Mississippi và Ủy hội sông Mê Kông kí kết thỏa
thuận thiết lập “Quan hệ đối tác sông chị em Mississippi-Mê Kông” nhằm phát
triển năng lực kỹ thuật và các công cụ tiên tiến đồng thời xây dựng năng lực
thể chế cho các nước lưu vực sông Mê Kông.

Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang triển khai các dự án nâng
cao cơ hội tiếp cận nước sạch và các thiết bị vệ sinh cho các nước thuộc lưu
vực sông Mê Kông, đối phó với nguy cơ đại dịch và các bệnh truyền nhiễm, giúp Ủy
hội sông Mê Kông và các ủy ban sông Mê Kông quốc gia đẩy mạnh hợp tác khu vực trong
chia sẻ nguồn nước.

Lực lượng Công binh (Corps of Engineers) thuộc Quân đội Hoa Kỳ đã trợ giúp Ủy
hội sông Mê Kông phát triển các công cụ và lên kế hoạch để có thể quản lý tốt
hơn các nhu cầu đa dạng đối với sông Mê Kông của các nước mà nó chảy qua.

Cục Quản lý Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cũng tham gia triển khai chương trình
trao đổi thực tế để giúp xây dựng và phát triển năng lực quản lý rừng trong khu
vực.

Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Ngoại trưởng các
nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tháng 7/2010 tại Hà Nội trong khuôn
khổ LMI, các bên đã nêu bật kết quả và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quá trình hợp
tác giữa Mỹ và các nước hạ nguồn sông Mê Kông trong các lĩnh  vực quan tâm chung. Hoa Kỳ đã tuyên bố các khoản
trợ giúp trị giá hơn 22 triệu USD cho các chương trình về môi trường và hơn 147
triệu USD cho các chương trình y tế cho khu vực hạ nguồn sông Mê Kông trong năm
2010.

Thách thức không nhỏ

Mục tiêu của LMI thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và hợp tác đối
với sông Mê Kông, một nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, sẽ đặt ra thách thức lớn
nhất cho thành công của sáng kiến này. Khu vực này đang phát triển nhanh chóng
và phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn, nhất là việc đảm bảo an ninh năng
lượng. Thủy điện đang là lựa chọn chủ yếu đối với các nước trong khu vực nhưng hiện
vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng với những tác động môi trường và kinh tế – xã
hội tiêu cực do việc phát triển thủy điện gây ra. Hoa Kỳ có thể giúp các quốc
gia trong khu vực sông Mê Kông về mặt công nghệ, giúp đưa ra các quyết định
chính xác hơn khi cân nhắc chi phí – lợi ích của các lựa chọn và thúc đẩy các
giải pháp khu vực đối với nhu cầu ngày càng cấp thiết về năng lượng, lương thực
và an ninh con người. LMI cần phải nâng cao việc chia sẻ thông tin giữa các cơ
quan của Hoa Kỳ hoạt động trong lưu vực và cung cấp các công cụ tiên tiến mới để
nâng cao chất lượng thông tin cho các nhà quyết sách trong khu vực.

Việc triển khai LMI sẽ là nhân tố đầy thách thức nhưng mang tính xây dựng trong
sự can dự của Hoa Kỳ đối với khu vực và khuyến khích các nước vùng lưu vực sông
Mê Kông hợp tác có tính xây dựng hơn đối với việc hình thành nên “Tiêu chuẩn Mê
Kông” và tiêu chuẩn Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường để có thể đưa ra lựa chọn phù
hợp trong hoạt động khai thác nguồn lợi của sông Mê Kông, nhất là việc phát
triển thủy điện.

T.N.

RELATED ARTICLES

Tin mới