Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS),
lãnh đạo các quốc gia Đông Á bày tỏ sự ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các
tranh chấp, khác biệt một cách hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc
tế.
Mở rộng lĩnh vực hợp tác
Bên cạnh việc đẩy mạnh 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác
trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á: giáo dục, tài chính, năng lượng, đối phó thiên
tai và phòng chống cúm gia cầm, các nước Đông Á thống nhất sẽ nghiên cứu, mở
rộng hợp tác trên một số lĩnh vực mới, nhất là về phục hồi sau khủng hoảng và
phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tuyên bố Chủ tịch kết thúc Hội nghị
nêu rõ, thời gian tới, EAS “cần đẩy mạnh hơn nữa đối thoại và hợp tác về các
vấn đề chính trị – kinh tế có tầm chiến lược rộng lớn nhằm thúc đẩy hòa bình,
ổn định và thịnh vượng ở Đông Á, kể cả việc xử lý các thách thức an ninh truyền
thống và phi truyền thống”.
Đông Á “ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh
chấp, khác biệt một cách hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
cho hay, Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với các nước khác làm sâu sắc sự
hợp tác trong Đông Á trên cơ sở các nguyên tắc đã được xây dựng và đưa ra tại
EAS".
Sau hội nghị, các nước nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành các
nghiên cứu khả thi về việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) song
song với Khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA) và giao các quan
chức nghiên cứu trình lãnh đạo các khuyến nghị cụ thể.
Các lãnh đạo Đông Á giao các bộ trưởng và các quan chức
nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phù hợp để triển khai một cách hiệu quả các quyết
định của lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy tiến trình Cấp cao Đông Á theo hướng hành
động.
Các lãnh đạo EAS cũng cùng nhau trao đổi về các vấn đề
khu vực và quốc tế, trong đó có việc phối hợp và tham vấn để chuẩn bị cho sự
tham gia và đóng góp của Chủ tịch ASEAN tại Cấp cao G20 sắp tới tại Seoul, Hàn
Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu…
Chính thức mời Mỹ, Nga can dự
Tâm điểm chú ý của của Hội nghị lần này là vấn đề mở rộng
Cấp cao Đông Á và cấu trúc khu vực đang định hình.
Theo ông Trần Trọng An, phát ngôn viên của Hội nghị
ASEAN 17, các nước ủng hộ quan điểm của ASEAN về xây dựng cấu trúc khu vực trên
cơ sở phát huy các diễn đàn hợp tác hiện có ở khu vực và bảo đảm vai trò trung
tâm của ASEAN.
Xét
nguyện vọng và khả năng tham gia đóng góp xây dựng của Nga, Mỹ cũng như trên cơ
sở tính chất mở và thu nạp của diễn đàn, hội nghị Cấp cao EAS đã quyết định
chính thức mời Nga và Mỹ tham gia vào Cấp cao Đông Á bắt đầu năm 2011.
Các nước thống nhất, việc tham gia của hai nước này vào
EAS sẽ “dựa trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức, ưu tiên
của EAS và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN”.
Sau khi quyết định chính thức, Hội nghị đã mời Ngoại
trưởng Nga và Ngoại trưởng Mỹ, khách mời đặc biệt của Chủ tịch Hội nghị tham dự
phần hai phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội
nghị, đã chính thức thông báo quyết định của lãnh đạo Cấp cao Đông Á mời Tổng
thống Nga và Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 bắt đầu từ
năm 2011.
Phát biểu trước lãnh đạo Đông Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton nhắc lại quan điểm của Mỹ: Ở
đâu vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh được thảo luận, và Mỹ có lợi ích, Mỹ sẽ
có mặt và tham gia tích cực.
"Can dự trở lại châu Á là ưu tiên cao
nhất của chính quyền Obama ngay từ ngày đầu", bà Clinton
phát biểu với báo giới. "Cùng với việc làm sâu sắc mối quan hệ với các
nước như Việt Nam, Mỹ cũng muốn tham gia tích cực vào các thể chế khu vực như
ASEAN".
“Mỹ xem ASEAN là điểm tựa cho cấu trúc khu
vực đang nổi lên ở châu Á", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Theo bà Clinton, Cấp cao Đông Á là “cấu trúc không thể
thiếu được” trong xử lý các vấn đề chiến lược, kinh tế và chính trị của khu
vực".
Cấp cao Đông Á "nên đưa ra một chương trình nghị
sự tích cực" trong đó xử lý tất cả các vấn đề có ảnh hưởng lớn của thời
đại, bao gồm cả an ninh biển.
Cấp cao Đông Á", bà Clinton nói.