Hà Nội, Việt Nam, ngày 29 tháng 10
năm 2010
1. Hội nghị
Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13, do Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29 tháng 10
năm 2010. Hội nghị có sự tham gia của những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ
các quốc gia thành viên ASEAN, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, và Hàn
Quốc.
2. Chúng tôi khẳng
định lại rằng tiến trình ASEAN+3, trong đó ASEAN là động lực chính, sẽ tiếp tục
là một phương tiện chủ yếu để đạt mục tiêu lâu dài về xây dựng một cộng đồng
Đông Á và đóng góp cho sự phát triển bền vững trong khu vực. Chúng tôi khẳng
định lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế
khu vực hiện tại và trong cấu trúc khu vực đang định hình. Chúng tôi ghi nhận
vai trò tương hỗ và bổ trợ lẫn nhau của tiến trình ASEAN+3 và các diễn đàn khu
vực như EAS và ARF trong việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng Đông Á.
3. Chúng tôi hài
lòng kiểm điểm lại những tiến bộ trong hợp tác ASEAN+3 và việc thực hiện
Tuyên bố chung lần 2 về Hợp tác Đông Á và Kế hoạch Công tác ASEAN+3
(2007-2017). Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, chúng tôi hài lòng rằng
hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN+3 vẫn được duy trì mạnh mẽ với thương mại
đạt 413.8 tỷ đô la và đầu tư đạt 8.2 tỷ đô la trong năm 2009. Chúng tôi nhấn
mạnh cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp về chính sách và duy trì tăng trưởng
kinh tế trong khu vực.
4. Chúng tôi khuyến
khích các nỗ lực hướng tới tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa
các nước ASEAN+3. Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ của bốn Nhóm Công tác ASEAN+
được giao nhiệm vụ cân nhắc các khuyến nghị trong các nghiên cứu về Khu vực
Thương mại Tự do Đông Á (EAFTA) đồng thời với Quan hệ đối tác Kinh tế Toàn diện
ở Đông Á (CEPEA). Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các quan chức liên quan khuyến
nghị các mục tiêu chi tiết và thời hạn hoàn thành công việc củng cố hoạt động
của mình, phù hợp với các Điều khoản Tham chiếu liên quan. Theo đó, chúng tôi
hoan nghênh Tài liệu khái niệm do Trung Quốc đề xuất về Lộ trình Thuận lợi hóa
Thương mại giữa các nước ASEAN+3 và ghi nhận quyết định của các Bộ trưởng Kinh
tế ASEAN chuyển đề xuất này, cùng với Tài liệu khái niệm của Nhật Bản về Các
biện pháp bước đầu hướng tới hội nhập kinh tế khu vực: Một cách tiếp cận tiệm
tiến, cho các Nhóm Công tác nghiên cứu. Chúng tôi cũng hoan nghênh Trung Quốc
tiếp tục cam kết đóng vai trò đầu tàu trong hợp tác kinh tế và thương mại và đóng
góp 1 triệu USD của Trung Quốc cho Quỹ Hợp tác ASEAN+3 tập trung vào các hoạt
động liên quan đến EAFTA.
5. Chúng tôi nhấn
mạnh rằng tăng cường hợp tác tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định
tài chính và phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và hài lòng ghi nhận
những tiến triển gần đây trong hợp tác tài chính của ASEAN+3. Chúng tôi hoan
nghênh việc thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) ngày
24 tháng 3 năm 2010 và khuyến khích Viện Nghiên cứu Kinh tế vĩ Mô ASEAN+3
(AMRO) đi vào hoạt động vào đầu năm 2011. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc thành
lập Diễn đàn Phát triển Thị trường Trái phiếu ASEAN+3 (ABMF) và Cơ chế bảo lãnh
tín dụng và Đầu tư (CGIF) và hy vọng CGIF sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm
2010.
6. Chúng tôi cam
kết tăng cường kết nối giao thông trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và các
nước+3. Theo đó, chúng tôi mong rằng việc hình thành Hiệp định Đa phương ASEAN
về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ chuyên chở hành khách bằng đường hàng không
(MAFLPAS) và Kế hoạch Vận tải Chiến lược ASEAN (ASTP) giai đoạn 2011-2015 sẽ
nâng cao kết nối giao thông nội khối ASEAN cũng như tăng cường và đẩy nhanh các
công việc tạo thuận lợi cho giao thông, và kết nối giao thông với các Đối tác
Đối thoại của ASEAN, đặc biệt các nước+3.
7. Chúng tôi hoan
nghênh việc thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và trông đợi đóng góp
thực hiện Kế hoạch tổng thể. Theo đó, chúng tôi khuyến khích các Bộ trưởng Giao
thông tìm kiếm khả năng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giao thông ASEAN+3 nhằm tăng
cường kết nối ASEAN+3 như đã được nêu trong Kế hoạch Công tác Hợp tác
ASEAN+3.
8. Chúng tôi khẳng
định lại tầm quan trọng của việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh kinh tế và phát
triển kinh tế đồng đều của khu vực. Theo đó, chúng tôi hoan nghênh việc đưa ra
“Sách hướng dẫn về chính sách cạnh tranh ASEAN”, “Sổ tay chính sách cạnh tranh
ASEAN cho doanh nghiệp” và việc phát triển Kế hoạch hành động chiến lược đối
với việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN 2010-2015 (SME) để thay
thế cho Kế hoạch Tổng thể về chính sách ASEAN đối với việc phát triển SME
2004-2014.
9. Chúng tôi khẳng
định lại tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực và
vui mừng ghi nhận các hoạt động thực hiện Tuyên bố Cha-am Hua Hin về hợp tác
ASEAN+3 trong lĩnh vực an ninh lương thực và phát triển năng lượng sinh học, ví
dụ như các nỗ lực nhằm thực hiện Chiến lược Toàn diện ASEAN+3 về an ninh lương
thực và phát triển năng lượng sinh học và Hệ thống thông tin an ninh lương thực
ASEAN (AFSIS) cũng như việc sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định về Quỹ dự trữ gạo
khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR), cơ chế sẽ giúp thành lập một cơ chế thường trực nhằm
đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
10. Chúng tôi hoan
nghênh việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 7
vào ngày 22 tháng 7 năm 2010 tại Việt Nam và giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng
liên quan tăng cường hợp tác về năng lượng. Theo đó, chúng tôi ủng hộ các nỗ
lực hiện tại nhằm xây dựng “Tài liệu viễn cảnh nhu cầu năng lượng ASEAN lần 3”
và hoan nghênh các sáng kiến trong các diễn đàn năng lượng ASEAN+3, như các
diễn đàn An ninh Năng lượng và Dự trữ Dầu, Khí tự nhiên và Thị trường Dầu, Năng
lượng mới và tái sinh, và Hiệu năng và Bảo tồn năng lượng, trong đó có Lộ trình
Dự trữ Dầu ASEAN+3 và Hội thảo Chung của ASEAN+3 về Hướng dẫn chính sách Bảo
tồn và Sử dụng Hiệu quả Năng lượng tháng 6 năm 2010. Chúng tôi cũng hoan nghênh
ý định phát triển một chiến lược toàn diện về lương thực thống nhất và bền vững
và việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học cũng như các chương trình thúc
đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng hạt nhân dân sự, than đá, dầu, khí tự nhiên và
việc phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực.
11. Chúng tôi hài
lòng ghi nhận Tuyên bố của Các lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển Bền
vững được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội vào ngày 9
tháng 4 năm 2010, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN được thông qua tại Hội
nghị cấp cao lần thứ 17, và nỗ lực của ASEAN nhằm xem xét các công cụ và chính
sách tài chính hiệu quả góp phần phát triển Đông Á thành một khu vực có sự kết
nối cao và tăng trưởng năng động.
12. Chúng tôi ủng
hộ Tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và kỹ
năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững được thông qua tại Hội nghị
cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các biện pháp của ASEAN nhằm nâng cao chất lượng và
năng lực của nguồn nhân lực trong khu vực. Theo đó, chúng tôi ghi nhận Tuyên bố
chung Luông Pha-băng về hợp tác dịch vụ công của ASEAN+3 đã được các Trưởng đoàn
của Hội nghị về các vấn đề công vụ (ACCSM) ASEAN+3 thông qua vào ngày 29 tháng
10 năm 2010 và mong đợi tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN+3 trong lĩnh vực
nguồn nhân lực.
13. Chúng tôi hoan
nghênh việc thành lập Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em
(ACWC) vào ngày 7 tháng 4 năm 2010 và ủng hộ Tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc
lợi và cơ hội phát triển đối với phụ nữ và trẻ em ASEAN được thông qua tại Hội
nghị cấp cao lần thứ 17 tại Hà Nội.
14. Chúng tôi khẳng
định lại tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và cam
kết hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm đạt được một kết quả khả quan tại
COP-16/CMP-6 sẽ được tổ chức tại Can-cun, Mê-hi-cô vào tháng 12 năm 2010. Về
vấn đề này, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN
về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu vào ngày 9 tháng 4 năm 2010 và sáng
kiến của Việt Nam tổ chức một Diễn đàn Đông Á về Biển đổi Khí hậu. Chúng tôi
hoan nghênh Trung Quốc tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Thiên Tân nhằm
đóng góp cho kết quả của Hội nghị Can-cun. Chúng tôi cũng hoan nghênh tất cả
các nỗ lực nhằm xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học được thảo
luận tại Hội nghị Bộ trưởng về sáng kiến giảm thiểu phát thải từ nạn phá rừng
và suy thoái rừng mở rộng (REDD+) tại Na-gô-y-a, Ai-chi vào ngày 26 tháng 10
năm 2010 và Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học
tại Na-gô-y-a từ ngày 18 đến 29 tháng 10 năm 2010. Chúng tôi khuyến khích tăng
cường hợp tác khu vực và tiểu khu vực, trong đó có Tiểu vùng Mê-công mở rộng và
Ủy hội Mê-công (MRC).
15. Chúng tôi khẳng
định lại cần tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn sự bùng phát các dịch bệnh và
hài lòng trước sự kết thúc thành công của Chương trình Các bệnh truyền nhiễm
ASEAN +3 (EID) giai đoạn II. Chúng tôi mong đợi sớm triển khai giai đoạn hợp
tác tiếp theo với sự tham gia tích cực của các nước ASEAN+3. Chúng tôi ủng hộ
các nỗ lực của ASEAN trong việc đưa ra một Lộ trình ASEAN về Kiểm soát Cúm gia
cầm nhằm đảm bảo đạt được khu vực ASEAN miễn dịch cúm gia cầm độc lực cao
(HPAI) vào năm 2020.
16. Chúng tôi hoan
nghênh tất cả các nỗ lực thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong quản lý thiên tai,
trong đó có Hội nghị quốc tế ASEAN+3 về Quản lý thiên tai vào tháng 8 năm 2010,
đề xuất nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý thiên
tai cũng như cam kết của Nhật Bản tiếp tục đi đầu trong hợp tác trên lĩnh vực
này.
17. Chúng tôi hài
lòng nhận thấy hai lĩnh vực mới, đó là thông tin và giáo dục, đã được vào trong
hợp tác của ASEAN+3. Chúng tôi hoan nghênh Hội nghị lần thứ nhất các Bộ trưởng
ASEAN+3 phụ trách Thông tin (AMRI+3) vào ngày 6 tháng 11 năm 2009 tại Viêng
Chăn nhằm xem xét các cách thức và cơ chế hiệu quả của ASEAN+3 trong hợp tác về
thông tin. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của Thái Lan nhằm khởi động hợp
tác về giáo dục của ASEAN+3 và mong đợi sẽ thông qua Kế hoạch Hành động của
ASEAN+3 về Giáo dục tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN+3 về giáo dục vào
ngày 25 tháng 11 năm 2010 tại Băng Cốc. Chúng tôi hoan nghênh đề xuất tổ chức
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 vào thời gian phù hợp.
18. Chúng tôi hoan
nghênh việc đóng góp 3 triệu đô la của các nước ASEAN+3 vào Quỹ Hợp tác
ASEAN+3 (APTCF) và trông đợi sẽ có ngày càng nhiều các dự án do các nước
ASEAN+3 đề xuất được APTCF tài trợ.
19. Chúng tôi hài
lòng với những thành tựu trong hợp tác ASEAN+3 trên các lĩnh vực khác, gồm du
lịch, khoa học và công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân. Chúng tôi ghi nhận
các đề xuất hợp tác mới trong khuôn khổ ASEAN+3 bao gồm hợp tác về an ninh
lương thực và tiêu chuẩn, ngăn chặn phá rừng và tái trồng rừng, quản lý thiên
tai và các đề xuất khác.
20. Chúng tôi đã
trao đổi quan điểm rộng rãi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ghi
nhận rằng mặc dù sự phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng
nhất vẫn còn chậm và mong manh, nhưng các nền kinh tế Đông Á vẫn là những nền
kinh tế đầu tiên phục hồi một cách ổn định và trở thành một trong những động
lực chính cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Chúng tôi nhắc lại cam kết tăng
cường phối hợp về kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, chống chủ
nghĩa bảo hộ, đạt một kết quả cân bằng và rộng lớn về Chương trình nghị sự phát
triển Đô-ha và cải cách hệ thống và các thể chế tài chính quốc tế. Chúng tôi
chia sẻ quan ngại chung về dòng vốn ngắn hạn đổ vào khu vực và tác động của nó
đối với các đồng tiền trong khu vực. Chúng tôi giao các Bộ trưởng Tài chính
nghiên cứu các biện pháp có thể xử lý vấn đề này.
21. Chúng tôi ủng
hộ khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của kinh tế thế giới như
mục tiêu mà G-20 đang theo đuổi. Theo đó, chúng tôi đánh giá cao Hàn Quốc trong
việc chủ trì chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G-20 tại Seoul vào tháng 11 này.
Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ để các Chủ tịch của ASEAN tham gia các Hội nghị
cấp cao G-20 trên cơ sở thường xuyên. Chúng tôi trông đợi Hội nghị Các Nhà Lãnh
đạo Kinh tế APEC tại Yokohama vào ngày 13-14 tháng 11 năm 2010 sẽ thành công
tốt đẹp.
22. Chúng tôi nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều
Tiên và trong khu vực. Chúng tôi khẳng định lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với
việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi
khuyến khích tất cả các bên liên quan thực hiện đầy đủ Tuyên bố Chung ngày 19
tháng 9 năm 2005 và tạo môi trường thuận lợi cho việc nối lại Đàm phán Sáu bên
nhằm đạt được nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng
tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an
Liên Hợp quốc cũng như việc thực hiện các nghị quyết này và của việc giải quyết
các quan ngại nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
23. Chúng tôi đánh
giá cao đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc nhằm thành lập một Nhóm Tầm nhìn Đông Á
II (EAVG II) để kiểm điểm và khuyến nghị phương hướng tương lai cho hợp tác
ASEAN+3, và giao nhiệm vụ cho các quan chức liên quan thực hiện sáng kiến này.
24. Chúng tôi cũng
ghi nhận Bản ghi nhớ số 7 về Các Khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường
các trụ cột xây dựng Cộng đồng Đông Á, do Mạng lưới các viện nghiên cứu Đông Á
(NEAT) tại Ma-ni-la vào ngày 23-24 tháng 8 năm 2010. Chúng tôi đánh giá cao
đóng góp của NEAT và khuyến khích các cơ quan chuyên ngành ASEAN+3 xem xét các
khuyến nghị chính sách của NEAT.