Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự kýBiển Đông: Hết mưa trời lại nắng...

Biển Đông: Hết mưa trời lại nắng…

Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ Trung Quốc muốn hợp tác cùng phát triển ở
vùng biển nào, hợp tác cái gì, muốn hợp tác cùng ai, hợp tác theo cơ chế
nào", nguyên đại sứ Hjala từ Indonesia than thở.

Vào thời điểm các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế Biển
Đông lần thứ hai làm thủ tục đăng ký đại biểu từ 5 giờ chiều ngày 10.11.2010,
qua lớp tường kính ở sảnh ra vào của khách sạn New World, họ nhìn thấy một bầu
trời đầy u ám. Sài Gòn đang ở trong những ngày cuối mùa mưa.

Khi được phóng viên Tuần Việt Nam hỏi vui rằng "liệu
đây có là điềm báo gì cho không khí buổi khai mạc hội thảo sáng hôm sau
không", Nazery Khalid, một học giả từ Trung tâm Kinh tế và Công nghiệp
Biển của Malaysia – người đã tham dự cuộc hội thảo về khai thác chung các nguồn
năng lượng biển châu Á cũng tại thành phố Hồ Chí Minh cách đây ba tháng, điềm
nhiên trả lời: "Cứ yên tâm, ngày mai trời lại nắng!"

Cộng hưởng giữa hội thảo Biển Đông và ASEAN 2010

Quả vậy, đại sảnh của Khách sạn New
World sáng 11.11 lại tràn ngập ánh mặt trời. Sau phiên khai mạc
của hội thảo với tên gọi "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển
trong khu vực
", Giáo sư Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, đã chủ trì
phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Tầm quan trọng của Biển Đông trong
một môi trường chiến lược đang thay đổi
".

Hamzah B.A, vị học giả cao niên đã nghiên cứu về Đông Nam Á
và Biển Đông từ những năm ’70 của thế kỷ trước, tỏ ra rất ấn tượng với bài tham
luận của hai học giả từ Trung Quốc là Giáo sư Tô Hạo và Tiến sĩ Nhậm Nguyên
Chiết, và coi đó là hướng đi tích cực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Giáo sư Tô
Hạo, người trình bày, đã cho rằng Trung Quốc luôn hành xử có trách nhiệm ở Biển
Đông do Trung Quốc cần môi trường hòa bình với các nước xung quanh để phát
triển. Theo ông, nếu Trung Quốc không hòa bình thì không thể có không khí hợp
tác trong khu vực như hiện nay.

"Rõ ràng Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong một
thập kỷ kỷ rưỡi qua, từ tham gia đàm phán về ứng xử trên Biển Đông với ASEAN,
phân định biên giới trên bộ và tại Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam, đến thúc đẩy khu
vực thương mại tự do Trung Quốc ASEAN – khu vực thương mại tự do lớn nhất hành
tinh với dân số gần hai tỷ người
", vị học giả từ Đại học Quốc gia
Malay nhận xét.

Cũng chia sẻ với vị học giả người Malaysia, nhưng Tiến sĩ
Trần Công Trục lại nhìn nhận sự nỗ lực của Trung Quốc dưới một góc độ khác
 – những tiến bộ đạt được trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm
2010.

"Với những diễn đàn mà Việt Nam chủ trì thành công,
như ARF, ADMM+8, ASEAN – Trung Quốc, hay EAS, khi vấn đề tranh chấp Biển Đông
được nêu ra, dù có hay không trong nghị trình, những thoả thuận hợp tác đạt
được trong lĩnh vực quốc phòng, hay thúc đẩy DOC, đã đóng góp vào việc duy trì
ổn định trên Biển Đông
", Tiến sĩ Trục nói.

Tiến sĩ Trục cũng cho rằng cũng có sự cộng hưởng của các sự
kiện ASEAN 2010 với hai hội thảo quốc tế về Biển Đông – được coi sự mở đầu và
khoá đuôi, nếu lấy năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN làm điểm nhấn.

"Hội thảo đầu tiên rõ ràng đã thu hút được sự chú ý
của bên ngoài đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông – một nội dung quan trọng mà
Việt Nam
muốn đưa vào nghị trình. Còn kết quả đáng khích lệ của cấp cao ASEAN và các cấp
cao liên quan cũng khiến các học giả thêm hào hứng."

"Bởi những phân tích khách quan của họ có những ý
nghĩa nhất định đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của từng quốc
gia có liên quan
",
nguyên trưởng ban biên giới chính phủ Việt Nam nhận định.

Một số học giả trong và ngoài khu vực Biển Đông lại có cái
nhìn thận trọng hơn. Mặc dù, họ cũng công nhận rằng những kết quả đạt được
trong năm qua ở Hà Nội thực sự đã tiếp thêm sinh lực cho xu hướng đối thoại
trong khu vực.

Nguyên đại sứ Hjala từ Indonesia, từ kinh nghiệm của nước
ông, đã chỉ ra rằng trong suốt hai thập kỷ qua, Indonesia đã nỗ lực thúc đẩy
hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông theo tinh thần mà Trung Quốc kêu gọi, thông
qua hàng loạt hội thảo về kiểm soát xung đột ở Biển Đông hàng năm, hay lập các
Nhóm công tác về Hợp tác cùng phát triển…

"Tuy nhiên Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ Trung
Quốc muốn hợp tác cùng phát triển ở vùng biển nào, hợp tác cái gì, muốn hợp tác
cùng ai, hợp tác theo cơ chế nào
", ông than thở.

Còn Giáo sư Thayer nói rằng, khi ông đọc những thoả thuận
giữa ASEAN và Trung Quốc về DOC và COC, cảm giác của ông là sự pha trộn giữa
lạc quan và thận trọng. Lạc quan về DOC, và thận trọng về COC.

Giáo sư Thayer giải thích rằng ông có những lý do xác đáng
để có cái nhìn thận trọng. Nếu không nói là mang chút bi quan.

"Mất những 8 năm, DOC mới khởi động được. Huống hồ
là với COC, một cam kết mang tính ràng buộc về pháp lý, hoàn toàn khác với DOC
chỉ là một cam kết mang tính chính trị
", Giáo sư Thayer nói.

Theo ông, việc Mỹ can dự trở lại Đông Nam Á là nguyên nhân
chính khiến Trung Quốc nối lại đàm phán về việc triển khai DOC. "Họ e
ngại rằng việc lần lữa thực hiện DOC sẽ khiến cho nhiều nước ASEAN xích gần lại
với Mỹ
", Giáo sư Thayer nói.

"Hơn nữa, COC bao gồm cả Hoàng Sa – quần đảo mà
Trung Quốc đã chiếm giữ hoàn toàn, và Việt Nam có yêu sách chủ quyền.
 Đời nào họ chịu nhả", Giáo
sư Thayer quả quyết.

Giáo sư Ramses Amer, từ Trung tâm Nghiên cứu (phần) Thái
Bình Dương của châu Á thuộc Đại học Stockholm,
bổ sung thêm rằng DOC chính là sự thoả hiệp khi Việt Nam không đưa được Hoàng Sa vào
thoả thuận về nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc.

"Mọi chuyện phải chờ đến tháng 12 này, xem cuộc họp
đầu tiên về COC có diễn ra như thoả thuận hay không, diễn ra ở đâu, và kết quả
như thế nào
", cả hai vị học giả trên đều nói như vậy.

Việt Nam
tự tin hơn

Với tư cách một nhà đồng tổ chức, Giám đốc Học viện Ngoại
giao Dương Văn Quảng tỏ ra kín đáo hơn.

"Việc các học giả đã tham dự lần đầu lại quay lại
Việt Nam
lần thứ hai chứng tỏ họ thấy chủ đề này đáng quan tâm, và có những ý nghĩa nhất
định về mặt thực tiễn
", ông nói.

Thống kê của
ban tổ chức đã khẳng định điều này. Và không chỉ dừng ở đó. Đã có thêm hơn mười
học giả trong và ngoài khu vực tham gia ở hội thảo lần thứ hai này. Quan trọng
hơn cả 10 nước ASEAN đều có đại diện tham dự.

"Nhưng điều tôi thấy đáng chú ý nhất là ở hội thảo
lần thứ hai này, qua chương trình và các bản tham luận, là các học giả đã tập
trung bàn sâu những cách tiếp cận cụ thể, cũng như những thách thức, đối với an
ninh khu vực, hay phương hướng hợp tác để giải quyết tranh chấp. Tất nhiên,
dưới góc độ học giả
", Giáo sư Quảng nói.

Ông còn nhận xét thêm rằng hội thào đầu tiên chỉ là dịp để
các học giả làm quen với quan điểm và cách tiếp cận của nhau.

Tuy chưa biết các nội dung tham luận, các phóng viên, nhất
là những người đã theo dõi hội thảo lần thứ nhất, có thể mục sở thị được
"sự tập trung", theo lời Giáo sư Quảng, ở một góc nhìn khác. Phòng
hội thảo ở New World nhỏ hơn so với phòng hội thảo ở Daewoo (Hà Nội), trong khi
đó số đại biểu tham dự đông hơn, kể cả khách mời lẫn chủ nhà, khiến cho số chủ
đề thảo luận tuy khá nhiều, nhưng không tạo cảm giác bị loãng.

Nhưng một người quen của Giáo sư Quảng, Giáo sư Ramses Amer
từ Thụy Điển, lại đánh giá rất cao cuộc hội thảo đầu tiên. Theo lời ông nói,
cái "vạn sự khởi đầu nan" đó đã tạo ra sự mạnh dạn, tự tin hơn đối
với chủ nhà cho những hội thảo tiếp theo.

"Với việc thành công trong việc tổ chức hội thảo
đầu tiên, Việt Nam đã "thắng" Trung Quốc trong việc thu hút sự chú ý
của giới nghiên cứu quốc tế
", Giáo sư Amer nhận xét.

Ông cũng khẳng định rằng việc giới truyền thông, nhất là
của Trung Quốc, nói rằng Việt Nam muốn "quốc tế hoá tranh chấp Biển
Đông" là không có cơ sở. "Quốc tế hoá tranh chấp tức là lôi nhau
ra toà án công lý quốc tế, hay sử dụng một bên thứ ba làm trung gian hoà giải
",
Giáo sư Amer giải thích.

Báo giới có thể là những người cảm thấy rõ ràng nhất
"sự tự tin" của ban tổ chức. Ngay từ đầu giờ sáng, bản tóm tắt các
tham luận dưới dạng "hard copy" bằng tiếng Anh đã được cung cấp cho
báo chí. Còn đến cuối giờ chiều, các phóng viên chủ nhà nhận được bản tiếng
Việt của những ý kiến chính của các học giả về những chủ đề nổi cộm.

Các phóng viên, khi chuông reo báo hết giờ giải lao, vẫn có
thể nấn ná lâu hơn trong phòng hội thảo để tranh thủ kiếm thêm vài
"pô" ưng ý, hay vài lời bình luận từ các học giả. Và ban tổ chức hoàn
toàn không phải nhờ đến cảnh vệ để đảm bảo an ninh cho các học giả, trước sự
đeo bám của các phóng viên.

Giáo sư Thayer cho rằng, với tất cả những gì đạt được trong
vòng một năm qua, kể từ hội thảo đầu tiên, Việt Nam thực sự đã "vào
số", và nên tiếp tục "phóng" lên phía trước, theo con đường mà ở
đó đã có sự hiện diện của Mỹ, ít nhất là thông qua các động thái ngoại giao,
hoặc những tuyên bố công khai.

Tranh cãi về vai trò của Trung Quốc và Mỹ

Nhưng điều mà Giáo sư Thayer nhấn mạnh ở trên về Mỹ và
Trung Quốc lại chính là chủ đề chính cho những cuộc tranh luận, cho dù là trực
tiếp hay gián tiếp, giữa các học giả trong ngày đầu tiên, trong đó có chính
phiên do ông chủ trì.

Giáo sư Tô Hạo giải thích rằng, về "lợi ích cốt
lõi" ở Biển Đông, chưa bao giờ Trung Quốc sử dụng thuật ngữ đó trong các
tài liệu chính thức. Và, theo quan điểm của ông, thời gian vừa qua Trung Quốc
chỉ phản ứng trước những tiến triển của tình hình khu vực, chứ không đe doạ ai.

Trong khi đó, Giáo sư Thayer chỉ ra rằng cho biết Quân đội
nhân dân Trung Quốc (PLA) là nhân tố thúc đẩy Trung Quốc coi Biển đông là lợi
ích cốt lõi. "PLA đang tăng cường năng lực hải quân để khẳng định chủ
quyền ở Biển Đông, hạn chế Mỹ tiếp cận vùng biển này
", ông nói.

Ông cho biết, theo quan sát riêng của mình, rằng Mỹ sẵn
sàng tạo điều kiện để các bên đàm phán thực hiện DOC, nhưng Mỹ sẽ không can dự
trực tiếp.

Giáo sư Leszek Buszynski, người đồng hương của Giáo sư
Thayer, cũng đồng ý với điều này. Nhưng ông lý giải rằng do Trung Quốc có nhiều
trường phái với quan niệm và lợi ích khác nhau, không đồng nhất trong quan niệm
về lợi ích cốt lõi, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia.

"Vì vậy Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ này một
cách lỏng lẻo, chứ không có định nghĩa chính thức, rõ ràng
", ông nói.

Chuyên gia về biển của Mỹ Mark Valencia lại tỏ ý nghi ngờ
sự nhất quán trong quan điểm can dự hoà bình của Mỹ. Ông dẫn ra ví dụ Mỹ phản
đối các bên đe doạ sử dụng vũ lực ở Biển Đông, nhưng lại tập trận hàm ý đe doạ
dùng vũ lực ở Hoàng Hải.

Học giả Geoffrey Till từ Anh lại nhìn nhận những phản ứng
mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc từ khía cạnh khác. Cũng giống như Anh trước
đây, Mỹ là một cường quốc toàn cầu, trong đó lợi ích cơ bản là tự do hàng hải,
gắn liền với vị thế của nước Mỹ và giá trị của nước Mỹ.

Theo ông, từ quan niệm đó, Mỹ cho rằng mình có quyền làm
chủ biển cả và có quyền dùng vũ lực bảo đảm quyền đó. Vừa qua, Mỹ có cảm thấy
rằng Trung Quốc muốn thách thức quyền đó của Mỹ, và đã phản ứng.

Câu chuyện về đường lưỡi bò của Trung Quốc cũng là một chủ
đề nóng khác, khi Giáo sư Tô Hạo nêu quan niệm của Trung Quốc rằng vùng nước
bên trong đường lưỡi bò là vùng nước lịch sử. Vị học giả này thậm chí còn dẫn
rằng Công ước luật biển quốc tế cũng thừa nhận về các vùng biển lịch sử, như
trường hợp vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, giải thích này không thuyết phục được các học
giả khác.

Giáo sư Robert Beckman từ Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học
Quốc gia Singapore, nhận xét với phóng viên Tuần Việt Nam rằng nói quan niệm
"vùng nước lịch sử" là hoang đường thì hơi quá, nhưng, thực sự, qua
nghiên cứu của ông, nó chẳng có cơ sở gì cả.

"Việc năm ngoái Trung Quốc đưa tấm bản đồ này ra Uỷ
ban về ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, chẳng qua là động thái
phản đối lại bản đăng ký thềm lục địa mở rộng của các nước có liên quan đến
tranh chấp Biển Đông, nhất là Việt Nam và Malaysia mà thôi
", vị chuyên
gia về luật quốc tế nhận xét.

Còn nhà ngoại giao kỳ cựu Hjala nêu thẳng trong tham luận
của mình rằng Trung Quốc cần phải làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông, nhất là
đường lưỡi bò. Trong khi đó, người đồng hương của cựu Đại sứ Hjala, học giả
Djalal thì nhìn nhận câu chuyện này đơn giản hơn nhiều.

"Thảo nào Trung Quốc chưa sẵn sàng
tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, mặc dù họ không muốn thấy Việt Nam làm việc này
", học giả Djalal nhận
định với phóng viên Tuần Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới