“Đòi hỏi đưa Biển Đông vào lợi ích cốt lõi của Trung quốc đã làm tăng nghi ngại của các nước trong khu vực. Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc”, giáo sư Bronson Percival, cố vấn cao cấp, Trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, Virginia, Mỹ thể hiện quan điểm trong hội thảo Biển Đông.
Tham dự hội thảo Biển Đông lần II đang diễn ra tại TPHCM với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, nhiều đại biểu đều tỏ ra quan tâm đến đường đứt khúc 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò).
Học giả Daniel Schaeffer đến từ Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 (Pháp) cho rằng, việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là một điểm đáng chú ý nhất ở khu vực trong 2 năm qua. Theo ông, Trung Quốc nên công khai và làm rõ ý định của mình, đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh. Ông Daniel cũng cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có tiến triển, cần tính đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án Luật biển hoặc Tòa án Công lý quốc tế.
Trong khi đó, Giáo sư Bronson Percival, cố vấn cao cấp, Trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, Virginia, Mỹ, cho biết, đường đứt khúc 9 đoạn và đòi hỏi đưa Biển Đông vào lợi ích cốt lõi của Trung quốc đã làm tăng nghi ngại của các nước trong khu vực. Ông cho rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc do Biển Đông liên quan tới vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản là tự do hàng hải, và “Biển Đông sẽ là một vấn đề thường xuyên trong quan hệ Mỹ – Trung”. Tướng Bronson Percival cho hay, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông có thể có lúc tăng lên, có lúc giảm đi, nhưng chính sách của Mỹ về Biển Đông chưa bao giờ thay đổi.
Giáo sư Leszek Buszynski đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc gia Australia nhận định, Trung Quốc có nhiều trường phái với các quan niệm và lợi ích khác nhau, không đồng nhất trong quan niệm về lợi ích cốt lõi, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia. Vì vậy, theo ông Leszek Buszynski, Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ này một cách lỏng lẻo, chứ không có định nghĩa chính thức, rõ ràng. Ông còn cho rằng biện pháp có thể hướng Trung Quốc vào ứng xử có trách nhiệm hơn là tạo ra một Nhóm hài hòa các nước lớn điều hành các vấn đề của thế giới.
Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia dự báo, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ gia tăng trong vòng 3-5 năm tới, tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu tích cực khi ASEAN và Trung Quốc nhất trí triển khai DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông) và đàm phán COC (Quy tắc ứng xử Biển Đông).
Đến hội thảo về Biển Đông lần II trong một hình ảnh mới, trẻ trung, nói tiếng Anh lưu loát, diễn giả, học giả Trung Quốc cũng chia sẻ thẳng thắn về vấn đề Biển Đông.
Điển hình là phát biểu của Giáo sư Su Hao đến từ Đại học Ngoại giao Bắc Kinh. Ông Su Hao nhấn mạnh, Trung quốc luôn hành xử có trách nhiệm ở Biển Đông vì cần môi trường hòa bình với các nước xung quanh để phát triển. Nếu Trung quốc không hòa bình thì không thể có không khí hợp tác trong khu vực như hiện nay. Về “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông, giáo sư Su Hao cho rằng chưa bao giờ Trung Quốc sử dụng thuật ngữ đó trong các tài liệu chính thức. Về đường đứt khúc 9 đoạn, ông Su Hao cho rằng Trung Quốc quan niệm vùng nước bên trong đường đứt khúc là vùng nước lịch sử, trong công ước luật biển quốc tế cũng thừa nhận về các vùng biển lịch sử, như trường hợp vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ nhĩ kỳ.
Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Dương Văn Quảng cho biết, cần nhìn Biển Đông dưới 3 góc độ. Thứ nhất, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền cần được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan, không dùng vũ lực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một trong những cơ sở quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp này là Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc năm 1982.
Thứ hai, Biển Đông là một trong những vùng biển trọng yếu, có vị trí chiến lược và nhộn nhịp nhất thế giới, vì vậy, cần đảm bảo, duy trì tự do đi lại, an toàn trên vùng biển này.
Thứ ba, Biển Đông cung cấp sinh kế cho các cộng đồng dân cư ven bờ và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN và Trung Quốc. Do vậy, hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và an ninh con người, trong đó có cả cứu hộ, cứu nạn ở Biển Đông đã trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 trên tinh thần đó. Nhưng DOC chưa đủ, các nước kỳ vọng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc hơn, chặt chẽ hơn và toàn diện hơn sẽ được đàm phán và ký kết trong tương lai.
Ông Quảng phân tích thêm, hội thảo quốc tế về Biển Đông có thể tạm gọi là kênh phụ hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách có nhiều tham khảo để nghiên cứu những giải pháp phù hợp với lợi ích mỗi bên và được các bên chấp nhận.
Ngày mai, Hội thảo tiếp tục thảo luận về kinh nghiệm và bài học từ các hoạt động hợp tác ở Biển Đông, và các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố hòa bình, ổn định ở Biển Đông.