Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSự kýTấm bản đồ bất chính

Tấm bản đồ bất chính

Bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý
và đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các
vùng biển, đảo bị cái "lưỡi bò" tham lam này "liếm" mất.

Việc Trung
Quốc chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến đường yêu sách 9 đoạn đã bộc lộ dã
tâm và tiếp tục ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc
muốn thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối
của Việt Nam và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia
trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Cục Đo đạc
bản đồ quốc gia Trung Quốc mới đây đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến
mang tên Map World tại địa chỉ http://www.tianditu.cn/ và
http://www.chinaonmap.cn/ , mà trên đó họ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao
trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam.

Việc làm
ngang ngược này của Trung Quốc tất nhiên đã bị Việt Nam phản đối.

Ngày
5/11/2010, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ rằng việc làm này
"đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với
thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của Liên hiệp
quốc về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh rằng
"Việt Nam phản đối việc làm này của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung
Quốc nhanh chóng gỡ bỏ các dữ liệu tại bản đồ nêu trên có nội dung vi phạm chủ
quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, tuân thủ nhận thức
chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không
làm phức tạp hoặc mở rộng tranh chấp ở Biển Đông".

Đây không
phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đường yêu sách 9 đoạn, thể hiện tham
vọng bành trướng của họ trên Biển Đông.

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc cũng đã trưng ra một bản đồ với 9 đường
kẻ ngắt quãng (đường gián đoạn), thể hiện đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển
Đông kèm theo lời phản đối của họ đối với các hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam
và chung của Việt Nam và Malaysia  về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200
hải lý được trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc (UNCLCS)
một ngày trước đó.

9 đường kẻ
ngắt quãng trên bản đồ do Trung Quốc đưa ra tạo thành một vùng có hình chữ U,
còn gọi là đường lưỡi bò, bao phủ tới 80% diện tích Biển Đông.

Tất nhiên,
cái bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và trưng ra như vậy không có giá trị pháp lý và
đã vấp phải sự phản đối của  nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia có các
vùng biển, đảo bị cái "lưỡi bò" tham lam này "liếm" mất,
trong đó có những vùng biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ
quyền của Việt Nam.

Nay Trung
Quốc lại chính thức đưa lên bản đồ trực tuyến của Cục Đo đạc bản đồ quốc gia
nước họ đường yêu sách 9 đoạn này, với các địa chỉ truy cập rất rõ ràng.

Việc làm này
không chỉ "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam
đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vi phạm Công ước của
Liên Hiệp Quốc  về Luật Biển 1982, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng
xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc", như tuyên
bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, mà còn bộc lộ dã tâm và tiếp tục
ngang nhiên công khai hóa tham vọng bành trướng của Trung Quốc muốn thâu tóm
quyền kiểm soát đối với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam
và nhiều nước khác, kể cả những nước từng bày tỏ lợi ích quốc gia trong việc
bảo đảm tự do hàng hải ở đây.

Với lắm mưu,
nhiều kế, Trung Quốc đã tìm mọi cách và đã làm nhiều việc để thực hiện tham
vọng bành trướng lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Chỉ riêng đối với Việt Nam,
đã có thể thống kê hàng loạt hành động ngang ngược của họ. Họ đã chiếm quần đảo
Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hàng năm họ
ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong một thời gian dài trên Biển Đông mà
"vùng cấm" bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam,
rồi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ
quyền của Việt Nam, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động mưu sinh của ngư dân
Việt Nam.

Họ cũng đã
quyết định thành lập cái gọi là ủy ban thôn trên hai đảo Vĩnh Hưng và Triệu
Thuật, tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 
mà họ đang chiếm giữ trái phép.

Họ còn thông
qua cái gọi là "Luật bảo vệ hải đảo" liên quan đến hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở
Biển Đông; thông qua "Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du
lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020", trong đó xác định khu tổ hợp chức năng
biển do tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch
đường không và đường biển tới quần đảo Hoàng Sa, khuyến khích việc đăng ký
quyền sử dụng đối với các đảo không người ở trên Biển Đông; và thiết lập mạng
điện thoại di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ
chiếm giữ trái phép.

Ngoài ra, họ
thường xuyên cử các tàu ngư chính đến các vùng mà họ gọi là "Tây Sa"
và "Nam Sa" (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), rồi gia tăng
sức mạnh quân sự trên biển v.v. . Trong khi đó, trên mặt trận dư luận, các
trang mạng mà Bắc Kinh khoác cho cái áo "không chính thức" cũng tung
ra nhiều loại thông tin, kể cả những thông tin không có lợi cho quan hệ hữu
nghị Việt – Trung, thậm chí là thông tin hù dọa, phục vụ cho mưu đồ bành trướng
trên biển của họ…

Như vậy,
việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khai trương dịch vụ bản đồ trực
tuyến thể hiện đường yêu sách 9 đoạn bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa và các vùng biển của Việt Nam, cũng giống như các hành động được liệt kê
trên đây của họ, tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp trên
Biển Đông, hoàn toàn  bất lợi đối với tiến trình đàm phán tìm kiếm biện
pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và càng
không có lợi cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tìm mọi mánh
khóe, công khai hoặc ngấm ngầm, để vơ lấy những gì không phải là của mình, nói
theo kiểu dân dã, là nhận vơ, là ăn gian.

Vì tham nên mới gian.

RELATED ARTICLES

Tin mới