Theo một số chuyên gia, quốc tế hóa và
đa phương hóa các vấn đề tranh chấp trên biển Đông là xu hướng không thể tránh
khỏi. Sau 2 ngày
thảo luận sôi nổi, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông:
Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” kết thúc hôm qua tại TP.HCM.
Các đại biểu đều đồng ý là sẽ tiếp tục có những hội thảo như thế này để có thể
có cơ hội trao đổi, tìm cách tháo gỡ những mâu thuẫn tiềm tàng có thể gây ra
xung đột.
Những vấn
đề được coi là “nhạy cảm” nhất cũng đã được trao đổi thẳng thắn. Các học giả đề
cập rất nhiều góc độ cả về địa – chính trị, luật pháp, các quan hệ chiến
lược… Trong đó có thể kể đến các vấn đề nổi cộm nhất như vấn đề chủ quyền
trên Hoàng Sa, Trường Sa, đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc và quy chế pháp
lý của các đảo đá thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.
Các học
giả phương Tây nhất trí rằng tranh chấp ở biển Đông bao gồm cả những tranh chấp
song phương và đa phương nên cách tiếp cận đa phương là không thể tránh khỏi.
Thậm chí có đại biểu còn cho rằng, với việc đưa ra bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn
kèm theo Công hàm phản đối báo cáo chung thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và
Malaysia năm 2009, chính Trung Quốc là bên đầu tiên quốc tế hóa tranh chấp.
Ngoài ra,
các học giả cũng đồng ý để ngăn chặn nguy cơ xung đột trên biển Đông tất cả các
bên phải có thiện chí, tích cực xây dựng lòng tin và đặc biệt phải minh bạch
mọi vấn đề liên quan đến tranh chấp. Ví dụ, Trung Quốc phải làm rõ yêu sách
đường 9 đoạn là gì chứ không thể cứ yêu sách một cách mập mờ, bí ẩn và không
tuân thủ luật pháp quốc tế. Hoặc một số học giả Trung Quốc trình bày quan điểm
về việc phát triển khai thác chung trên những vùng biển tranh chấp thì cũng
phải đưa ra các phương án cụ thể. Chẳng hạn vùng biển nào là vùng biển đang
tranh chấp và khai thác chung được tiến hành cụ thể như thế nào để đảm bảo
nguyên tắc công bằng theo luật pháp quốc tế.
Học giả
Hasjim Djalal thuộc Trung tâm Đông Nam Á học của Indonesia cho rằng tất cả các
bên tranh chấp cần tăng cường đối thoại, tạo dựng các cơ chế xây dựng lòng tin
để kiểm soát các xung đột tiềm tàng. Theo ông, các hội thảo về biển Đông đóng
vai trò quan trọng, trở thành một kênh ngoại giao phi chính thức để xây dựng
hiểu biết lẫn nhau.
Các học giả cũng tranh luận sôi nổi về sự khác nhau
giữa Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc
ứng xử ở biển Đông (COC) phải được hiểu như thế nào? DOC được xây dựng từ năm
2002, nhưng tác dụng của nó vẫn còn hạn chế, vì vậy, tiến tới việc xây dựng COC
sắp tới thì sẽ có tác dụng như thế nào để buộc các bên phải tuân thủ? Một số
học giả tỏ ý lo ngại khi một số bên luôn tuyên bố tôn trọng luật pháp quốc tế
và sẵn sàng tìm kiếm các biện pháp hòa bình, nhưng trong thực tế những hành
động của họ lại không giống những gì họ tuyên bố. Ví dụ như tình trạng bắt ngư
dân vẫn tiếp diễn. Vì thế, phải minh bạch quan điểm và chính sách liên quan đến
tranh chấp và giải quyết tranh chấp, đồng thời hành động phải nhất quán với
tuyên bố, chứ không thể tuyên bố một đằng làm một nẻo được.
Cần tăng cường công cụ kiểm soát xung đột Trao đổi với Thanh Niên sau hội thảo, ông Nazery Khalid, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Công nghiệp và Kinh tế biển Malaysia đánh giá trong tương lai gần tình hình ở biển Đông sẽ không có biến động lớn.Ý kiến này cũng được giáo sư Carlyle A. Thayer của Đại học Quốc phòng Úc đồng tình. Tuy nhiên, ông Thayer cho rằng những hành động đơn phương của Trung Quốc có thể làm phức tạp tình hình bất cứ lúc nào. Để không có va chạm bùng phát, các chuyên gia cho rằng một trong những điều kiện tiên quyết là phải xây dựng những quy tắc cụ thể, hiệu quả và có tính ràng buộc cao. “Trung Quốc giống như một người đang lớn rất nhanh và cần có không gian để vươn vai. Điều quan trọng là phải có công cụ để bảo đảm rằng họ không vươn trúng nhà láng giềng”, ông Khalid nói với Thanh Niên. Trong tham luận của mình, ông Ian Storey (Singapore) nói đến nay DOC là công cụ quan trọng nhất để kiểm soát xung đột ở khu vực, song việc triển khai chưa thực sự có kết quả. DOC yêu cầu các bên tự kiềm chế, nhưng điều khoản này quá chung chung và không có tính ràng buộc. Theo ông Storey, các bên cần nghiêm túc thực hiện DOC, ASEAN cần có tiếng nói chung thúc đẩy thực hiện tuyên bố này. Ông Khalid cũng đồng ý rằng việc nâng DOC lên COC là một bước tiến quan trọng song đây không phải là “cây đũa thần” để có thể ổn định tình hình mà các bên cần tăng cường đối thoại, hợp tác nhiều hơn nữa không chỉ trong khu vực mà còn với các đối tác quan trọng bên ngoài. Về mặt này, ông Thayer nhận định: “Trong năm tới, Indonesia sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và nước này cần tăng cường các biện pháp ngoại giao để giữ vững sự thống nhất của toàn khối. Ngoài ra, cần tích cực vận động các cường quốc để bảo đảm lợi ích của ASEAN không bị bỏ qua”. Tương tự, giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Oslo (NaUy) nói với Thanh Niên rằng các chính quyền trong khu vực cần tăng cường đối thoại qua các kênh song phương và đa phương: “ASEAN cần tích cực lôi kéo Trung Quốc vào các hoạt động này”, ông nói. Ông Martin Kremer, người đứng đầu Vụ Đông Nam Á , Úc, New Zealand và khu vực Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức nói một trong những kênh đối thoại quan trọng chính là những hội thảo về biển Đông. Theo ông, những tiếng nói trong các hội thảo như vậy hoàn toàn có thể tác động đến chính sách đối với vấn đề này của các nước liên quan và có tác dụng lớn trong giải quyết mâu thuẫn và ngăn chặn tranh chấp. TrọngKha |