Hội nghị
khoa học quốc tế về Biển Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc hôm nay
12/11/2010, với phần thảo luận về các kinh nghiệm giải quyết tranh chấp và quản
lý xung đột tại vùng Biển Đông, cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm
bảo đảm hòa bình và ổn định trong vùng.
Nhìn
chung, các chủ đề này ít gây tranh luận hơn những gì được bàn bạc trong 5 phiên
hội thảo hôm qua. Theo hãng tin Đức DPA, các chuyên gia có mặt trong các cuộc
họp đã ghi nhận là tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các
nước Đông Nam Á đã dịu bớt trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên,
các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải rất khó giải quyết và có thể dẫn đến xung
đột trong tương lai. Căn nguyên của vấn đề, theo nhiều chuyên gia, là yêu sách
chủ quyền theo hình chữ U, còn gọi là ‘’đường lưỡi bò’’ của Trung Quốc
quá bao quát, mơ hồ và thiếu cơ sở pháp lý.
Trên vấn
đề này, DPA trích lời giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận
xét rằng các diễn giả tại hội nghị đã không tìm thấy cơ sở pháp lý quốc tế nào
cho tấm bản đồ theo đó Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ
vùng Biển Đông.
Đây là bản
đồ do Trung Quốc đơn phương vẽ ra bao gồm 9 đường gián đoạn khoanh vùng biển mà
Bắc Kinh tự nhận là của mình, và chính thức tung ra hồi cách đây hơn hai năm.
Đối với nhiều chuyên gia quốc tế, yêu sách vừa rộng khắp, vừa không rõ ràng, là
nhân tố tạo nên nghi ngại nơi các quốc gia khác.
Trang web
của Học viện Ngoại giao Việt Nam, trích dẫn giáo sư Hjala, nguyên Đại sứ
Indonesia cho rằng Trung Quốc nên làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông, nhất là
đường đứt khúc 9 đoạn vì theo ông, cho đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ làm rõ
Trung Quốc muốn hợp tác cùng phát triển ở khu vực nào trên Biển Đông, hợp tác
cái gì, hợp tác với ai, và theo cơ chế nào.
Nhà nghiên
cứu Daniel Shaeffer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á 21 của Pháp cũng nhận
định là việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là một phát
triển đáng chú ý nhất ở khu vực trong 2 năm qua. Tuy nhiên theo ông, Trung Quốc
nên công khai và làm rõ yêu sách của mình, đối thoại với các nước trong khu vực
về các khác biệt nảy sinh.
Giáo sư Mỹ
Bronson Percival thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CNA của Hải quân Hoa Kỳ
thì cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn và đòi hỏi đưa Biển Đông vào diện lợi ích
cốt lõi của Trung Quốc đã làm tăng nghi ngại của các nước trong khu vực.
Về phần
mình, giáo sư Tô Hạo (Su Hao) thuộc trường Đại học Ngoại giao Bắc Kinh đã cố
gắng biện minh cho lập luận của Trung Quốc khi giải thích rằng vùng nước bên
trong đường đứt khúc 9 đoạn, là vùng nước lịch sử từ lâu đời của Trung Quốc, và
công ước luật biển quốc tế cũng thừa nhận các vùng biển lịch sử, như trường hợp
vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn về khái niệm “lợi ích cốt lõi” ở
Biển Đông, ông cho rằng chưa bao giờ Trung Quốc sử dụng thuật ngữ đó trong các
tài liệu chính thức.
Dù sao thì
theo giáo sư Carl Thayer, cuộc tranh luận giữa các chuyên gia Trung Quốc và các
nước khác tại cuộc hội thảo lần này đã bớt căng thẳng hơn lần trước, cách nay
đúng một năm, tại Hà Nội. Thay đổi này phản ánh không khí hòa hoãn hơn giữa Bắc
Kinh và các nước khác trên hồ sơ Biển Đông, đã được thấy tại các Hội nghị
Thượng đỉnh vào tháng trước của ASEAN tại Hà Nội.
Nazery
Khalid, thuộc Học viện Hàng hải của Malaysia nhận xét là các nhà nghiên cứu
Trung Quốc đang "thận trọng và rón rén’’ tại hội nghị lần này và
là một điều hay khi lời lẽ của phía Trung Quốc bớt hung hăng như vào năm ngoái.
Tuy nhiên, theo DPA, một học giả Việt Nam đã tỏ ý
thận trọng trước tình hình hòa dịu hiện nay tại Biển Đông. Ông Bùi Hồng Phúc,
nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cảnh báo : « Lời lẽ và giọng điệu của
Trung Quốc đã bớt hung hăng hơn, nhưng các hành động thực tế của họ vẫn y như
trước ».