Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTHÔNG ĐIỆP TỪ CÁC HỘI NGHỊ ASEAN NĂM 2010

THÔNG ĐIỆP TỪ CÁC HỘI NGHỊ ASEAN NĂM 2010

Từ ngày từ 28 đến 30
tháng 10, tại Hà Nội đã diễn ra các Hội nghị cấp cao chính bao gồm Cấp cao
ASEAN lần thứ 17 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN; các cấp cao ASEAN+1 thường kỳ với
các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga; các cấp cao không
thường kỳ với Australia, New Zealand và Liên Hợp Quốc; Cấp cao ASEAN+3 với Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; và Cấp cao Đông Á lần thứ 5.

Lần đầu tiên hai Ngoại
trưởng Nga và Mỹ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) với tư cách là khách
mời đặc biệt của Hội nghị và mở đường cho việc Mỹ và Nga trở thành thành viên
chính thức của EAS vào năm 2011. Tại các cuộc họp cấp cao nói trên, ngoài các
vấn vấn đề xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quan hệ toàn diện và sâu sắc giữa
ASEAN và các đối tác, bảo vệ hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các vị
lãnh đạo cấp cao ASEAN và các đối tác cũng đề cập nhiều đến tình hình Biển
Đông  và giải quyết hoà bình các tranh
chấp tại Biển Đông.

Tuyên bố của Chủ tịch
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã thể hiện rõ quan điểm của các nước ASEAN và
cũng phản ánh mong muốn chung của các nước tại các hội nghị ASEAN về vấn đề
Biển Đông, trong đó nêu lên một số điểm rất quan trọng :

– Khẳng định cam kết
chung thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại, hợp tác
và giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa
nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về
luật biển năm 1982 và các luật hàng hải quốc tế liên quan khác.

– Khẳng định tầm quan
trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết
giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

– Nhấn mạnh cần tăng
cường những nỗ lực bảo đảm thực hiện có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên
liên quan tại Biển Đông (DOC) tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử khu vực ở
Biển Đông (COC). Trên tinh thần đó, khuyến khích tiếp tục tham vấn giữa ASEAN
và Trung Quốc, trong đó có việc sớm triệu tập lại Cuộc họp Các quan chức cao
cấp ASEAN – Trung Quốc về DOC.

Hội nghị cấp cao
ASEAN lần thứ 17, các hội nghị cấp cao liên quan và các cuộc họp khác của ASEAN
được tổ chức trong năm 2010 đã gửi đi những thông điệp hoà bình hết sức quan
trọng liên quan đến Biển Đông, đó là :


Thứ nhất, các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực đều mong muốn duy trì và
củng cố hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực; không muốn ai làm phức tạp
tình hình. Nước nào cũng muốn có hoà bình, ổn định để phục vụ cho mục tiêu hợp
tác và phát triển. Trong bối cảnh đó, những hoạt động gây hấn, bành trướng tại
Biển Đông và những yêu sách chủ quyền vô lý tại khu vực biển này rõ ràng là
không được hoan nghênh. Như tân Tổng thống Philippines Benigno Aquino III lên
tiếng khẳng định trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ tại New
York : Philippines
sẽ cùng các nước thành viên ASEAN phản đối bất kỳ hành động tuyên bố chủ quyền
nào trên biển Đông do Trung  Quốc đưa ra. “Hy vọng chúng tôi không phải
gọi đây là biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vì đó không phải là vùng biển của
riêng họ” –  Reuters dẫn lời ông  Aquino III nhấn mạnh.

– Thứ hai, các nước
trong và ngoài khu vực liên quan đều tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy việc định hình
cấu trúc an ninh mới trong khu vực để bảo đảm hoà bình, ổn định trong khu vực
thông qua việc nâng cấp quy mô và vai trò của Tổ chức ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng
Quốc phòng mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), và các diễn đàn an
ninh khu vực khác, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Để
góp phần cho quá trình này, các nước ASEAN tăng cường quan hệ với các đối tác
quan trọng của mình, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ
trong một nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Những
nước lớn cũng sẵn sàng tham gia quá trình hoà bình này. Phát biểu với các sinh
viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhân dịp dự Hội nghị ADMM+, Bộ trưởng
Robert Gates đã chuyển một thông điệp trấn an Đông Nam châu Á : “Tôi nghĩ toàn
thể châu Á có thể tin tưởng rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục cam kết ở châu Á và
đã từng làm như thế từ mấy chục năm truớc, và chúng tôi có ý định đóng một vai
trò tích cực, không những về các vấn đề chính trị và kinh tế, mà cả trong các
vấn đề quốc phòng và an ninh nữa.”

– Thứ ba, các vấn đề và
tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết và xử lý phù hợp với các nguyên
tắc và quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc
về luật biển 1982 và các luật hàng hải quốc tế liên quan khác.

Theo tinh thần này thì
yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, một yêu sách chủ quyền vô lý và chẳng
dựa trên một chuẩn mực nào của luật biển quốc tế, trong đó có Công ước luật
biển 1982 của Liên hợp quốc, không thể được chấp nhận. Việc một nước lấy một vài
đảo đá nhỏ không có điều kiện cho cư dân sinh sống và không có đời sống kinh tế
riêng làm cơ sở để xác lập những vùng biển phụ cận rộng vài triệu km 2 trên
Biển Đông trùm lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác là
trái với quy định của điều 121 của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc

– Thứ tư, ASEAN
sẵn sàng hợp thành một khối để chống cường quyền và bành trướng ở Biển Đông.
Một ngày trước cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack
Obama, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III,  tuyên bố ASEAN sẽ hợp thành một khối
nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển
Đông. Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New
York, Tổng thống Philippines
nhấn mạnh : "Nếu điều đó xảy ra thì tôi nghĩ ASEAN đã cho thấy
chúng tôi sẽ đoàn kết thành một khối". Tuyên bố của Tổng thống Philippines,
về cơ bản, phản ánh ý chí và quyết tâm chung của các nước ASEAN khác.

– Thứ năm, trong khi chờ
đợi có được một giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông, các
bên liên quan cần tôn trọng và thực hiện có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử
của các bên ở Biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Theo
Tuyên bố này, các bên ở Biển Đông cam kết thúc đẩy môi trường hoà bình, hữu
nghị và hoà hợp tại Biển Đông; xây dựng lòng tin trên cơ sở bình đẳng và tôn
trọng lẫn nhau; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử
dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực; kiềm chế không tiến hành các hoạt động
làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp.

– Thứ sáu, các nước
ASEAN và Trung Quốc cần tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại khu vực Biển
Đông. Đây là mong muốn chung của các nước trong và ngoài khu vực, coi đó là một
biện pháp cần thiết để bảo đảm hoà bình và an ninh trong khu vực. Mỹ là một
trong các nước lớn ủng hộ biện pháp này. Theo lời ông Đại sứ Mỹ tại
Philippines, Harry Thomas, trả lời phỏng vấn AP ngày 4 tháng 10 vừa qua thì 10
nước thành viên ASEAN nên cùng Trung Quốc ngồi xuống thảo luận một nguyên tắc
ứng xử khả thi và mang tính ràng buộc pháp lý. Ông này còn nói : Mỹ sẵn sàng
giúp soạn thảo nguyên tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt
tranh chấp giữa các nước ASEAN với Trung Quốc đang đe dọa sự ổn định của khu vực.

Các thông điệp hoà
bình nói trên cũng được nhắc lại trong Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần
thứ 13 tại Hà Nội ngày 29 tháng 10 năm 2010 vừa qua. Tuyên bố chung của Hội
nghị đã ghi nhận gần như toàn bộ các nội dung trên như : nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc tăng cường đối thoại và hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển ở
khu vực; cam kết tuân thủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các
bên liên quan ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng
xử ở Biển Đông; cam kết giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp
quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên hợp quốc; cũng như đẩy mạnh
hợp tác xử lý các vấn đề cùng quan tâm, nhất là các thách thức an ninh phi
truyền thống mà khu vực đang phải đối mặt.

Mong rằng các nước trong khu vực và Trung Quốc
sẽ tôn trọng và thực hiện những cam kết của mình tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần
thứ 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Đó là cách thức duy nhất để bảo đảm
hoà bình, an ninh và ổn định chung cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Với
thương mại hai chiều đạt 200 tỉ USD hiện nay và có thể lên tới 500 tỉ USD vào
năm 2015, ASEAN vừa là một đối tác chiến lược quan trọng, vừa là một đối tác
thương mại lớn của Trung Quốc. Quan hệ tốt với ASEAN sẽ góp phần bảo đảm một
môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc.
Sau các Hội nghị ASEAN, chắc là Trung Quốc sẽ phải tính đến việc điều chỉnh
quan điểm và chính sách của mình tại Biển Đông cho phù hợp với xu thế chung
trong khu vực và trên thế giới là hoà bình, hợp tác và phát triển. Trong xu thế
hiện nay, một chính sách gây hấn trên cơ sở cường quyền, diễu võ giương oai,
dùng sức mạnh để lấn át các nước nhỏ khác chẳng những không mang lại được cho
Trung Quốc một kết quả tốt đẹp nào ở Biển Đông, mà còn làm hoen ố hình ảnh của
một nước Trung Quốc hoà bình và thân thiện, tạo ra trở ngại cho sự phát triển
và quá trình trỗi dậy thành một siêu cường 
của chính Trung Quốc. Muốn như vậy, Trung Quốc cần có nhiều nước bạn bè,
cần có nhiều đối tác, đặc biệt là bạn bè và đối tác trong khu vực, để mở rộng
thêm thị trường và cùng nhau xử lý những thách thức chung; đừng đẩy các nước
trong khu vực lại gần các nước lớn ngoài khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới