Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC VỀ HIỆP ƯỚC SAN...

PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC VỀ HIỆP ƯỚC SAN FRANCISCO NĂM 1951 VÀ HIỆP ƯỚC HOÀ BÌNH TRUNG – NHẬT NĂM 1952

Để củng cố luận cứ khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Paracel và
Spratly (Hoàng Sa và Trường Sa), người Trung Quốc thường lấy Hiệp ước San Francisco năm
1951 và Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952 như là chứng cứ pháp lý khẳng định rằng:

– Sau Chiến tranh thế giới lần thứ
hai, Nhật Bản đã từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) và chuyển giao
các quần đảo trên cho đại diện Trung Quốc.

– Điều 2, Hiệp ước hoà bình Trung –
Nhật năm 1952 đã ghi lại lời văn của điều 2 Hiệp ước hoà bình San Francisco
công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này.

Lý giải của Trung Quốc đặt ra một
số câu hỏi cần phải được làm rõ trên cơ sở của thực tế lịch sử và trên bình
diện pháp lý quốc tế, cụ thể :

– Một là, Sau Chiến tranh thế giới
lần thứ hai, Nhật Bản có tuyên bố từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không ?  

– Hai là, Hiệp ước San Francisco
năm 1951 và Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952 có công nhận chủ quyền của
Trung Quốc đối với các quần đảo này hay không ?

– Ba là, trên thực tế Nhật Bản có
bàn giao các quần đảo này cho đại diện Trung Quốc như người Trung Quốc khẳng
định hay không ?

Để có cơ sở trả lời cho các câu hỏi
trên, bài viết này sẽ phân tích Hiệp ước San Francisco năm 1951, Hiệp ước hoà
bình Trung – Nhật năm 1952 và những văn kiện quốc tế như Tuyên bố Cai Rô năm
1943, Tuyên bố Potsdam năm 1945, là những văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan
đến vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và sự
kiện giải giáp quân đội Nhật Bản tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

I. PHÂN TÍCH CÁC VĂN KIỆN QUỐC TẾ
VÀ SỰ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG VÀ SAU CHIẾN
TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ II :

1. Tuyên bố Cai Rô năm 1943

Từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 11 năm
1943, người đứng đầu của Mỹ là Tổng thống Franklin D. Roosevelt, của Anh là Thủ
tướng Winston L. Spencer Churchill và của Trung Hoa Dân quốc là Tổng thống
Tưởng Giới Thạch đã họp tại Cai Rô (Ai Cập) để thảo luận về việc kết thúc chiến
tranh với Nhật Bản và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề
lãnh thổ nước bị Nhật Bản cướp đoạt và chiếm đóng. Pháp và Việt Nam đều không
có điều kiện tham dự Hội nghị để bảo vệ các quyền của mình. Hội nghị đã thông
qua Tuyên bố Cai Rô ngày 26 tháng 11 năm 1943.

Khi đề cập đến những lãnh thổ mà
Nhật Bản đã cướp đoạt và chiếm của các nước khác, Tuyên bố viết : “Mục đích của
ba nước (tức là Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản
trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng
từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ mà
Nhật Bản đã cướp của người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải  được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Nhật
Bản cũng phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác mà nước này chiếm được bằng
vũ lực và lòng tham”.[1]

Như vậy, Tuyên bố khẳng định Nhật
Bản chỉ chiếm của Trung Quốc Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và buộc Nhật Bản
phải trả cho Trung Quốc những vùng lãnh thổ này. Tuyên bố không coi hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, và
vì vậy, không nói gì đến việc trao trả lại cho Trung Quốc.

Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa đúng là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời và bị Pháp, Nhật Bản xâm chiếm
một cách phi pháp thì không có lý gì tại Hội nghị này Trung Hoa Dân quốc không
đòi lại chủ quyền đối với hai quần đảo này khi họ là một trong các nước đồng
minh soạn thảo ra văn kiện trên. Sự im lặng của Trung Hoa Dân quốc, là một bên
có thẩm quyền quyết định các vấn đề lãnh thổ tại Hội nghị Cai Rô, không thể
giải thích cách nào khác hơn là chính họ cũng biết rằng các quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc.

Nội dung của Tuyên bố Cai Rô rất
quan trọng vì nội dung này được ghi nhận lại trong các văn kiện của các Hội
nghị quốc tế diễn ra trong và sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.

2. Tuyên bố Potsdam năm 1945

Từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng
8 năm 1945, những người đứng đầu ba nước Trung Hoa Dân quốc, Mỹ và Anh lại nhóm
họp tại Potsdam. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố
Potsdam.

Tuyên bố Potsdam quy định về phương
cách giải giáp quân đội Nhật Bản ở Đông Dương, cụ thể như sau :

– Giao cho quân đội Trung Quốc giải
giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 và giao cho quân đội Anh
– Ấn giải giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực phía Nam vĩ tuyến 16.

– Về việc giải quyết những vùng
lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của các nước, Tuyên bố Potsdam chỉ quy định đơn
giản là : “Các điều khoản của Tuyên bố Cai Rô sẽ được thi hành”.

“Các điều khoản của Tuyên bố Cai Rô
sẽ được thi hành” tức là Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc Mãn Châu, Đài
Loan và Bành Hồ, là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm
đoạt trước kia.

Như vậy, không có một nội dung nào trong
Tuyên bố Potsdam coi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc bị Nhật
Bản chiếm và phải trả lại cho Trung Quốc.

Ngày 4 tháng 12 năm 1950, hơn hai
tháng sau khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ngoại trưởng Chu Ân
Lai tuyên bố : Nhân dân Trung Quốc rất mong muốn có một hoà ước với Nhật Bản ký
chung với các quốc gia đồng minh “nhưng cơ sở của hoà ước phải hoàn toàn phù
hợp với Tuyên bố Cai Rô, Thoả ước Yalta, Tuyên bố Potsdam và các chính sách căn
bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được quy định trong các văn kiện
này”. Tuyên bố Cai Rô và Tuyên bố Potsdam chỉ thừa nhận Nhật Bản đã cướp của
người Trung Quốc Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ; không nhắc đến Paracel và
Spratly (Hoàng Sa và Trường Sa). Như vậy, trong tuyên bố trên của mình Thủ
tướng Chu Ân Lai cũng không đặt vần đề đòi trả lại cho Trung Quốc hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Hiệp ước San Francisco năm
1951

Hội nghị San Francisco được nhóm
họp từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951 tại San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo
luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương và bàn việc ký
Hoà ước với Nhật Bản đã được Anh – Mỹ soạn thảo và đưa ra ngày 12 tháng 7 năm
1951.

Tham gia Hội nghị có đại biểu của
51 nước.[2]
Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa dân quốc không được mời tham dự vì các
nước Đồng minh không giải quyết được vấn đề ai là người đại diện hợp pháp của
Trung Quốc.

Trong phiên họp ngày 5 tháng 9 năm
1951, trên cơ sở cho rằng các đảo ở Biển Đông thuộc “lãnh thổ không thể nhân
nhượng được” của Trung Quốc, đại biểu của Liên Xô, ông Andrei Gromưko, Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao, đề nghị bổ sung dự thảo Hiệp ước hoà bình với Nhật Bản, theo
đó : công nhận chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên “các đảo Paracels
và các đảo khác vượt quá về phía Nam”, coi đó là lãnh thổ không thể nhân nhượng
được của Trung Quốc.[3]
Đại diện của Liên Xô không đưa ra một bằng chứng pháp lý nào khẳng định quần
đảo Paracel và Spratly (Hoàng Sa và Trường Sa) là của Trung Quốc. Như vậy, đề
nghị của Liên Xô chỉ có tính chính trị, được đưa ra nhằm  mở rộng phần lãnh thổ cho các nước thuộc khối
xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã bỏ phiếu về việc có đưa đề nghị bổ sung này ra
bàn hay không. Kết quả bỏ phiếu là : chỉ có 3 nước đồng ý đưa đề nghị bổ sung
trên ra bàn bạc; một nước bỏ phiếu trắng, 47 nước bỏ phiếu chống. Điều đó cho
thấy tuyệt đại đa số các nước tham gia Hội nghị không chấp nhận giao hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc và không coi đó là lãnh thổ Trung
Quốc.

Hoà ước San Francisco được ký kết
tại Hội nghị ngày 8 tháng 9 năm 1951 và có hiệu lực từ ngày 28 tháng 4 năm 1952.
Về việc giải quyết các lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm đóng, Điều II, Chương II của
Hoà ước quy định : “Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối
với Triều Tiên (khoản a), Đài Loan và Bành Hồ của Trung Quốc (khoản b), quần
đảo Kouriles, một phần đảo Sakhalin và các đảo kế cận của Liên Xô (khoản c),
các đảo ở Thái Bình Dương dưới quyền uỷ trị của Nhật Bản (khoản d), bất kỳ bộ
phận nào của vùng Nam Cực xuất phát từ bất cứ hoạt động nào của Nhật Bản (khoản
e), quần đảo Spratly và quần đảo Paracel (khoản F).”[4]

Như vậy, Hoà ước San Francisco năm
1951 không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc và
không giao hai quần đảo này cho Trung Quốc.

Với tư cách là thành viên của khối
Liên hiệp Pháp, đại diện Quốc gia Việt Nam đã tham dự Hội nghị San Francisco. Tại Hội
nghị, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Bảo Đại, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại
giao Trần Văn Hữu, đã long trọng tuyên bố trước đại biểu của 51 nước tham gia
Hội nghị rằng : “Cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt
những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những quần đảo này luôn luôn thuộc
về Việt Nam”.[5]
Tuyên bố này không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước
tham dự Hội nghị.

Sau khi tiếp quản từ phía Nhật Bản,
trên thực tế chính quyền Pháp đã có mặt trở lại trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa và tiếp tục quản lý hai quần đảo cho đến khi chuyển giao cho chính
quyền miền Nam Việt Nam khi rút khỏi Đông Dương.

4. Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952 :

Hiệp uớc hoà bình Trung – Nhật ký
giữa Nhật Bản và Trung Hoa Dân quốc năm 1952 cũng ghi nhận lại điều 2 khoản 7
của Hiệp ước San Francisco, cụ thể là : “Thừa nhận rằng theo điều 2 của Hiệp
ước hoà bình với Nhật Bản ký tại Thành phố San Francisco thuộc Hợp chủng quốc
Hoa Kỳ ngày 8 tháng 9 năm 1951, Nhật Bản đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa, đòi
hỏi đối với Đài Loan, Mãn Châu cũng như quần đảo Spratly (Nam Sa) và quần đảo
Paracel (Tây Sa).”[6]

Như vậy, nội dung của các quy định
về việc giải quyết vấn đề các lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm đóng trong Hiệp ước
hoà bình Trung – Nhật năm 1952 là nhất quán với nội dung của Tuyên bố Cai Rô
năm 1943, Tuyên bố Potsdam năm 1945, Hiệp ước San Francisco năm 1951, đó là :
không coi Spratly và Paracel (Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc
bị Nhật Bản cướp đoạt; chỉ công nhận Nhật Bản đã chiếm đoạt Mãn Châu, Đài Loan
và Bành Hồ và phải trả lại cho Trung Quốc.

Sau này khi nghiên cứu biên bản các
cuộc đàm phán về vấn đề này giữa Cộng hoà nhân dân Trung hoa và Nhật Bản về
Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật nói trên, có thể thấy rằng vấn đề hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa đã được thảo luận rất gay gắt. Đại diện Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa có nêu yêu sách đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng các
đại diện Nhật Bản đã kiên quyết không chấp nhận. Các đại diện của Nhật Bản đề
nghị rằng điều 2 khoản 7 của Hiệp ước San Francisco năm 1951 chỉ áp dụng đối
với các vùng nằm dưới sự quản lý của Cộng hoà Trung Hoa (tức là Đài Loan, Mãn
Châu và Bành Hồ); không áp dụng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[7]
Kết quả là : đề nghị của Nhật Bản cũng như nội dung của điều 2 khoản 7 đã được
ghi nhận lại trong Hiệp ước Trung – Nhật năm 1952.

5. Thực tế về việc tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội
Nhật bản tại Hoàng Sa và Trường Sa :

Theo thoả thuận của các nước Đồng
minh được ghi nhận rõ ràng trong Tuyên bố Potsdam thì quân đội Trung Quốc được
giao trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 và
quân đội Anh – Ấn có trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực phía Nam
vĩ tuyến 16. Như vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong khu vực quân đội Trung Quốc
giải giáp quân đội Nhật Bản.[8]
Nhưng theo Thỏa ước Trung – Nhật ngày 28 tháng 2 năm 1946, Trung Quốc đã chuyển
giao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản cho Pháp. Như vậy từ thời điểm đó về
mặt pháp lý và trên thực tế, Pháp đã thay thế quân đội Trung Quốc tiếp quản khu
vực lãnh thổ Đông Dương ở phía Bắc vĩ tuyến 16oN, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Thực hiện trách nhiệm được giao,
vào tháng 6 năm 1946, Pháp đã cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo
Hoàng Sa để tiếp quản quần đảo này. Đó là hành động hợp pháp, phù hợp với thoả
thuận của các nước Đồng Minh và Thoả ước Trung – Nhật ký ngày 28 tháng 2 năm
1946.

Lợi dụng chiến tranh toàn diện sắp
bùng nổ ở Việt Nam, ngày 26  tháng 10 năm
1946, Trung Hoa Dân quốc cho quân đội đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo
Hoàng Sa và đảo Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa. Chính phủ Pháp đã phản đối
chính thức sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc. Ngày 17 tháng 10 năm 1947
thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Trung
Quốc rút khỏi Phú Lâm nhưng họ không rút. Pháp gửi  một 
phân đội lính trong đó có cả quân lính "Quốc gia Việt Nam" đến
đóng  một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa).
Chính phủ Trung Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày
25 tháng 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947 tại Paris. Pháp đề nghị nhờ trọng tài
quốc tế giải quyết tranh chấp nhưng chính quyền Tưởng Giới Thạch từ chối. Tháng
4 năm 1949, Đổng Lý Văn Phòng của quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc,
trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại chủ quyền của
Việt Nam đã từ lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào tháng 4 năm
1950, quân lính Trung Hoa Dân Quốc rút hết quân khỏi quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Đồn lính của Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn được duy trì.

Trước khi rút khỏi Việt Nam, Chính
phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quyền quản lý
các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động xâm chiếm một số đảo tại
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Hoa Dân quốc là bất hợp pháp vì
hai lý do. Thứ nhất, Trung Hoa Dân quốc đã bàn giao nhiệm vụ tiếp quản quần đảo
Paracel (Hoàng Sa) cho người Pháp. Thứ hai, trách nhiệm giải giáp quân Nhật tại
quần đảo Trường Sa đã được giao cho quân đội Anh – Ấn.

II. CÁC CÂU TRẢ LỜI :

Sau khi nghiên cứu những văn kiện
quốc tế như Tuyên bố Cai Rô năm 1943, Tuyên bố Potsdam năm 1945, Hoà ước San
Francisco năm 1951, Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952, là những văn kiện
pháp lý quốc tế có liên quan đến vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc và hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, và sự kiện giải giáp quân đội Nhật Bản tại hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, ta đã có đủ cơ sở để đưa ra các câu trả lời xác đáng cho
những câu hỏi nêu lên trong phần mở đầu của bài viết, đó là :

– Thứ nhất, các nước Đồng minh đã
buộc Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Truờng Sa và Nhật Bản đã phải tuyên bố từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa
và đòi hỏi đối với hai quần đảo này. Nội dung tuyên bố từ bỏ  của Nhật đã được quy định trong Hiệp ước Hoà
bình San Francisco
năm 1951 và trong Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952.

– Thứ hai, điều 2 của Hiệp ước hoà
bình Trung – Nhật năm 1952 đã ghi lại lời văn của điều 2 của Hiệp ước San
Francisco, theo đó, không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tuyệt đại đa số các nước tham gia Hội nghị San
Francisco bỏ phiếu bác bỏ thảo luận về đề nghị công nhận chủ quyền của Trung
Quốc đối với “các đảo Paracels và các đảo ở phía khác vượt quá về phía Nam” thể
hiện rõ ràng quan điểm chung của cộng đồng quốc tế : bác bỏ chủ quyền của Trung
Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đó, Tuyên bố Cai Rô ngày 26
tháng 11 năm 1943 và Tuyên ngôn Potsdam ngày 26 tháng 7 năm 1945 cũng không có
bất kỳ quy định nào coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của
Trung Quốc mặc dù Tưởng Giới Thạch là một bên tham gia các văn kiện pháp lý
quốc tế đó. Điều đó có nghĩa là các nước tham gia Hội nghị không công nhận chủ
quyền của Trung Quốc và Trung Hoa Dân quốc đối với hai quần đảo Paracel và
Spratly. Chính quyền hợp pháp của Trung Quốc thời kỳ đó cũng chấp nhận thực tế
là họ không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Thứ ba, Nhật Bản không bàn giao
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vì một số lý do. Một là,
Trung Quốc không được giao trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật Bản quần đảo
Trường Sa; trách nhiệm này được giao cho quân đội Anh – Ấn. Hai là, mặc dù được
giao trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật Bản ở khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16,
nhưng theo Thỏa ước Trung – Nhật ký ngày 28 tháng 2 năm 1946, Trung Quốc đã
chuyển giao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản cho Pháp. Trên thực tế, Pháp
đã thay thế quân đội Trung Quốc tiếp quản khu vực lãnh thổ Đông Dương ở phía
Bắc vĩ tuyến 16.

– Thứ tư, Hiệp ước San Francisco năm
1951 và sau đó là Hiệp ước hoà bình Trung – Nhật năm 1952 chỉ quy định Nhật Bản
phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, không quy định rõ phải trao trả cho quốc gia nào. Điều này hàm ý
rằng Hiệp ước San Francisco năm 1951 và sau đó là Hiệp ước hoà bình Trung –
Nhật năm 1952 không giải quyết vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo. Do đó,
chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quốc gia đã có chủ
quyền đối với hai quần đảo vào trước chiến tranh thế giới lần thứ II. Khi chiếm
Đông Dương, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản cũng chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa từ tay Pháp từ năm 1938. Sau khi Nhật Bản từ bỏ, hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa đương nhiên trở về dưới quyền quản lý của Pháp với tư cách là
đại diện cho Việt Nam. Sau đó, Pháp đã có mặt trở lại trên hai quần đảo và tiếp
tục quản lý chúng đến khi giao trao trả lại cho chính quyền miền Nam Việt Nam trong
quá trình rút khỏi Đông Dương.

Chính vì lý do trên tại Hội nghị San Francisco,
tuyên bố của Trưởng đoàn đại biểu của quốc gia Việt Nam  khẳng định chủ quyền lâu đời của Nhà nước
Việt Nam đối với hai quần đảo này đã không gặp sự phản đối hay bảo lưu của đại
diện nước nào. Đây là một biểu hiện chứng tỏ sự thừa nhận của các nước Đồng
minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 


[1] Foreign relations of the United States, Diplomatic Papers : The
Conferences at Cairo and Teheran 1943 (Tài liệu
Ngoại giao : Các hội nghị Cai Rô và Teheran 1943), Washington D.C. United States, G.P.O, 1961, pp.
448-449).

[2] Các nước tham gia Hội nghị San Francisco
bao gồm : Canada, Chile, Colombia,
Costa Rica,
Cuba, Czechoslovakia,
Dominican Republic,
Ecuador,
Egypt, El Salvador,
Ethiopia,
France, Greece, Guatemala,
Haiti, Honduras,
Indonesia,
Iran, Iraq, Japan, Laos, Lebanon,
Liberia,
Luxembourg,
Mexico, The Netherlands,
New Zealand,
Nicaragua,
Norway, Pakistan,
Panama, Paraguay,
Peru, The Philippines,
Poland, Saudi Arabia,
the Soviet Union,
Sri Lanka,
South Africa,Syria, Turkey,
the United Kingdom,
the United States,
Uruguay,
Venezuela,
Vietnam.

[3] Keesing’s Contemparary Archives, volume 8
(1950 -1952), p. 11722.

[4] Treaty of Peace with Japan, San
Francisco, California,
4-8 September 1951.

[5] Tạp chí France Asie số 66-67, tháng 11, 15
năm 1951, trang 9; Tài liệu Hội nghị kết thúc và ký kết Hoà ước với Nhật Bản,
San Francisco, California, ngày 4-8 tháng 9 năm 1951; Hồ sơ về tiến trình Hội
nghị San Francisco, Washington D.C. : Cơ quan in ấn Chính phủ, 1951, trang 263
(theo John K. Chao, trang 34).

[6] Bộ Ngoại giao Cộng hoà Trung Hoa, Hiệp ước
giữa Cộng hoà Trung hoa và các quốc gia khác, 1927-1957, Đài Bắc, 1958, trang
249. Các điều ước của Liên hợp quốc, volume 138, No. 1858, trang 38 (theo John
K. Chao, trang 35).

[7] “Biên bản đàm phán hoà bình Trung – Nhật
ngày 5 tháng 3 năm 1952” trong cuốn sách Hoà ước Trung – Nhật , Đài Bắc, 1966,
trang 52 đến 53 (theo John K. Chao, trang 35).

[8] Cần lưu ý là các nước Đồng Minh chỉ đơn thuần giao
trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật Bản, không chuyển giao chủ quyền, và về
pháp lý cũng không có thẩm quyền, trao chủ quyền cho nước có thực hiện trách
nhiệm giải giáp.

RELATED ARTICLES

Tin mới