Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSinh sự - sự sinh

Sinh sự – sự sinh

Những người đọc sách cổ kim Trung Hoa
không khỏi thán phục sự giàu có về trí tuệ của kho tàng văn hóa Trung Hoa. Tôi
vẫn thường nghĩ, muốn hiểu và đối sách với thời cuộc hiện nay, kho tàng đó có
thể cung cấp vô vàn kiến thức cho giới hoạch định chính sách không chỉ Trung
Quốc mà bất kỳ nước nào.

Mới đây tôi được đọc bài “Vây Ngụy cứu
Triệu” trên mạng tin Bình luận (Trung
Quốc).  Tác giả cho rằng việc các quan
chức chủ chốt của Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ thực thi nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp
ước An ninh Mỹ-Nhật nếu xẩy ra xung đột vũ trang liên quan đảo Điếu Ngư (Nhật
Bản gọi là Senkaku). Đây là sự thay đổi thái độ của Mỹ, từ tuyên bố mập mờ sang
khẳng định dứt khoát lập trường nếu xẩy ra xung đột vũ trang tại các đảo mà
Nhật Bản kiểm soát. Tác giả trên Bình
luận
nhận xét, không những trong vấn đề đảo Điếu Ngư, mà trong vấn đề Biển
Đông, Mỹ cũng có những thay đổi tương tự.

Khi xét đến động cơ của Mỹ, tác giả
thiên về kinh tế, cho rằng Mỹ sử dụng ưu thế quân sự gia tăng sức ép đối với Trung
Quốc để có các nhượng bộ trên phương diện kinh tế, “lôgíc tư duy ‘vây Ngụy cứu
Triệu’ này dường như cũng là việc quay lại mặt ban đầu của quân sự”.

Lịch sử Trung Hoa là một trường học lịch
sử và chính trị lớn. Nhưng bài học thì mỗi người rút ra theo một cách. Trong
trường hợp xung đột trên biển Hoa Đông hay Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam
Hải), Trung Quốc là bên chủ động. Các nước giáp các vùng biển nói trên là bên
đối phó. Nói Mỹ là kẻ ngoài cuộc, lợi dụng tình hình để trục lợi cũng có mặt
đúng mà cũng có mặt chưa đúng. Thiết nghĩ, từ cuộc Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha
tại Phillippines năm 1898, Mỹ dính líu ngày càng sâu vào công việc ở Đông Bán
cầu. Một số lần, Mỹ đứng về phía Trung Quốc đối lập với các nước lớn khác, hỗ
trợ Trung Quốc cân bằng nước lớn, có thời kỳ dài giúp Trung Quốc kháng Nhật, có
lúc cùng Trung Quốc tạo tam giác chiến lược chống Xô. Điều này vì lợi ích của
Mỹ, nhưng không ít trường hợp có lợi cho Trung Quốc. Các động cơ địa-kinh tế
không tách rời lợi ích địa-chính trị. Nếu để một nước lớn nào đó chiếm vị trí
bá quyền khu vực, đẩy Mỹ ra rìa, thì việc mất chỗ đứng địa-chính trị sẽ làm
phương hại đến lợi ích kinh tế. Điều này là bản chất của chính sách lâu dài của
Mỹ cũng như của chính trị nước lớn.

Nhìn lại các vụ việc gây xung đột giữa
Trung Quốc với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh hải tại biển Hoa Đông hay
Biển Đông, tôi thiên về triết lý mà các tiểu thuyết gia võ hiệp Trung Hoa,
trước hết là Kim Dung, nêu lên chỗ này chỗ khác trong các tác phẩm võ hiệp kinh
điển của họ. Đó là “sinh sự thì sự sinh”. Tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu
tuần dương của Lực lượng bảo vệ biển của Nhật Bản tại vùng đảo Điếu Ngư
(Senkaku) ngày 7/9 thì mới có vụ bắt giữ thủy thủ đoàn và đưa thuyền trưởng ra
xét xử tại tòa án Nhật Bản. Đa số người Nhật yêu cầu chính phủ của họ xử sự
rắn; phương Tây thì hô hào “Nhật Bản đừng sợ Trung Quốc”. Mỹ vốn đang tính toán
xem nên có chiến lược thế nào trước một Trung Quốc quốc lực tăng cường và xử sự
ngày càng táo bạo, đã đi tới quyết định dứt khoát  đứng về phía đồng minh trong trường hợp Trung
Quốc đánh chiếm các đảo. Tại Biển Đông Mỹ tuyên bố chống lại việc dùng vũ lực
giải quyết tranh chấp. Như vậy, Mỹ vừa có thể tăng cường hiện diện quân sự tại
các vùng biển Đông Á, vừa củng cố được quan hệ đồng minh với Nhật Bản, luôn
được xác định là “hòn đá tảng chính sách châu Á-Thái Bình Dương”. Trước đó,
quan hệ Washington-Tokyo-Bắc Kinh đã trải qua không ít dao động. Người dân các
nước nhỏ ở khu vực vốn nhìn vào việc làm mà phân định đúng sai, không phải
không có cảm tình với các hành động của bất kỳ nước nào đứng về phía các nước
nhỏ bị ức hiếp. Chính sách pháo hạm của Trung Quốc tự nhiên làm cho “ngoại giao
khôn ngoan” của Mỹ ghi được điểm.   

Đối với Biển Đông, Trung Quốc áp dụng
chủ trương hợp tác trên bờ, xung đột dưới biển, theo chiêu thức “lục hoãn hải
khẩu”. Kể từ khi các bên ký Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) tháng 11/2002,
tình hình ngày một xấu đi. Tàu thuyền Trung Quốc đi lại ngang dọc “chấp pháp”
Biển Đông. Nhiều dân chài Việt Nam
đời nọ nối đời kia mưu sinh trên biển, nay bị Trung Quốc bắt phạt đến khuynh
gia bại sản. Cuối tháng 6 vừa rồi, hải quân Trung Quốc kéo cả 3 hạm đội đến tập
trận bắn đạn thật quy mô chưa từng có tại Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh
đề ra nhiều chủ trương chính trị, ngoại giao rất hợp thời, thường xuyên khẳng
định gác tranh chấp cùng khai thác, đàm phán ngoại giao song phương giải quyết
tranh chấp. Nhưng phái chủ trương thực lực quân sự thì cứ hành động theo chính
sách pháo hạm. Người Đông Nam Á lẽ nào lại không nhận ra ngoại giao chỉ là cách
câu giờ cho phái quân sự tăng cường thực lực, tiếp tục lấn chiếm, tiến tới độc
chiếm Biển Đông. Khi một số thế lực cứng rắn nêu ra thuyết Biển Đông thuộc “lợi
ích cốt lõi” của Trung Quốc thì họ chẳng phải đã đóng sầm cánh cửa thương lượng
ngoại giao hay sao.

Từ sự kiện Impeccable tháng 3/2009, Mỹ
bắt đầu nhận thức ra Trung Quốc muốn áp dụng luật chơi mới và muốn gạt Mỹ ra
khỏi Biển Đông, cũng như các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Đến khi Trung Quốc
nêu ra quan điểm Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi”, thì Mỹ bèn tuyên bố giải
quyết tranh chấp Biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia”.

Các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng
thế giới đang tiến tới đa cực hóa. Quả thực, từ đầu thế kỷ 21, đa cực hóa và đa
dạng hóa quan hệ quốc tế đang trở thành xu thế ngày càng mạnh mẽ trong quan hệ
quốc tế. Nhưng đây là cả một quá trình vận động có thăng có trầm. Các nước lớn
cũng tùy thời, tùy việc mà thực hiện đa cực hay đơn cực, đa phương hay đơn
phương. Các nước nhỏ thì phải tận dụng tất cả các điều kiện quốc tế sao cho có
lợi nhất cho quốc gia mình. Trong trường hợp xung đột leo thang thì sử dụng tất
cả phương tiện mình có phù hợp với vị trí địa-chiến lược của mình để duy trì
hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.

Giới quan sát quốc tế cảm giác rằng,
những sự kiện xẩy ra vừa qua tại ba biển liên hệ tới Trung Quốc là Hoàng Hải,
Đông Hải và Nam Hải ít nhiều thể hiện sự tự mâu thuẫn của giới vạch chính sách ở
Bắc Kinh trên các phương diện đối nội và đối ngoại, chiến lược và chiến thuật,
chính trị ngoại giao và quân sự. Ở mức độ rất đáng kể, việc họ rồi đây điều
chỉnh cách hành xử như thế nào sẽ ảnh hưởng liên đới và tác động dây chuyền đối
với nhiều mối quan hệ quốc tế ở khu vực trọng yếu này.

Người Trung Quốc đang tranh luận sôi nổi về việc lúc
này nên tiếp tục “giấu mình chờ thời” hay nên dùng sức mạnh để giải quyết tranh
chấp. Thiết nghĩ, một cường quốc trỗi dậy như Trung Quốc chẳng nên và chẳng thể
làm theo chủ thuyết ông Đặng nêu ra hơn 20 năm trước. Đóng góp xây dựng thế
giới hài hòa, “mục lân, an lân, phú lân”, thực thi vai trò một cường quốc có
trách nhiệm mới là thượng sách.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới