Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐịa danh Trung Quốc các quần đảo giữa Biển Đông - Lịch...

Địa danh Trung Quốc các quần đảo giữa Biển Đông – Lịch sử 1 thế kỷ chuyển đổi

I.  
 Về một số địa danh cổ

Sách báo Trung Quốc gần đây
thường viện dẫn các địa danh như Trướng Hải, Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch
Đường, Thạch Đường, Cửu Nhũ Loa Châu, Thất Châu Dương… làm minh chứng cho chủ
quyền của Trung Quốc trên các quần đảo giữa Biển Đông đã có từ hàng nghìn năm
trước. Các địa danh Trướng Hải, Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường, Thạch
Đường, Cửu Nhũ Loa Châu thật ra chỉ là những địa danh phiếm chỉ một vùng biển
đảo nguy hiểm, hư hư, ảo ảo nằm ngoài đảo Hải Nam và đương nhiên là không thuộc
chủ quyền của Trung Quốc. Riêng Thất Châu Dương là vùng biển đảo có thật, được
ghi chép rất rõ ràng trong thư tịch và bản đồ cổ Trung Quốc, gần huyện Văn
Xương của đảo Hải Nam, thì lại bị người ta cố tình mơ hồ hoá, huyền thoại hoá
và đẩy nó ra tận giữa Biển Đông!.

Thư tịch và bản đồ cổ của
Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ
đầu của thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ,
lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam.

Bộ bản đồ có ảnh hưởng lớn
nhất đến các nhà địa lý học Trung Quốc từ đầu thế kỷ XIV cho đến những năm cuối
cùng của thế kỷ XIX là bộ Dư đồ của Chu Tư Bản (Chu Ssu Pen) năm 1320. Bản
chính của Dư đồ không còn nữa, nhưng vẫn có thể hình dung được nó trên đại thể
trong bộ bản đồ của La Hồng Tiên (Lo Hung-Hsien) ở vào khoảng giữa thế kỷ XVI
với cái tên Quảng dư đồ. Trong Quảng dư đồ, từ tấm bản đồ giới thiệu chung về
Trung Quốc cho đến tấm bản đồ Quảng Đông đều không có bản đồ nào vẽ lãnh thổ
Trung Quốc bao gồm cả các đảo phía dưới đảo Hải Nam.

Khâm định Tứ khố toàn thư
đề yếu Đại Thanh nhất thống chí là bộ sách đồ sộ gồm 500 quyển, được biên soạn
dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua Thanh Càn Long. Theo sắc chỉ năm Càn Long thứ
21 (1764) thì sách này được soạn trên cơ sở tập hợp tư liệu của các Thống bộ
quán các tỉnh, phủ địa phương và kịp thời bổ sung những tình hình mới nhất. Thế
nhưng cũng như Quảng dư đồ, tất cả các địa danh huyền thoại như Vạn Lý Trường
Sa, Thiên Lý Thạch Đường, Thạch Đường, Cửu Nhũ Loa Châu… đều không được nhắc
tới và dĩ nhiên đều không được đặt trong bản đồ Trung Quốc.

Các sách bản đồ khác như
Độc sử phương dư kỷ yếu, Quỳnh Châu phủ chí, Quảng Đông đồ thuyết, Quốc triều
nhu viễn ký, Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết… cũng đều không đề cập đến
các địa danh này trong bản đồ. Riêng Dương phòng tập yếu và Lịch đại dư địa đồ
mục lục tuy có đánh dấu các địa danh này nhưng lại không chứng minh chúng thuộc
chủ quyền Trung Quốc. Mãi cho đến năm 1909 mà tấm bản đồ Đại Thanh đế quốc vị
trí, khu hoạch cũng vẫn chỉ vẽ vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc dừng lại ở
đảo Hải Nam. Đây là loại bản đồ phản ánh khách quan thực tế và tôn trọng sự
thật lịch sử.

Khảo toàn bộ lịch sử Trung
Quốc từ thời kỳ tối cổ cho đến trước năm 1909, chúng tôi chưa từng thấy có một
văn kiện của bất cứ một triều đại nào khẳng định một cách chính thức, rõ ràng
và thực sự chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực các quần đảo giữa Biển Đông. Khảo
sát các công trình nghiên cứu, các bộ sưu tập tư liệu đồ sộ của người Trung
Quốc trước sự kiện Lý Chuẩn ra Paracels vào năm 1909, chúng tôi cũng không thấy
bất kỳ một tư liệu nào thuộc loại này xuất hiện. Người làm cuốn sách Điều tra
Tây Sa quần đảo báo cáo thư cho biết vào năm 1928 khi đoàn đi tìm kiếm tư liệu
mà: “Tra cứu về quần đảo Tây Sa không thấy sách xưa nào ghi chép, lại không có
sách chuyên khảo nào chép rõ, nay soạn sách này cũng là một tác phẩm mở đầu”.
Lục Đông á trong bài báo mang tên Nhận thức về quần đảo Tây Sa, không thể không
thừa nhận một thực tế là: “Quần đảo Tây Sa được phát hiện từ thời kỳ nào, ở
trong sách lịch sử, địa lý và bản đồ của Trung Quốc xưa thật không thể khảo cứu
được”. Điều mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX
không tìm được bất cứ tài liệu gì nói đến các quần đảo này chỉ vì một lý do hết
sức giản đơn là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc không vượt
quá điểm cực nam đảo Hải Nam, tương đương với khoảng vĩ độ 18, và vốn chưa bao
gồm những quần đảo xa xôi và hết sức nguy hiểm ở giữa Biển Đông.

II.  
 100 năm Trung Quốc đặt và đổi tên các quần đảo giữa Biển Đông

Lúc đầu trước sức ép của
các nước tư bản phương Tây, chính quyền nhà Thanh chủ trương đóng cửa tự thủ.
Dần dần họ mới bắt đầu ý thức được rằng để bảo vệ an toàn vùng lãnh thổ duyên
hải, các cửa khẩu và các hải đảo quan trọng, Trung Quốc cần phải phòng thủ từ
xa, phòng thủ vòng ngoài để hỗ trợ cho việc phòng thủ chủ yếu ở bên trong. Tuy
thấy được sự cần thiết phải tiến ra biển khơi, song trong hoàn cảnh lúc đó
Trung Quốc khó có thể giữ nổi vùng nội địa đất liền thì làm sao có thể vươn ra
chiếm lĩnh đại dương được. Từ sự thức tỉnh muôn màng ý thức tiến ra biển khơi
đến khi nhà Thanh bắt đầu có chủ trương chiếm lĩnh các hải đảo trên Biển Đông
là cả một chặng đường trù tính, chuẩn bị lâu dài đến gần một thế kỷ.

Chắc chắn là nếu người Nhật
chưa chiếm Đông Sa thì vấn đề chủ quyền của Trung Quốc ở ngay tại Đông Sa thôi
cũng chưa được đặt ra. Nếu Đông Sa thuộc về người ngoại quốc thì quả thật đấy
sẽ là mối nguy hiểm lớn đối với Trung Quốc nội địa, chí ít là ở khu vực tỉnh
Quảng Đông. Việc nắm lại Đông Sa vì thế đã trở thành một mắt khâu trọng yếu
trong toàn bộ kế sách phòng thủ vùng duyên hải phía đông nam của Trung Quốc.
Trương Nhân Tuấn tập họp một nhóm các tác giả sưu tầm nghiên cứu tư liệu có
liên quan, cố tìm cách chứng minh cho bằng được chủ quyền của Trung Quốc ở Đông
Sa.

Giữa lúc đó, trước sức ép
của hải quân Pháp, Trương Nhân Tuấn lệnh cho phó tướng Ngô Kính Vinh phải tổ
chức tuần tra nắm tình hình các quần đảo trên để tìm phương án đối phó. Ngô
Kính Vinh giao công việc này cho Quảng Đông Thuỷ sư Đề đốc Lý Chuẩn thực hiện.
Lý Chuẩn tiến hành tuần tra khu vực Đông Sa, rồi sau đó tiến ra Paracels. Đây
là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc cử người ra Paracels với tư cách đại
diện cho chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông. Có thể do không biết, mà cũng
có thể là cố tình tảng lờ trước sự thật lịch sử hết sức rõ ràng là các nhà nước
Việt Nam đã liên tục nhiều thế kỷ chính thức quản lý và khai thác khu vực
Paracels mà Lý Chuẩn tự đặt lại tên đảo là Tây Sa có lẽ với ý nghĩa nếu xuất
phát từ Quảng Châu thì nó là các bãi cát nằm thiên về phía Tây (thực ra phải là
Tây Nam) và xem mình là người có công khai sơn phá thạch ở đây!. Như thế cái
tên Tây Sa (hay Tây Sa quần đảo) được đặt chồng lên cái tên Hoàng Sa của Việt
Nam và Paracels của người phương Tây chỉ mới bắt đầu từ năm 1909 và người sáng
tác ra nó, không ai khác, chính là Lý Chuẩn.

Tuy địa danh quần đảo Tây
Sa vừa mới được đặt, hoàn toàn xa lạ đối với người Trung Quốc, nhưng với việc
Lý Chuẩn tiến hành tuần tra và đặt tên Trung Quốc cho quần đảo thể hiện tham vọng
của Trung Quốc bành trướng về lãnh thổ, vươn ra biển bằng việc thôn tính những
lãnh thổ đã được các nước khác chiếm hữu từ lâu.

Từ sau năm 1909, chính
quyền tỉnh Quảng Đông Trung Quốc mặc dù có quan tâm đến việc tổ chức khai thác
quần đảo Tây Sa, nhưng đó cũng mới chỉ là những chủ trương trên giấy mà không
hề được thực hiện. Sự hiểu biết của người Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa
khoảng gần hai chục năm sau vẫn chưa cải thiện được là bao. Tham vọng đối với
Biển Đông của Trung Quốc được phát triển từng bước thông qua việc đưa ra các yêu
sách trên bản đồ: Năm 1934 quần đảo Tây Sa xuất hiện trong bản đồ của Trung Quốc.
Người Trung Quốc lúc này gọi đảo Tri Tôn ở vĩ độ 15 độ 45 phút là đảo Nam Cực,
với lời giải thích rằng đảo đó là cột mốc đánh dấu lãnh thổ cực nam của Trung
Quốc (nguyên văn trong Tuần hải ký trang 73: Nhân tại Nam Hải cực nam, cố danh
Nam Cực đảo). Từ năm 1934 trở về trước chưa có bản đồ nào của người Trung Quốc
vẽ về vùng quần đảo này, trừ tấm bản đồ phiên dịch từ bản đồ hằng hải Anh được
Quảng Nha thư cục khắc in trong Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ chí vào năm
1907. Cũng cần phải nói rõ là Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ chí hoàn toàn
chỉ là tấm bản đồ phiên dịch từ nguyên bản Hải đồ của Hải quân Anh (Anh quốc
Hải quân hải đồ quan cục nguyên bản) sang tiếng Trung Quốc. Lúc đó Paracels được
phiên thành Bá Mỗi Lập Tây Nhĩ Liệt, Macelesfield Bank là Mã Thập Lực Sĩ Phi
Nhĩ Đặc và đương nhiên China Sea được phiên thành Trung Quốc Hải (với ý nghĩa
là biển của riêng người Trung Quốc?).

Đồng thời với việc xuất bản
tấm bản đồ này là vào khoảng năm 1935, Trung Quốc đã tiến hành dịch nghĩa và
phiên âm tên phương Tây cho một loạt đảo (Island), bãi cát (Sand, Bank), tiêu
(Reef), bãi ngầm/ ám sa (Shoal)… Tấm bản đồ này và những địa danh mới được
phiên dịch hoàn toàn không thể coi là bản đồ Trung Quốc, những địa danh trên
các quần đảo mặc dù được viết chữ Trung Quốc nhưng không phải là địa danh Trung
Quốc và tuyệt nhiên không có một chút giá nào trị minh chứng cho chủ quyền của
Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Trong khoảng thời gian
1935-1936, lần đầu tiên các địa danh quần đảo Nam Sa và Đoàn Sa xuất hiện trên
bản đồ Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy trong sách Trung Quốc địa lý tân chí
được Trung Hoa thư cục phát hành vào năm 1935 (và in lại vào năm 1940) có các
tấm bản đồ Trung Hoa dân quốc và Trung Quốc thiên sản vật công bố đồ đều đặt
cái tên Nam Sa quần đảo vào vùng Macelesfield Bank ở phía đông của Tây Sa quần
đảo còn Đoàn Sa quần đảo ở phía dưới của Nam Sa quần đảo (khu vực Spratlys).

Năm 1936 Đồ Tư Thông và
Vương Chấn biên soạn Hiện đại bản quốc địa đồ và Tân Trung Quốc phân tỉnh đồ
(bản đồ được xuất bản vào năm 1939), hai bộ bản đồ này thực chất chỉ là một,
trong đó bản đồ tỉnh Quảng Đông phần đặc tả các đảo Nam Hải được vẽ chi tiết
hơn. Đặc biệt, tấm bản đồ mang tên Trung Quốc cương giới biến thiên đồ đã vẽ
đường biên giới hình chữ U (hay còn được các nhà nghiên cứu quen gọi là đường
hình lưỡi bò), không đứt đoạn chia đôi vịnh Bắc Bộ vòng theo bờ biển Việt Nam
xuống phía bắc đảo Borneo rồi bám sát bờ biển Philippines và chạy vào phía
trong của Đài Loan, khoanh gọn gần như toàn bộ Biển Đông vào trong lãnh hải
Trung Quốc. Vị trí của các quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đoàn Sa chưa có gì thay đổi
so với bản đồ Trung Hoa dân quốc (1935).  

Giai đoạn từ năm 1939 đến
năm 1947 là giai đoạn Trung Quốc tập trung tìm mọi cách lý giải để hợp thức hoá
chủ trương chiếm toàn bộ Biển Đông. Địa danh quần đảo Nam Sa bị đẩy sâu xuống
vùng Spratlys thay cho quần đảo Đoàn Sa và nhường chỗ cho địa danh mới là quần
đảo Trung Sa. Như thế đến đây bản đồ Trung Quốc xuất hiện địa danh Trung Sa
quần đảo thay cho Nam Sa quần đảo ở khu vực Macelesfield Bank, còn Nam Sa quần
đảo thì bị đẩy sâu xuống phía nam thay cho Đoàn Sa quần đảo ở khu vực Spratlys
và như vậy địa danh Đoàn Sa quần đảo đã hoàn toàn biến mất. Đường ranh giới
hình chữ U trước đây được vẽ liền thì bây giờ được thể hiện đứt đoạn với 9
khúc, nhưng hình dáng và vị trí không thay đổi. Có thể coi chủ trương đặt lại
tên đảo ở Nam Hải theo cách đặt tên Trung Quốc vào năm 1947 và bộ bản đồ Trung
Hoa nhân dân cộng hoà quốc phân tỉnh đồ (trong đó có tấm bản đồ Nam Hải các đảo
dư, Trung Quốc chính thức công bố các đảo ở Nam Hải thành một bản đồ riêng), có
thể được xem là một cái mốc đánh dấu sự hoàn thiện quá trình đặt và đổi tên,
hoàn thiện bản đồ và hoàn thiện cả chủ trương chiếm lĩnh Biển Đông của các nhà
nước Trung Quốc cận đại và hiện đại. Đến năm 1983, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
lấy danh nghĩa “tiêu chuẩn hoá địa danh toàn quốc” đã bổ sung nhiều tên đảo,
đá, đá ngầm, bãi ngầm và các luồng lạch thuộc các quần đảo trên biển  Nam
Hải. So sánh với các tên đã đặt năm 1947, chúng tôi thấy số địa danh thuộc khu
vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tăng từ 30 lên 49 (trong đó có 22 địa danh
được giữ nguyên); số địa danh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tăng từ 97
lên 187, trong đó có 83 địa danh được giữ nguyên và 10 địa danh được giữ lại
tên nhưng các đặc điểm địa hình là đảo, tiêu, thán hay ám sa thì được định lại.

III.  
 Bản chất của vấn đề

Các quần đảo giữa Biển Đông
vốn thuộc chủ quyền của các nhà nước Việt Nam từ lâu đời. Địa danh đầu tiên
xuất hiện trong dân gian, trong bản đồ và trong thư tịch cổ của Việt Nam là Bãi
Cát Vàng, vì thực tế ở đó có bãi cát vàng mà bất cứ ai từng chứng kiến cũng
phải coi là dấu ấn sâu sắc nhất. Có lẽ lúc đầu do những người dân ra làm ăn ở
vùng này đăt ra, rồi sau trở thành địa danh chính thức của nhà nước quản lý.
Bãi Cát Vàng là cách gọi thuần Việt, nôm na, khi đi vào văn bản phải viết bằng
chữ Nôm thì thật không mấy tiện dụng. Trong khi đó các văn bản chính thức của các
nhà nước Việt Nam
thời kỳ này đều viết bằng chữ Hán, nên Bãi Cát Vàng được phiên ra theo âm Hán
Việt là Hoàng Sa. Hoàng Sa như thế cũng chỉ là cách gọi theo âm Hán Việt của
Bãi Cát Vàng mà thôi. Tuy nhiên khi đã gọi là Hoàng Sa rồi thì các nhà nước
Việt Nam lúc đó quan niệm nó là cả một vùng rộng lớn bao gồm cả quần đảo Trường
Sa nữa, chứ không chỉ riêng Bãi Cát Vàng cụ thể trước đây. Không chỉ người Việt
Nam
mà các nhà hằng hải phương Tây đương thời cũng quan niệm  Hoàng Sa bao gồm
cả Trường Sa mà họ gọi chung là Paracels, còn Spratlys chỉ xuất hiện muôn sau
này.

Thư tịch và bản đồ cổ Trung
Quốc cho đến tận cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thập kỷ đầu thế kỷ XX đã chép
một cách rất lô gích và thống nhất rằng lãnh thổ, lãnh hải cực nam của nước
Trung Hoa cổ truyền không vượt quá đảo Hải Nam. Vùng biển đảo ở giữa Biển Đông
(mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) chưa được các Nhà nước Trung Quốc quan tâm
(hay nói cho đúng ra là chưa có điều kiện quan tâm) khai chiếm, mà chỉ được
nhắc đến như những cái mốc vô cùng nguy hiểm, thuyền bè qua lại cần phải tránh
xa. Trung Quốc suốt trong chiều dài lịch sử chỉ có duy nhất một ứng xử là tìm
đường thuận lợi xuống phía nam sao cho không bao giờ chạm đến vùng biển đảo cực
kỳ nguy hiểm này. Họ trong thực tế chưa từng có bất cứ một hoạt động chủ quyền
nào với tư cách nhà nước chính thức ở đây. Một số địa danh cổ vừa hư ảo, vừa
cho là thuộc vùng “Man Di”, hoàn toàn không có giá trị minh chứng cho chủ quyền
của Trung Quốc trên vùng biển đảo này.

Chỉ từ đầu thế kỷ XX, khi
Trung Quốc triển khai chủ trương chiếm đóng các quần đảo giữa Biển Đông, thì
cái tên quần đảo Tây Sa là tên Trung Quốc mới xuất hiện vào năm 1909 và được
đặt chồng lên địa danh quần đảo Hoàng Sa, vốn là địa danh chính thức, lâu đời
của Việt Nam. Tuy nhiên những địa danh này cũng còn phải thay đi, đổi lại, điều
chỉnh nhiều lần thì mới đi đến chính thức vào cuối những năm 1940 và được “tiêu
chuẩn hoá” vào đầu những năm 1980.

Ngày nay cầm tấm bản đồ các
đảo Nam Hải của Trung Quốc hẳn không còn mấy ai nhớ rằng Đông Sa, Tây Sa sớm
nhất thì cũng chỉ xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ tỉnh Quảng Đông vào năm
1909, Nam Sa xuất hiện lần đầu tiên ở Macelesfield Bank vào khoảng năm
1935-1936, nhưng sau đó phải dời xuống vùng quần đảo Spratlys để nhường chỗ cho
Trung Sa vào năm 1947. Đoàn Sa được đánh dấu trên vùng Spratlys khoảng những
năm 1935-1936, nhưng chi hơn chục năm sau đã bị Nam Sa chiếm chỗ và mất hẳn vị
trí trên bản đồ. Quá trình đặt và đổi địa danh các quần đảo giữa Biển Đông là
quá trình Trung Quốc thực thi một chiến lược nhất quán nhằm mở rộng lãnh hải,
lãnh thổ, biến toàn bộ Biển Đông thành cái ao riêng của mình. Vấn đề địa danh ở
các quần đảo giữa Biển Đông từ đầu thế kỷ XX đã được các nhà nước Trung Quốc
chính trị hoá và biến thành phương tiện giành giật chủ quyền quốc gia lãnh thổ
và lãnh hải, chứ không còn là những địa danh tự nhiên, thông thường như trước
nữa.

Đến cuối năm 2008, trên cơ
sở 3 địa danh chính là quần đảo Tây Sa (đặt năm 1909), quần đảo Trung Sa (đặt
năm 1947) và quần đảo Nam Sa (đặt năm 1947), Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê
chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa là thành phố cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam
để trực tiếp quản lý cả 3 quần đảo kể trên. Như thế thành phố cấp huyện Tam Sa
của Trung Quốc, trên thực tế đã được đặt chồng lên hai huyện của Việt Nam là
Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Cũng cần phải khẳng định
một cách tuyệt đối rằng lịch sử thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo
Hoàng Sa và Trư­ờng Sa với tư­ cách Nhà nư­ớc, phát triển dần từ thấp đến cao,
liên tục, thực sự và rõ ràng, muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII (dưới thời chúa
Nguyễn Phúc Nguyên), qua các thế kỷ XVII,  XVIII (dưới thời các chúa
Nguyễn tiếp theo và vương triều Tây Sơn), thế kỷ XIX (dưới thời các vương triều
Nguyễn, trong đó đặc biệt là các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị) và cho mãi
đến những năm đầu của thế kỷ XX vẫn ch­ưa hề gặp phải sự phản đối của bất cứ
quốc gia nào. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và
những đảo chính yếu của quần đảo Tr­ường Sa chí ít trong suốt 3 thế kỷ XVII,
XVIII, XIX là hiển nhiên và trọn vẹn.

Lịch sử quá trình tranh
chấp chủ quyền các vùng quần đảo giữa Biển Đông chỉ thực sự bất đầu từ năm 1909
khi Trung Quốc lần đầu tiên đặt tên quần đảo Tây Sa vào đúng vị trí quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam. Từ bấy đến nay vừa tròn 100 năm, Trung Quốc đã không chỉ
khẳng định địa danh, khẳng định bản đồ, mà còn tìm mọi cách biến vùng biển đảo
vô cùng xa lạ đối với họ trở thành một đơn vị hành chính chính thức của nước
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, thành một thành phố cấp huyện của tỉnh Hải Nam,
thành một vùng lãnh thổ, lãnh hải thân thương và máu thịt của Trung Quốc từ
ngàn đời!!!. Lịch sử một thế kỷ đặt và thay đổi địa danh của Trung Quốc ở các
vùng quần đảo giữa Biển Đông xét về thực chất chỉ là quá trình từng bước, từ
thấp đến cao, từ bộ phận đến toàn thể cướp chiếm chủ quyền của Việt Nam, ngang
nhiên hoán đổi thành chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Việt
Nam và cộng đồng quốc tế.

GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học
phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội

 

RELATED ARTICLES

Tin mới