Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTường trình từ Hoàng Sa Kỳ III

Tường trình từ Hoàng Sa Kỳ III

Trong chuyến ra Hoàng sa, tôi đã có nhiều ngày đêm cùng sống, cùng ăn, cùng
ở và cùng  xuống lòng đại dương với những ngư dân lặn biển săn tìm hải sản
giữa biển Hoàng Sa. Cuộc mưu sinh cơm áo nhọc nhằn của những ngư dân có tận mắt
chứng kiến mới thấy hết những hiểm nguy mà họ đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt.

Hoàng Sa, những ngày tôi được tận mắt thấy, tai nghe và những giờ phút nghẹt
thở cùng với ngư dân khi vượt qua vùng biển “tử thần” đảo Phú lâm, Tri Tôn. Tôi
mới hiểu hết cái giá của tự do mà bao máu xương của cha ông đã đổ xuống…

Can trường bám biển

Hơn 1 ngày đêm, trước khi tàu đến vùng biển đảo Bom Bay, nhờ chiếc bộ đàm
trên tàu của thuyền trưởng N.T.T, tôi liên lạc trước với tàu đang đánh bắt của
anh Nguyễn Thanh Tuấn đang đánh bắt tại đây và được chấp nhận cho tôi lên tàu
làm ngư dân “không số” để cùng ăn, cùng ở và cùng lặn biển với ngư dân.

So với chiếc tàu đưa tôi ra
Hoàng Sa, tàu của anh Nguyễn Thanh Tuấn lớn hơn nhiều với công suất 120 CV. Anh
Tuấn tiếp tôi ngay trên ca bin tàu và bảo anh vừa mới trở lại Hoàng sa sau khi
bỏ dở chuyến biển để cứu và đưa 17 ngư dân đảo Lý Sơn bị tàu lạ đâm chìm hôm
9-3 vào bờ.

Đây là chuyến biển thứ 2 kể
từ sau Tết Nguyên đán 2010 anh trở lại vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh. Trên tàu
có tất cả 12 thuyền viên đều là anh em bà con ruột thịt trong gia đình. Anh Tuấn
cười bảo: “Cái nghề của anh em tụi tui có chi mô mà kể. Anh sống ở trên tàu ít
đêm sẽ hiểu. Tụi tui ăn cơm dương gian, làm bạn với hà bá mà. Cực khổ trăm bề,
nhưng chúng tôi quyết không bỏ biển…”

 “Suốt mấy chục năm ni
tàu bà con ngư dân thường xuyên bị Trung Quốc bắt bớ đánh đập, cướp tàu, rượt
đuổi. Nhưng với bà con ngư dân tụi tui vẫn xem biển đảo Hoàng Sa là nhà, như một
phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên sẵn sàng đối mặt, không hề biết run
sợ, cho dù trong tay không một tấc sắt. Có thể nói, mỗi một con tàu của ngư dân
Việt Nam xuất hiện ở vùng biển Hoàng Sa giống như cột mốc chủ quyền “sống” bất
khả xâm phạm…” anh Tuấn tâm sự.

Trong suốt chuyến đánh bắt
kéo dài gần 1 tháng, tàu anh Tuấn cùng hàng trăm tàu của ngư dân khác có mặt
nơi vùng biển Hoàng Sa thoắt ẩn, thoắt hiện quanh khu vực các đảo nhỏ như Tri
Tôn, Phú Lâm, Hai Trụ, Ba Tiếng, Bom Bay…thuộc quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt
vào ban đêm.

Với lão thuyền trưởng can
trường Nguyễn Thanh Tuấn, dường như sóng gió, bão tố, hay những chiếc tàu tuần
tra của Trung Quốc với lão đều có cách để né tránh và không hề biết run sợ.

Đã từng bị Trung Quốc bắt giữ,
rồi bị bão Chan Chu nhấn chìm, nhưng tất cả những hiểm nguy ấy anh đã vượt qua
và trở về an toàn. Thời gian ở biển Hoàng Sa với anh nhiều hơn ở nhà. “Mỗi năm
từ tháng Giêng đến tháng 8, tàu tui có mặt thường xuyên. Chỉ trừ những ngày vào
bờ lấy nhiên liệu và lương thực ít ngày, thời gian còn lại là ở vùng biển ni…”
anh Tuấn kể.

Hôm tôi sang tàu anh đang
đánh bắt sát khu vực đảo Bom
Bay chừng 1 hải lý. Tôi hỏi
anh có sợ không? Vừa cầm lái điều khiển con tàu chầm chậm tiến lùi theo hệ thống
dây dẫn hơi và điện thắp sáng cho anh em lặn dưới biển, anh cười bảo: “Bọn
chúng tàu to, nhưng cũng biết sợ bóng đêm, cũng ngán ngại những chiếc tàu nhỏ của
ngư dân Việt Nam.”

 “Mỗi ngày anh em tụi
tui chỉ làm vào ban đêm, sáng ra là chạy xa đảo hơn 10-20 hải lý ngoài hải phận
quốc tế để neo đậu cho anh em ngủ lấy sức và tránh sự truy đuổi của tàu tuần
tra Trung Quốc…” anh Tuấn tâm sự.

Cả 12 thuyền viên trên tàu
chia làm 2 ca lặn. Mỗi ca 5 người, còn lại hai người trên tàu kéo ống hơi cho
những người lặn bên dưới. Mỗi ca lặn dưới lòng biển Hoàng Sa dọc theo các rạn
san hô quanh khu vực các đảo nhỏ kéo dài từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Riêng anh Tuấn
thì điều khiển con tàu chạy theo thợ lặn đang làm việc dưới lòng biển Hoàng Sa
và làm công việc cảnh giới tàu Trung Quốc bất ngờ tấn công.

Hiểm nguy rập rình

Trong câu chuyện anh Tuấn
tâm sự với tôi trong đêm trắng cùng anh nơi vùng biển sát đảo Bom Bay,
anh Tuấn cười buồn bảo: “Cái nghề lặn biển mò tôm cá của anh em tụi tui giống
như ma. Ngày ngủ đêm thức, những hiểm nguy rập rình ngày đêm với những ngư dân
không biết đâu mà lần. Tất cả phó mặc cho sự may rủi…”, rồi anh cười  bảo
với tôi rằng: “Hên, xui thôi mà…”

Còn câu chuyện mà thuyền phó
Nguyễn Văn Á kể với tôi giữa đêm nơi vùng biển Hoàng Sa, nếu không tận mắt chứng
kiến khó mà tin được. Đang điều khiển con tàu chạy theo hệ thống dây dẫn hơi
cho anh em thợ lặn dưới biển, bỗng từ xa khoảng chừng 200m, ánh đèn của thợ lặn
dưới biển hắt lên. Tưởng là anh em lên, nhưng khi quan sát thấy bất thường, anh
Á quyết định cho tàu chạy chậm lại nơi ánh đèn.

Bất ngờ một thợ lặn tên Nam bị
áp lực nước quá mạnh dưới lòng biển sâu hơn 30m gây co cơ phải trồi lên mặt nước.
Do bị đau thắt cơ do nước ép, Nam
không thực hiện qui trình giảm áp, nên bị co giật. Lập tức Nam được đưa lên tàu cấp cứu. Nam quằn
quại đau đớn vì bị co rút cơ do áp lực nước.

 “Đây là trường hợp nhẹ,
được phát hiện kịp thời, nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng.” anh Á cho biết.

Theo anh Á kể, nhiều thợ lặn
đang làm việc dưới độ sâu hơn 30m nước, thường xuyên bị áp lực nước gây co cơ.
Nặng hơn có thể gây liệt toàn thân nếu không cấp cứu kịp thời. Ngay trên tàu của
anh Á, đã có 3 trường hợp bị bại liệt phải lên bờ, trở thành người tàn phế.

Chuyện áp lực nước gây chảy
máu tai, trào máu mũi, gây bại liệt. Rồi gặp các loại cá dữ dưới nước như cá mập
xảy ra hàng đêm khi lặn biển. Nhưng những nguy hiểm ấy không đáng sợ bằng tàu
Trung Quốc phát hiện rượt đuổi.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh
Tuấn, chủ tàu Qng-95821-TS kể, anh đã nhiều lần bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt
đuổi. Nhưng nhờ cảnh giới và phát hiện từ xa, nên tàu anh đã nhiều lần chạy
thoát.

Câu chuyện kể lại của thuyền
trưởng Nguyễn Minh Quang, chủ tàu Qng-90078-TS trong cái đêm ngồi cùng tôi trên
ca bin tàu giữa biển Hoàng Sa như một thước phim quay chậm. Ký ức những ngày
kinh hoàng bị bắt giữ đánh đập vẫn chưa thôi ám ảnh anh cùng 12 thuyền viên
trên tàu.

Anh Quang nhớ lại: Nhận được
tin báo bão với sức gió giật trên cấp 12 của cơn bão số 9 hồi tháng 9-2009 vừa
qua, tàu anh cùng hàng chục tàu khác đang đánh bắt tại vùng biển đảo Tri Tôn.
Do bão đến quá nhanh, không thể cho tàu chạy vào đất liền kịp. Biết là nguy hiểm,
nhưng anh vẫn quyết định đưa tàu vào đảo Cẩu do Trung Quốc chiếm giữ để tránh
bão.

Khi đưa tàu vào gần đến đảo, 
đạn của lính Trung Quốc bắn ra như mưa. Anh nghĩ kiểu ni chết là cái chắc. Bởi
bão đuổi sau lưng, còn đạn trên đảo bắn ra như mưa trên đầu. Tàu anh cùng hàng
chục tàu khác của bà con đảo Lý Sơn không còn sự chọn lựa nào khác là dàn hàng
ngang cắm đầu chạy vào đảo Cẩu để tránh bão.

Anh Quang nhớ lại: “Hồi đó
anh em tụi tui chỉ nghĩ một điều, nếu chạy vào đảo còn có cơ may sống sót. Nếu
có chết cũng còn tìm được xác cho vợ con nhìn thấy. Chứ ở ngoài biển, thì bão
nhấn chìm, tìm đâu ra xác…”

Nhiều chuyện kinh hoàng giữa
biển Hoàng Sa mà các thuyền trưởng Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thanh Tuấn… kể cho
tôi nghe, khi tận mắt chứng kiến trong những đêm thức trắng giữa biển. Tôi mới
hiểu những nhọc nhằn, gian khổ, và hiểm nguy đang treo lơ lửng trên đầu họ suốt 
những chuyến ra khơi, nhưng họ vẫn ngày đêm can trường bám biển. 

  • Vũ Trung (còn tiếp)
RELATED ARTICLES

Tin mới