Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTường trình từ Hoàng Sa Kỳ IV

Tường trình từ Hoàng Sa Kỳ IV

Tất cả những ngư dân tôi gặp trong những ngày theo tàu lênh đênh trên vùng
biển Hoàng Sa đều khẳng định rằng: Biển Hoàng Sa là nhà của họ. Mỗi năm, hơn
2/3 thời gian họ sống và mưu sinh nơi vùng biển đầy hiểm nguy này. 

Dường như những tai ương bão tố, sự đe doạ, uy hiếp tính mạng của tàu tuần
tra Trung Quốc hàng ngày, hàng giờ vẫn không làm họ chùn bước. Bởi trong trái
tim của họ, biển đảo Hoàng Sa là phần máu thịt thiêng liêng không thể thiếu…

Máu thịt Hoàng Sa

 “Bà con ngư dân tụi tui một cảnh hai quê. Nhà ở đất liền, nhưng
cuộc sống thì ở biển Hoàng Sa. Tất cả miếng cơm manh áo, tài sản và tính mạng đều
ở hết ngoài biển. Mỗi năm 12 tháng, anh em tụi tui sống ngoài vùng biển Hoàng
Sa hết 8 tháng. Mấy chục năm ni, anh em tụi tui đều xem vùng biển Hoàng Sa như
ngôi nhà thứ 2 của mình…
”, mở đầu câu chuyện với tôi trong đêm trắng nơi
vùng biển đảo Bom Bay, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự.

Những ngày lênh đênh trên những
chuyến tàu đánh bắt của bà con ngư dân, bất cứ thuyền viên nào tôi gặp, khi nhắc
đến hai chữ Hoàng Sa là câu chuyện về biển, về ký ức những ngày đối mặt với hiểm
nguy nơi vùng biển này lại cứ thế tuôn trào.

Ở tuổi 30, nhưng thuyền viên
Trương Văn Tin trên tàu Qng-95821 đã có thâm niên hơn 13 năm sống ở biển Hoàng
Sa.

Tin kể: “Mỗi khi tàu hết
nhiên liệu, lương thực phải vào đất liền. Lên bờ ít ngày lại nhớ biển không chịu
được. Vùng biển Hoàng Sa đến bây giờ với em đã là máu thịt không thể thiếu…

Còn thuyền viên Trương Văn
Công, người lớn tuổi nhất và có thâm niên hơn 25 năm bám vùng biển Hoàng Sa.
Trong ký ức của mình, ông vẫn nhớ như in những lần thoát chết trong gang tấc.

Trong cái đêm trắng giữa biển
Hoàng Sa ông kể cho tôi nghe những lần ông cùng các thuyền viên bị tàu tuần tra
Trung Quốc rượt đuổi. Thậm chí những lần tưởng chết rồi. Nhưng nhờ Mẹ biển chở
che, ông trở về an toàn trong nước mắt của vợ con chờ đợi vô vọng trên bờ.

Câu chuyện về biển Hoàng Sa
mà thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng, chủ tàu đánh bắt Qng-55111-TS kể cho tôi nghe
trong cái đêm trắng nơi vùng biển đảo Bom Bay là cả một quãng đời gian khó
nhưng đầy kiêu hãnh của anh. Năm 15 tuổi anh lên tàu làm ngư dân sau khi nghỉ học.
Đến năm 20 tuổi anh là thợ lặn nỗi tiếng ở vùng biển Hoàng Sa.

Giống như kình ngư anh vẫy
vùng một vùng biển rộng, từng hợp đồng đi trục vớt đồ cổ tại đảo Cù Lao Chàm. Từng
cưỡi sóng đạp gió tung hoành ngang dọc nơi vùng biển Hoàng Sa. Nhiều chuyến biển
kéo dài cả tháng trời không vào bờ.

Thời trai trẻ khi chưa có vợ
con trên bờ, anh ở lì ngoài Hoàng Sa hết tháng này đến tháng khác, cứ thế theo
tàu đi lặn bắt cá ở các rạn san hô ven các đảo Hoàng Sa. Lúc bão tố chạy vào bờ
ít ngày, tan bão là nhớ biển nên lại trở ra.

Gom góp chút vốn liếng trong
những năm làm thợ lặn, vay mượn thêm bạn bè, người thân, anh đóng chiếc tàu
công suất 70 CV với trang thiết bị hiện đại, từ máy định vị, máy dò tìm cá cùng
các máy móc thiết bị chuyên dùng cho nghề lặn biển. Anh bắt đầu những tháng
ngày lấy biển Hoàng Sa làm nhà.

Đã hơn 23 năm có mặt thường
xuyên trên vùng biển Hoàng Sa, ở cái tuổi 38 dạn dày sóng gió biển khơi, anh bảo
với tôi rằng chưa bao giờ anh biết khóc trước gian khổ hay bất trắc của những
ngày gặp bão tố hay bị tàu Trung Quốc rượt đuổi.

Nhưng khi tôi nhắc đến Hoàng
Sa mắt anh rưng rưng, tim anh như nghẹn lại. Bởi Hoàng Sa đối với anh như là
máu thịt, là ngôi nhà thứ 2 đầy sóng gió. Biển Hoàng Sa đã cho anh và vợ
con, anh em trên bờ cuộc sống cơm áo hàng ngày.

Hỏi về ký ức những ngày sống
ở biển Hoàng Sa, anh trả lời tôi bằng ánh mắt đăm đăm nhìn về hướng đảo Tri
Tôn, Phú Lâm, Hai Trụ…Ở đó anh đã có những tháng ngày kinh hoàng đối mặt với
bão biển, với những trận rượt đuổi nghẹt thở của tàu tuần tra Trung Quốc.

 “Đã có lúc tui suy
nghĩ bán tàu lên bờ tìm nghề khác để mưu sinh. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua
trong đầu. Cho dù có phải đương đầu với bao hiểm nguy, tui cũng sống chết với
Hoàng Sa…
”, thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng khẳng định

Sống chết với Hoàng
Sa

Nhiều chủ tàu tôi gặp trong
những ngày ở biển Hoàng Sa và khi đã vào bờ. Tất cả đều đoan chắc rằng họ đã
sinh ra ở biển, biển nuôi sống họ bao đời nay và bây giờ con cháu họ vẫn tiếp tục
ra khơi. Nên họ quyết sống chết với vùng biển Hoàng Sa này.

Bởi ở đó suốt mấy trăm năm
nay, hết thế hệ này, đến thế hệ khác tiếp nối bước chân ra đảo không hề biết
run sợ trước bão tố. 

Lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn
kể với tôi rằng anh là đời thứ 7 tiếp nối bước chân của cha ông ra Hoàng Sa.
Năm 16 tuổi đã lên tàu vượt sóng gió với hơn 4 ngày đêm. Ngày đó trong ký ức của
ông vẫn còn tươi nguyên với những chiếc tàu công suất nhỏ, dụng cụ thô sơ.

Nhưng những ngư dân lớp cha
anh vẫn kiên cường bám vùng biển này để mưu sinh. Đến thời của anh may mắn hơn
có được tàu to, công suất lớn, nên thời gian ra Hoàng Sa được rút ngắn xuống
còn hai ngày hai đêm.

Trong câu chuyện về khát vọng
ngày mai, ông mơ một ngày con cháu của ông cũng sẽ tiếp nối và sẽ đóng được những
chiếc tàu to hơn để chinh phục vùng biển đảo giàu có này. Và ngày đó, ông tin
Hoàng Sa không còn trong tay của ngoại bang.

Còn bây giờ, ông bảo: “Có chết,
tui cũng bám vùng biển này để chết, quyết không lên bờ.”

Lời khẳng định của ông như một
lời nguyền trước biển cả, mà không phải đến bây giờ ông mới nói. Những chuyến
biển sinh tử mà ông từng đối mặt nơi vùng biển Hoàng Sa này từ nhiều năm trước
vẫn không làm ông chùn bước.

Ngay chuyến ra khơi đầu năm,
khi tàu ông vừa đến vùng biển đảo Phú Lâm đã gặp tàu của 17 ngư dân đảo Lý Sơn
bị tàu lạ đâm chìm giữa khuya, ông sẵn sàng bỏ chuyến biển với phí tổn hàng
trăm triệu đồng để cứu người đưa vào bờ mà không hề đòi hỏi thiệt hơn.

Với ông, cũng như nhiều ngư
dân khác, những bạn tàu cùng bám biển Hoàng Sa như anh em ruột thịt một nhà.
Lúc hoạn nạn cùng chia sẻ là lẽ thường tình.

Trong cái đêm ngày 21/3, tàu
ông Là bị Trung Quốc bắt, qua máy bộ đàm, ông thông báo rằng có tất cả 7
tàu đánh bắt của bà con Lý Sơn và Bình Châu bị tàu tuần tra rượt đuổi và tàu
ông Là kém may mắn bị bắt giữ.

Ông Tuấn trầm ngâm bảo:
Mấy năm gần đây, tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên rượt đuổi bắt giữ
tàu của bà con ngư dân Việt Nam.
Nên việc đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa gặp khó khăn. Cho dù khó khăn và hiểm
nguy, nhưng tất cả bà con tui không ai bỏ tàu lên bờ…

Còn thuyền trưởng Trương
Minh Quang đã 3 lần bị Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc, cướp máy móc, đập phá
đồ đạc trên tàu. Đã từng trắng tay trở về.

Hôm gặp tôi giữa biển Hoàng
Sa, đưa tay chỉ chiếc tàu mới mua hồi đầu năm 2008, sau đó bị Trung Quốc thu giữ
máy móc, thiết bị hôm tháng 9-2009 khi đang tránh bão tại đảo Cẩu và được bạn đọc
báo VietNamNet giúp đỡ dàn máy ICOM, anh Quang  tâm sự: “Giữa
biển Hoàng Sa, tất cả thông tin với đất liền, tàu bạn, cũng như thông tin dự
báo thời tiết đều nhờ vào dàn máy ICOM. Nhờ vậy mà anh em đi biển của tàu tui
và các tàu bạn trên vùng biển Hoàng Sa thấy gần đất liền…”

Hỏi chuyện hiểm nguy, anh
Quang tâm sự: ”Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa làm sao mà kể cho hết. Nhưng
anh em chúng tôi không bao giờ nói hiểm nguy. Bởi giữa cái chết và cái sống nơi
vùng biển Hoàng Sa khó mà biết trước. Nhưng cho dù có chết, anh em tụi tui vẫn
quyết bám vùng biển này. Bởi đó là vùng đất thiêng của Tổ quốc mà cha ông mấy
trăm năm trước đã đổ máu, mồ hôi để khai phá. Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với
cha ông…

Không riêng gì anh Quang,
anh Tuấn, anh Hồng, cùng hàng chục ngư dân khác trên các tàu đánh bắt giữa biển
Hoàng Sa mà tôi có dịp ngồi trò chuyện, tất cả đều khẳng định với tôi rằng biển
Hoàng Sa là máu thịt của họ.

Cho dù có hiểm nguy, họ vẫn
kiên quyết bám biển và không biết run sợ trước bất kỳ thế lực nào, cho dù hung
bạo đến đâu. 


Trung
(Còn
tiếp)
RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới