Trong thập kỷ qua, Trung
Quốc đã tăng cường mạnh mẽ sức mạnh quân sự. Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử
dụng một số lượng lớn tàu ngầm hiện đại, tàu khu trục lớn, tàu khu trục nhỏ,
tàu đổ bộ và tàu tuần tra, làm tăng lên đáng kể sức mạnh của Trung Quốc ở Biển
Đông. Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc mới
đây đã xác nhận rằng Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải
Nam, có thể nhằm phục vụ cho đội tàu ngầm được trang bị hỏa tiễn đạn đạo, mở
đường cho Hải quân Trung Quốc án ngữ và khống chế các tuyến hàng hải quốc tế chủ
chốt tại khu vực biển này. Nhờ cải thiện khả năng kiểm soát và tiếp nhiên liệu
trên không cho không lực, hải quân Trung Quốc hiện nay có thể mở rộng các hoạt
động trên không ở vùng Biển Đông.
Dự báo, trong năm 2012, Trung Quốc có thể sẽ sửa
chữa, nâng cấp xong Tàu sân bay Varyag mua được của Liên Xô cũ và có khả năng sẽ
đặt tàu này tại Căn cứ Hải quân Tam Á ở đảo Hải Nam. Tàu sân bay này sẽ cung
cấp cho Hải quân Trung Quốc máy bay hoạt động trên không phận ở Biển Đông. Ngoài
ra, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ
tầng tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa do
Trung Quốc chiếm đóng.
Với sức mạnh quân sự nói
trên, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động diễu võ, dương oai, tăng đáng kể tần
suất, phạm vi và quy mô của các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, đặc biệt là
trong năm 2010. Với các cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của các tàu chiến từ cả ba hạm đội của Trung
Quốc và máy bay chiến đấu, tên lửa tấn
công mục tiêu tầm xa tại Biển Đông, Trung Quốc đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng
rằng: Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thực thi yêu sách chủ
quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển và các đảo tại Biển Đông.
Trong thời gian vừa
qua, tham vọng bành trướng của Trung Quốc xuống Biển Đông thể hiện ngày càng rõ
ràng. Trung Quốc liên tục có hành động hoành hành, lấn lướt ở Biển Đông. Hải
quân và các cơ quan thực thi luật hàng hải gia tăng tần số về “nhiệm vụ có mặt”
của họ trong vùng biển đang tranh chấp. Đầu tháng 4 năm 2010, Trung Quốc tuyên
bố đưa hai tàu tuần tra ngư nghiệp lớn đến quần đảo Trường Sa để bảo vệ các tàu
đánh cá của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu ngư chính đến
khu vực biển này trước thời giai đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá thường diễn
ra giữa tháng 5 và tháng 8 trong vùng biển này (báo Straits Times, ngày 5 tháng
4). Đồng thời, Trung Quốc gây sức ép đòi các công ty dầu khí quốc tế dừng các
thỏa thuận hợp tác tìm kiếm và khai thác dầu mỏ với Việt Nam; công bố dự án 29
tỷ đô-la của Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc nhằm khai thác dầu ở Biển
Đông, thậm chí vẽ ranh giới lưỡi bò vào bản đồ rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh. Tàu
tuần tiễu của Trung Quốc bắt giữ hàng trăm ngư phủ của Việt Nam và bắn giết nhiều ngư dân Việt Nam
vốn đánh cá ở vùng biển lâu nay của họ.
Nhờ những
hoạt động tăng cường quân sự, Trung Quốc được một cái duy nhất là phô bày cho thế
giới thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc và làm cho một số nước lo ngại. Nhưng,
các hoạt động bành trướng và gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua rõ ràng
đã làm cho họ phải trả giá quá đắt. Đó là :
Một là, Trung Quốc đã tạo ra một
môi trường khu vực bất ổn, không có lợi cho chính Trung Quốc :
Các hành động gây hấn cứng rắn của Trung Quốc đã gây
phản ứng tiêu cực trong khu vực. Phần lớn các nước Đông Nam Á ngày càng quan
ngại về cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, coi động thái của Bắc Kinh
gần đây là một thái độ bành trướng ngạo mạn, đe doạ nghiêm trọng chủ quyền của
các nước liên quan có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Chính các hoạt động chạy đua vũ trang của Trung Quốc đã kích hoạt một cuộc
chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cả Đông Á đang dồn
dập nỗ lực nâng cấp sức mạnh quân sự. Nhật Bản dự định thành lập hạm đội hàng
không mẫu hạm với Mỹ để phản kích Trung Quốc khi cần. Trong năm 2009, Malaysia
đã nhận hai tàu ngầm loại Scorpene, sẽ được đặt tại Sabah gần quần đảo Trường
Sa đang tranh chấp. Việt Nam cũng đang nâng cấp máy bay chiến đấu và tàu ngầm, đã
mua của Nga sáu tàu ngầm hạng kilo và 20 máy bay Su-30MK2.
Những hoạt động gây hấn
của Trung Quốc rõ ràng là nguyên nhân chính gây ra tình hình bất ổn trong khu
vực. Tình hình bất ổn này tác động ngược trở lại đối với Trung Quốc, đặt Trung
Quốc vào một vị thế bất lợi, tạo ra một môi trường khu vực hết sức không thuận
cho Trung Quốc, ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ hợp tác trong khu vực,
vốn rất cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc.
Hai
là, Trung Quốc làm mất lòng tin của các nước trong khu vực :
Việc Trung Quốc vi phạm tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển
Đông DOC mà họ đã ký với các nước láng giềng ASEAN vào năm 2002 và các hành
động gây hấn của Trung Quốc đã làm gia tăng nghi ngờ của các nước này về thiện
chí của Trung Quốc, về sự tăng trưởng
của Trung Quốc và lo lắng về sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Thậm chí, các hoạt động của Trung Quốc còn gây ra những phản ứng quyết liệt
của các nước láng giềng trong khu vực. Ngay người đồng minh thân thiết của
Trung Quốc là Việt Nam cũng phản ứng mạnh trước những hoạt động quá đáng của
Trung Quốc. Cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Hà Nội đã công khai lên án quyết
định của Trung Quốc thành lập các cơ quan quản lý địa phương ở quần đảo Hoàng
Sa, phát triển công nghiệp du lịch trên quần đảo này, bắt bớ bừa bãi ngư dân
Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm đảo
Bạch Long Vĩ gần đây, ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố một cách
cứng rắn rằng nước ông sẽ "không để bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng
ta, biển của chúng ta, hải đảo của chúng ta. Chúng ta sẽ không nhượng bộ, cho
dù một tất đất cho bất cứ ai" (báo Deutsche Presse-Agentur, ngày 02 tháng
4).
Ba là, Trung Quốc đã đẩy
các nước Đông Nam Á co cụm lại với nhau :
Lo lắng
của Trung Quốc về khả năng các thành viên ASEAN co cụm lại thành một nhóm để
chống lại Trung Quốc trong các cuộc thảo luận song phương về Biển Đông đã trở
thành hiện thực. Tại Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN mới đây, các nhà lãnh đạo
Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ “sự nhất trí đối với
tầm quan trọng của hòa bình, tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở
các vùng biển trong khu vực.”
Trong Hội nghị này, Tổng thống mới của Philippines, ông Benigno Aquino
III, tuyên bố ASEAN sẽ hợp thành
một khối nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền
ở Biển Đông. Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York,
ông nhắc lại : "Nếu điều đó xảy ra (tức là nếu Trung Quốc dùng vũ lực)
thì tôi nghĩ ASEAN đã cho thấy chúng tôi sẽ đoàn kết thành một khối".
Bốn là, Trung Quốc đã đẩy
các nước khu vực Đông Nam Á lại gần với Mỹ :
Các nước ASEAN đã tìm đến Hoa Kỳ để có sự ủng hộ cho giải pháp
quốc tế hóa vùng biển Đông Nam Á, điều mà Bắc Kinh luôn bác bỏ. Trong
cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN vừa qua, tân Tổng thống Philippines đã ca
ngợi nỗ lực tăng cường hiện diện trong khu vực Đông Nam Á của chính
quyền Obama, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Việt Nam và một số nước
ASEAN khác cũng hoan nghênh sự quay trở lại khu vực của Mỹ và thúc đẩy nỗ lực
hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Rõ ràng, thái độ cứng rắn và
những động thái quân sự gần đây của Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền tại khu
vực tây Thái Bình Dương và biển Nam Trung Hoa đã tạo ra một một động lực thúc đẩy
mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam.
Việt Nam cũng nhanh chóng thắt chặt các mối quan hệ với các cường quốc khác
trong đó có Ấn Độ và Nga. Gần đây, Ấn Độ đã ký với Việt Nam một kế hoạch hợp
tác quân sự, trong đó Ấn Độ giúp huấn luyện lực lượng quốc tế gìn giữ hòa bình
cho Việt Nam, đổi lại Hà Nội cung cấp phương tiện sửa chữa, bảo trì và cung cấp
nhiên liệu cho tàu bè của New Deli. Việt Nam cũng nhanh chóng thắt chặt các mối
quan hệ với các cường quốc khác trong đó có Nga.
Năm là, Trung Quốc đã tạo
điều kiện cho Mỹ và các nước lớn khác hiện diện trong khu vực :
Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng qua việc tiến hành các
hoạt động gây hấn cứng rắn và qua việc tuyên bố Biển Đông "là lợi ích cốt
lõi" của mình. Hành động này đã rung chuông báo động các cường quốc khác ở
châu Á – Thái Bình Dương khác. Với việc
đi quá xa như vậy, chính Trung Quốc đã thu hút Mỹ vào cuộc tranh chấp, tạo ra
một cơ hội hiếm có cho Mỹ quay trở lại khu vực này.
Gần đây, Mỹ tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài tại biển Đông; đồng
thời cam kết duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á trong các lĩnh
vực kinh tế, ngoại giao và quân sự. Tại diễn đàn khu vực ARF hồi tháng Bảy năm nay, Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố an ninh, giải pháp cho an ninh ở Biển Đông,
và việc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông là "quan tâm quốc
gia" của Mỹ; đồng thời khẳng định Mỹ có quyền lợi quốc gia về tự do hàng
hải ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc
tế trên Biển Đông. Mỹ khẳng định quyết tâm yểm trợ các nước Đông Nam Á để các
nước này giữ được sự vững mạnh và sự độc lập.
Tóm lại, chính các hành động của Trung Quốc đã tạo ra cơ hội ngàn vàng để Mỹ
quay lại khu vực Biển Đông, tập hợp các nước khác trong khu vực trong nỗ lực
kiềm chế Trung Quốc.
Sáu là, Trung Quốc đã góp
phần thúc đẩy quốc tế hoá vấn đề Biển Đông :
Trong thời gian qua, mặc dù Trung Quốc đã tạo nhiều "áp lực sau hậu
trường" nhằm ngăn cản các quốc gia thành viên ASEAN thảo luận chính thức
về tranh chấp Biển Đông. Nhưng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giữ cho chủ đề
Biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự của ASEAN đã trở nên vô vọng.
Mười bốn trong số 27 thành viên khối ASEAN có mặt tại Hội nghị ARF tại Hà Nội vào
tháng 7 vừa qua đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, bất chấp sự
tức tối và giận dữ của Trung Quốc.
Biển Đông đã nghiễm nhiên trở thành một vấn đề được thảo luận tại nhiều cuộc
Hội thảo, diễn đàn quốc tế và khu vực; đồng thời là một vấn đề thời sự được đưa
hầu như là hàng ngày trên hệ thống thông tin đại chúng toàn cầu.
Thực ra, qua việc đưa yêu sách đường lưỡi bò ra Liên hợp quốc, qua việc
tiến hành các hành động thô bạo trên Biển Đông, qua việc tuyên truyền kích động
trên hệ thống thông tin đại chúng của mình, chính Trung Quốc đã góp phần to lớn
trong việc thu hút sự chú ý của khu vực và quốc tế, và do đó, góp phần vào việc
"quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông.
Bảy là, Trung Quốc góp phần
đa phương hoá tranh chấp Biển Đông:
Cũng tại Hội nghị ARF vừa
qua, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần
đây tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" ở Biển Đông đồng thời kêu gọi
Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng tiến trình đa phương giải quyết tranh
chấp chủ quyền các đảo. Bà Clinton khẳng định: "Mỹ ủng hộ một tiến trình
ngoại giao đa phương có sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp nhằm giải
quyết vấn đề mà không bị ép buộc. Chúng tôi phản đối bất cứ bên nào sử dụng
hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Bà Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington sẽ dành chỗ cho một "ưu tiên
ngoại giao" tạo ra những nỗ lực nhằm biến thỏa thuận không ràng buộc giữa
Trung Quốc và ASEAN về Biển Đông thành một "thực thể có ý nghĩa hơn".
Thậm chí, Mỹ còn tuyên bố sẵn sàng đứng ra tổ chức các cuộc thương thảo để nâng
cấp DOC thành COC, một bộ Quy tắc ứng xử
có giá trị ràng buộc mạnh mẽ hơn cho khu vực.
Tám
là, Trung Quốc thua thiệt nặng về pháp lý :
Việc Trung Quốc đưa ra những yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là
yêu sách đường lưỡi bò, một cách rất vô lý và ngang ngược chẳng những không
giúp gì cho sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc mà còn gây ra một làn sóng
phản đối rất bất lợi cho Trung Quốc về mặt pháp lý.
Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ bị các nước trong khu vực
bác bỏ, mà cả những nước ngoài khu vực cũng phản đối mạnh mẽ. Phó trợ lý ngoại
trưởng Mỹ Robert Scher cho rằng việc Trung Quốc
đòi chủ quyền mang tính chiến lược và đơn phương trong tranh chấp biển đảo với
6 nước, trong đó có Việt Nam, Philppines và Malaisia, là điều không chấp nhận
được đối với Chính phủ Mỹ. Ông này cũng bác bỏ việc Trung Quốc coi khu đặc
quyền kinh tế biển (EEZ) 200 hải lý tính từ thềm lục địa theo Luật về biển của
Liên hợp quốc ở biển Đông là lãnh hải thực sự của mình và áp dụng biện pháp yêu
cầu tàu chiến các nước khác phải xin phép Trung Quốc khi hoạt động ở khu vực
này.
Yêu sách đường lưỡi bò, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, mà Trung Quốc
đưa ra trước Liên hợp quốc càng bị phản đối dữ dội. B.A. Hamzah, một học giả Malaysia cho rằng đó
là một yêu sách phi lý và “một yêu sách phi lý như vậy không thể có một danh
nghĩa gì, do đó sự không có danh nghĩa sẽ kéo theo sự không có quyền tài phán.
Như vậy một khi nội dung đã không đúng, thì hình thức của vấn đề càng không hợp
pháp.” Ông Stapleton Roy, Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho rằng “Rất khó để hiểu được lập trường của Trung
Quốc trên biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông). Chỉ có một điều rõ ràng duy nhất
về lập trường của họ đó là, họ tin rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi
trên vùng biển Nam Trung Hoa. Nhưng trên mọi phương diện khác, họ không định
nghĩa rõ ràng. Đường chín vạch nổi tiếng trên bản đồ mà Trung Quốc đưa ra đã
bao trùm khắp biển Đông, chính những người Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa
chính xác chín vạch đó có nghĩa là gì. Thiếu tướng Lạc Nguyên là người thẳng
thắn bênh vực cho chủ quyền Trung Quốc trong khu vực, gần đây cũng đã kêu gọi
Trung Quốc xác định xem các vạch đó có phải là giới hạn của các vùng lãnh hải
hay là giới hạn về quyền tài phán của họ? Tất cả đều không rõ ràng”. Chính phủ
Indonesia và Việt Nam thậm chí còn chính thức gửi Công hàm phản đối yêu sách
đường lưỡi bò của Trung Quốc, coi đó là một yêu sách mơ hồ, không có cơ sở pháp
lý quốc tế.
Thật ra, thất bại về pháp lý của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Không một
quốc gia (văn minh và tiến bộ) nào lại công nhận đường ranh giới 9 đoạn đứt
khúc này, con đường không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa
lý, vì đây là sự vi phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên
quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không của cộng
đồng quốc tế.
Chín là, Trung Quốc làm mất đi hình ảnh một nước Trung
Quốc hoà bình và thân thiện :
Sự gia tăng các hoạt động
gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua đã làm mất đi hình ảnh
một nước Trung Quốc hoà bình và thân thiện mà Trung Quốc đã cố dày công xây dựng.
Sau hai thập kỷ Trung Quốc ra sức lấy lòng các
nước láng giềng trong khu vực, Trung Quốc đã gây dựng cho mình một vị trí quan
trọng trong khu vực. Nhưng giờ đây, các nước Đông Nam Á đã nhận ra bộ mặt thật
của Trung Quốc và chính sách bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc.
Lời
kết :
Chừng nào không khí căng thẳng hiện tại khu vực Đông Nam Á qua đi, Trung
Quốc cần suy nghĩ về cách ứng xử lại của mình với các nước láng giềng trong khu
vực : Hoặc là cần chừng mực hơn, hoặc là phải đối mặt với nguy cơ đẩy các nước
trong khu vực vào một liên minh thân cận hơn với Mỹ.
Trung Quốc cần thực hiện các cam kết với những quốc gia láng giềng tám năm
trước đây, thực hiện Tuyên bố ứng xử của
các bên tại Biển Đông DOC trong đó nhấn mạnh không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử
dụng vũ lực chống lại các nước khác và hợp tác xây dựng lòng tin.
Là một nước lớn, Trung Quốc nên thể hiện rõ hình ảnh của một siêu cường có
trách nhiệm đối với an ninh, hoà bình và ổn định trong khu vực. Sự bất ổn trong
khu vực Biển Đông chẳng có lợi cho ai, kể cả Trung Quốc.
Đó là cách để Trung Quốc khôi phục lại hình ảnh của một cường quốc đang lên.