Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông năm 2010 dậy sóng vì thái độ hung hăng...

Biển Đông năm 2010 dậy sóng vì thái độ hung hăng của Trung Quốc

altVào dịp cuối năm 2010, hồ sơ Biển Đông đã bớt nóng bỏng
sau khi nhiệt độ có thể nói là đã đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 7, tháng 8.
Nguyên nhân chính tạo ra căng thẳng là Trung Quốc đã phô trương mạnh mẽ hơn
tham vọng chủ quyền tại Biển Đông bằng việc liên tiếp tập trận thị uy và nâng
vùng biển Đông lên hàng “lợi ích cốt lõi”, dùng vũ lực áp đặt chủ quyền, với Việt
Nam là đối tượng thúc ép chủ chốt vì bị coi là cản lực đáng kể nhất. Hành động
của Trung Quốc đã khiến Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình quốc tế hóa vấn
đề Biển Đông trong lúc Hoa Kỳ càng lúc càng xác định quyết tâm nhập cuộc.

Trong bài tham luận đọc tại hội nghị khoa học về Biển
Đông lần thứ hai tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11 vừa qua, giáo sư Carl
Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã phân tích kỹ các
diễn biến đã khiến cho tình hình Biển Đông bị khuấy động. Một trong những yếu tố
được giáo sư Thayer nêu bật chính là những cuộc thao diễn quân sự của Hải quân
Trung Quốc đã dẫn đến phản ứng của Hoa Kỳ.

Sau khi chính thức tiết lộ đòi hỏi chủ quyền của mình
thông qua tấm bản đồ gồm 9 đường gián đoạn, được gọi nôm na là đường lưỡi bò,
bao trùm gần như toàn bộ vùng Biển Đông vào giữa năm 2009, ngay từ đầu năm
2010, Hải quân Trung Quốc đã bất đầu phô trương cơ bắp với một loạt những cuộc
tập trận rầm rộ, trên các vùng biển chung quanh, đặc biệt là Biển Đông, qua đó
cho thấy khả năng vươn tới những nơi rất xa xôi ở tận phía Nam.

Thoạt đầu là cuộc tập trận vào tháng 4, huy động cả ba
hạm đội của Trung Quốc là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Điều khiến giới quan
sát chú ý là quy mô rộng lớn của địa bàn diễn tập. Trong cuộc tập trận này, tàu
chiến của Trung Quốc đã vượt qua rặng đảo Okinawa, thông qua kênh đào Bashi, thực
hiện các bài tập bắn đạn thật ở phía bắc Philippines, trước khi bọc xuống vùng
eo biển Malacca.

Chuyên gia phân tích hải quân Gary Li, được giáo sư
Carl Thayer trích dẫn đã ghi nhận: “Cuộc
tập trận này chứng tỏ rằng Hải quân Trung Quốc bắt đầu đạt được một tính linh
hoạt cao hơn trước trong việc triển khai lực lượng đồng thời trên mặt biển, dưới
mặt nước và trên không. Họ cũng tự tin hơn trước khi di chuyển lực lượng trên một
khoảng cách xa hơn nhằm bảo vệ các đòi hỏi lãnh thổ của họ tại Biển Đông.”

Điều đáng chú ý về cuộc tập trận tháng 4 đó là các đơn
vị thuộc hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải đã được điều động xuống khu vực phía
Nam, nơi từ trước đến nay là địa bàn hoạt động của riêng hạm đội Nam Hải. Điều
đó có nghĩa là Hải quân Trung Quốc đã dự phòng khả năng là khi cần thiết có thể
rút hai hạm đội ở phía Bắc và phía Đông xuống tăng cường cho phía Nam.  Còn
hạm đội Nam Hải của Trung Quốc hiện đang được hiện đại hóa với việc lần đầu
tiên một tàu ngầm hạt nhân loại Jin và tàu đổ bộ được triển khai đến căn cứ Hải
quân trên đảo Hải Nam.
Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân đến nơi này, vốn đã là
căn cứ cho các tàu chiến và tàu ngầm tàu ngầm thông thường.

Đến cuối tháng 7, một cuộc tập trận hải quân rầm rộ nhất
từ trước đến nay đã lại được tiến hành ở Biển Đông, và một lần nữa kết hợp cả
ba hạm đội Bắc, Đông và Nam Hải, với hàng chục tàu chiến thuộc loại hiện đại nhất
của Hải quân Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 11, đến lượt Thủy quân lục
chiến Trung Quốc tập trận trong vùng biển Đông, với 100 chiến hạm, tàu ngầm và
máy bay, cùng với 1.800 binh lính. Như để phô trương thêm thanh thế, vào tháng
8, một chiếc tàu lặn của Trung Quốc đã cắm một lá cờ của nước này xuống đáy Biển
Đông để chứng minh chủ quyền.

Về các động thái quân sự của Trung Quốc, giáo sư
Thayer nhận định: “Các cuộc tập trận nhằm
chứng tỏ rằng Trung Quốc hiện đã có khả năng triển khai lực lượng vượt qua rặng
đảo thứ nhất để đến chuỗi đảo thứ hai. Thông điệp gởi đi rất rõ ràng : Trung Quốc
đã có năng lực triển khai một lực lượng hải quân hùng hậu trong một thời gian
dài trong vùng quần đảo Trường Sa và sâu xuống phía nam”.

Sức ép đối với Việt Nam : ngư dân và lệnh cấm đánh cá

Song song với việc tập trận thị uy, Trung Quốc đã làm
cho tình hình Biển Đông căng thẳng bằng những hành động cũng rắn thô bạo nhằm
khẳng định chủ quyền của họ, đặc biệt là nhắm vào ngư dân Việt Nam. Ngay từ năm
2009, báo chí Việt Nam đã ghi nhận việc Trung Quốc bắt giữ hoặc tịch thu 30 chiếc
tàu đánh cá Việt Nam cùng với 433 ngư dân. Các hành động này tiếp diễn, thậm
chí gia tăng trong năm nay, nhất là tại vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đã bị Trung
Quốc chiếm giữ từ năm 1974 đến nay.

Điểm qua báo chí Việt Nam, riêng trong 3 tháng đầu năm
2010, đã có 30 vụ tàu đánh cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ cùng với hơn 200
ngư dân. Nghiêm trọng nhất là trường hợp 107 người Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị giam
giữ trong vòng hai tháng. Một bản tin khác nêu lên con số hơn 30 tàu thuyền
đánh cá Việt Nam bị chặn bắt trong nửa cuối tháng Sáu. Đến tháng 10, lại có
thông tin của hãng thông tấn Đức DPA xác đinh  “trong những tháng gần đây, hàng
trăm tầu cá Việt Nam
bị Trung Quốc bắt giữ trong vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Điểm đáng lưu ý là trong nhiều vụ, phía Trung Quốc đã
buộc các ngư dân nộp phạt, qua đó cho là họ đã vi phạm luật lệ trên lãnh thổ
Trung Quốc, cho dù những vùng hoạt động của tàu thuyền đánh cá Việt Nam không hề
được công nhận là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Vấn đề buộc các nước khác chấp nhận
các đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông còn được Bắc Kinh thể hiện qua việc
đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá trên một khu vực rông lớn ở Biển Đông. Để
buộc các nước khác tuân thủ lệnh này, Trung Quốc đã cử càng lúc càng nhiều tầu
gọi là Ngư chính đến khu vực.

Phản ứng của Việt Nam trước các hành động kể trên thường
là công khai lên tiếng phản đối, xác định trở lại chủ quyền của mình, và yêu cầu
Trung Quốc thả các tàu thuyền và ngư dân khi họ bị bắt giữ. Tuy nhiên, giáo sư
Thayer cũng ghi nhận một phản ứng mạnh mẽ bất thường:

“Tháng 3, tại
quần đảo Trường Sa, tàu đánh cá của Trung Quốc báo động là họ bị tàu đánh cá Việt
Nam sách nhiễu và cầu cứu. Trung Quốc cử hai tàu ngư chính từ Hải Nam đến
tiếp cứu. Thế nhưng khi đến nơi, hai chiếc tàu này đã bị các tàu đánh cá Việt Nam bao vây.
Trung Quốc đã phải ra lệnh cho chiến hạm của Hạm đội Biển Đông tham gia tập trận
gần đấy đến giải cứu. Nhưng khi các chiến hạm này đến hiện trường thì toàn bộ
đoàn tàu đánh cá Việt Nam
đã đi mất. Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sâu đó đã bỏ neo ngoài khơi đảo Chữ
Thập (Fiery Cross Reef) trước khi tiếp tục hành trình về phía nam để tiến hành
tập trận ở vùng phía Đông eo biển Malacca”.

Trong năm 2010, vùng quần đảo Hoàng Sa đã nổi lên
thành điểm nóng ở biển Đông sau khi Trung Quốc có những động thái nhằm khai
thác vùng bị họ lấn chiếm này trên bình diện kinh tế và du lịch.

Vào đầu năm, Việt Nam đã phải tái khẳng định chủ quyền
của mình trên quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung Quốc loan báo kế hoạch phát triển
du lịch tại quần đảo Hoàng Sa. Đến tháng 5, Việt Nam lại lên tiếng một lần nữa
khi Trung Quốc cho hải quân hộ tống tàu thăm dò địa chấn MV Western Spirit đến
khảo sát vùng ngoài khơi đảo Tri Tôn cũng như tại ba lô thăm dò dầu khí của Việt
Nam mang ký hiệu 141, 142 và 143. Việc Trung Quốc thực hiện các công trình trên
đảo Tri Tôn cũng đã bị Việt Nam
chính thức phản đối và yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động.

Phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ

Sau cùng, trong năm 2010, tình hình Biển Đông cũng sôi
động hẳn lên với sự kiện Bắc Kinh nâng vùng biển Đông lên hàng “lợi ích quốc
gia cốt lõi” khiến cho rất nhiều nước quan ngại trong đó có Hoa Kỳ. Washington
đã tranh thủ cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình dấn thân sâu hơn vào vùng
Đông Nam Á thông qua vấn đề Biển Đông.

Trước tiên hết, trong lãnh vực quân sự, Hoa Kỳ từ nhiều
năm nay đã tỏ ý quan ngại trước đà vươn lên của quân đội Trung Quốc, nhất là
trong lãnh vực hải quân, đe dọa ưu thế mà Mỹ đang nắm giữ. Một cách kín đáo,
Hoa Kỳ đã cho triển khai gần 2 phần ba trong số 53 chiếc tiềm thủy đỉnh thuộc
loại tấn công nhanh qua vùng Thái Bình Dương, đặt căn cứ tại Trân Châu Cảng,
trên đảo Hawaii và tại đảo Guam.

Sau đợt tập trận biểu dương lực lượng của Hải quân
Trung Quốc vào tháng 4, đến khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, quân đội Mỹ đã
cho ba chiếc tầu ngầm thuộc loại hiện đại của mình xuất hiện đồng thời tại ba địa
điểm trong đó có chiếc USS Ohio, xuất hiện tại Subic Bay ở Philippines. Chiếc Ohio thuộc loại tiềm thủy
đỉnh đã được cải tiến để mang theo một hỏa lực hùng hậu bao gồm 154 chiếc hỏa
tiễn tuần tiểu Tomahawk.

Đối với giáo sư Thayer hành động này không phải là ngẫu
nhiên mà là một quyết định “ phô trương sức
mạnh hải quân có tính toán”.

Hai mũi tiến công quốc phòng và ngoại giao của Mỹ

Nhưng phản ứng được chú ý nhiều nhất của Mỹ là trên
bình diện chính trị ngoại giao, với hai mũi tấn công đến từ Bộ trưởng Quốc
phòng Robert Gates và Ngoại Trưởng Hillary Clinton.

Tại Đối thoại Shangi La ở Singapore vào tháng 6, dù
không nêu đích danh Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tỏ ý lo
ngại về nguy cơ Biển Đông trở thành một khu vực mà “những tranh chấp lãnh thổ có thể đe dọa đến quyền tự do lưu thông
trên biển và việc phát triển kinh tế khu vực”.
Ông Gates đã dẫn chứng bằng
các hành động bất bí của Trung Quốc nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với
Việt Nam: “Hoa Kỳ chống lại mọi hành động nhằm hù
dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng
tại khu vực này”.

Theo ông Robert Gates, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng. Đó
là duy trì một vùng biển ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế tự do và
không bị cản trở. Bộ Trưởng quốc phòng Mỹ đã nhắc lại lập trường cố hữu của Hoa
Kỳ là không chọn phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải
quyết bất đồng bằng các phương pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Gần hai tháng sau, tại Diễn đàn An ninh khu vực Asean
ARF, đến lượt ngoại trưởng Hillary Clinton lên tiếng ngày 23/7, xác định 
“lợi ích quốc gia” của Mỹ bao gồm :
“Quyền tự do hàng hải, quyền tiến vào các vùng biển chung của châu Á, và sự
tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông”
. Về các tranh chấp chủ
quyền lãnh thổ, cũng như ông Gates trước đó, bà Clinton nhắc lại lập trường cố hữu là không
bênh phía nào. Thế nhưng theo bà, Hoa Kỳ chống lại việc đe dọa dùng võ lực và
hy vọng là các bên tìm ra được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề.

Điều đáng nói là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ đã được
hơn một chục nước trong đó có Việt Nam tán đồng khiến cho ngoại trưởng
Trung Quốc mất bình tĩnh và phản ứng tức tối.

Thế nhưng quan điểm của Mỹ, bảo vệ quyền tự do thông
thương tại Biển Đông như kể trên đã được cả ông Gates lẫn bà Clinton nhắc lại
trong hai Hội nghị vào tháng 10 tại Hà Nội, trước đại diện của 18 nước châu Á
Thái Bình Dương trong Hội Nghị Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, rồi Hội
nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Về phần Trung Quốc, sau những phát biểu gay gắt vào
tháng 7 và 8, nước này sau đó đã có phần dịu giọng hơn, một thái độ hòa hoãn được
thấy rõ tại hai hội nghị tháng 10 tại Hà Nội.

Theo giới quan sát, Việt Nam
đã thành công trong vai trò chủ tịch Asean khi nêu được vấn đề Biển Đông tại
các hội nghị quốc tế mà mình chủ trì từ tháng 7 đến tháng 11, và lại được nhiều
nước ủng hộ. Đây cũng là một yếu tố nổi bật liên quan đến Biển Đông trong năm
2010./.

Hằng Lê

 

RELATED ARTICLES

Tin mới